Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Trên thực tế, trong cuộc đụng độ đầu tiên được ghi nhận giữa Sapiens và Neanderthal, Neanderthal đã thắng. Khoảng 100.000 năm trước đây, một số nhóm Sapiens di cư về phía bắc tới Levant, lãnh thổ của Neanderthal, nhưng đã thất bại trong việc giành quyền đứng chân vững chắc. Có thể là do môi trường bản địa khó chịu, khí hậu khắc nghiệt, hoặc những loài ký sinh trùng địa phương xa lạ. Dù gì đi nữa, Sapiens cuối cùng rút lui, để lại Neanderthal thống trị Trung Đông.

Thành tích kém cỏi này đã dẫn đến việc các học giả suy đoán rằng cấu trúc bên trong bộ não của những Sapiens này có lẽ khác với của chúng ta. Họ trông giống chúng ta, nhưng các khả năng nhận thức – học tập, ghi nhớ, giao tiếp – vô cùng hạn chế. Dạy một người Sapiens cổ đại nói tiếng Anh, thuyết phục anh ta về các tín điều tôn giáo, hoặc giảng cho anh ta hiểu được lý thuyết tiến hoá có lẽ là vô vọng. Ngược lại, chúng ta cũng sẽ phải rất mất thời gian mới hiểu được thứ ngôn ngữ và cách tư duy của anh ta.

Nhưng sau đó, bắt đầu từ khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens bắt đầu làm những điều rất đặc biệt. Khoảng thời gian đó, một toán Sapiens rời châu Phi lần thứ hai. Lần này, họ đẩy Neanderthal và tất cả các loài người khác không chỉ khỏi Trung Đông mà còn khỏi mọi nơi trên Trái đất. Trong một thời gian khá ngắn, Sapiens đã đặt chân tới châu Âu và Đông Nam Á. Khoảng 43.000 năm trước, bằng cách nào đó họ đã vượt biển và đặt chân lên châu Úc – một lục địa cho đến lúc đó vẫn chưa hề có con người. Khoảng thời gian cách đây từ 70.000 năm tới 30.000 năm đã chứng kiến việc phát minh ra thuyền, đèn dầu, cung tên và kim khâu (cần thiết cho việc may quần áo ấm). Những sản phẩm đầu tiên có thể tự tin gọi là nghệ thuật và đồ trang sức đã xuất hiện từ thời đại này, là những bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi về sự hình thành tôn giáo, thương mại và phân tầng xã hội.

Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng những thành tích chưa từng có này là sản phẩm của một cuộc cách mạng trong khả năng nhận thức của Sapiens. Họ khẳng định rằng người đã đẩy Neanderthal tới tuyệt chủng, định cư ở châu Úc, và điêu khắc tượng nhân sư Stadel chính là những người thông minh, sáng tạo và nhạy cảm như chúng ta ngày nay. Nếu chúng ta có dịp nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật trong hang động Stadel, chúng ta có thể học ngôn ngữ của họ và ngược lại. Chúng ta có thể giải thích cho họ tất cả mọi thứ mình biết, từ những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên đến những nghịch lý của vật lý lượng tử, còn họ có thể dạy chúng ta về thế giới quan của mình.

Những cách suy nghĩ và giao tiếp mới xuất hiện trong thời kỳ cách đây 70.000 đến 30.000 năm trước đã tạo nên Cách mạng Nhận thức. Điều gì tạo ra nó? Chúng ta không chắc. Các lý thuyết phổ biến nhất tin rằng những đột biến di truyền ngẫu nhiên thay đổi hệ thống thần kinh não bộ của Sapiens, cho phép họ suy nghĩ đột phá và giao tiếp bằng một loại ngôn ngữ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể gọi đó là đột biến của Cây Tri thức. Tại sao nó lại xảy ra ở ADN của Sapiens chứ không phải  Neanderthal? Theo những gì chúng ta biết đến nay, tất cả chỉ là tình cờ. Nhưng hiểu được các hệ quả của đột biến Cây Tri thức quan trọng hơn nhiều so với việc tìm hiểu nguyên nhân của nó. Có gì thật đặc biệt ở ngôn ngữ mới của Sapiens đã cho phép loài người chinh phục thế giới?

Đây không phải là ngôn ngữ đầu tiên. Mỗi loài động vật có một số loại ngôn ngữ riêng. Ngay cả côn trùng, chẳng hạn như ong và kiến, cũng biết làm thế nào để giao tiếp theo những cách tinh vi, thông báo cho nhau về chỗ có đồ ăn. Đây cũng không phải là thứ ngôn ngữ đầu tiên có thanh âm. Nhiều loài động vật, bao gồm tất cả loài vượn và khỉ, cũng có ngôn ngữ thanh âm. Ví dụ, khỉ Chlorocebus sử dụng các tiếng kêu khác nhau để giao tiếp. Các nhà động vật học đã xác định được một tiếng kêu đó có nghĩa là: “Cẩn thận! Đại bàng!” Một tiếng kêu hơi khác thì cảnh báo: “Cẩn thận! Sư tử!” Khi các nhà nghiên cứu bật bản ghi âm tiếng kêu đầu tiên với một bầy khỉ, chúng dừng việc đang làm và nhìn lên trời đầy sợ hãi. Khi bầy khỉ đó được nghe một bản ghi âm tiếng kêu thứ hai, cảnh báo sư tử, chúng nhanh chóng leo lên một cái cây. Sapiens có thể tạo ra nhiều âm thanh đặc trưng hơn so với khỉ Chlorocebus, nhưng cá voi và voi cũng có khả năng ấn tượng không kém. Một con vẹt có thể nhại lại bất cứ điều gì mà Albert Einstein có thể nói, cũng như bắt chước tiếng chuông điện thoại, tiếng cánh cửa đóng sầm và tiếng còi báo động hú. Dù lợi thế của Einstein so với một con vẹt là gì đi nữa, thì đó cũng không phải là thanh âm. Vậy thì ngôn ngữ của chúng ta thực sự đặc biệt ở điểm nào?[3]

Bức tượng

Hình 4. Bức tượng “nhân sư” (nam hoặc nữ) bằng ngà voi được tìm thấy tại hang Stadel ở Đức (32.000 năm trước). Mình người, nhưng đầu sư tử. Đây là một trong những ví dụ đầu tiên không thể chối cãi của nghệ thuật, và có lẽ của cả tôn giáo, cùng khả năng trí tuệ của con người tưởng tượng điều không có thật.

Câu trả lời phổ biến nhất, là ngôn ngữ của chúng ta linh hoạt một cách kinh ngạc. Chúng ta có thể kết nối một số nhất định các âm thanh và dấu hiệu để tạo nên vô số câu, mỗi câu lại có ý nghĩa riêng biệt. Chúng ta do đó có thể hấp thu, lưu trữ và truyền đạt một lượng thông tin khổng lồ về thế giới xung quanh. Một con khỉ Chlorocebus có thể cảnh báo cho đàn của nó: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhưng một con người hiện đại có thể nói với bạn bè của mình rằng sáng nay, ở gần nhánh sông, cô ấy nhìn thấy một con sư tử bám đuổi một đàn bò rừng. Rồi cô ấy có thể mô tả chính xác vị trí, kể cả các con đường khác nhau dẫn đến nơi đó. Với thông tin này, các thành viên trong nhóm của cô ấy có thể chụm đầu với nhau và thảo luận liệu họ có nên tiếp cận nhánh sông để xua đuổi sư tử và săn bò rừng hay không.

Lý thuyết thứ hai đồng ý rằng ngôn ngữ độc đáo của chúng ta tiến hoá như là một phương tiện để chia sẻ thông tin về thế giới. Nhưng thông tin quan trọng nhất cần được chuyển tải, không phải về sư tử và bò rừng, mà là về con người. Ngôn ngữ của chúng ta phát triển như là một cách để tán gẫu. Theo lý thuyết này, Homo sapiens về bản chất là một động vật xã hội. Sự cộng tác xã hội là chìa khoá cho sự tồn tại và sinh sản. Những người nam và nữ không chỉ cần biết về sư tử hay bò rừng. Điều quan trọng hơn nhiều đối với họ là biết trong nhóm của mình ai ghét ai, ai đang ngủ với ai, ai trung thực, và ai lừa dối.

Lượng thông tin mà một người có được và lưu giữ để theo dõi các mối quan hệ luôn thay đổi của vài chục cá nhân là đáng kinh ngạc. (Trong một bầy gồm 50 thành viên, có 1.225 mối quan hệ một-một, và vô số các kết hợp xã hội phức tạp hơn). Tất cả vượn đều cho thấy một mối quan tâm về thông tin xã hội như vậy, nhưng chúng rất khó tán gẫu hiệu quả. Neanderthal và Homo sapiens cổ xưa có lẽ cũng đã có một thời gian khó khăn với việc nói sau lưng, một năng lực khá thâm hiểm nhưng trong thực tế lại cần thiết cho sự hợp tác với số lượng lớn. Các kĩ năng ngôn ngữ mới mà Sapiens hiện đại tiếp nhận được khoảng 70.000 năm trước đây cho phép họ tán gẫu nhiều giờ liền. Nhờ có được thông tin xác thực về thành viên đáng tin cậy mà những bầy nhỏ có thể mở rộng thành những bầy lớn hơn, và Sapiens có thể phát triển sự hợp tác chặt chẽ và tinh vi hơn.

Lý thuyết tán gẫu nghe như một trò đùa, nhưng nhiều nghiên cứu đã ủng hộ nó. Thậm chí ngày nay phần lớn các thông tin liên lạc của con người – dù ở hình thức email, gọi điện thoại hoặc bình luận báo chí – đều là tán gẫu. Nó diễn ra tự nhiên đến nỗi như thể ngôn ngữ của chúng ta phát triển cho mục đích này. Bạn có nghĩ rằng các giáo sư lịch sử tán gẫu về nguyên nhân của Thế chiến I khi họ gặp nhau ăn trưa, hoặc các nhà vật lý hạt nhân dành giờ nghỉ giải lao của họ tại các hội nghị khoa học để nói về hạt quark? Thi thoảng. Nhưng thường là họ sẽ bàn tán về việc một giáo sư bắt quả tang chồng mình ngoại tình, hoặc cuộc tranh cãi giữa trưởng khoa và hiệu trưởng, hoặc những tin đồn về một đồng nghiệp sử dụng quỹ nghiên cứu của mình để mua một chiếc Lexus. Tán gẫu thường tập trung vào những việc làm sai trái. Kẻ buôn chuyện ban đầu là giới báo chí, các phóng viên thông báo cho xã hội về việc này việc nọ, và do đó bảo vệ xã hội khỏi những kẻ gian dối và ăn bám.

Nhiều khả năng, cả lý thuyết về tán gẫu lẫn lý thuyết có-một-con-sư-tử-gần-bờ-sông đều có căn cứ. Song, đặc điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của chúng ta không phải là khả năng truyền tải thông tin về những người đàn ông và sư tử. Mà đúng hơn, đó là khả năng truyền tải thông tin về những thứ không tồn tại. Theo như chúng ta biết, chỉ Sapiens mới có thể nói về mọi thứ mà họ chưa bao giờ thấy, chạm vào hoặc ngửi mùi.

Huyền thoại, thần thoại, các vị thần và tôn giáo xuất hiện lần đầu tiên cùng với Cách mạng Nhận thức. Nhiều loài động vật và loài người trước đây có thể nói: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhờ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens có được khả năng nói, “Sư tử là thần linh giám hộ bộ lạc chúng ta”. Khả năng nói chuyện hư cấu này là điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của Sapiens.

Thật dễ thấy rằng chỉ Homo sapiens mới có thể nói về những điều không thực sự tồn tại, và tin rằng có sáu điều bất khả trước bữa sáng. Bạn không bao giờ có thể thuyết phục một con khỉ cho bạn một quả chuối bằng cách hứa hẹn một nguồn chuối vô hạn sau khi chết ở thiên đường khỉ. Nhưng tại sao điều này quan trọng? Sau tất cả, hư cấu có thể rất nguy hiểm khi gây hiểu lầm hoặc mất tập trung. Những người đi vào rừng tìm các nàng tiên và kỳ lân dường như có ít cơ hội sống sót hơn những người đi tìm nấm và nai. Và nếu bạn dành nhiều giờ cầu nguyện cho những linh hồn giám hộ không tồn tại, chẳng phải là bạn đang lãng phí thời gian quý báu, trong khi lẽ ra nên đi tìm đồ ăn, đánh nhau hoặc làm tình?