Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Họ cần những dòng sông dâng cao để bồi đắp cho tầng đất mặt màu mỡ đã bị rửa trôi nơi cao nguyên, và làm cho hệ thống tưới tiêu rộng lớn của họ tràn đầy nước. Nhưng những cơn lũ dâng nước lên quá cao hoặc tới không đúng thời điểm sẽ phá hủy mùa màng của họ giống như nạn hạn hán vậy.

Nông dân lo âu về tương lai không chỉ bởi họ có nhiều thứ để lo lắng, mà còn bởi họ có thể làm điều gì đó để tác động đến nó. Họ có thể phát quang những cánh đồng khác, đào những kênh mương tưới tiêu khác, gieo những giống cây khác. Người nông dân sầu muộn đã làm việc chăm chỉ như những con kiến thợ trong mùa hè, đổ mồ hôi trồng những cây ô-liu để con cái và bố mẹ họ ép lấy dầu, để dành những thực phẩm mà họ muốn ăn hôm nay cho mùa đông hoặc năm sau.

Sự căng thẳng của việc nhà nông có những hậu quả đáng kể. Nó là nền tảng cho các hệ thống chính trị và xã hội quy mô lớn. Nhưng thật đáng buồn, người nông dân cần cù hầu như không bao giờ đạt tới sự đảm bảo về kinh tế trong tương lai mà họ rất khao khát có được qua việc lao động cực nhọc ở hiện tại. Ở khắp nơi, những kẻ cai trị và giới tinh hoa xuất hiện, sống bằng thực phẩm dư thừa của nông dân và bỏ mặc họ với cuộc sống nghèo nàn.

Số thực phẩm dư thừa bị tước mất được cung cấp cho các hoạt động chính trị, chiến tranh, nghệ thuật và triết học. Người ta xây dựng các cung điện, pháo đài, công trình tưởng niệm và đền thờ. Cho đến tận kỷ nguyên hiện đại, hơn 90% nhân loại là nông dân, những người đã đổ mồ hôi từ sớm tinh mơ cho đến lúc tối mịt. Sản phẩm dư thừa mà họ làm ra chỉ để nuôi dưỡng một thiểu số của giới tinh hoa – vua chúa, quan chức nhà nước, binh lính, linh mục, nghệ sĩ, nhà tư tưởng – những kẻ chiếm hết chỗ trong sử sách. Lịch sử là cái gì đó do rất ít người đã và đang tạo ra, trong khi mọi người khác vẫn đang cày bừa trên những cánh đồng và vác các thùng nước đầy.

Một trật tự tưởng tượng

Sự dư thừa thức ăn do nông dân làm ra, đi cùng với công nghệ vận chuyển mới, ngày càng khiến nhiều người bị nhồi nhét bên nhau, ban đầu là trong những ngôi làng rộng lớn, sau đó là thị trấn và cuối cùng là thành phố. Tất cả họ đều cùng gia nhập các vương quốc và mạng lưới thương mại mới.

Song, để tận dụng lợi thế của những cơ hội mới này, sự dư thừa thực phẩm và giao thông vận tải cải tiến là chưa đủ. Thực tế là có thể nuôi sống cả ngàn người trong cùng một thị trấn và một triệu người trong cùng một vương quốc, nhưng không thể đảm bảo rằng họ có thể thống nhất với nhau về việc phân chia đất đai hay nguồn nước, cũng như làm thế nào để xoa dịu các cuộc tranh luận hoặc xung đột, và làm gì trong thời kỳ hạn hán hoặc chiến tranh. Và nếu không đạt được sự đồng thuận nào, xung đột sẽ lan rộng cho dù những kho chứa lương thực đang phình ra. Không phải thiếu thốn lương thực đã gây ra hầu hết các cuộc chiến tranh và cách mạng trong lịch sử. Những luật sư giàu có đã cầm đầu Cách mạng Pháp chứ không phải những nông dân chết đói. Cộng hòa La Mã đạt tới đỉnh cao quyền lực của nó trong thế kỷ 1 TCN, khi những hạm đội châu báu từ khắp nơi trên biển Địa Trung Hải làm giàu cho người La Mã, vượt quá cả những giấc mơ điên cuồng nhất của tổ tiên họ. Thời điểm giàu có tột cùng nhất cũng là lúc trật tự chính trị La Mã sụp đổ trong một loạt các cuộc nội chiến đẫm máu. Nam Tư vào năm 1991 có thừa tài nguyên để nuôi sống tất cả người dân của mình, nhưng vẫn tan rã bằng một cuộc chiến khủng khiếp.

Vấn để gốc rễ của những tai ương như vậy chính là việc con người đã tiến hoá trong hàng triệu năm từ những bầy nhỏ gồm vài chục thành viên. Một vài thiên niên kỷ ít ỏi phân tách Cách mạng Nông nghiệp với sự xuất hiện của các thành phố, vương quốc và đế quốc không đủ cho bản năng hợp tác rộng rãi tiến hoá kịp.

Mặc dù thiếu những bản năng sinh học như vậy, nhưng trong suốt thời đại hái lượm, hàng trăm con người xa lạ vẫn có thể hợp tác nhờ những huyền thoại chung giữa họ. Tuy nhiên, sự hợp tác này lỏng lẻo và hạn chế. Mỗi bầy Sapiens tiếp tục sống độc lập và tự đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình. Một nhà xã hội học cổ xưa sống cách đây 20.000 năm, không biết gì về những sự kiện tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp, có thể đã kết luận rằng phạm vi của huyền thoại rất giới hạn. Các câu chuyện về những linh hồn tổ tiên và vật tổ của bộ lạc đủ mạnh để làm cho 300 con người trao đổi vỏ sò, ăn mừng một lễ hội kỳ quặc, và hợp sức đánh đuổi Neanderthal, nhưng tất cả chỉ có vậy. Các nhà xã hội học thời cổ đại có thể nghĩ rằng, huyền thoại không thể khiến hàng triệu con người xa lạ có thể hợp tác với nhau hằng ngày.

Nhưng suy nghĩ này hoá ra thật sai lầm. Thực tế là huyền thoại có sức mạnh lớn hơn những gì người ta từng tưởng tượng. Khi Cách mạng Nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội cho việc hình thành những thành phố đông đúc và những đế quốc hùng mạnh, con người đã sáng tạo các câu chuyện về các vị thần vĩ đại, đất mẹ và công ty cổ phần để cung cấp những mối liên kết xã hội cần thiết. Trong khi sự tiến hoá của con người chậm chạp như ốc sên thì trí tưởng tượng của con người lại đang xây dựng nên những mạng lưới hợp tác đại chúng đáng kinh ngạc, không giống như những gì mà người ta đã từng thấy trên Trái đất.

Khoảng năm 8500 TCN, các khu định cư lớn nhất trên thế giới là những ngôi làng, ví dụ như Jericho, có khoảng vài trăm thành viên. Khoảng năm 7000 TCN, thị trấn Çatalhöyük ở Anatolia có khoảng 5.000 đến 10.000 dân. Rất có thể, nó là khu vực định cư lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Trong suốt thiên niên kỷ 4 và 5 TCN, những thành phố với hàng chục ngàn cư dân đã mọc lên ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (Fertile Crescent), và mỗi thành phố trong khu vực này đều kiểm soát nhiều ngôi làng lân cận. Năm 3100 TCN, toàn bộ vùng hạ lưu thung lũng sông Nile hợp nhất với nhau hình thành nên vương quốc Ai Cập. Các Pharaoh đã cai trị hàng ngàn cây số vuông đất đai và hàng trăm ngàn dân. Khoảng năm 2230 TCN, Sargon Đại đế đã xây dựng đế chế đầu tiên, Akkad. Đế chế này rất tự hào về một triệu thần dân của mình cùng đội quân thường trực 5.400 người. Vào khoảng giữa năm 1000 TCN và 500 TCN, những siêu đế chế đầu tiên xuất hiện ở Trung Đông: Đế chế Tân Assyria, Đế chế Babylon và Đế chế Ba Tư. Các nước này có nhiều triệu thần dân và hàng chục ngàn binh lính.

Vào năm 221 TCN, nhà Tần thống nhất Trung Quốc, và không lâu sau đó, Đế chế La Mã thống nhất lưu vực Địa Trung Hải. Thuế thu được từ 40 triệu thần dân nhà Tần để trả cho đội quân thường trực gồm hàng trăm ngàn binh lính và một bộ máy hành chính quan liêu phức tạp với hơn 100.000 quan lại. Đế chế La Mã ở thời kỳ đỉnh cao thu thuế khoảng trên 100 triệu thần dân. Nguồn thu từ thuế này dùng để chi trả cho đội quân thường trực từ 250.000-500.000 lính, cùng một mạng lưới đường bộ vẫn còn được sử dụng 1.500 năm sau, các rạp hát, khán đài hình vòng cung – được sử dụng để trình diễn cho đến tận ngày nay.

Một bia đá khắc Bộ luật Hammurabi

Hình 15. Một bia đá khắc Bộ luật Hammurabi, khoảng 1776 TCN.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ (1776)

Hình 16. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ký ngày 4 tháng Bảy năm 1776.

Không có gì phải nghi ngờ, nhưng chúng ta không nên nuôi ảo tưởng lạc quan về “những mạng lưới hợp tác đại chúng” vận hành ở Ai Cập thời Pharaoh hay Đế chế La Mã. “Hợp tác” nghe có vẻ rất vị tha, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính tự nguyện và hiếm khi bình đẳng. Hầu hết những mạng lưới hợp tác của con người đều đã bị hướng tới sự áp bức và bóc lột. Nông dân phải trả cho những mạng lưới hợp tác đang phát triển bằng lượng thực phẩm dư thừa quý báu của mình, tuyệt vọng khi người thu thuế tước đi toàn bộ một năm lao động vất vả chỉ bằng một nét chữ từ cây bút uy quyền của họ. Những khán đài La Mã hình vòng cung nổi tiếng thường được xây dựng bởi các nô lệ, để cư dân La Mã giàu có và nhàn rỗi có thể xem các nô lệ khác tham gia vào những trận giao chiến dữ dội giữa các đấu sĩ. Thậm chí cả các nhà tù, trại tập trung cũng là những mạng lưới hợp tác, và chỉ có thể hoạt động bởi hàng ngàn người xa lạ đã xoay xở để phối hợp các hành động theo cách nào đó.

Tất cả những hệ thống hợp tác này, từ những thành phố của khu vực Lưỡng Hà cổ đại đến đế chế nhà Tần và đế chế La Mã, đều là “những trật tự tưởng tượng”. Các quy tắc xã hội nhằm duy trì chúng đều không dựa trên những bản nâng cố hữu của con người cũng như sự quen biết cá nhân, mà thay vào đó là niềm tin vào những huyền thoại chung.

Làm thế nào huyền thoại có thể duy trì toàn bộ các đế chế? Chúng ta đã thảo luận một trường hợp như vậy: Peugeot. Bây giờ hãy nghiên cứu hai trong số những câu chuyện huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử: Bộ luật Hammurabi năm 1776 TCN đã được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm ngàn người Babylon cổ đại; và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, ngày nay vẫn được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm triệu người Mỹ thời hiện đại.

Vào năm 1776 TCN, Babylon là thành phố lớn nhất thế giới. Đế chế Babylon cũng có thể là đế chế lớn nhất trên thế giới với hơn một triệu thần dân. Đế chế này cai trị hầu hết vùng Lưỡng Hà, bao gồm phần lớn Iraq cùng nhiều phần của Syria và Iran ngày nay. Nhà vua người Babylon nổi tiếng nhất cho đến nay là Hammurabi. Sự nổi tiếng của ông chủ yếu là do văn bản mang tên ông, Bộ luật Hammurabi. Đó là một tập hợp những luật lệ và quyết định của tòa án, mục tiêu là để biểu thị Hammurabi như hình mẫu của một ông vua chính trực, đóng vai trò nền tảng cho một hệ thống pháp luật thống nhất của Đế chế Babylon, giáo dục các thế hệ tương lai thế nào là công lý và một ông vua chính trực sẽ hành động như thế nào.