Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

13. Bí quyết thành công

Thương mại, các đế quốc và các tôn giáo phổ quát cuối cùng đã đưa gần như tất cả Sapiens trên mọi lục địa đến với thế giới toàn cầu mà chúng ta đang sống ngày nay. Quá trình mở rộng và hợp nhất này không đi theo một con đường tuyến tính và cũng không phải không có những lúc gián đoạn. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ta sẽ thấy quá trình chuyển đổi từ nhiều nền văn hoá nhỏ thành một vài nền văn hoá lớn, và cuối cùng thành một xã hội toàn cầu duy nhất có lẽ là một kết quả tất yếu của những động lực lịch sử loài người.

Nhưng nếu nói một xã hội toàn cầu là tất yếu, thì không đồng nghĩa với việc cho rằng kết quả cuối cùng phải là một hình thái xã hội toàn cầu cụ thể như chúng ta hiện có. Chúng ta hẳn có thể tưởng tượng đến những kết quả khác. Tại sao tiếng Anh hiện nay lại quá phổ biến mà không phải là tiếng Đan Mạch? Tại sao lại có khoảng 2 tỉ tín đồ Ki-tô và 1,25 tỉ tín đồ Hồi giáo, nhưng chỉ có 150.000 tín đồ Bái hỏa giáo, và không còn tín đồ Mani giáo nào? Nếu chúng ta có thể lội ngược lại thời gian về 10.000 năm trước và thiết lập lại quá trình, thì qua thời gian, có phải chúng ta luôn thấy sự nổi lên của độc thần giáo và sự suy tàn của tín ngưỡng nhị nguyên?

Chúng ta không thể làm một thí nghiệm như thế, cho nên chúng ta không thực sự biết chắc. Nhưng một khảo sát về hai đặc điểm quan trọng của lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta một số manh mối.

1. Sai lầm của nhận thức muộn màng

Mỗi giai đoạn trong lịch sử đều là một giao lộ. Từ quá khứ đến hiện tại chỉ có một con đường duy nhất, nhưng đến tương lai thì có vô số những ngả rẽ. Một số con đường to hơn, bằng phẳng hơn, được chỉ dẫn tốt hơn, và như thế có lẽ sẽ được nhiều người chọn hơn, nhưng đôi khi lịch sử – hoặc những người làm nên lịch sử – lại đi theo những ngả rẽ bất ngờ.

Vào đầu thế kỷ 4, Đế chế La Mã đối mặt với nhiều lựa chọn tôn giáo. Nó có thể vẫn trung thành với thuyết đa thần truyền thống và đa sắc màu của mình. Nhưng hoàng đế của nó, Constantine, khi nhìn lại một thế kỷ nội chiến tương tàn, dường như đã cho rằng một tôn giáo duy nhất với một lý thuyết rõ ràng có thể giúp thống nhất vương quốc đa sắc tộc của mình. Ông có thể chọn bất kỳ giáo phái đương thời nào làm tín ngưỡng quốc gia: Mani giáo, Mithras giáo, những giáo phái thờ thần Isis hay Cybele, Bái hỏa giáo, Do Thái giáo và kể cả Phật giáo, tất cả đều là những lựa chọn sẵn sàng. Nhưng tại sao ông lại chọn Chúa Jesus? Phải chăng thần học Ki-tô có cái gì đó thu hút con người ông, hay phải chăng một khía cạnh nào đó của nó khiến ông đồ rằng dễ dùng nó làm phương tiện cho những mục đích của mình? Có phải ông đã có một trải nghiệm tôn giáo, hay phải chăng đã có một vài vị cố vấn cho ông gợi ý rằng tín đồ Ki-tô rất nhanh kết nạp tín đồ, và tốt nhất nên vào cùng hội đó? Các sử gia có thể suy đoán, nhưng không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời dứt khoát nào. Họ có thể mô tả làm thể nào Ki-tô giáo lại thống trị Đế chế La Mã, nhưng họ không thể giải thích được tại sao chính khả năng cụ thể ấy lại trở thành hiện thực.

Giữa mô tả “làm thế nào’’ và giải thích “tại sao” có sự khác biệt như thế nào? Mô tả “làm thế nào” có nghĩa là dựng lại hàng loạt những sự kiện cụ thể dẫn dắt từ điểm này đến điểm khác; giải thích “tại sao” có nghĩa là tìm những mối liên hệ nhân quả lý giải cho sự xuất hiện của các chuỗi sự kiện cụ thể này và việc loại trừ tất cả những chuỗi sự kiện khác.

Một số học giả trên thực tế đã đưa ra những giải thích tất định về các sự kiện, chẳng hạn sự nổi lên của Ki-tô giáo. Họ cố gắng quy giản lịch sử loài người về hoạt động của các lực sinh học, sinh thái, hay kinh tế. Họ lập luận rằng có một vài khía cạnh nào đó về địa lý, di truyền học, hay kinh tế của Địa Trung Hải thuộc Đế chế La Mã là nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự nổi lên của một tôn giáo độc thần. Thế nhưng, hầu hết các sử gia đều có xu hướng hoài nghi những thuyết tất định như vậy. Đây là một trong những biểu hiện nổi bật của lịch sử với tư cách là một ngành học thuật – bạn càng hiểu nhiều về một giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó, càng khó giải thích tại sao những điều ấy lại xảy ra theo hướng này mà không phải là hướng kia. Những người chỉ biết nói khơi khơi về một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó thì thường có xu hướng chỉ chú tâm vào những khả năng mà rốt cuộc sẽ trở thành hiện thực. Họ đưa ra một câu chuyện trơn tru để lý giải hậu kỳ về việc tại sao kết quả đó là không tránh khỏi. Những ai nắm sâu hơn về giai đoạn lịch sử này sẽ biết rõ hơn về những con đường mà lịch sử đã không đặt bước lên.

Thực tế, những ai am tường về một giai đoạn lịch sử – chứng nhân đã sống ở thời điểm đó – lại chính là những người mơ hồ nhất. Đối với người La Mã bình dân trong thời đại Constantine, tương lai là một màn sương mù. Đã thành quy luật sắt trong lịch sử, những gì mà trong nhận thức muộn màng người ta cho là không thể tránh khỏi, thì vào thời điểm đó không hiển nhiên như vậy. Ngày nay cũng vậy. Có phải chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay là điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa tới? Có phải Trung Hoa sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi trở thành một siêu cường hàng đầu? Có phải Mỹ sẽ đánh mất quyền bá chủ của mình? Có phải sự bùng lên đột ngột của trào lưu độc thần giáo chính thống là một làn sóng của tương lai, hay chỉ là một xoáy nước ngắn ngủi cục bộ địa phương? Chúng ta đang tiến đến thảm họa sinh thái hay thiên đường về khoa học kĩ thuật? Người ta đưa ra nhiêu lập luận sắc bén để biện minh cho tất cả những kết quả này, nhưng không có cách nào để biết chắc chắn. Trong mấy thập kỷ tới, người ta sẽ nhìn lại và nghĩ lại về câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên thật rõ ràng.

Việc nhấn mạnh rằng những khả năng mà người đương đại dường như rất khó nhận ra lại thường trở thành hiện thực, là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi Constantine lên ngồi nám 306, Ki-tô giáo chỉ nhỉnh hơn một giáo phái bí truyền phương Đông một chút. Nếu bạn cho rằng khi đó nó sắp trở thành quốc giáo của La Mã, bạn sẽ bị cười thối mũi, cũng giống như ngày hôm nay, nếu bạn cho rằng đến năm 2030, Hare Krishna sẽ là quốc giáo của Mỹ. Tháng Mười năm 1913, Bolshevik là một phần tử cực đoan nhỏ tại Nga. Không một người biết phải trái nào lại dự đoán rằng chỉ trong vòng bốn năm họ sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước. Vào năm 600, nếu nhận định rằng một toán người Ả-rập ngụ cư ở sa mạc sẽ sớm chinh phục dải đất rộng trải dài từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ, thì đó sẽ là nhận định thậm chí còn ngớ ngẩn hơn. Thật vậy, nếu quân đội Byzantine có thể đẩy lùi sự tấn công dữ dội ban đầu, Hồi giáo có lẽ sẽ vẫn là một giáo phái bí hiểm mà chỉ có một số ít chuyên gia mới biết đến nó. Những học giả khi ấy có thể dễ dàng lý giải tại sao một tín ngưỡng dựa trên sự mặc khải cho một thương gia Mecca trung niên lại không bao giờ trở nên phổ biến.

Không phải mọi thứ đều có thể. Các lực địa lý, sinh học và kinh tế tạo ra những ràng buộc. Tuy nhiên, những ràng buộc này vẫn để lại nhiều chỗ trống cho những phát triển bất ngờ, những điều dường như không bị ràng buộc bởi bất kỳ định luật tất định nào.

Kết luận này làm thất vọng nhiều người vốn thích lịch sử là tất định. Thuyết tất định có tính hấp dẫn, bởi nó hàm ý rằng thế giới và những niềm tin của chúng ta là sản phẩm tự nhiên và là tất yếu lịch sử. Việc chúng ta sống trong những quốc gia dân tộc, tổ chức nền kinh tế của chúng ta theo những nguyên tắc tư bản, và tin tưởng nhiệt thành vào nhân quyền là điều tự nhiên và tất yếu. Thừa nhận rằng lịch sử không có tính tất định, chính là thừa nhận rằng việc hầu hết mọi người ngày nay tin tưởng vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản và nhân quyền chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Lịch sử không thể được lý giải một cách tất định cũng như không thể dự đoán trước được, vì nó có tính hỗn độn. Rất nhiều lực đang cùng tác động và những tương tác của chúng phức tạp đến nỗi chỉ cần những thay đổi cực kỳ nhỏ trong cường độ của những lực này và cách chúng tương tác với nhau, cũng tạo ra những kết quả khác biệt vô cùng. Không chỉ vậy, lịch sử còn được gọi là một hệ thống hỗn độn “cấp hai”. Các hệ thống hỗn độn có hai cấp độ. Hỗn độn cấp một là hỗn độn không phản ứng với những dự đoán về nó. Ví dụ, thời tiết là một hệ thống hỗn độn cấp một. Tuy nó bị chi phối bởi vố số yếu tố, song chúng ta có thể xây dựng những mô hình máy tính xử lý nhiều biến hơn và đưa ra những dự báo thời tiết ngày càng chính xác hơn.

Hỗn độn cấp hai là hỗn độn có phản ứng với những dự đoán về nó, và do đó không bao giờ có thể tiên đoán được chính xác. Ví dụ, thị trường là một hệ thống hỗn độn cấp hai. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xây dựng một chương trình máy tính dự đoán giá dầu ngày mai với độ chính xác 100%? Giá dầu sẽ lập tức phản ứng với tiên đoán này, và dự báo không thể trở thành hiện thực. Nếu giá dầu hiện thời là 90 đô-la một thùng, và một chương trình máy tính chính xác tuyệt đối dự đoán rằng ngày mai nó sẽ lên 100 đô-la, các nhà đầu tư sẽ đổ xô đi mua dầu để trục lợi từ giá được dự báo tăng. Kết quả là giá sẽ tăng vọt lên 100 đô-la một thùng ngay hôm nay chứ không phải ngày mai. Vậy, những gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Không ai biết.