Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Những môn đồ của sự tiến bộ không đồng tình với thái độ chủ bại này. Đối với những con người của khoa học, cái chết không phải là một định mệnh không thể tránh khỏi, mà chỉ đơn thuần là một vấn để kỹ thuật. Người ta chết không phải vì Thượng đế ra sắc lệnh như vậy, mà do nhiều trục trặc kỹ thuật khác nhau: một cơn đau tim, bệnh ung thư, bệnh nhiễm trùng. Và mọi vấn để kỹ thuật đều có một giải pháp kỹ thuật. Nếu tim đập yếu và không đều, nó có thể được kích bởi một thiết bị điều hòa nhịp tim hoặc được thay bằng một quả tim mới. Nếu tế bào ung thư di căn, chúng có thể bị tiêu diệt bằng thuốc, hoặc xạ trị. Nếu vi khuẩn sinh sôi nảy nở, chúng có thể bị diệt bằng thuốc kháng sinh. Đúng là hiện nay chúng ta chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề kỹ thuật. Nhưng chúng ta đang tìm cách để làm. Những bộ não xuất sắc nhất của chúng ta không uổng phí thời gian gán cho cái chết những ý nghĩa của nó. Thay vào đó, họ đang bận rộn nghiên cứu các cơ chế sinh lý học, nội tiết và di truyền chịu trách nhiệm cho tật bệnh và lão hoá. Họ đang phát triển các loại thuốc mới, các phương pháp điều trị mang tính cách mạng, các cơ quan nhân tạo để kéo dài cuộc sống của chúng ta, và một ngày nào đó có thể đánh bại thần chết Grim Reaper.

Cho tới gần đây, hẳn bạn sẽ không nghe thấy các nhà khoa học, hay bất cứ ai khác, khăng khăng thẳng thừng tuyên bố: “Đánh bại cái chết?! Thật vô nghĩa! Chúng ta chỉ cố gắng để chữa bệnh ung thư, bệnh lao và bệnh Alzheimer”. Mọi người né tránh vấn đề cái chết, vì mục tiêu dường như quá khó nắm bắt. Tại sao lại đưa ra những kỳ vọng không hợp lý như vậy? Tuy nhiên bây giờ đang ở một thời điểm mà chúng ta có thể thẳng thắn về điều đó. Dự án dẫn đầu Cách mạng Khoa học là tạo cho loài người một cuộc sống vĩnh cửu. Dù việc tiêu diệt cái chết có vẻ là một mục tiêu xa vời, chúng ta đã đạt được những thành quả mà một vài thế kỷ trước là điều không thể tưởng tượng được. Năm 1199, Vua Richard Tim Sư tử bị một mũi tên bắn xuyên vai trái. Ngày nay, chúng ta sẽ bảo rằng ông bị một thương tích nhỏ. Nhưng vào năm 1199, khi chưa có thuốc kháng sinh và phương pháp khử trùng hiệu quả, vết thương nhỏ trong da thịt này đã bị nhiễm trùng, và bắt đầu hoại tử. Cách duy nhất để ngăn chặn sự lan rộng của hoại tử trong thế kỷ 12 ở châu Âu là cắt bỏ phần chi bị nhiễm trùng, nhưng điều này bất khả thi khi chỗ nhiễm trùng là ở một bên vai. Chứng hoại tử lan rộng qua cơ thể của Lionheart, và không ai có thể giúp nhà vua. Ông chết trong đau đớn tột cùng hai tuần sau đó.

Gần đây nhất là vào thế kỷ 19, những bác sĩ giỏi nhất vẫn không biết làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm trùng và chặn đứng sự thối rữa của các mô tế bào. Trong bệnh viện dã chiến, các bác sĩ hằng ngày phải cưa tay, cưa chân thương binh dù chỉ bị vết thương nhỏ ở chi vì sợ chúng bị hoại tử. Thủ thuật cắt cụt này, cũng như tất cả những thủ thuật y tế khác (như nhổ răng), đã được thực hiện mà không có bất kỳ một loại thuốc gây mê nào. Các loại thuốc gây mê đầu tiên – ether, chloroform và morphine – được đưa vào sử dụng thường xuyên trong Tây y chỉ vào giữa thế kỷ 19. Trước khi chloroform ra đời, mỗi khi có một người lính bị thương, phải cần đến bốn người ghìm chặt anh ta xuống để bác sĩ cưa bỏ phần chi bị thương. Buổi sáng sau trận Waterloo (1815), người ta thấy hàng đống tay, chân bị cưa bỏ bên cạnh những bệnh viện dã chiến. Những ngày ấy, thợ mộc và đồ tể khi gia nhập quân đội thường được gửi đến phục vụ trong những quân đoàn y tế, vì phẫu thuật chẳng qua cũng chỉ yêu cầu biết dùng cưa, dùng dao thạo hơn một chút.

Trong hai thế kỷ kể từ trận Waterloo, nhiều thứ đã thay đổi đến mức không còn nhận ra. Thuốc uống, thuốc tiêm và kĩ thuật giải phẫu tinh vi đã cứu chúng ta khỏi nhiều bệnh tật và thương tích từng là án tử hình cầm chắc cho con người. Chúng cũng bảo vệ chúng ta chống lại vô số đau nhức và bệnh thông thường hằng ngày mà con người thời tiền hiện đại dễ dàng chấp nhận như một phần cuộc sống. Tuổi thọ trung; bình tăng vọt từ khoảng 25-40 tuổi lên khoảng 67 tuổi trên toàn thế giới và khoảng 80 tuổi ở những nước phát triển.

Cái chết hứng chịu thất bại ê chề nhất trên vũ đài giảm tỉ lệ tử vong trẻ em. Cho đến thế kỷ 20, khoảng 1/4 đến 1/3 số trẻ em của các xã hội nông nghiệp không bao giờ sống đến tuổi trưởng thành. Hầu hết đều tử vong vì những căn bệnh trẻ em như bạch hầu, sởi và đậu mùa.

Vào thế kỷ 17 ở Anh, 150/1.000 trẻ sơ sinh tử vong trong năm đầu đời và 1/3 số trẻ em tử vong trước tuổi 15. Ngày nay, chỉ có 5/1.000 trẻ em Anh tử vong trong năm đầu đời và chỉ 7/1.000 trẻ tử vong trước năm 15 tuổi.

Chúng ta có thể hiểu rõ hơn tác động đầy đủ của những con số này, nếu gạt số liệu thống kê sang một bên và dẫn ra một vài câu chuyện. Một ví dụ điển hình là gia đình của Vua Edward I (1237-1307) và vợ ông, Nữ hoàng Eleanor (1241-1290) của Anh. Con cái của họ được hưởng những điều kiện và môi trường nuôi dạy tốt nhất tại châu Âu thời trung cổ. Họ sống trong những cung điện, được ăn uống tùy thích, có vô số quần áo ấm, lò sưởi chứa đầy củi, nguồn nước sinh hoạt sạch nhất, một đội gia nhân và bác sĩ tốt nhất. Tư liệu lịch sử đề cập đến 16 lần sinh nở của Nữ hoàng Eleanor từ năm 1255 đến năm 1284:

  1. Con gái, chưa đặt tên, sinh năm 1255, chết ngay sau khi sinh.
  2. Con gái Catherine, chết khi 1 hoặc 3 tuổi.
  3. Con gái, Joan, chết khi 6 tháng tuổi.
  4. Con trai, John, chết khi 5 tuổi.
  5. Con trai, Henry, chết khi 6 tuổi.
  6. Con gái, Eleanor, chết khi 29 tuổi.
  7. Con gái, tên chưa rõ, chết khi 5 tháng tuổi.
  8. Con gái, Joan, chết khi 35 tuổi.
  9. Con trai, Alphonso, chết khi 10 tuổi.
  10. Con gái, Margaret, chết khi 58 tuổi.
  11. Con gái, Berengeria, chết khi 2 tuổi.
  12. Con gái, chưa đặt tên, chết ngay khi lọt lòng.
  13. Con gái Mary, chết khi 53 tuổi.
  14. Con trai, chưa đặt tên, chết ngay khi lọt lòng.
  15. Con gái, Elizabeth, chết khi 34 tuổi.
  16. Con trai, Edward.

Cậu út, Edward, là người đầu tiên trong số các cậu con trai vượt qua được những năm ấu thơ hiểm nghèo, và khi cha chết, cậu lên nối ngôi, lấy hiệu là Edward II. Nói cách khác, Eleanor đã phải mất 16 lần sinh nở để thực hiện sứ mạng quan trọng nhất của một nữ hoàng Anh – sinh cho chồng một con trai nối dõi. Mẹ của Edward II hẳn phải là một người phụ nữ kiên cường và dũng cảm khác thường. Người phụ nữ mà Edward II đã chọn làm vợ, Isabella của Pháp, đã không được như thế. Bà đã giết Edward II khi ông 43 tuổi.

Theo như chúng ta đều biết, Eleanor và Edward I là một cặp vợ chồng khỏe mạnh và không truyền căn bệnh di truyền chết người nào cho con cái. Tuy nhiên, 10 trong số 16 người con – 62% – đã chết ở tuổi ấu thơ. Chỉ có sáu người sống qua tuổi 11 và chỉ ba người – 18% – sống quá tuổi 40. Ngoài những lần sinh nở này, Eleanor rất có thể đã bị sảy thai vài lần. Tính trung bình, Edward I và Eleanor cứ ba năm lại mất một đứa con, hết đứa này đến đứa khác, 10 đứa tất cả. Đó là sự mất mát mà một người làm cha mẹ ngày nay gần như không thể nào tưởng tượng được.

Dự án Gilgamesh – chinh phục sự bất tử – mất bao lâu mới có thể hoàn thành? 100 năm? 500 năm? 1.000 năm? Nhớ lại năm 1900 chúng ta đã ấu trĩ như thế nào về cơ thể người, vậy mà chỉ trong một thế kỷ chúng ta đã thu lượm được bao nhiêu kiến thức, và có lý do để lạc quan. Các kĩ sư di truyền học gần đây đã thành công trong việc tăng gấp sáu lần tuổi thọ trung bình của loài giun tròn Caenorhabditis elegans. Liệu họ có thể làm tương tự với Homo sapiens hay không? Những chuyên gia về công nghệ nano đang phát triển một hệ thống miễn dịch điều khiển bằng điện tử, gồm hàng triệu robot nano sống trong cơ thể của chúng ta, làm thông những mạch máu bị tắc nghẽn, chống lại virus và vi khuẩn, loại bỏ những tế bào ung thư, và thậm chí đảo ngược quá trình lão hoá của con người. Vài học giả nghiêm túc thì đưa ra giả thiết rằng đến khoảng năm 2050, một số người sẽ không chết già (không phải bất tử bởi họ vẫn có thể chết vì một tai nạn nào đó, mà là không chết già, nghĩa là nếu không có những chấn thương chết người, đời sống của họ có thể kéo dài đến vô hạn).

Dù dự án Gilgamesh có thành công hay không, thì từ góc độ lịch sử, thật hấp dẫn khi thấy rằng hầu hết các tôn giáo và tư tưởng thời cận đại đã đưa cái chết và thế giới bên kia ra khỏi phương trình cuộc đời. Cho đến tận thế kỷ 18, các tôn giáo vẫn coi cái chết và hậu quả của nó đóng vai trò trung tâm trong ý nghĩa cuộc sống. Bắt đầu từ thế kỷ 18, các tôn giáo và tư tưởng như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và phong trào bình quyền nữ giới đã không còn bận tâm về thế giới bên kia nữa. Chính xác thì cái gì sẽ xảy ra với một người theo chủ nghĩa cộng sản sau khi anh ta hay chị ta chết? Cái gì sẽ xảy ra với một người theo chủ nghĩa tư bản? Cái gì sẽ xảy ra với một người theo thuyết nam nữ bình quyền? Sẽ vô ích khi kiêm câu trả lời trong những tác phẩm của Marx, Adam Smith hay Simone de Beauvoir. Tư tưởng hiện đại duy nhất vẫn dành cho cái chết một vai trò trung tâm là chủ nghĩa dân tộc. Trong những khoảnh khắc thi vị và tuyệt vọng hơn bình thường, chủ nghĩa dân tộc đã hứa hẹn rằng bất cứ ai chết cho dân tộc sẽ mãi mãi sống trong kí ức tập thể của nó. Tuy nhiên, lời hứa này mù mờ đến nỗi ngay cả những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng không thực sự biết nó là gì.