Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

10. Mùi tiền

Năm 1519, Hernán Cortés và các tướng lĩnh của ông đã xâm lược Mexico, nơi mà đến lúc đó vẫn còn là một thế giới loài người cô lập. Người Aztec – cái tên mà những người sống ở đó tự đặt cho mình – nhanh chóng nhận ra rằng những tộc người xa lạ kia có sự quan tâm khác thường đối với một thứ kim loại màu vàng. Trên thực tế, họ dường như không bao giờ ngừng nói về chúng. Người bản xứ không xa lạ gì với vàng – trông khá đẹp lại rất dễ chế tác, vì vậy họ dùng vàng để làm đồ trang sức, đúc tượng, và đối khi sử dụng bụi vàng làm phương tiện để trao đổi. Nhưng khi một người Aztec muốn mua thứ gì đó, anh ta thường sẽ trả bằng những hạt ca cao hoặc những súc vải. Vì thế, nỗi ám ảnh của người Tây Ban Nha đối với vàng là điều gì đó có vẻ rất khó cắt nghĩa đối với họ. Có gì quan trọng đến thế ở một thứ kim loại không thể ăn được, không thể uống được hoặc không dùng để dệt được, và lại cũng quá mềm để dùng làm dụng cụ lao động hay vũ khí? Khi một người bản xứ hỏi Cortés tại sao người Tây Ban Nha lại dam mê vàng đến vậy, vị tướng trả lời, “Vì tôi và những người đồng hành của mình đang bị giày vò bởi một căn bệnh ở tim, mà chỉ vàng mới chữa được”.

Trong thế giới Á-Phi, nguồn cội của những người Tây Ban Nha, nỗi ám ảnh với vàng lan truyền như bệnh dịch. Thậm chí những kẻ thù truyền kiếp nhất cũng thèm khát thứ kim loại màu vàng vô dụng kia. Ba thế kỷ trước khi xâm lược Mexico, tổ tiên của Cortés và quân đội của ông đã tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu chống lại các vương quốc Hồi giáo ở Iberia và Bắc Phi. Những tín đồ tàn sát lẫn nhau, con số giết chóc lên đến vài ngàn, ruộng đồng và vườn cây ăn quả bị tàn phá, các thành phố thịnh vượng bị biến thành những đống tàn tro tàn âm ỉ cháy – tất cả chỉ vì phe này vinh hiển Đấng tối cao của mình hơn phe kia và ngược lại.

Khi những người theo đạo dần dần nắm thế thượng phong, họ đánh dấu chiến thắng của mình không chỉ bằng việc phá hủy các nhà thờ này và xây dựng các nhà thờ kia, mà còn phát hành những đồng tiền bằng bạc và vàng mới có khắc dấu thánh giá và tạ ơn Thiên Chúa vì đã giúp đỡ họ trong cuộc chiến chống những kẻ ngoại đạo. Tuy thế, bên cạnh sự lưu hành đồng tiền mới, phe chiến thắng cũng đúc một dạng tiền kim loại khác, được gọi là millare, mang theo một thông điệp khác. Những đồng xu hình vuông này được làm ra bởi những kẻ chinh phạt và được trang trí nổi dòng chữ Ả-rập bay bướm: “Không có Đấng tối cao nào ngoài Allah, và Muhammad là sứ giả của Người”. Thậm chí những giám mục Công giáo ở thành Melgueil và Adge cũng cho lưu hành những bản sao rập khuôn những đồng xu Hồi giáo phổ biến, và những tín đồ Ki-tô sợ hãi Thiên Chúa thì vui vẻ sử dụng chúng.

Động thái khoan dung này cũng thịnh hành ở phe đối lập. Những nhà buôn Hồi giáo cũng giao thương bằng việc sử dụng những đồng tiền kim loại của Ki-tô giáo như đồng Aorin của Florence, đồng ducat của Venice và đồng gigliato của Naples. Ngay cả những thủ lĩnh Hồi giáo, vốn kêu gọi các cuộc thánh chiến để chống lại những kẻ ngoại đạo Ki-tô, cũng rất vui mừng nhận những đồng tiền thuế bằng những đồng tiền kim loại hiện thân cho Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng trinh của ngài.

Nó trị giá bao nhiêu?

Bầy người săn bắt hái lượm không có tiền. Mỗi đoàn tự săn bắt, hái lượm và chế tác mọi thứ cần thiết, từ thịt thà cho tới thuốc thang, từ giày dép cho đến phép ma thuật. Thành viên những bầy đàn khác nhau có thể chuyên trách những nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều chia sẻ hàng hoá và dịch vụ của mình thông qua một hệ thống kinh tế dựa trên sự chịu ơn và trả ơn. Một miếng thịt được tặng miễn phí có thể hàm chứa giả định về sự có đi có lại sau này – giúp lại về mặt y tế chẳng hạn. Bầy người này độc lập hoàn toàn về mặt kinh tế; chỉ có một số của hiếm không thể tìm thấy ở bản địa – vỏ sò, chất nhuộm màu, đá vỏ chai và những thứ tương tự – mới phải lấy từ những người xa lạ. Việc này thường được thực hiện bằng cách trao đổi hàng hoá đơn giản: “Chúng tôi sẽ đưa anh những chiếc vỏ sò xinh đẹp này, đổi lại anh sẽ đưa cho chúng tôi loại đá lửa chất lượng cao kia”.

Thực trạng này thay đổi rất ít vào thời điểm nổ ra Cách mạng Nông nghiệp. Hầu hết con người vẫn tiếp tục sống trong những cộng đồng nhỏ bé thân mật. Rất giống với bầy người săn bắt hái lượm, mỗi ngôi làng là một đơn vị kinh tế tự cung tự cấp, được duy trì bởi việc chịu ơn và trả ơn lẫn nhau, cộng với sự trao đổi hàng hoá ít ỏi với bên ngoài. Một người làng làm giày rất thành thục, người khác thì giỏi săn sóc sức khỏe, vì vậy dân làng biết được sẽ phải tìm đến đâu khi thiếu giày dép hay khi bị ốm đau. Nhưng quy mô xóm làng nhỏ bé, cộng thêm hệ thống kinh tế bị bó hẹp, vì vậy, không có bác sĩ hay thợ giày làm việc toàn thời gian.

Sự ra đời của các thành phố và vương quốc, cũng như việc cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém được cải thiện, đã mang đến những vận hội mới cho công cuộc chuyên môn hoá. Những thành phố mật độ dân cư dày đặc đã cung cấp việc làm toàn thời gian cho không chỉ những thợ đóng giày chuyên nghiệp và các thầy thuốc, mà cả thợ mộc, linh mục, binh lính và luật sư. Những làng nghề nổi danh về rượu, dầu ô-liu và đồ gốm hảo hạng, nhận ra rằng sẽ có lợi nếu tập trung toàn lực vào một sản phẩm và trao đổi nó với các cư dân khác để đổi lấy những thứ hàng hoá mình cần. Điều này rất hợp lý. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, vậy cớ sao phải uống thứ rượu vang xoàng xĩnh mình nấu tại nhà, trong khi bạn hoàn toàn có thể uống được rất nhiều loại rượu ngọt ngào hơn từ những nơi mà khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp hơn nhiều với cây nho dùng để sản xuất rượu vang? Nếu như đất sét ở khu vực bạn ở có thể làm ra được các loại nồi niêu ấm chảo cứng cáp, xinh xắn hơn, thì cớ gì bạn lại không trao đổi hàng hoá? Hơn nữa, khi làm việc toàn thời gian, những người chuyên trách làm rượu vang và đồ gốm, chưa kể đến các bác sĩ và luật sư, có thể mài giũa tay nghề để phục vụ cho tất cả mọi người. Nhưng sự chuyên môn hoá cũng làm nảy sinh một vấn để – bạn sẽ quản lý sự trao đổi hàng hoá như thế nào giữa những chuyên gia này?

Một hệ thống kinh tế dựa trên sự chịu ơn và trả ơn sẽ không thể hoạt động khi một lượng lớn những người xa lạ tham gia cùng. Giúp đỡ không công cho người chị gái hay người hàng xóm là một chuyện, còn chăm sóc cho những người lạ, những người có thể không bao giờ đền đáp lại thiện ý đó, lại là một chuyện hoàn khác. Người ta có thể quay lại về với hệ thống trao đổi hàng-đổi-hàng. Nhưng hệ thống này chỉ có hiệu quả khi trao đổi một số giới hạn các sản phẩm. Nó không thể làm thành nền tảng cho một nền kinh tế phức tạp.

Để hình dung được những giới hạn của việc trao đổi hàng hoá, hãy tưởng tượng bạn đang sở hữu một vườn táo trên núi, với những trái táo ngọt ngào và tươi ngon nhất vùng. Bạn làm việc quần quật trong vườn táo của mình đến nỗi mòn cả giày. Bạn bèn tròng dây cho chiếc xe lừa kéo và tiến đến khu chợ của thị trấn ở hạ nguồn sống. Nghe hàng xóm bảo có một người thợ đóng giày ở tận cuối phía nam của khu chợ đã làm cho anh ta một đôi ủng vô cùng chắc chắn, anh ta đã đi được năm mùa mà chưa hỏng. Bạn tìm thấy cửa hàng đóng giày này và đề nghị đổi những quả táo lấy đôi giày mà bạn cần.

Người thợ giày lưỡng lự. Anh ta sẽ lấy bao nhiêu quả táo đây? Mỗi ngày, anh ta gặp gỡ với hàng tá khách hàng, một số vác đến những bao tải táo, số khác mang theo lúa mì, dê hoặc vải vóc – chất lượng rất khác nhau. Thậm chí có người chào hàng tài nghệ của họ trong việc thỉnh cầu lên đức vua hoặc chữa khỏi chứng đau lưng. Lần cuối cùng khi người thợ giày đổi giày lấy táo đã cách đây ba tháng, và khi đó có phải anh ta đã đổi ba bao táo? Hay là bốn nhỉ? Nhưng nhớ lại thì lúc đó giống táo đó là táo chua trồng ở dưới thung lũng, còn lần này là những quả táo trồng trên đồi có chất lượng thượng hạng. Vả lại, lần trước, những quả táo được dùng để đổi lấy một đôi giày nữ nhỏ nhắn, trong khi bạn lại đang muốn một đôi ủng nam. Ngoài ra, mấy tuần gần đây, bệnh dịch đã tàn sát nhiều bầy gia súc quanh thị trấn, và da trở nên khan hiếm. Thợ thuộc da đang đòi gấp đôi số đôi giày đóng hoàn chỉnh để đổi lấy cùng một lượng da thuộc. Có nên tính đến những yếu tố này không?

Trong nền kinh tế hàng-đổi-hàng, mỗi ngày thợ đóng giày và người trồng táo sẽ phải cập nhật giá cả tương đối của hàng tá mặt hàng. Nếu 100 mặt hàng khác nhau được trao đổi trên thị trường, thì người mua và người bán sẽ phải biết 4.950 tỉ giá trao đổi khác nhau. Và nếu 1.000 mặt hàng khác nhau được giao dịch, người mua và người bán phải vật lộn với 499.500 tỉ giá trao đổi khác nhau! Làm thế nào bạn tính được?

Tình hình thậm chí còn tệ hơn. Cho dù bạn xoay xở và tính ra bao nhiêu quả táo tương đương với một đôi giày, thì giao dịch đổi chác này không phải lúc nào cũng khả thi. Vì xét cho cùng, một cuộc giao thương đòi hỏi rằng mỗi bên đều muốn những gì mà bên kia đưa ra để trao đổi. Điều gì sẽ xảy ra nếu người thợ giày không thích táo, và nếu ở thời điểm đó, điều anh ta thực sự muốn là một vụ ly hôn? Đúng là người nông dân có thể kiếm được một luật sư thích táo và đưa ra một thỏa thuận ba bên. Nhưng nếu luật sư có quá nhiều táo rồi và cần cắt tóc thì sao?