Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Anh ta và chị ta

Những xã hội khác nhau sẽ đi theo những kiểu phân tầng tưởng tượng khác nhau. Chủng tộc rất quan trọng với người Mỹ hiện đại, nhưng lại tương đối vô nghĩa với người Hồi giáo trung cổ. Đẳng cấp là một vấn đề sống chết ở Ấn Độ trung cổ, trong khi ở châu Âu hiện đại nó thực tế không tồn tại. Tuy nhiên, một sự phân tầng đã trở nên tối quan trọng trong tất cả xã hội loài người từng biết đến: hệ thống phân tầng về giới tính. Con người ở tất cả mọi nơi tự phân chia bản thân họ thành đàn ông và đàn bà. Và ở mọi nơi, hầu hết đàn ông đều được đối xử tốt hơn, ít nhất là từ sau Cách mạng Nông nghiệp.

Một số văn bản tiếng Hán sớm nhất được khắc trên những mảnh xương, gọi là giáp cốt văn, có niên đại khoảng năm 1200 TCN, được dùng để tiên đoán về tương lai. Một mảnh xương có khắc câu hỏi: “Việc hạ sinh của phu nhân Hao sẽ may mắn chứ?” Và câu trả lời được khắc là: “Nếu đứa trẻ được sinh ra vào ngày Đinh thì sẽ may mắn, nếu vào ngày Canh thì sẽ rất có triển vọng”. Tuy nhiên, phu nhân Hao lại sinh con vào ngày Giáp Dần. Và văn bản đã kết thúc với một lời nhận xét buồn rầu: “Ba tuần trăng và một ngày sau, đứa trẻ được sinh ra vào ngày Giáp Dần. Thật không may, đó là một bé gái”. Và khoảng hơn 3.000 năm sau, khi Trung Quốc ban hành chính sách “một con”, nhiều gia đình tiếp tục coi việc sinh con gái là một điều không may mắn. Cha mẹ cũng thỉnh thoảng bỏ hoặc giết những bé gái mới sinh để có thể có cơ hội sinh con trai.

Ở nhiều xã hội, phụ nữ đơn giản chỉ là vật sở hữu của đàn ông, thường là cha, chồng và con trai họ. Hiếp dâm, trong nhiều hệ thống pháp luật, bị coi là xâm phạm tài sản – nói cách khác, nạn nhân không phải là người phụ nữ bị hiếp dâm mà là người đàn ông sở hữu cô ta. Trong trường hợp này, biện pháp pháp lý là chuyển quyền sở hữu – kẻ hiếp dâm được yêu cầu phải trả một khoản tiền bằng với giá mua một cô dâu cho cha hoặc anh trai của người phụ nữ, và cô ta trở thành tài sản của kẻ hiếp dâm. Kinh Thánh tuyên bố rằng: “Nếu một người đàn ông gặp một trinh nữ chưa hề đính hôn, bắt cô ta và ngủ với cô ta, và họ bị bắt quả tang, thì người đàn ông sẽ phải đưa cho cha của cô gái 30 shekel bạc, và cô ta sẽ trở thành vợ của người này” (Đệ nhị Luật 22:28-9). Người Do Thái cổ đại đã xem đây như một sự dàn xếp hợp lý.

Hiếp dâm một phụ nữ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người đàn ông nào hoàn toàn không bị xem là phạm tội, giống như nhặt một đồng bạc bị rơi trên phố đông người thì không bị coi là ăn cắp. Và nếu người chồng hãm hiếp chính người vợ của mình, anh ta cũng không bị coi là phạm tội. Trong thực tế, quan niệm người chồng có thể hiếp dâm vợ mình là một cách nói đầy mâu thuẫn. Làm chồng nghĩa là hoàn toàn kiểm soát đời sống tình dục của vợ mình. Nói rằng chồng “hiếp dâm” vợ là một điều phi lý giống như nói người đàn ông ăn cắp chiếc ví của chính anh ta. Những suy nghĩ như vậy đã không chỉ tồn tại ở Trung Đông cổ đại. Vào năm 2006, vẫn còn 53 quốc gia mà người chồng không bị khởi tố vi đã hiếp dâm vợ mình. Thậm chí ở Đức, luật về hiếp dâm chỉ được sửa đổi vào năm 1997 để tạo ra một phạm trù pháp luật về hiếp dâm trong hôn nhân.

Liệu sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà có là một sản phẩm của trí tưởng tượng giống như hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ và hệ thống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, hoặc liệu nó có phải là một sự phân biệt tự nhiên với nguồn gốc sinh học sâu xa? Và nêu nó quả là một sự phân biệt tự nhiên, thì liệu có sự lý giải nào về mặt sinh học cho sự thiên vị dành cho đàn ông hơn đàn bà?

Một số bất bình đẳng văn hoá, pháp luật và chính trị giữa đàn ông và đàn bà phản ánh sự khác nhau sinh học hiển nhiên giữa các giới. Mang thai đã luôn là công việc của người phụ nữ, vì đàn ông không có tử cung. Song, xung quanh phần lõi phổ biến khắc nghiệt này, mỗi xã hội đều tích tụ hết lớp này tới lớp khác các quan điểm và quy tắc văn hoá, có rất ít liên quan về mặt sinh học. Các xã hội liên kết một loạt các thuộc tính với nam tính và nữ tính, hầu hết chúng đều thiếu một nền tảng sinh học vững chắc.

Ví dụ, ở Athens dân chủ vào thế kỷ 5 TCN, một cá nhân sở hữu tử cung không có tư cách pháp nhân độc lập, và bị cấm tham gia các cuộc họp hội đồng phổ thông hoặc làm quan tòa. Với một số ngoại lệ, những cá nhân như vậy không thể được hưởng lợi ích của sự giáo dục tốt, cũng như không được kinh doanh hoặc thảo luận triết học. ở Athens, không ai trong số những nhà lãnh đạo chính trị, triết gia vĩ đại, nhà hùng biện, nghệ sĩ hoặc nhà buôn, là phụ nữ. Liệu việc có tử cung đã làm cho một người không phù hợp về mặt sinh học với những nghề nghiệp trên? Người Athens cổ đại đã nghĩ như vậy. Người Athens hiện đại thì không đồng tình. Ở Athens ngày nay, phụ nữ được bầu cử, được lựa chọn vào các cơ quan nhà nước, được diễn thuyết, được thiết kế mọi thứ, từ đồ trang sức, đến nhà cao tầng, phần mềm, và được học đại học. Tử cung của họ không ngăn họ có thể làm được những việc này và cũng thành công như đàn ông. Đúng là họ vẫn là chỉ là thiểu sổ trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh – chỉ có khoảng 12% thành viên trong Nghị viện Hy Lạp là phụ nữ. Nhưng không có một rào cản pháp lý nào đối với sự tham gia của họ vào chính trị, và hầu hết người Hy Lạp hiện đại đều nghĩ rằng một phụ nữ làm việc trong bộ máy nhà nước là điều hoàn toàn bình thường.

Nhiều người Hy Lạp hiện đại còn nghĩ rằng một phần không thể thiếu của người đàn ông là chỉ bị đàn bà hấp dẫn tình dục và chỉ có quan hệ tình dục với giới tính đối lập. Họ không thấy rằng, do những thành kiến về văn hoá hơn là những thực tế sinh học – các mối quan hệ giữa hai người thuộc hai giới khác nhau là tự nhiên và giữa hai người đồng giới là không tự nhiên. Mặc dù vậy, trong thực tế, Mẹ Thiên nhiên không quan tâm nếu những người đàn ông cảm thấy hấp dẫn tình dục với nhau. Chỉ có những người mẹ của loài người, đắm chìm trong những nền văn hoá đặc biệt, sẽ gây chuyện cãi lộn nếu con trai mình phải lòng cậu hàng xóm. Những cơn thịnh nộ của người mẹ không mang tính cưỡng ép sinh học. Một số đáng kể các nền văn hoá của con người đều nhìn nhận các mối quan hệ đồng tính không chỉ hợp pháp mà thậm chí còn mang tính xây dựng xã hội, người Hy Lạp cổ đại là một ví dụ rất nổi tiếng. Trường ca Iliad không nói gì về việc Thetis có bất cứ phản đối nào về mối quan hệ giữa Achilles con trai bà với Patroclus. Nữ hoàng Olympias của Macedon là một trong những phụ nữ nóng nảy và quả quyết nhất của thế giới cổ đại, có chồng là Vua Philip bị ám sát. Song, bà ta không chút tức giận khi con trai mình, Alexander Đại đế, đưa người yêu là Hephaestion về nhà ăn tối.

Làm thế nào để chúng ta phân biệt được những gì do sinh học xác định với những gì mà con người cố gắng bào chữa qua những câu chuyện huyền thoại sinh học? Một kinh nghiệm hữu ích là “Sinh học cho phép, Văn hoá cấm đoán”. Sinh học sẵn sàng dung thứ một phạm vi rất rộng các khả năng có thể xảy ra. Chính văn hoá mới cưỡng ép con người nhận thức một số khả năng trong khi lại cấm đoán những khả năng khác. Sinh học cho phép phụ nữ có con – một số nền văn hoá cưỡng ép phụ nữ nhận thức được khả năng này. Sinh học cho phép đàn ông tận hưởng tình dục với người khác – nhưng một số nền văn hoá lại cấm họ nhận thức được khả năng này.

Văn hoá thường tranh luận rằng, nó chỉ cấm những cái không tự nhiên. Nhưng từ quan điểm sinh học, không có gì là không tự nhiên. Bất cứ cái gì có thể xảy ra, theo định nghĩa đều là tự nhiên. Một hành xử không tự nhiên thực sự, chống lại các quy luật của tự nhiên, thì đơn giản là không thể tồn tại, vì vậy nó không cần bất cứ sự cấm đoán nào. Không một nền văn hoá nào từng cấm người đàn ông quang hợp, người phụ nữ chạy nhanh hơn tốc độ của ánh sáng hoặc những electron tích điện âm hút lẫn nhau.

Sự thật là những định nghĩa của chúng ta về “tự nhiên” và “không tự nhiên” không dựa trên khía cạnh sinh học, mà từ thần học. Ý nghĩa của “tự nhiên” theo thần học là “tuân theo những ý muốn của Chúa người đã tạo ra tự nhiên”. Những nhà thần học cho rằng Chúa đã tạo ra cơ thể của con người, với ý muốn là mỗi chi và mỗi cơ quan phục vụ cho một mục đích riêng biệt. Nếu chúng ta sử dụng các chi và các cơ quan theo ý muốn của Chúa, đây là một hành động tự nhiên. Nếu chúng ta sử dụng khác với mục đích của Chúa, thì điều này là không tự nhiên. Nhưng tiến hoá không có mục đích. Những cơ quan cơ thể không tiến hoá vì một mục đích nào cả và cách sử dụng chúng được thay đổi liên tục. Không một cơ quan đơn lẻ nào trong cơ thể con người chỉ thực hiện công việc mà nguyên mẫu của nó đã làm khi lần đầu tiên xuất hiện hàng trăm triệu năm về trước. Các cơ quan tiến hoá để thực hiện một chức năng riêng biệt, nhưng một khi đã tồn tại, chúng có thể được dùng cho những cách khác nữa. Ví dụ như cái miệng, xuất hiện bởi vì các sinh vật đa bào đầu tiên cần một cách nào đó để lấy chất dinh dưỡng vào trong cơ thể mình. Cái miệng vẫn được chúng ta sử dụng cho mục đích này, nhưng chúng ta còn dùng chúng để hôn, để nói, và nếu chúng ta là Rambo, miệng còn được dùng để kéo chốt an toàn của lựu đạn. Liệu những cách dùng này có không tự nhiên, đơn giản vì những tổ tiên giống sâu của chúng ta 600 triệu năm về trước không làm những việc này bằng miệng của họ?