Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Sự im lặng của bầy cừu

Khi thuyết vật linh là hệ thống tín ngưỡng chủ đạo, những chuẩn mực và giá trị của con người phải cân nhắc đến cả thế giới quan và lợi ích của vô số chúng sinh khác, chẳng hạn như động vật, thực vật, thần tiên và ma quỷ. Ví dụ, một bộ lạc cắt cỏ cho súc vật ở vùng thung lũng sông Hằng có thể đã thiết lập một quy tắc cấm mọi người chặt một cây vả cổ thụ to nào đó, vì sợ rằng thần cây vả sẽ trở nên tức giận và trả thù.

Một bộ lạc cổ xưa sinh sống ở thung lũng Indus có thể cấm người dân săn cáo đuôi trắng, vì có một con cáo đuôi trắng từng hé lộ cho một cụ bà khôn ngoan về nơi bộ lạc có thể tìm thấy những viên đá núi lửa quý giá.

Những tôn giáo này có thế giới quan mang đậm tính địa phương, và nhấn mạnh vào những đặc điểm độc đáo của các địa bàn, khí hậu và hiện tượng cụ thể. Hầu hết những người cắt cỏ cả đời chỉ sống trong một khu vực rộng không quá 1.000 km². Để tồn tại, cư dân của một thung lũng nào đó cần hiểu được trật tự siêu nhiên cai quản thung lũng của họ và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Thật vô nghĩa khi cố gắng thuyết phục cư dân của một số thung lũng xa xôi nào đó tuân theo các quy tắc tương tự. Người bộ lạc Indus chẳng bận tâm đến việc phái các nhà truyền giáo đến thung lũng sông Hằng để thuyết phục người dân địa phương không được săn cáo đuôi trắng.

Cách mạng Nông nghiệp dường như đi kèm với một cuộc cách mạng tôn giáo. Người săn bắt hái lượm săn tìm những loại động thực vật hoang dã vốn được xem là có địa vị bình đẳng với người Homo sapiens. Việc con người săn cừu sẽ không khiến loài cừu trở nên thấp kém hơn anh ta, giống như việc loài hổ săn bắt con người không làm cho con người thấp kém hơn con hổ. Các sinh linh thông tri với nhau trực tiếp và thỏa hiệp các quy tắc quản lý môi trường sống chung của mình. Ngược lại, nông dân sở hữu, điều khiển động thực vật, và hiếm khi hạ mình giao tiếp với những gì thuộc sở hữu của họ. Do đó tác động tôn giáo đầu tiên của Cách mạng Nông nghiệp là biến cây trông và vật nuôi từ vị thế là những thành viên bình đẳng trên bàn tròn tâm linh trở thành vật sở hữu.

Nhưng điều này gây ra một vấn đề lớn. Nông dân có thể mong muốn quyền kiểm soát tuyệt đối với những con cừu của họ, nhưng họ biết rất rõ rằng quyền kiểm soát của họ bị giới hạn. Họ có thể nhốt cừu trong chuồng, thiến con đực và chọn cừu cái giống, nhưng họ không thể đảm bảo cừu cái được thụ thai và sinh ra cừu con khỏe mạnh, họ cũng không thể ngăn chặn được sự bùng phát các dịch bệnh chết chóc. Vậy làm thế nào để bảo vệ khả năng sinh sản của đàn gia súc?

Một giả thuyết hàng đầu về nguồn gốc của các vị thần cho rằng, các vị thần có được tầm quan trọng vì họ đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Các vị thần như nữ thần sinh sản, thần bầu trời và thần y học đóng vai trò trung tâm khi thực vật và động vật mất đi khả năng nói chuyện, và vai trò chính của các vị thần là làm cầu nối giữa con người và các loài động thực vật câm lặng. Trên thực tế, phần lớn các thần thoại cổ đại là một hợp đồng pháp lý, trong đó con người hứa muôn đời thờ phụng các thần để đổi lấy quyền làm chủ với vật nuôi, cây trồng – những chương đầu của Sáng thế ký là một ví dụ điển hình. Trải qua hàng ngàn năm sau Cách mạng Nông nghiệp, nghi thức tế lễ chủ yếu bao gồm việc con người mang cừu, rượu vang và bánh ngọt hiến tế cho các thần linh, đổi lại các vị thần này hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu và đàn gia súc mắn đẻ.

Cách mạng Nông nghiệp ban đầu có ảnh hưởng rất nhỏ đối với thực trạng của các thành viên khác trong hệ thống tín ngưỡng vật linh, chẳng hạn như đá, suối, ma quỷ. Tuy nhiên, các vật linh này cũng dần mất đi vị thế của nó, nhường chỗ cho các vị thần mới. Chừng nào còn sống cả đời trong những lãnh thổ diện tích vài trăm cây số vuông, chừng đó hầu hết nhu cầu của con người có thể được thần linh địa phương đáp ứng hết. Nhưng một khi các vương quốc và mạng lưới thương mại mở rộng, con người cần tiếp cận các thực thể có sức mạnh và uy quyền bao trùm toàn thể vương quốc hoặc toàn bộ lưu vực thương mại.

Nỗ lực để giải đáp cho những nhu cầu này dẫn đến sự xuất hiện của các tôn giáo đa thần (polytheistic, tiếng Hy Lạp: poly có nghĩa là nhiều, theos có nghĩa là thần). Những tôn giáo này hiểu rằng thế giới được điều khiển bởi một nhóm các vị thần đầy quyền năng, chẳng hạn như nữ thần sinh sản, thần mưa và thần chiến tranh. Con người có thể khẩn cầu các vị thần, và nếu các vị đó nhận được sự sùng kính và vật hiến tế, thì có thể rủ lòng ban cho mưa, chiến thắng và sức khỏe.

Thuyết vật linh đã không hoàn toàn biến mất vào thời điểm ra đời của đa thần giáo. Ác quỷ, thần tiên, ma mãnh, đá thần, suối nước thánh và cây thiêng vẫn là một phần không thể thiếu của hầu hết các tôn giáo đa thần. Những thần linh này có thể không quan trọng bằng các vị thần vĩ đại, nhưng đối với những nhu cầu trần tục của người dân bình thường thì vậy cũng là đủ. Trong khi hoàng đế ở kinh đô hiến tế hàng chục con cừu béo tốt cho vị thần chiến tranh vĩ đại, cầu nguyện cho chiến thắng trước những kẻ man rợ, thì bác nông dân trong túp lều của mình thắp một ngọn nến cầu thần cây vả, xin thần giúp chữa lành cho đứa con trai bị bệnh của mình.

Tuy nhiên, khi các vị thần hiển linh, tác động lớn nhất của các ngài không phải ở đàn cừu hay ma quỷ, mà chính là ở vị thế của Homo sapiens. Thuyết vật linh cho rằng con người chỉ là một trong rất nhiều sinh vật sống trên thế giới. Trong khi đó, thuyết đa thần lại ngày càng nhìn nhận thế giới như là một sự phản ánh của mối quan hệ giữa thần linh và con người. Những lời cầu nguyện, những hy sinh, những tội lỗi và những việc thiện của chúng ta xác định số phận của toàn bộ hệ sinh thái. Một cơn lũ khủng khiếp có thể quét sạch hàng tỉ con kiến, châu chấu, rùa, linh dương, hươu cao cổ và voi, chỉ vì một vài Sapiens ngu ngốc đã làm các vị thần nổi giận. Đa thần giáo qua đó tôn vinh không chỉ vị thế của các vị thần, mà của cả nhân loại. Những thành viên kém may mắn của các hệ thống duy linh cũ đánh mất vai trò của mình, trở nên thừa thãi hoặc là một vật trang trí câm lặng trong vở kịch vĩ đại về mối quan hệ của con người với các vị thần.

Lợi ích của việc sùng bái thần linh

Sau 2.000 năm bị độc thần giáo tẩy não, hầu hết người phương Tây đều xem đa thần giáo như một biểu tượng của sự mông muội và ấu trĩ. Đây là một định kiến bất công. Để hiểu được logic bên trong của đa thần giáo, ta cần phải nắm bắt ý tưởng trung tâm xây đắp lên niềm tin vào nhiều vị thần linh.

Đa thần giáo không nhất thiết phải tranh cãi về sự tồn tại của một thế lực hoặc bộ luật duy nhất điều khiển toàn bộ vũ trụ. Trong thực tế, đa số đa thần giáo và thậm chí cả vật linh công nhận quyền lực tối cao đứng đằng sau tất cả các vị thần, ma quỷ và đá thiêng khác nhau. Trong đa thần giáo Hy Lạp cổ điển, thần Zeus, Hera, Apollo và các vị thần khác đều chịu khuất phục trước quyền năng vô hạn và bao trùm lên tất cả – đó là Số phận (Moira, Ananke). Các vị thần Bắc Âu cũng là nô lệ cho số phận, cam chịu số phận diệt vong trong ngày tận thế Ragnarök (Hoàng hôn của các vị thần). Trong đa thần giáo của người Yoruba ở Tây Phi, thần linh đều được sinh ra từ một vị thần tối cao Olodumare, và là tôi tớ của vị thần này. Trong đa thần giáo Hindu, một nguyên lý duy nhất, Atman, kiểm soát vô số các vị thần linh, con người, thế giới sinh học và vật lý. Atman là bản ngã vĩnh cửu hay linh hồn của toàn bộ vũ trụ, cũng như của mỗi cá nhân và mọi hiện tượng.

Điểm cơ bản của đa thần giáo để phân biệt nó với độc thần giáo, đó là thế lực tối cao chi phối thế giới không có những vị lợi và thiên kiến, và do đó nó không quan tâm đến những ham muốn, mối bận tâm và lo lắng trần tục của con người. Như vậy, thật vô nghĩa khi cầu xin thế lực này ban cho chiến thắng trong cuộc chiến, ban cho sức khỏe hay ban cho mưa, bởi vì ưu thế là thế lực bao trùm, cho nên dẫu là vương quốc nào đó chiến thắng hay bại trận, dẫu là một thành phố thịnh vượng hay tàn lụi nào đó, dẫu là một người phục hồi hay qua đời nào đó, đều không có sự phân biệt. Người Hy Lạp đã không lãng phí bất kỳ đổ hiến tế nào cho Định mệnh (Fate), và người Hindu cũng không xây dựng đền thờ nào cho Atman.

Lý do duy nhất để đến với quyền lực tối cao của vũ trụ là từ bỏ hết mọi tham sân si và bằng lòng với cả cái hay cái dở – chấp nhận cả thất bại, nghèo đói, bệnh tật và cái chết. Vì vậy một số người theo đạo Hindu, được gọi là Sadhus hoặc Sannyasis, cống hiến cả đời mình cho việc hợp nhất với Atman, từ đó đạt được giác ngộ. Họ cố gắng nhìn nhận thế giới từ quan điểm của nguyên tắc cơ bản này để nhận ra rằng từ quan điểm vĩnh cửu của nó, tất cả những ham muốn và sợ hãi trần tục là những hiện tượng phù du, vô nghĩa.

Tuy nhiên, đa phần người Hindu ở Ấn Độ không phải là những người Sadhus. Họ chìm sâu trong mớ rối rắm của các lo toan thế tục mà Atman không giúp đỡ được gì nhiều. Để được hỗ trợ trong các vấn đề như vậy, người Hindu tiếp cận các vị thần với phần quyền lực nào đó. Chính vì quyền hạn của họ chỉ là một phần chứ không phải tất cả, nên các thần như Ganesha, Lakshmi và Saraswati đều có những vị lợi và thành kiến riêng. Do đó con người có thể thỏa hiệp một phần với các thế lực này, và trông cậy vào sự giúp đỡ của họ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh và phục hồi bệnh tật. Nhất định phải có rất nhiều quyền lực được chia nhỏ, bởi một khi bạn bắt đầu phân chia quyền lực bao trùm một thế lực tối cao, chắc chắn bạn sẽ có nhiều hơn một vị thần. Vì vậy ta có đa thần.