Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nói vậy không có nghĩa là Peugeot SA là bất khả xâm phạm hoặc bất tử. Nếu một thẩm phán được ủy thác việc giải thể công ty, nhà máy vẫn sẽ tồn tại và công nhân, kế toán, quản lý, cổ đông sẽ tiếp tục sống – nhưng Peugeot SA sẽ lập tức biến mất. Tóm lại, Peugeot SA dường như không có kết nối cần thiết với thế giới vật chất. Liệu nó có thực sự tồn tại?

Peugeot nằm trong ý tưởng tập thể của chúng ta. Các luật sư gọi đây là một “hư cấu pháp lý”. Không thể chỉ tay vào nó; nó không phải là một đối tượng vật lý. Nhưng nó hiện hữu như một thực thể pháp lý. Cũng giống như bạn hay tôi, nó bị ràng buộc bởi pháp luật của đất nước mà nó hoạt động. Nó có thể mở một tài khoản ngân hàng và sở hữu tài sản riêng. Nó đóng thuế, nó có thể bị kiện và thậm chí truy tố riêng biệt với bất kỳ người nào sở hữu hoặc làm việc cho nó.

Peugeot là một dạng cụ thể của hư cấu pháp lý được gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Ý tưởng đằng sau các công ty này là một trong những phát minh tài tình nhất của nhân loại. Homo sapiens đã sống hàng ngàn năm mà không có chúng. Trong phần lớn lịch sử thành văn, tài sản chỉ có thể được sở hữu bởi con người bằng xương bằng thịt, loài đứng trên hai chân và có bộ não lớn. Nếu trong thế kỷ 13, France Jean tổ chức một hội thảo về sản xuất xe chở hàng, thì chính ông là công việc. Nếu một chiếc xe mà ông chế tạo bị hỏng sau khi mua được một tuần, người mua bực tức sẽ khởi kiện cá nhân Jean. Nếu Jean đã vay 1.000 đồng vàng để lập xưởng riêng và việc kinh doanh thất bại, ông sẽ phải trả nợ bằng cách bán tài sản riêng của mình – nhà, bò, đất đai của ông. Ông thậm chí sẽ phải bán con mình làm nô lệ. Nếu không thể trang trải các khoản nợ, ông có thể bị nhà nước tống vào tù hoặc làm nô lệ cho các chủ nợ của mình. Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm, không có giới hạn, cho mọi nghĩa vụ phát sinh bởi xưởng của mình.

Nếu được phép quay ngược thời gian, bạn có thể sẽ phải suy nghĩ rất kĩ trước khi mở một doanh nghiệp riêng. Và quả thực tình trạng pháp lý này không khuyến khích tinh thần kinh doanh. Mọi người sợ khởi nghiệp và nhận về rủi ro kinh tế. Dường như không đáng để liều khi mà cả gia đình có thể đi tới cái kết túng quẫn.

Đây là lý do khiến người ta bắt đầu cùng hình dung về sự tồn tại của công ty trách nhiệm hữu hạn. Những công ty này hầu như hoạt động độc lập một cách hợp pháp với những người lập ra chúng, hoặc đầu tư tiền vào đó, hoặc quản lý chúng. Trong vài thế kỷ qua, những công ty như vậy đã trở thành những tay chơi chính trên vũ đài kinh tế, và trở nên quen thuộc đến mức chúng ta quên rằng chúng chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của mình. Tại Mỹ, thuật ngữ chỉ công ty trách nhiệm hữu hạn là “Corporation”, khá mỉa mai, vì thuật ngữ này bắt nguồn từ “corpus” (tiếng Latin nghĩa là cơ thể), là thứ mà các công ty này thiếu. Dù chúng không hề có một cơ thể thực sự, nhưng hệ thống pháp luật Mỹ vẫn đối xử với các công ty này như những pháp nhân, như thể chúng là những con người bằng xương bằng thịt.

Và đó cũng là điều mà hệ thống pháp luật Pháp đã thực thi vào năm 1896, khi Armand Peugeot, người đã thừa hưởng từ cha mẹ một cửa hàng kim loại chuyên sản xuất lò xo, cưa và xe đạp, quyết định kinh doanh xe hơi. Nên ông đã thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. Ông đặt tên cho công ty theo tên mình, nhưng nó độc lập với ông. Nếu một trong những chiếc xe hơi bị hỏng hóc, người mua có thể kiện Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot. Nếu công ty đã vay hàng triệu franc và sau đó bị sụp đổ, Armand Peugeot không mắc nợ dù chỉ 1 franc. Sau tất cả, khoản vay đã được trao cho Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot, một Homo sapiens. Armand Peugeot đã chết năm 1915, còn công ty Peugeot hiện vẫn còn sống và khỏe mạnh.

Chính xác bằng cách nào mà Armand Peugeot, một con người, đã tạo nên Peugeot, một công ty? Rất giống với cách mà giới giáo phẩm và phù thủy đã sáng tạo ra những vị thần và quỷ dữ trong suốt lịch sử, và giống với cách mà hàng ngàn linh mục Pháp vẫn tạo ra cơ thể của Chúa Jesus mỗi Chủ nhật tại nhà thờ giáo xứ. Tất cả đều xoay quanh những câu chuyện kể, và thuyết phục mọi người tin vào chúng. Trong trường hợp của các linh mục Pháp, câu chuyện quan trọng về sự sống và cái chết của Chúa Jesus giống như lời kể của Giáo hội Công giáo. Theo câu chuyện này, nếu một linh mục Công giáo mặc áo lễ trịnh trọng nói những lời chính xác vào đúng thời điểm, thì bánh mì và rượu vang thế tục sẽ biến thành thịt và máu của Chúa. Các linh mục kêu lên “Hoc est Corpus meum!” (Tiếng Latin nghĩa là “Đây là cơ thể của tôi”). Khi thấy các linh mục đã thực hành chuẩn mực và cần mẫn mọi lễ nghi, hàng triệu người Pháp Công giáo mộ đạo liền cư xử như thể Thiên Chúa thực sự tồn tại trong bánh mì và rượu vang.

Trong trường hợp của Peugeot SA, điều quyết định chính là các bộ luật của Pháp được Nghị viện Pháp thảo ra. Theo các nhà lập pháp nước này, nếu một luật sư có chứng nhận hành nghề, tuân theo mọi tập tục và nghi lễ cúng bái, đã viết tất cả bùa chú và lời thề nguyền cần thiết trên một mảnh giấy trang trí đẹp, ký tên đóng dấu vào cuối tài liệu, rồi hô biến – một công ty mới sẽ ra đời. Năm 1896, khi Armand Peugeot muốn lập ra công ty của mình, ông đã trả tiền cho một luật sư lo liệu mọi thủ tục thiêng liêng đó. Sau khi vị luật sư đã thực hiện đúng mọi nghi lễ và công bố tất cả bùa chú và tuyên thệ cần thiết, hàng triệu công dân Pháp biết đứng thẳng đã cư xử như thể công ty Peugeot thực sự tồn tại.

Kể chuyện hiệu quả là không dễ. Khó khăn không chỉ ở việc kể chuyện, mà còn ở việc thuyết phục người khác tin vào nó. Phần lớn lịch sử xoay quanh câu hỏi này: làm thế nào để thuyết phục hàng triệu người tin vào những câu chuyện nào đó về các vị thần, hoặc các dân tộc, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn? Song khi thành công, nó mang lại cho Sapiens sức mạnh to lớn, vì nó cho phép hàng triệu người lạ hợp tác và làm việc hướng tới các mục tiêu chung. Hãy thử tưởng tượng, sẽ vất vả đến thế nào để lập ra các quốc gia, các nhà thờ, các hệ thống pháp lý nếu chúng ta chỉ có thể nói về những điều thực sự tồn tại, như sông, cây xanh và sư tử.

Theo năm tháng, con người đã thêu dệt nên một mạng lưới những câu chuyện phức tạp khó tin. Trong mạng lưới này, hư cấu kiểu như Peugeot không chỉ tồn tại mà còn tích lũy sức mạnh to lớn. Những kiểu loại mà con người tạo ra thông qua mạng lưới các câu chuyện này được biết đến trong giới học thuật là “hư cấu”, “cấu trúc xã hội”, hoặc “thực tế tưởng tượng”. Một thực tế tưởng tượng không phải là một lời nói dối. Tôi dối trá khi nói rằng có một con sư tử  gần sông dù tôi biết rất rõ rằng không có sư tử ở đó. Không có gì đặc biệt về những lời nói dối. Những con khỉ Chlorocebus và tinh tinh có thể nói dối. Ví dụ, một con khỉ Chlorocebus, sau khi quan sát đã kêu “Cẩn thận! Sư tử!” khi không có con sư tử nào xung quanh. Báo động này hoàn toàn có thể làm khiếp sợ con khỉ đồng bọn vừa tìm thấy một quả chuối và khiến nó bỏ đi, để lại kẻ nói dối một mình thó lấy phần thưởng cho bản thân.

Không giống như nói dối, một thực tế tưởng tượng là điều mà mọi người đều tin vào, và chừng nào niềm tin cộng đồng này tồn tại, thì chừng đó thực tế tưởng tượng còn thể hiện sức mạnh lên thế giới. Người điêu khắc ở hang Stadel có thể chân thành tin vào sự tồn tại của nhân sư như một linh thần giám hộ. Một số phù thủy là lang băm, nhưng đa phần thành kính tin vào sự tồn tại của thần linh và ma quỷ. Hầu hết các triệu phú thật sự tin vào sự tồn tại của tiền và trách nhiệm hữu hạn của các công ty. Hầu hết các nhà hoạt động nhân quyền thành thật tin vào sự tồn tại của các quyền con người. Không ai nói dối khi vào năm 2011, Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Libya tôn trọng các quyền con người của công dân, mặc dù kể cả Liên Hợp Quốc, Libya và nhân quyền đều là những khái niệm bịa đặt bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của chúng ta.

Kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã sống trong một thực tế kép. Một mặt là thực tế khách quan về các dòng sông, cây cối, sư tử, và mặt khác là thực tế tưởng tượng của các vị thần, quốc gia, công ty. Thời gian trôi qua, thực tế tưởng tượng này đã trở nên mạnh mẽ hơn, do đó mà ngày nay chính sự tồn tại của các dòng sông, cây cối và sư tử lại phụ thuộc vào sự chiếu cố của các thực thể tưởng tượng này.

Bỏ qua bộ gen

Khả năng tạo ra một thực tế tưởng tượng bằng từ ngữ cho phép vô số người lạ hợp tác hiệu quả. Nhưng nó còn làm được nhiều hơn thế. Bởi con người hợp tác được trên quy mô lớn là nhờ vào những huyền thoại, cách thức họ hợp tác có thể được thay đổi bằng cách thay đổi những huyền thoại, qua việc kể những câu chuyện khác đi. Trong những trường hợp thuận lợi, huyền thoại có thể thay đổi nhanh chóng. Năm 1789, gần như chỉ qua một đêm, người dân Pháp chuyển từ việc tin tưởng vào huyền thoại về quyền thiêng liêng của các vị vua sang tin vào huyền thoại về chủ quyền của nhân dân. Do đó, kể từ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens đã có thể điều chỉnh nhanh chóng hành vi của mình phù hợp với nhu cầu thay đổi. Điều này đã mở ra một làn cao tốc của tiến hoá văn hoá, vượt qua những tắc nghẽn trong tiến hoá gen. Tăng tốc trên làn này, Homo sapiens đã sớm vượt xa tất cả các loài người và động vật khác về khả năng hợp tác của mình.