Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

18. Cuộc cách mạng lâu dài

Cách mạng Công nghiệp đã mở ra những phương thức mới để chuyển đổi năng lượng và sản xuất hàng hoá, giải phóng phần lớn nhân loại khỏi sự phụ thuộc vào hệ sinh thái xung quanh. Con người đốn rừng, thoát nước các vùng đầm lầy, đắp đập ngăn sông, tưới nước cho các vùng đồng bằng, lắp đặt hàng chục ngàn cây số đường ray xe lửa, và xây dựng các đô thị lớn chọc trời. Khi thế giới được tạo nên để phù hợp với nhu cầu của Homo sapiens, môi trường sống đã bị phá hủy và các loài bị tuyệt chủng. Hành tinh từng tràn đầy xanh tươi và hoa lá của chúng ta trở thành một trung tâm mua sắm được làm bằng bê tông và nhựa.

Ngày nay, các lục địa trên Trái đất là ngôi nhà của gần 7 tỉ Sapiens. Nếu bạn đặt tất cả họ vào rất nhiều cái cân lớn, tổng khối lượng của họ sẽ vào khoảng 300 triệu tấn. Nếu sau đó bạn lại gom tất cả các vật nuôi trong trang trại của chúng ta như bò, lợn, cừu, gà và đặt chúng trên rất nhiều cái cân lớn hơn, khối lượng của chúng sẽ lên đến khoảng 700 triệu tấn. Ngược lại, tổng khối lượng của tất cả các loài động vật hoang dã lớn còn sót lại từ nhím, chim cánh cụt, đến voi và cá voi – ít hơn 100 triệu tấn. Những cuốn sách trẻ em, các biểu tượng và màn hình tivi của chúng ta vẫn ngập tràn hình ảnh hươu cao cổ, chó sói và tinh tinh, nhưng thực tế chúng còn rất ít trong thế giới thực. Có khoảng 80.000 hươu cao cổ trên thế giới so với 1,5 tỉ gia súc; chỉ còn 200.000 con sói xám so với 400 triệu con chó thuần hoá; và chỉ còn 250.000 con tinh tinh – trái ngược với hàng tỉ người. Nhân loại thực sự đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thế giới.

Sự suy thoái hệ sinh thái không giống như tình trạng khan hiếm tài nguyên. Như chúng ta đã thấy ở chương trước, các nguồn lực sẵn có phục vụ con người không ngừng tăng lên, và khả năng sẽ còn tiếp tục như vậy. Đó là lý do mà lời tiên tri về ngày tận thế vì khan hiếm tài nguyên có lẽ đã bị đặt sai chỗ. Ngược lại, nỗi sợ hãi về sự suy thoái sinh thái lại trở nên rất rõ ràng. Trong tương lai đó, con người giành quyền kiểm soát một lượng dồi dào các vật liệu mới và các nguồn năng lượng, trong khi đồng thời phá hủy những gì còn lại của môi trường sống tự nhiên và đẩy hầu hết các loài khác tới bờ vực tuyệt chủng.

Trên thực tế, bất ổn sinh thái có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chính loài Homo sapiens. Hiện tượng nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và ô nhiễm trên diện rộng có thể làm cho Trái đất không còn dễ sống với loài người, và do đó tương lai có thể chứng kiến một cuộc rượt đuổi giữa sức mạnh của con người và những thiên tai do con người gây ra. Khi con người sử dụng sức mạnh của mình để chống lại thế lực thiên nhiên và chinh phục các hệ sinh thái từ những nhu cầu và ý tưởng bất chợt của họ, những thế lực trên có thể gây ra phản ứng trái chiều bất ngờ và nguy hiểm hơn nhiều. Và những phản ứng của thiên nhiên, khả năng cao là chỉ có thể kiểm soát được bằng những biện pháp thậm chí còn quyết liệt hơn, sẽ dẫn đến sự hỗn loạn tồi tệ hơn.

Nhiều người gọi tiến trình này “sự tàn phá thiên nhiên”. Nhưng nó không thực sự phá hủy, nó biến đổi. Thiên nhiên không thể bị phá hủy. 65 triệu năm trước, một thiên thạch lớn đã xóa sổ loài khủng long, nhưng sự kiện đó lại mở ra con đường phát triển cho động vật có vú. Ngày nay, nhân loại đang đẩy nhiều loài đến tuyệt chủng và thậm chí có thể tiêu diệt chính mình. Nhưng một số sinh vật khác đang thích nghi khá tốt. Ví dụ như chuột và gián đang trong thời kỳ hoàng kim của chúng. Những sinh vật ngoan cường có lẽ sẽ chui ra từ dưới đống đổ nát của một thảm họa toàn cầu, sẵn sàng và có khả năng truyền bá ADN của chúng. Có lẽ 65 triệu năm nữa, loài chuột thông minh sẽ nhìn lại với lòng biết ơn về sự chết chóc do con người gây nên, cũng như chúng ta ngày nay có thể cảm ơn rằng thiên thạch đã làm loài khủng long tuyệt chủng.

Tuy nhiên, những lời đồn thổi về sự tuyệt chủng của loài người chúng ta vẫn còn quá sớm. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, dân số thế giới đã bùng nổ chưa từng thấy. Năm 1700, thế giới là ngôi nhà chung của 700 triệu người. Tới năm 1800, con số này đã lên đến 950 triệu người. Tới năm 1900, loài người gần như tăng gấp đôi số lượng của mình lên đến 1,6 tỉ người. Và tới năm 2000, con số này tăng gấp bốn lần lên đến 6 tỉ người. Hiện nay dân số thế giới đã tới ngưỡng 7 tỉ người.

Thời hiện đại

Trong khi tất cả Sapiens đang ngày càng phát triển theo chiều hướng không tuân theo quy luật tạo hoá, họ cũng tuân thủ hơn các tôn chỉ của nền công nghiệp hiện đại và chính phủ. Cách mạng Công nghiệp đã mở đường cho một chuỗi các thử nghiệm trong lĩnh vực kĩ thuật xã hội, và một loạt những thay đổi thậm chí còn không định trước trong cuộc sống hằng ngày và tâm lý con người. Một trong rất nhiều bằng chứng là sự thay thế nền nông nghiệp mùa vụ truyền thống bằng lịch trình thống nhất và chính xác của các ngành công nghiệp.

Nông nghiệp truyền thống phụ thuộc vào chu kỳ thời gian tự nhiên và tăng trưởng hữu cơ. Hầu hết các xã hội không thể đo thời gian một cách chính xác, và họ cũng không đặc biệt quan tâm đến chuyện đó. Thế giới bắt đầu công việc của mình mà không cần đồng hồ và thời gian biểu, chỉ tuân theo sự luân chuyển của Mặt trời và các chu trình sinh trưởng của thực vật. Không có ngày làm việc chính xác cần tuân thủ, mọi thói quen thay đổi rõ rệt từ mùa này sang mùa khác. Con người biết Mặt trời xuất hiện ở đâu, và lo lắng dõi theo những dự báo về thời điểm thu hoạch và mùa mưa, nhưng họ không biết đến thời gian chia theo giờ và hầu như không quan tâm đến khái niệm năm. Nếu một người du hành ngược thời gian bất ngờ xuất hiện tại một ngôi làng thời trung cổ và hỏi một người qua đường, “Bây giờ là năm nào rồi?” thì dân làng sẽ vô cùng hoang mang trước câu hỏi trên cũng như thứ quần áo buồn cười của người lạ mặt.

Danh hài Charlie Chaplin trong vai một công nhân bị mắc kẹt trong dây chuyền công nghiệp

Hình 42. Hình ảnh của danh hài Charlie Chaplin trong vai một công nhân bị mắc kẹt trong dây chuyền công nghiệp, trích từ bộ phim Thời hiện đại (Modern Times) (1936).

Ngược lại với những nông dân và thợ đóng giày thời trung cổ, ngành công nghiệp hiện đại chỉ quan tâm đôi chút về Mặt trời hay các mùa trong năm. Nó để cao tính chính xác và thống nhất. Ví dụ, trong một xưởng đóng giày thời trung cổ, mỗi thợ đóng giày làm toàn bộ một đôi giày, từ đế giày đến móc khoá. Nếu một thợ đóng giày trễ hạn trong công việc, điều này không làm chững lại công việc của những người khác. Tuy nhiên, trong một dây chuyền lắp ráp giày hiện đại, mỗi công nhân điều khiển một cỗ máy chỉ sản xuất một phần nhỏ của một chiếc giày, rồi chiếc giày đó sẽ được chuyển sang cỗ máy tiếp theo. Nếu người công nhân vận hành máy số 5 ngủ quên, điều đó sẽ làm ngưng trệ tất cả các máy khác. Để đối phó với tình trạng đó, tất cả mọi người đều phải tuân theo một lịch trình chuẩn xác. Mỗi công nhân đến làm việc chính xác vào cùng một thời điểm. Mọi người đều có cùng giờ nghỉ ăn trưa cho dù họ có đang đói hay không. Mọi người đều về nhà khi nghe tiếng còi tan ca, chứ khống phải khi họ đã hoàn thành phần việc của mình.

Cách mạng Công nghiệp đã biến thời gian biểu và dây chuyển sản xuất trở thành khuôn mẫu cho hầu như mọi hoạt động của con người. Ngay sau khi các nhà máy áp dụng khung thời gian cố định lên công việc của con người, các trường học cũng thông qua những thời khoá biểu chính xác, tiếp theo là bệnh viện, cơ quan chính phủ và cửa hàng tạp hoá. Ngay cả ở những nơi không tồn tại dây chuyền sản xuất và máy móc, thời gian biểu cũng vẫn rất quan trọng. Nếu ca làm việc tại nhà máy kết thúc vào lúc 17 giờ, quán rượu gần đó rất nên mở cửa kinh doanh lúc 17:02.

Một mối liên hệ quan trọng trong hệ thống thời gian biểu phổ biến chính là hoạt động giao thông công cộng. Nếu người lao động bắt đầu ca làm lúc 8:00, xe lửa hoặc xe buýt phải đến cổng nhà máy trước 7:55. Một vài phút chậm trễ sẽ làm giảm sản lượng, và thậm chí dẫn đến chuyện những người không may đến muộn bị đuổi việc. Năm 1784, một dịch vụ vận tải với lịch trình cố định bắt đầu được triển khai ở Anh. Lịch trình đó chỉ quy định chính xác giờ khởi hành, chứ không phải giờ kết thúc hành trình. Thời ấy, mỗi thành phố và thị trấn của Anh có giờ địa phương riêng, có thể sai khác với thời gian ở London đến tận nửa tiếng. Nếu lúc này là 12:00 tại London, thì lúc đó có thể là 12:20 tại Liverpool và 11:50 ở Canterbury. Thời ấy khống có điện thoại, không có đài phát thanh hay truyền hình, và cũng không có tàu tốc hành – vậy ai có thể biết và ai thèm quan tâm?

Chuyến tàu hỏa thương mại đầu tiên bắt đầu được triển khai giữa Liverpool và Manchester năm 1830. 10 năm sau đó, bảng giờ tàu chạy đầu tiên được ấn định. Các đoàn tàu di chuyển nhanh hơn nhiều so với xe ngựa kiểu cũ, vì vậy sự sai lệch trong giờ địa phương đã gây nhiều phiền toái. Năm 1847, những công ty xe lửa ở Anh đã nhóm họp lại, đồng ý rằng từ nay về sau tất cả lịch trình tàu hỏa sẽ được hiệu chỉnh theo giờ của đài thiên văn Greemvich, chứ không phải giờ địa phương của Liverpool, Manchester hay Glasgow. Ngày càng có nhiều tổ chức học theo cách làm của họ. Cuối cùng, năm 1880, chính phủ Anh đã có một bước đi chưa từng có tiền lệ, rằng mọi lịch trình ở Anh phải hiệu chỉnh theo đồng hồ được đặt tại đài thiên văn Greenwich. Lần đầu tiên trong lịch sử có một đất nước thống qua múi giờ chuẩn quốc gia và bắt buộc người dân phải sống theo một chiếc đồng hồ nhân tạo chứ không phải theo giờ địa phương hay chu kỳ Mặt trời.