Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Cũng giống như chủ nghĩa nhân văn tự do, chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở thuyết độc thần. Quan điểm cho rằng mọi người đều bình đẳng là một phiên bản cải tiến của thuyết độc thần, trong đó mọi linh hồn đều bình đẳng trước Đấng tối cao. Giáo phái nhân văn duy nhất đã thực sự bị tách khỏi thuyết độc thần truyền thống là chủ nghĩa nhân văn tiến hoá, mà đại diện nổi tiếng nhất là chủ nghĩa xã hội quốc gia Đức. Cái phân biệt giữa Đức quốc xã với các giáo phái nhân văn khác nằm ở một định nghĩa khác của khái niệm ‘nhân tính”, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thuyết tiến hoá. Trái ngược với các nhà nhân văn khác, Đức quốc xã tin rằng nhân loại không phải là một cái gì đó phổ quát và vĩnh cửu, mà là một giống loài có thể thay đổi, có thể phát triển hoặc thoái hoá. Con người có thể tiến hoá thành những cá nhân siêu việt, hoặc suy thoái thành một giống nòi yếu kém.

Tham vọng chính của Đức quốc xã là bảo vệ loài người khỏi sự thoái hoá và khuyến khích sự tiến hoá tích cực của nó. Đây là lý do khiến Đức quốc xã cho rằng chủng tộc Arya, hình thức tiên tiến nhất của nhân loại, phải được bảo vệ và nuôi dưỡng, trong khi các hình thức thoái hoá của Homo sapiens như người Do Thái, người La Mã, người đồng tính và các bệnh nhân tâm thần cần phải được cách ly và thậm chí là tiêu diệt. Đức quốc xã giải thích rằng bản thân loài Homo sapiens xuất hiện khi một quần thể “cao cấp” của người cổ đại tiến hoá, trái lại quần thể “kém cỏi” như Neanderthal đã bị tuyệt chủng. Những quần thể người khác nhau này lúc đầu không khác gì những chủng tộc khác nhau, nhưng phát triển độc lập theo những con đường tiến hoá riêng của họ. Điều này cũng có thể xảy ra một lần nữa. Theo Đức quốc xã, Homo sapiens vốn được chia thành nhiều chủng tộc khác nhau, với những phẩm chất độc đáo của riêng mình. Một trong số đó, chủng tộc Arya có những phẩm chất tốt nhất – tính duy lý, vẻ đẹp, tính toàn vẹn, sự siêng năng. Do đó, chủng tộc Arya có tiềm nâng để biến con người thành siêu nhân. Các chủng tộc khác, chẳng hạn như người Do Thái và da đen là phiên bản hiện đại của Neanderthal, sở hữu những phẩm chất thấp kém hơn. Nếu cho phép họ nhân giống, và đặc biệt là kết hôn với người Arya, họ sẽ kéo tụt tất cả các quần thể người và đẩy Homo sapiens đến chỗ tuyệt chủng.

Các nhà sinh học đã vạch trần thuyết chủng tộc của Đức quốc xã. Đặc biệt, nghiên cứu di truyền được tiến hành sau năm 1945 đã chứng minh rằng không có mấy sự khác biệt giữa các giống người so với những gì Đức quốc xã mặc nhiên công nhận. Nhưng những kết luận này còn tương đối mới. Với nền tảng của tri thức khoa học những năm 1933, niềm tin của Đức quốc xã hầu như không quá điên rồ. Sự tồn tại của các chủng tộc người khác nhau, tính ưu việt của chủng tộc da trắng, và sự cần thiết phải bảo vệ và nhân giống chủng tộc cao cấp này đã tồn tại rất phổ biến trong niềm tin của giới tinh hoa nhất phương Tây. Các học giả trong những trường đại học uy tín nhất của phương Tây, sử dụng các phương pháp khoa học chính thống vào thời đại đó, công bố các nghiên cứu được cho là đã chứng minh rằng những thành viên của chủng tộc da trắng là thông minh hơn, đạo đức hơn và giỏi chuyên môn hơn so với chủng tộc người châu Phi hoặc Ấn Độ. Các chính trị gia ở Washington, London và Canberra đương nhiên cho rằng đó là sứ mệnh của họ để ngăn chặn việc xâm nhập và thoái hoá của các chủng tộc da trắng, bằng cách như hạn chế nhập cư từ Trung Quốc hoặc thậm chí Italy tới các quốc gia “Arya” như Mỹ và Úc.

Các tôn giáo nhân văn – các tôn giáo sùng bái nhân tính

Chủ nghĩa nhân văn tự do Chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa Chủ nghĩa nhân văn tiến hoá
Homo sapiens có một bản chất độc đáo và thiêng liêng, khác hẳn với bản chất của các loài sinh vật và các hiện tượng khác. Sự tốt đẹp tối thượng chính là sự tốt lành của nhân tính.
“Nhân tính” mang nghĩa cá nhân và tồn tại trong mỗi cá nhân Homo sapiens. “Nhân tính” mang nghĩa tập thể và tồn tại bên trong loài Homo sapiens như một toàn thể. “Nhân loại” là một loài có thể bị biến đổi. Con người có thể bị suy thoái thành giống nòi kém cỏi hoặc tiến hoá thành những cá nhân siêu việt.
Điều răn tối thượng là bảo vệ cái lõi bên trong và sự tự do của mỗi cá nhân Homo sapiens. Điều răn tối thượng là bảo vệ sự công bằng trong thế giới Homo sapiens. Điều răn tối thượng là bảo vệ loài người khỏi sự thoái hoá thành những giống nòi kém cỏi, và khuyến khích sự tiến hoá của con người thành những cá nhân siêu việt.

Những nguyên tắc này không dễ dàng thay đổi chỉ vì nghiên cứu khoa học mới được công bố. Sự phát triển của xã hội học và chính trị học là những đầu kéo thay đổi mạnh mẽ hơn. Theo nghĩa này, Hitler không chỉ tự đào mộ cho mình mà còn tự đào mộ chôn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nói chung. Khi phát động Thế chiến II, ông ta đã khiến các kẻ thù của mình tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa “chúng ta” và “chúng nó”. Sau đó, chính vì hệ tư tưởng quốc xã là vô cùng kỳ thị chủng tộc, nên nó đã bị bài xích ở phương Tây. Nhưng thay đổi cần có thời gian. Người da trắng ưu việt vẫn là một hệ tư tưởng chủ đạo trong nền chính trị Mỹ, ít nhất cho đến những năm 1960. Chính sách của người Úc da trắng trong đó hạn chế nhập cứ đối với người da màu đến Úc vẫn có hiệu lực cho tới năm 1973. Thổ dân Úc đã không nhận được quyền lợi chính trị công bằng cho tới những năm 1960, và hầu hết đã bị ngăn cản đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vì họ bị coi là không phù hợp với vai trò công dân.

Poster tuyên truyền của Đức quốc xã

Hình 29. Một poster tuyên truyền của Đức quốc xã cho thấy phía trên bên phải là một “người Arya thuần chủng” và bên trái là một “con lai”.

Việc Đức quốc xã ngưỡng mộ cơ thể của con người là điều hiển nhiên, giống như nỗi sợ hãi của họ rằng những chủng tộc thấp kém hơn có thể làm ô uế và gây ra sự thoái hoá đối với loài người.

Đức quốc xã không thù ghét nhân loại. Họ chống lại chủ nghĩa nhân văn tự do, nhân quyền và chủ nghĩa cộng sản chính bởi họ khâm phục con người và tin tưởng vào tiềm năng to lớn của loài người. Nhưng theo logic tiến hoá của Darwin, họ lập luận rằng chọn lọc tự nhiên phải được phép loại bỏ những cá nhân không thích hợp, và chỉ để những cá nhân thích nghi tốt nhất được sống sót và sinh sản. Bằng việc giúp đỡ những cá thể yếu, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản không chỉ cho phép các cá nhân không thích hợp được tồn tại, mà còn cho họ cơ hội thực sự để sinh sản, do đó phá hoại chọn lọc tự nhiên. Trong một thế giới như vậy, những người thích nghi tốt nhất sẽ không tránh khỏi bị chết chìm trong một biển những cá thể thoái hoá không thích nghi được. Loài người sẽ trở nên kém thích nghi hơn qua từng thế hệ – cuối cùng có thể dẫn đến tuyệt chủng.

Tranh vẽ của Đức quốc xã năm 1933

Hình 30. Một tranh vẽ của Đức quốc xã năm 1933. Hitler được diễn tả như một nhà điêu khắc, người tạo ra các siêu nhân. Một trí thức tự do đeo kính đứng cạnh bàng hoàng trước bạo lực cần có để tạo ra siêu nhân. (Lưu ý sự vinh danh mang tính khơi gợi về cơ thể con người).

Một cuốn sách giáo khoa sinh học bằng tiếng Đức xuất bản năm 1942 giải thích trong một chương về “Các quy luật của tự nhiên và nhân loại”, rằng quy luật tự nhiên tối cao là tất cả các loài đang bị kiểm tỏa trong một cuộc đấu tranh không thương xót để giành giật sự sống. Sau khi mô tả cách thức các loài thực vật đấu tranh để giành lãnh thổ, cách thức loài bọ cánh cứng đấu tranh để tìm kiếm bạn tình, vân vân, cuốn sách kết luận:

Cuộc chiến sinh tồn thực sự khó khăn và không hề khoan nhượng, nhưng đó là cách duy nhất để duy trì sự sống. Cuộc chiến này loại bỏ mọi thứ không thích hợp với cuộc sống, và chọn ra mọi thứ có khả năng sống sót… Những quy luật tự nhiên là không thể đảo ngược; các sinh vật sống chứng minh các quy luật này bằng chính sự sống còn của mình. Chúng không hề khoan nhượng. Những kẻ chống đối lại chúng sẽ bị xóa sổ. Sinh học không chỉ cho chúng ta biết về động vật và thực vật, mà còn cho chúng ta thấy những quy luật cần tuân thủ trong cuộc sống này, và rèn giũa ý chí của mình để sống và chiến đấu theo những quy luật đó. Ý nghĩa của cuộc sống là một cuộc đấu tranh. Khốn thay cho những kẻ tội lỗi dám chống lại những quy luật này.

Tiếp theo đó là một trích dẫn từ Mein Kampf. “Người nào cố gắng chống lại logic sắt của tự nhiên, nghĩa là chống lại các nguyên tắc mà anh ta phải cảm ơn vì được sống như một con người. Chiến đấu chống lại tự nhiên là mang về sự hủy diệt cho chính mình”.

Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ 3, tương lai của chủ nghĩa nhân văn tiến hoá rất mờ mịt. Đã 60 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh chống lại Hitler, sự nối kết giữa chủ nghĩa nhân văn với tiến hoá và chủ trương dùng biện pháp sinh học để “nâng cấp” Homo sapiens vẫn là điều cấm kị. Nhưng ngày nay các dự án này đang thịnh hành trở lại. Không ai nói về khả năng tiêu diệt những chủng tộc thấp hèn hoặc những nhóm người kém cỏi hơn, nhưng rất nhiều người đang cố gắng vận dụng kiến thức sinh học ngày càng gia tăng về con người để tạo ra những siêu nhân.

Đồng thời, một hố sâu khổng lồ được mở ra giữa các nguyên lý của chủ nghĩa tự do cá nhân và những phát hiện mới nhất của khoa học đời sống, một hố sâu mà chúng ta không thể lờ đi được nữa. Hệ thống chính trị và tư pháp tự do của chúng ta được thành lập dựa trên niềm tin rằng mỗi cá nhân có một bản chất bên trong thiêng liêng, không thể phân chia và bất biến, mang lại ý nghĩa cho thế giới, và đó là nguồn gốc của tất cả các uy quyền đạo đức và chính trị. Đây là một hoá thân của niềm tin Ki-tô truyền thống rằng có một tâm hồn tự do và vĩnh cửu ẩn giấu trong mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong hơn 200 năm qua, khoa học đời sống đã tàn phá triệt để niềm tin này. Các nhà khoa học nghiên cứu hoạt động bên trong cơ thể con người không tìm thấy linh hồn đó. Càng ngày, họ càng cho rằng hành vi của con người được xác định bởi các hoóc-môn, gen và khớp thần kinh, chứ không phải là ý chí tự do – chính những sức mạnh này cũng xác định hành vi của tinh tinh, chó sói, và kiến. Hệ thống tư pháp và chính trị của chúng ta đã rất nỗ lực để chôn giấu những khám phá bất tiện dưới tấm thảm. Nhưng thật thà mà nói, liệu chúng ta có thể giữ vững bức tường ngăn cách giữa ngành sinh học với ngành luật và khoa học chính trị bao lâu nữa?