Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nhiều người tin rằng sự biến mất của chiến tranh quốc tế chỉ có ở các nền dân chủ giàu có của Tây Âu. Trong thực tế, hòa bình đến với châu Âu sau khi đã thắng thế trên các khu vực khác của thế giới. Do đó, cuộc chiến quốc tế cuối cùng nghiêm trọng nhất tại các quốc gia Nam Mỹ là giữa Peru và Ecuador vào năm 1941, và chiến tranh giữa Bolivia và Paraguay vào năm 1932-1935. Trước đó đã không xuất hiện một cuộc chiến nghiêm trọng nào giữa các quốc gia Nam Mỹ kể từ năm 1879-1884, khi Chile đối đầu với liên minh giữa Bolivia và Peru.

Chúng ta ít khi nghĩ rằng thế giới Ả-rập đặc biệt yên bình. Tuy nhiên, chỉ một lần duy nhất kể từ khi các nước Ả-rập giành độc lập, có một trong các quốc gia mới phát động một cuộc chiến xâm lược toàn diện với quốc gia khác (Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990). Đã có khá nhiều xung đột biên giới (ví dụ như giữa Syria và Jordan năm 1970), nhiều can thiệp vũ trang vào công việc nội bộ của quốc gia khác (ví dụ như Syria ở Lebanon), nhiều cuộc chiến tranh dân sự (Algeria, Yemen, Libya), cùng rất nhiều các cuộc đảo chính và nổi dậy. Tuy nhiên, đã không có cuộc chiến tranh quốc tế toàn diện nào giữa các quốc gia Ả-rập, ngoại trừ cuộc chiến Vùng Vịnh. Ngay cả khi thêm vào toàn bộ thế giới Hồi giáo, cũng chỉ góp một ví dụ nữa: chiến tranh Iran với Iraq. Không có chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, Pakistan với Afghanistan, hay giữa Indonesia và Malaysia.

Tại châu Phi, mọi thứ không được màu hồng như thế. Nhưng ngay cả ở đó, hầu hết xung đột đều là nội chiến và đảo chính. Kể từ khi các nước châu Phi giành độc lập trong những năm 1960 và 1970, rất ít quốc gia xâm chiếm nước khác để mở mang bờ cõi.

Có những quãng thời gian tương đối yên tĩnh trước đó, ví dụ như ở châu Âu giữa năm 1871 và 1914, và sau đó luôn là sự kết thúc tồi tệ. Nhưng lần này thì khác, khi hòa bình thực sự không phải là sự vắng mặt của chiến tranh nữa. Hòa bình thực sự là chiến tranh không thể tồn tại. Chưa bao giờ có hòa bình thực sự trên thế giới. Giữa năm 1871 và 1914, một cuộc chiến ở châu Âu vẫn có thể xảy ra, và tham vọng chiến tranh vẫn là tư tưởng chủ đạo của quân đội, chính trị gia cũng như công dân bình thường. Linh tính này đúng với mọi thời kỳ hòa bình khác trong lịch sử. Quy luật chủ chốt của chính trị quốc tế cho thấy, “Với hai chính thể gần nhau, sẽ có một kịch bản hợp lý đẩy họ đến chiến tranh trong vòng một năm”. Thứ luật rừng từng có hiệu lực vào cuối thế kỷ 19 ở châu Âu, vào thời trung cổ châu Âu, tại Trung Hoa và Hy Lạp cổ đại. Nếu Sparta và Athens hòa bình vào năm 450 TCN, thì một kịch bản hợp lý là giữa họ sẽ nổ ra chiến tranh trước thời điểm năm 449 TCN.

Ngày nay nhân loại đã phá vỡ thứ luật rừng này. Cuối cùng thì cũng có hòa bình kéo dài thực sự, và không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh. Với hầu hết các chính thể, không có kịch bản hợp lý nào dẫn đến xung đột toàn diện trong vòng một năm. Điều gì có thể dẫn đến chiến tranh giữa Đức và Pháp trong năm tới? Hoặc giữa Trung Hoa và Nhật Bản? Hoặc giữa Brazil và Argentina? Một số cuộc đụng độ biên giới nhỏ có thể xảy ra, nhưng chỉ có một kịch bản huyễn tưởng mới có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện như xưa vào năm 2014, với những sư đoàn thiết giáp Argentina càn quét qua cửa ngõ thành phố Rio, và việc chính quyền Brazil ném bom rải thảm, nghiền thành bột các khu vực lân cận của Buenos Aires. Những cuộc chiến tranh như vậy vẫn nổ ra giữa một vài quốc gia, ví dụ giữa Israel và Syria, Ethiopia và Eritrea, hoặc Hoa Kỷ và Iran, nhưng đó chỉ là trường hợp ngoại lệ.

Tất nhiên, tình trạng này có thể thay đổi trong tương lai, và với nhận thức muộn màng, thế giới hôm nay có vẻ rất ngây thơ. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử, sự ngây thơ của chúng ta rất hấp dẫn. Chưa bao giờ hòa bình lại phổ biến đến mức con người thậm chí không thể tưởng tượng được chiến tranh.

Các học giả đã tìm cách giải thích tình trạng tốt đẹp này trong nhiều cuốn sách và bài viết hơn rất nhiều những gì bạn muốn đọc, và họ đã xác định được một vài yếu tố đóng góp. Thứ nhất và thiết yếu nhất, là cái giá của chiến tranh đã tăng lên đáng kể. Giải Nobel Hòa bình ở trên mọi giải thưởng hòa bình lẽ ra nên được trao cho Robert Oppenheimer và những đồng sự đã chế tạo ra bom nguyên tử. Vũ khí hạt nhân đã biến cuộc chiến giữa các siêu cường trở thành trò tự sát tập thể, và khiến người ta hiểu rằng không thể thống trị thế giới bằng vũ lực.

Thứ hai, trong khi cái giá của chiến tranh tăng vọt, lợi nhuận của nó cũng giảm. Trong phần lớn lịch sử, các chính thể có thể làm giàu bằng cách cướp bóc hoặc sáp nhập lãnh thổ đối phương. Hầu hết tài sản bao gồm những cánh đồng, gia súc, nô lệ và vàng, do đó, thật dễ để cướp hay chiếm đóng. Ngày nay, sự giàu có chủ yếu đến từ nguồn nhân lực, kiến thức kĩ thuật và các cấu trúc kinh tế xã hội phức tạp như ngân hàng. Do đó rất khó để mang đi hoặc sáp nhập chúng vào lãnh thổ nào đó.

Chẳng hạn như California. Sự giàu có ở đây ban đầu được xây dựng trên các mỏ vàng. Nhưng ngày nay nó được xây dựng trên Silicon và phim ảnh – Thung lũng Silicon và phim trường Hollywood. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Hoa xâm lược vũ trang California, đổ bộ một triệu binh sĩ lên bãi biển San Francisco, và tổng tấn công nội địa? Họ sẽ không kiếm được gì nhiều. Không có mỏ Silicon ở Thung lũng Silicon. Sự giàu có nằm trong trí óc của các kĩ sư Google và các bậc thầy kịch bản, đạo diễn và chuyên gia hiệu ứng đặc biệt của Hollywood, những người sẽ lên chiếc máy bay đầu tiên đến Bangalore hay Mumbai trước khi xe tăng Trung Hoa tiến vào Đại lộ Hoàng hôn. Không phải ngẫu nhiên mà thi thoảng vẫn diễn ra các cuộc chiến quy mô quốc tế, chẳng hạn như khi Iraq gây chiến với Kuwait, thường ở những nơi mà sự giàu có vẫn đến từ nguồn tài nguyên khoáng sản thời xưa. Toàn bộ hoàng tộc Kuwait có thể trốn đi nước ngoài, nhưng các mỏ dầu vẫn còn đó và bị chiếm đóng.

Trong khi chiến tranh không còn đem lại nhiều lợi nhuận, hòa bình trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, thương mại đường dài và đầu tư nước ngoài nắm giữ vị trí quan trọng. Do đó, hòa bình cũng mang lại đôi chút lợi ích, bên cạnh việc tránh được phí tổn chiến tranh. Giả dụ, năm 1400 Anh và Pháp đang hòa bình, người Pháp đã không phải nộp thuế chiến tranh nặng nề và chịu những cuộc xâm chiếm phá hoại của Anh, nhưng ngoài những sự kiện đó ra, túi tiền của họ cũng chẳng được lợi gì. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, thương mại và đầu tư nước ngoài đã trở nên hết sức quan trọng. Do đó hòa bình mang lại những món lợi tức có một không hai. Miễn là Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ yên bình, Trung Quốc có thể phát triển thịnh vượng bằng cách bán sản phẩm sang Mỹ, giao dịch tại phố Wall và nhận các khoản đầu tư từ Mỹ.

Những người thợ đào vàng tại California trong “Con sốt vàng”

Hình 43

Trụ sở chính của Facebook gần San Franciso

Hình 43 và hình 44. Những người thợ đào vàng tại California trong “Con sốt vàng” và trụ sở chính của Facebook gần San Franciso. Năm 1849, thành phố California giàu có nhờ vàng ròng. Còn ngày nay, California giàu có nhờ vào Silicon. Nhưng trong khi năm 1849, vàng thực sự nằm dưới đất đai ở California, thì ngày nay những kho báu thực sự của Thung lũng Silicon lại nằm trong đầu của những nhân viên công nghệ cao.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một sự chuyển đổi khổng lồ đã diễn ra trong nền văn hoá chính trị toàn cầu. Giới tinh hoa trong lịch sử – ví dụ, những thủ lĩnh Hungary, quý tộc Viking và linh mục Aztec – đều xem chiến tranh là một điều tích cực. Những người khác xem nó như tội ác, nhưng là điều không thể tránh khỏi, vậy nên tốt hơn hết chúng ta hãy biết tận dụng các cuộc chiến. Thời đại của chúng ta là lần đầu tiên trong lịch sử mà thế giới bị chi phối bởi giới tinh hoa yêu hòa bình – các chính trị gia, doanh nhân, trí thức và nghệ sĩ thực sự nhìn nhận chiến tranh như là cái ác và có thể tránh được. (Đã từng có những người theo chủ nghĩa hòa bình trong quá khứ, chẳng hạn như các tín đồ Ki-tô thời kỳ đầu, nhưng trong những trường hợp hiếm hoi mà họ giành được quyền lực, họ có xu hướng quên đi yêu cầu “chìa má bên kia ra” của mình.)

Có một vòng lặp phản hồi tích cực từ tất cả bốn yếu tố này. Mối đe dọa diệt vong hạt nhân thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình; khi hòa bình lan rộng, chiến tranh giảm xuống và thương mại khởi sắc, thương mại làm gia tăng cả những lợi ích của hòa bình và chi phí của chiến tranh. Theo thời gian, vòng lặp phản hồi này tạo ra một trở ngại khác cho chiến tranh, mà cuối cùng có thể chứng minh cho điều quan trọng hơn hết thảy. Mạng lưới ngày càng khăng khít của những mối liên kết quốc tế làm xói mòn sự độc lập của hầu hết các quốc gia, làm giảm cơ hội mà bất kỳ đất nước nào có thể tự tung tự tác. Hầu hết các quốc gia không còn tham gia vào chiến tranh toàn diện, vì đơn giản là họ không còn độc lập nữa. Mặc dù người dân ở Israel, Ý, Mexico và Thái Lan có thể nuôi dưỡng ảo tưởng về độc lập, nhưng thực tế là chính phủ của họ không thể tiến hành các chính sách kinh tế hay đối ngoại độc lập, và họ chắc chắn không có khả năng tự khởi xướng và tiến hành chiến tranh toàn diện. Như đã giải thích ở chương 11, chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một Đế chế Toàn cầu. Giống như các đế quốc trước đây, lần này cũng vậy, Đế chế Toàn cẩu thực thi hòa bình bên trong biên giới của nó. Và bởi vì biên giới của nó bao gồm toàn bộ thế giới, Đế chế Toàn cầu có thể thực thi hòa bình thế giới một cách hiệu quả.