Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Tại sao Cách mạng Nông nghiệp lại nổ ra ở Trung Đông, Trung Hoa và Trung Mỹ mà không phải ở châu Úc, Alaska hay Nam Á? Lý do rất đơn giản: hầu hết các loài động thực vật không thể thuần hoá được. Sapiens có thể đào xới để tìm loại nấm cục ngon ngọt, và săn bắt những con voi ma-mút có lông mịn như len, nhưng thuần hoá các loài này thì không thể. Nấm cục quá khó kiếm, còn những con thú khổng lồ thì quá hung bạo. Trong hàng ngàn loài động thực vật mà tổ tiên chúng ta đã sân bắt và hái lượm, chỉ một số ít là thích hợp với trồng trọt và chăn nuôi. Số ít loài này sống ở những khu vực đặc biệt, và đây là những nơi xuất hiện các cuộc Cách mạng Nông nghiệp.

Các vị trí và thời điểm của Cách mạng Nông nghiệp

Bản đồ 2. Các vị trí và thời điểm của Cách mạng Nông nghiệp. Dữ liệu vẫn còn tranh cãi, và bản đồ đang được vẽ lại liên tục để tích hợp những phát hiện khảo cổ mới nhất.

Các học giả một lần nữa tuyên bố rằng Cách mạng Nông nghiệp là bước nhảy vọt của nhân loại. Họ kể một câu chuyện về sự tiến bộ được thúc đẩy bằng sức mạnh trí tuệ loài người. Tiến hoá đã tạo ra ngày càng nhiều con người thông minh. Cuối cùng, con người trở nên thông minh tới mức họ có thể giải mã được những bí mật của tự nhiên, giúp họ thuần hoá cừu và trồng lúa mì. Và ngay khi điều này diễn ra, họ vui vẻ từ bỏ cuộc sống săn bắt hái lượm đầy khó khăn, nguy hiểm và khổ hạnh, để an cư lạc nghiệp và tận hưởng cuộc sống no đủ, dễ chịu của người nông dân.

Câu chuyện này là một sự hư cấu. Không có bằng chứng nào cho thấy con người đã trở nên thông minh hơn theo thời gian. Những người hái lượm đã biết được bí mật của tự nhiên từ trước Cách mạng Nông nghiệp rất lâu, bởi sự sống còn của họ phụ thuộc vào những kiến thức sâu sắc về các loài động thực vật mà họ đã săn bắt và hái lượm. Thay vì báo hiệu cho một kỷ nguyên mới dễ sống, Cách mạng Nông nghiệp lại đem tới cho nông dân cuộc sống nhìn chung có vẻ khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn so với người hái lượm. Người săn bắt hái lượm sử dụng thời gian của mình thú vị và phong phú hơn, ít bị cơn đói và bệnh tật đe dọa hơn. Cách mạng Nông nghiệp tất nhiên đã làm tăng tổng lượng thức ăn dự trữ của loài người, nhưng nhiều thức ăn không có nghĩa là có một chế độ ăn tốt hơn. Đúng hơn, nó biến thành những đợt bùng nổ dân số và tạo ra giới tinh hoa được nuông chiều. Những nông dân bình thường phải làm việc vất vả hơn những kẻ hái lượm bình thường, và lại có một chế độ ăn uống tồi hơn. Cách mạng Nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất của lịch sử.

Ai chịu trách nhiệm? Không phải vua, không phải tu sĩ, cũng không phải thương gia. Thủ phạm là một nhúm các loài thực vật, gồm lúa mì, gạo và khoai tây. Chúng đã thuần hoá Homo sapiens chứ không phải là ngược lại.

Thử suy nghĩ một chút về Cách mạng Nông nghiệp từ quan điểm về lúa mì. 10.000 năm trước đây, lúa mì chỉ là một trong nhiều loài cỏ dại, sống hạn chế trong một phạm vi nhỏ ở Trung Đông. Đột nhiên, chỉ trong một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi, nó đã phát triển ra khắp thế giới. Theo các tiêu chí cơ bản về tiến hoá của sự sống và sinh sản, lúa mì đã trở thành một trong những loài cây thành công nhất trong lịch sử Trái đất. Ở những khu vực như Đại Bình Nguyên vùng Bắc Mỹ, nơi cách đây khoảng 10.000 năm không có một cây lúa mì nào mọc, giờ đây bạn có thể đi bộ hàng trăm cây số mà không bắt gặp loại cây nào khác ngoài lúa mì. Trên thế giới, lúa mì đã bao phủ khoảng 2,25 triệu km² bề mặt địa cầu, gấp gần 10 lần kích thước nước Anh. Tại sao loại cỏ này từ vị trí tầm thường lại có thể có mặt ở khắp nơi như vậy?

Lúa mì đã thành công bằng cách thao túng Homo sapiens sao cho có lợi cho nó. Loài vượn này đã sống một cuộc sống săn bắt và hái lượm vô cùng dễ chịu cho đến 10.000 năm trước, nhưng sau đó bắt đầu nỗ lực trồng lúa mì ngày càng nhiều. Trong vòng vài thiên niên kỷ, con người ở nhiều nơi trên thế giới hầu như đã dành thời gian từ sáng đến tối để chăm sóc lúa mì. Việc này không hề dễ dàng. Lúa mì đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Lúa mì không ưa sỏi đá, nên Sapiens phải dọn dẹp các cánh đồng đến gãy cả lưng. Lúa mì không chia sẻ không gian, nước và chất dinh dưỡng cho các loài cây khác, vì vậy đàn ông đàn bà phải lao động suốt ngày để rẫy cỏ dưới ánh nắng chói chang. Lúa mì dễ bị bệnh, nên Sapiens phải trông chừng sâu bệnh và rệp vừng. Lúa mì không có khả năng tự vệ trước những sinh vật thích ăn lúa, từ những bầy thỏ đến những đàn châu chấu, vì vậy nông dân phải trông chừng và bảo vệ lúa. Khi lúa mì khát nước, người ta phải lấy nước từ sông suối tưới cho nó. Khi nó đói, Sapiens phải thu gom phân động vật để bón cho đất trồng lúa mì.

Cơ thể của Homo sapiens đã không được tiến hoá cho những nhiệm vụ như vậy. Nó thích nghi với việc trèo lên cây táo hoặc đuổi theo những con linh dương, chứ không phải để dọn sạch đất đá hay xách những thùng nước. Xương sống, đầu gối, cổ và xương sườn của con người đã phải trả giá. Các nghiên cứu về những bộ xương cổ đại đã chỉ ra rằng, việc chuyển sang làm nông nghiệp dường như đã mang đến rất nhiều bệnh tật như trẹo khớp, viêm khớp và sa ruột. Hơn nữa, những công việc làm nông mới đòi hỏi rất nhiều thời gian nên con người buộc phải định cư lâu dài gần cánh đồng lúa mì của mình. Điều này đã thay đổi hoàn toàn lối sống của họ. Chúng ta không thuần hoá lúa mì. Nó đã thuần hoá chúng ta. Từ “thuần hoá” bắt nguồn từ tiếng Latin domus, nghĩa là “ngôi nhà”. Ai là người đang sống trong một ngôi nhà? Không phải lúa mì, mà đó chính là Sapiens.

Làm thế nào lúa mì có thể thuyết phục được Homo sapiens đánh đổi cuộc sống tươi đẹp để chịu cực khổ như vậy? Đổi lại, con người nhận được gì? Đó không phải là một chế độ ăn uống tốt hơn. Nên nhớ, con người thực chất là một loài vượn ăn tạp, phát triển mạnh nhờ vào việc ăn đủ loại thức ăn. Ngũ cốc chỉ là một phần rất nhỏ trong chế độ ăn uống của con người trước Cách mạng Nông nghiệp. Một chế độ ăn uống chỉ dựa vào ngũ cốc thì rất nghèo vitamin và khoáng chất, khó tiêu hoá, thực sự không tốt cho răng và lợi của bạn.

Lúa mì không mang lại an toàn lương thực cho con người. Cuộc sống của người nông dân kém an toàn hơn cuộc sống của kẻ săn bắt hái lượm. Người hái lượm dựa vào hàng chục loài động thực vật để sinh tồn, và vì vậy có thể vượt qua những năm tháng khó khăn kể cả khi không có những kho thức ăn dự trữ. Nếu số lượng một loài nào đó bị giảm, họ có thể săn bắt và hái lượm thêm loài khác. Cho đến gần đây, các xã hội nông nghiệp vẫn dựa vào một số ít loài thực vật đã được thuần hoá để lấy phần lớn lượng calo cho mình. Ở nhiều vùng, họ chủ yếu dựa vào chỉ một loại cây, như lúa mì, khoai tây hoặc lúa. Nếu không có mưa, hoặc có những đám mây châu chấu bay đến, hoặc có một loại nấm ký sinh gây bệnh cho những loại cây này, hàng ngàn hàng triệu nông dân sẽ chết đói.

Lúa mì cũng không thể bảo vệ con người trước bạo lực. Những nông dân đầu tiên ít nhất cũng hung dữ giống như tổ tiên hái lượm của họ, nếu không muốn nói là hơn. Với những nông dân có nhiều tài sản hơn, họ cần đất đai để trồng trọt. Việc bị hàng xóm cướp bóc đất đai đồng nghĩa với sự chết đói, vì vậy không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Khi một bầy hái lượm bị các đối thủ mạnh hơn chèn ép, họ có thể bỏ đi.

Việc này vất vả và nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện được. Nhưng khi một kẻ thù mạnh đe dọa một làng nông nghiệp, thì rút lui có nghĩa là bỏ lại ruộng đồng, nhà cửa, kho lương thực. Trong nhiều trường hợp, kết cục với những người tị nạn là chết đói. Vì vậy nông dân có khuynh hướng ở lại và chiến đấu đến cùng.

Chiến tranh bộ lạc ở New Guinea giữa hai cộng đồng nông nghiệp (1960)

Hình 11. Chiến tranh bộ lạc ở New Guinea giữa hai cộng đồng nông nghiệp (1960). Những cảnh thế này phổ biến trong hàng ngàn năm tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp.

Nhiều nghiên cứu về nhân học và khảo cổ học đã chỉ ra rằng trong một xã hội nông nghiệp giản đơn, không có cơ cấu chính trị nào ngoài làng xã và bộ lạc, bạo lực của con người là nguyên nhân cho khoảng 15% trường hợp tử vong, trong đó có 25% là đàn ông. Ở New Guinea ngày nay, bạo lực là nguyên nhân cho khoảng 30% trường hợp tử vong của đàn ông trong xã hội bộ lạc nông nghiệp Dani, và 35% trong bộ lạc Enga. Ở Ecuador, có lẽ khoảng 50% số người trưởng thành của bộ lạc Waoranis đã tử vong dưới tay người khác. Sau này, bạo lực của con người đã được kiểm soát bằng sự phát triển của những cơ cấu xã hội rộng hơn, như các thành phố, vương quốc và quốc gia. Nhưng phải mất hàng ngàn năm để xây dựng những cơ cấu chính trị khổng lồ và hiệu quả như vậy.

Cuộc sống làng xã chắc chắn đã mang lại cho người nông dân những lợi ích tức thì, như việc được bảo vệ tốt hơn trước những loài thú hoang dã, mưa và lạnh. Tuy nhiên, với một người bình thường thì lợi bất cập hại. Rất khó để người sống trong một xã hội phồn vinh như ngày nay hiểu được điều này. Từ khi chúng ta tận hưởng sự sung túc và an toàn, và từ khi sự sung túc và an toàn này được xây dựng dựa trên cơ sở Cách mạng Nông nghiệp, chúng ta đã cho rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tiến bộ tuyệt vời. Song, thật sai lầm khi đánh giá hàng ngàn năm lịch sử từ góc nhìn của hôm nay. Một quan điểm toàn diện hơn là của một bé gái 3 tuổi, hấp hối do suy dinh dưỡng vào thế kỷ 1 ở Trung Hoa do người cha có mùa màng thất bát. Liệu bé gái có thể nói “con hấp hối là do thiếu ăn, nhưng trong 2.000 năm tới, con người sẽ có rất nhiều thứ để ăn, và sống trong những ngôi nhà lớn có lắp điều hòa, cho nên sự đau khổ của con là một hy sinh đáng giá?”