Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Mỏ tiền của khoa học

Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật. Nhiều người tin rằng khoa học và kĩ thuật nắm giữ chìa khoá cho mọi vấn đề của chúng ta. Chỉ cần để cho các nhà khoa học tiếp tục với công việc của mình, họ sẽ tạo ra thiên đường ở ngay trên mặt đất. Nhưng khoa học không phải là dự án diễn ra ở một bình diện tinh thần hay đạo đức siêu phàm hơn các phần còn lại trong hoạt động của con người. Giống như tất cả những bộ phận khác của văn hoá chúng ta, khoa học được đẽo gọt nên từ những lợi ích về kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Khoa học là một sự nghiệp rất tốn kém. Để phục vụ việc tìm hiểu hệ thống miễn dịch của con người, một nhà sinh vật học cần có phòng thí nghiệm, ống nghiệm, hoá chất và kính hiển vi điện tử, chưa kể đến các phụ tá phòng thí nghiệm, thợ điện, thợ ống nước và lao công. Một nhà kinh tế học tìm kiếm các thị trường tín dụng mẫu mực phải mua máy vi tính, thiết lập ngân hàng dữ liệu khổng lồ, và xây dựng những chương trình xử lý dữ liệu phức tạp. Một nhà khảo cổ học muốn hiểu được hành vi của người săn bắt hái lượm cổ đại, phải đi đến những vùng đất xa xôi, khai quật phế tích cổ đại, và xác định niên đại của xương hoá thạch và các đồ chế tác. Tất cả những điều này đều tốn khá tiền.

Trong suốt 300 năm qua, khoa học hiện đại đã đạt được những kỳ tích, phần lớn nhờ các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và các nhà tài trợ tư nhân, sẵn lòng đổ hàng tỉ đô-la cho nghiên cứu khoa học. Hàng tỉ đô-la này đã hỗ trợ việc lập biểu đồ vũ trụ, vẽ bản đồ các hành tinh, lên danh mục thế giới động vật, nhiều hơn so với những gì Galileo Galilei, Christopher Columbus và Charles Darwin đã làm. Nếu những thiên tài đặc biệt này không sinh ra trên đời, thì quan điểm của họ vẫn có thể nảy ra ở những người khác. Nhưng nếu không có nguồn tài chính thỏa đáng, thì không trí tuệ xuất chúng nào có thể bù đắp cho điều đó. Chẳng hạn, nếu Darwin chưa bao giờ sinh ra, ngày nay chúng ta sẽ xem thuyết tiến hoá là của Alfred Russel Wallace, người mà một vài năm sau đó đã đi đến ý tưởng về tiến hoá qua chọn lọc tự nhiên một cách độc lập với Darwin. Nhưng nếu các cường quốc châu Âu không tài trợ cho nghiên cứu về địa lý, động vật và thực vật trên khắp thế giới, thì cả Darwin lẫn Wallace đều sẽ không có dữ liệu thực nghiệm cần thiết để phát triển thuyết tiến hoá. Có khả năng là ngay cả họ cũng sẽ không thử tìm cách làm việc này.

Tại sao hàng tỉ đô-la bắt đầu chảy từ những kho bạc của chính phủ và doanh nghiệp vào các phòng thí nghiệm và trường đại học? Trong giới học thuật, có nhiều người đủ ngây thơ để tin vào khoa học thuần túy. Họ tin rằng chính phủ và doanh nghiệp đã cấp tiền cho họ dưới tinh thần vị tha để theo đuổi bất cứ dự án nghiên cứu nào lôi cuốn họ. Nhưng điều này hầu như không mô tả được hiện thực của việc tài trợ cho khoa học.

Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều được tài trợ bởi ai đó tin rằng chúng có thể giúp họ đạt được một số mục tiêu chính trị, kinh tế, hay tôn giáo. Lấy ví dụ, trong thế kỷ 16, vua chúa và ngân hàng rót những khoản tài trợ khổng lồ cho các cuộc thám hiểm địa lý trên thế giới, nhưng không dành một xu nào cho việc nghiên cứu tâm lý trẻ em. Lý do là vì các quân vương và ông chủ ngân hàng đã phỏng đoán rằng việc phát kiến về kiến thức địa lý mới sẽ cho phép họ chinh phục vùng đất mới và thiết lập đế quốc thương mại, họ không thấy bất kỳ mối lợi nào trong việc tìm hiểu tâm lý trẻ em.

Trong thập niên 1940, chính phủ Mỹ và Liên Xô đã rót những nguồn lực to lớn cho việc nghiên cứu vật lý nguyên tử chứ không đầu tư cho ngành khảo cổ học dưới nước. Họ phỏng đoán rằng nghiên cứu vật lý nguyên tử sẽ giúp họ phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi khảo cổ học dưới nước khó có thể giúp họ thắng lợi trong chiến tranh. Bản thân các nhà khoa học không phải lúc nào cũng nhận ra được lợi ích chính trị, kinh tế và tôn giáo vốn kiểm soát dòng chảy của đồng tiền; nhiều nhà khoa học, trên thực tế, hành động bắt nguồn từ sự tò mò trí tuệ thuần túy. Tuy nhiên, hiếm khi các nhà khoa học có thể định đoạt chương trình nghiên cứu khoa học.

Ngay cả nếu chúng ta muốn tài trợ cho khoa học thuần túy mà không bị chi phối bởi lợi ích chính trị, kinh tế, tôn giáo, điều này có lẽ là bất khả thi. Xét cho cùng, các nguồn lực của chúng ta đều có giới hạn. Hãy đề nghị một nghị sĩ phân bổ thêm vài triệu đô-la cho Quỹ Khoa học Quốc gia dành cho nghiên cứu cơ bản, và ông ta sẽ cật vấn một cách chính đáng rằng, chẳng phải số tiền đó sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu dùng để tài trợ cho việc đào tạo giáo viên, hay cắt giảm thuế cho một nhà máy trong khu vực bầu cử của ông ta hiện đang gặp khó khăn tài chính. Để điều hướng những nguồn lực giới hạn này, chúng ta phải trả lời các câu hỏi như “Điều gì quan trọng hơn?” và “Điều gì là tốt?” Đây không phải là các câu hỏi mang tính khoa học. Khoa học có thể giải thích những gì tồn tại trong thế giới, sự việc xảy ra như thế nào, và tương lai sẽ là gì. Theo định nghĩa, khoa học không có tham vọng biết những gì nên có trong tương lai. Chỉ có các tôn giáo và tư tưởng mới đi tìm câu trả lời cho câu hỏi như vậy.

Hãy xem xét tình thế khó xử sau đây: hai nhà sinh vật học cùng lĩnh vực, có kĩ năng chuyên môn giống nhau, đều làm hồ sơ xin một khoản tài trợ 1 triệu đô-la cho dự án nghiên cứu hiện tại của họ. Giáo sư Slughorn muốn nghiên cứu một căn bệnh nhiễm trùng bầu vú bò, làm giảm 10% sản lượng sữa của chúng. Giáo sư sprout muốn nghiên cứu xem liệu những con bò mẹ có bị đau đớn gì về tinh thần không khi bị tách khỏi bê con. Giả sử tổng số tiền hạn hẹp và không thể nào tài trợ cho cả hai dự án nghiên cứu, vậy cái nào nên được tài trợ?

Không có đáp án mang tính khoa học cho câu hỏi này. Chỉ có những đáp án mang tính chính trị, kinh tế và tôn giáo. Trong thế giới ngày nay, rõ ràng là khả năng Slughorn được tài trợ là cao hơn. Không phải vì bệnh viêm vú bò thú vị hơn về mặt khoa học so với việc nghiên cứu tâm lý loài bò, mà vì ngành công nghiệp sữa sẽ có thể được hưởng lợi từ việc nghiên cứu có tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế hơn so với nhóm vận động cho quyền của loài vật.

Có lẽ trong một xã hội Hindu hà khắc, nơi bò là loài vật thiêng, hay trong một xã hội tôn trọng quyền của loài vật, Giáo sư sprout sẽ có một cơ may tốt hơn. Nhưng chừng nào bà còn sống trong một xã hội đề cao tiềm năng thương mại của sữa và sức khỏe của công dân người hơn là cảm xúc của loài bò, tốt nhất là bà nên viết lại đề xuất nghiên cứu của mình, để có sức hút đối với những giả định trên. Ví dụ, bà có thể viết rằng “sự phiền muộn dẫn đến sự sụt giảm sản lượng sữa. Nếu chúng ta hiểu được thế giới tinh thần của bò sữa, chúng ta có thể phát triển những dược phẩm tâm thần cải thiện tâm trạng của chúng, từ đó tăng sản lượng sữa lên đến 10%. Tôi ước tính rằng có một thị trường dược phẩm tâm thần dành cho bò sữa trên thế giới trị giá khoảng 250 triệu đô-la mỗi năm”.

Khoa học không thể thiết lập những ưu tiên riêng của nó. Nó cũng không đủ khả năng xác định phải làm gì với những khám phá của mình. Ví dụ, từ một quan điểm khoa học thuần túy, chúng ta vẫn chưa rõ liệu mình nên làm gì với khối kiến thức di truyền học ngày càng gia tăng. Chúng ta có nên dùng kiến thức này để chữa bệnh ung thư, để tạo ra siêu nhân biến đổi gen, hay tạo ra loài bò sữa với bầu vú cực lớn? Rõ ràng một chính quyền tự do, một chính quyền cộng sản, một chính quyền quốc xã và một công ty kinh doanh tư bản sẽ sử dụng những khám phá khoa học giống nhau cho những mục đích hoàn toàn khác nhau, và không có lý do khoa học nào để thiên vị cách này hơn cách khác.

Nói tóm lại, nghiên cứu khoa học chỉ có thể phát triển thịnh vượng khi kết hợp với một tôn giáo hay ý thức hệ nào đó. Ý thức hệ biện hộ cho các chi phí của nghiên cứu. Đổi lại, ý thức hệ chi phối chương trình khoa học và quyết định làm gì với những phát kiến. Vậy nên, để hiểu nhân loại đã đạt đến thành tựu Alamogordo và đặt chân lên Mặt trăng – chứ không phải một bất kỳ nơi nào trong những điểm đến khác – sẽ là không đủ nếu chỉ nghiên cứu thành tựu của các nhà vật lý học, sinh học và xã hội học. Chúng ta phải xem xét các sức mạnh tư tưởng, chính trị và kinh tế đã định hướng cho vật lý học, sinh học và xã hội học, đẩy chúng đi theo những hướng nhất định trong khi bỏ qua những hướng khác.

Hai sức mạnh cụ thể đáng để chúng ta chú ý đến là: chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản. Vòng hồi tiếp giữa khoa học, đế quốc và tư bản vẫn được tranh cãi là động cơ chính của lịch sử trong 500 năm qua. Những chương tiếp theo phân tích hoạt động của nó. đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu chiếc turbine kép – khoa học và đế quốc – đã được cài chốt vào nhau như thế nào, và sau đó tìm hiểu cả hai đã bị trói buộc vào cái máy bơm tiền của chủ nghĩa tư bản ra sao.

15. Cuộc hôn nhân giữa khoa học và đế quốc

Mặt trời và Trái đất cách nhau bao xa? Đó là câu hỏi kích thích trí tò mò của nhiều nhà thiên văn thời cận đại, đặc biệt là sau khi Copernicus đã cho rằng Mặt trời, chứ không phải Trái đất, nằm ở trung tâm của vũ trụ. Một số nhà thiên văn học và toán học đã cố gắng để tính toán khoảng cách này, nhưng những phương pháp của họ cho ra các kết quả rất khác biệt. Một phương pháp đo đạc tin cậy cuối cùng được đưa ra vào giữa thế kỷ 18. Cứ vài năm, quỹ đạo Sao Kim lại cắt ngang qua khoảng không giữa Mặt trời và Trái đất. Chỉ cần sự khác biệt rất nhỏ trong góc nhìn của người quan sát sẽ thấy thời gian của hiện tượng cắt ngang là khác nhau khi nhìn từ những điểm cách xa nhau trên bề mặt Trái đất. Nếu có thể đồng thời quan sát cùng một lần di chuyển cắt ngang này từ những lục địa khác nhau, chỉ cần dùng lượng giác cơ bản là tính được khoảng cách chính xác giữa chúng ta và Mặt trời.