Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Chúng ta giả định rằng với một bộ não lớn, khả năng sử dụng công cụ, học tập đỉnh cao và hình thành các cấu trúc xã hội phức tạp là những lợi thế to lớn. Dường như hiển nhiên là những đặc điểm kể trên đã góp phần tạo nên loài động vật có sức mạnh nhất trên Trái đất. Nhưng dù con người được hưởng tất cả những lợi thế đó trong 2 triệu năm, trong khoảng thời gian đó họ vẫn là sinh vật yếu đuối và ngoài rìa. Như vậy, dù có bộ não lớn và các công cụ bằng đá sắc nhọn, nhưng con người cách đây 1 triệu năm luôn sống trong sợ hãi bởi những kẻ săn mồi, hiếm khi săn bắt lớn, và sống đơn độc chủ yếu bằng cách hái lượm cây cỏ, thu vét côn trùng, rình rập động vật nhỏ, và ăn thịt thối rữa do các động vật ăn thịt mạnh mẽ khác để lại.

Một trong những tác dụng phổ biến nhất của các công cụ bằng đá thời kỳ đầu là để đập vỡ xương và lấy tủy. Một số nhà nghiên cứu tin rằng đây là ưu thế ban đầu của chúng ta. Cũng như chim gõ kiến chuyên moi côn trùng từ các thân cây, những con người đầu tiên chuyên hút tủy từ xương. Tại sao lại là tủy? Vâng, giả sử bạn quan sát những con sư tử đầy kiêu hãnh hạ gục và ngấu nghiến một con hươu cao cổ. Bạn kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng dùng xong bữa. Nhưng vẫn chưa tới lượt bạn đâu, vì đầu tiên sẽ có các con linh cẩu và chó rừng tới nhặt nhạnh thức ăn thừa, và bạn không dám cạnh tranh với chúng. Chỉ sau khi chúng bỏ đi, bạn cùng cả nhóm mới dám tiếp cận những gì còn sót lại, thận trọng nhìn xung quanh và moi móc những mẩu còn ăn được.

Đây chính là chìa khoá để hiểu được lịch sử và tâm lý của chúng ta. Vị trí của chi Homo trong chuỗi thức ăn, cho đến gần đây vẫn trụ vững ở giữa. Trong hàng triệu năm, con người săn bắt những sinh vật nhỏ hơn và thu thập tất cả những gì họ có thể, trong khi luôn bị săn đuổi bởi những kẻ săn mồi lớn hơn. Chỉ 400.000 năm trước đây, loài người mới bắt đầu săn thú lớn một cách thường xuyên, và chỉ trong 100.000 năm vừa qua – với sự gia tăng của Homo sapiens – con người mới nhảy lên đứng đầu chuỗi thức ăn.

Bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí giữa lên đầu chuỗi thức ăn mang đến những hệ quả to lớn. Các động vật ở đỉnh kim tự tháp, như sư tử và cá mập, đạt được vị trí đó rất từ từ qua hàng triệu năm. Điều này cho phép các hệ sinh thái có thể phát triển một cơ chế tự kiểm soát và cân bằng để ngăn chặn sư tử và cá mập không gây ra thiệt hại quá lớn. Khi sư tử trở nên hung dữ hơn, thì linh dương cũng tiến hoá để chạy nhanh hơn, linh cẩu hợp tác tốt hơn, và tê giác trở nên nóng tính hơn. Ngược lại, loài người lên tới đỉnh nhanh tới mức các hệ sinh thái đã không có thời gian để điều chỉnh. Hơn nữa, con người cũng thất bại trong việc tự điều chỉnh. Hầu hết các loài ăn thịt hàng đầu của hành tinh là những sinh vật có kích thước lớn. Hàng triệu năm thống trị đã làm chúng đầy tự tin. Homo sapiens ngược lại giống như một tên độc tài trong nền “Cộng hòa chuối”[2]. Cho tới gần đây, con người vẫn ở thế yếu trên đồng cỏ. Chúng ta sợ hãi và lo lắng khôn nguôi về vị trí của mình, điều đó khiến cho chúng ta độc ác và nguy hiểm gấp đôi. Nhiều tai ương trong lịch sử, từ các cuộc chiến tranh chết chóc đến những thảm họa sinh thái, đều là hậu quả của bước nhảy vọt tiến hoá quá vội vàng này.

Một giống loài biết nấu nướng

Một bước quan trọng trên con đường tới đỉnh là sự thuần hoá lửa. Một số loài người có thể thi thoảng đã sử dụng lửa khoảng 800.000 năm trước. Khoảng 300.000 năm trước, Homo erectus, Neanderthal và tổ tiên của Homo sapiens đã sử dụng lửa hằng ngày. Lửa đã cấp cho con người lúc đó nguồn ánh sáng và sự sưởi ấm đầy tin cậy, cùng một thứ vũ khí lợi hại chống lại những con sư tử đang rình mò. Không lâu sau đó, thậm chí con người có lẽ đã bắt đầu dùng lửa để đốt cháy khu vực xung quanh một cách có chủ ý. Một ngọn lửa được quản lý cẩn thận có thể biến nơi đầy những bụi cây cằn cỗi không thể đi qua thành các đồng cỏ tươi tốt đầy tiềm năng săn bắt. Ngoài ra, ngay khi lửa vừa tắt, con người Thời kỳ Đồ đá có thể dạo bước giữa đống tro tàn, thu hoạch các con vật, hạt cây và củ được nướng chín.

Nhưng tác dụng tuyệt nhất của lửa chính là nấu chín thức ăn. Thực phẩm mà con người không thể tiêu hoá ở trạng thái tự nhiên – như lúa mì, gạo và khoai tây – đã trở thành thức ăn chính trong chế độ ăn uống của chúng ta nhờ nấu nướng. Lửa không chỉ thay đổi tính chất hoá học của thực phẩm, nó còn làm thay đổi tính chất sinh học. Việc nấu chín đã tiêu diệt vi trùng và ký sinh trùng vốn gây nhiễm khuẩn thực phẩm. Con người cũng nhai và tiêu hoá các món yêu thích cũ như trái cây, các loại hạt, côn trùng và thịt thối dễ dàng hơn nếu chúng được nấu chín. Trong khi tinh tinh dành năm giờ một ngày nhai thức ăn sống, con người chỉ cần một giờ là đủ cho thức ăn đã nấu chín.

Sự xuất hiện của việc nấu nướng đã cho phép con người ăn được nhiều loại thức ăn, tốn ít thời gian cho chuyện ăn uống, và khiến răng trở nên nhỏ hơn còn ruột thì ngắn hơn. Một số học giả tin rằng có một mối liên quan trực tiếp giữa sự xuất hiện của nấu nướng với sự rút ngắn đường ruột và sự phát triển của bộ não con người. Bởi cả hệ tiêu hoá dài và bộ não lớn đều tiêu thụ năng lượng khủng khiếp, rất khó để dung hòa cả hai. Bằng cách rút ngắn ruột và giảm tiêu thụ năng lượng, việc nấu nướng vô tình mở đường cho bộ não to lớn của Neanderthal và Sapiens.

Lửa cũng đã mở ra bước ngoặt quan trọng đầu tiên giữa con người và các loài động vật khác. Sức mạnh của hầu hết các loài động vật phụ thuộc vào cơ thể của chúng: sức mạnh của cơ bắp, kích thước của răng, bề rộng của sải cánh. Mặc dù chúng có thể lợi dụng gió và dòng nước, nhưng chúng không thể kiểm soát các lực lượng tự nhiên, và luôn bị hạn chế bởi thiết kế vật lý của mình. Ví dụ như loài đại bàng có thể xác định các luồng nhiệt bốc lên từ mặt đất, dang rộng đôi cánh khổng lồ của chúng và cho phép không khí nóng nâng chúng lên. Tuy nhiên, đại bàng không thể kiểm soát vị trí của luồng nhiệt, và năng lực mang vác tối đa của chúng tỉ lệ chặt chẽ với sải cánh.

Khi con người thuần hoá được lửa, họ đã kiểm soát được một sức mạnh có tiềm năng vô hạn và dễ sai khiến. Không như đại bàng, con người có thể chọn khi nào và ở đâu để nhóm lửa, và họ có thể sử dụng lửa cho bất kỳ nhiệm vụ nào. Quan trọng nhất, sức mạnh của lửa không bị giới hạn bởi hình thức, cấu tạo hay sức mạnh của cơ thể con người. Một người phụ nữ đơn độc với một viên đá lửa hoặc cây gậy đang cháy dở có thể thiêu rụi toàn bộ một khu rừng trong vài giờ. Việc thuần phục lửa là dấu hiệu của những sự kiện sắp đến.

Người chăm sóc cho các anh em của chúng ta

Mặc dù nhận được lợi ích rất lớn từ lửa, nhưng 150.000 năm trước con người vẫn là những sinh vật hèn mọn. Họ có thể xua đuổi sư tử, sưởi ấm mình trong đêm lạnh, và thi thoảng đốt rừng. Song, tính tổng tất cả các loài người, chắc có không quá 1 triệu người sống giữa quần đảo Indonesia và bán đảo Iberia, một chấm nhỏ li ti trên màn hình ra-đa sinh thái.

Loài người chúng ta, Homo sapiens, đã hiện diện trên thế giới, nhưng cho đến lúc đó vẫn chỉ quanh quẩn trong một góc của châu Phi. Chúng ta không biết chính xác ở đâu và khi nào động vật có thể được phân loại thành Homo sapiens đầu tiên tiến hoá từ một số loại hình trước đây của con người, nhưng hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng khoảng 150.000 năm trước, Sapiens nhìn giống chúng ta có lẽ đã cư ngụ tại Đông Phi. Nếu một trong số họ có mặt trong một nhà xác hiện đại, các bác sĩ giải phẫu địa phương sẽ không nhận thấy có gì đặc biệt. Nhờ lửa, họ đã có răng và hàm nhỏ hơn tổ tiên mình, trong khi bộ não họ phát triển tối đa, bằng kích thước của chúng ta.

Các nhà khoa học cũng đồng ý rằng khoảng 70.000 năm trước đây, Sapiens từ Đông Phi đã lan sang bán đảo Ả-rập, và từ đó họ nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ vùng Á-Âu rộng lớn.

Khi Homo sapiens đặt chân tới Ả-rập, thì những giống người khác đã cư ngụ ở phần lớn Á-Âu. Chuyện gì đã xảy ra với họ? Có hai lý thuyết xung đột nhau. “Lý thuyết lai giống” đưa ra câu chuyện về sự thu hút, tình dục và pha trộn. Khi những người nhập cư từ châu Phi lan rộng khắp thế giới, họ đã giao phối với các cộng đồng người khác, và con người ngày nay chính là kết quả của sự lai giống này.

Ví dụ, khi Sapiens đến Trung Đông và châu Âu, họ đã gặp Neanderthal. Những người này có cơ bắp hơn Sapiens, bộ não lớn hơn, và đã thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh. Họ sử dụng công cụ và lửa, là thợ săn giỏi, và dường như đã biết chăm sóc những thành viên bệnh tật và ốm yếu. (Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những bộ xương của Neanderthal sống nhiều năm với những khuyết tật thể chất nghiêm trọng, có bằng chứng là họ đã được những họ hàng của mình chăm sóc). Neanderthal thường được vẽ trong các bức tranh là “người hang động” tàn bạo và ngu ngốc điển hình, nhưng bằng chứng gần đây đã làm quan niệm về họ thay đổi.

Theo lý thuyết lai giống, khi Sapiens tỏa rộng sang các vùng đất của Neanderthal, Sapiens phối ngẫu với Neanderthal cho đến khi hai quần thể sáp nhập. Nếu đây là giả thuyết đúng thì người Âu-Á ngày nay không phải là Sapiens thuần chủng. Họ là sự kết hợp giữa Sapiens và Neanderthal. Tương tự, khi Sapiens đặt chân tới Đông Á, họ giao phối với người Erectus địa phương, do đó người Trung Hoa và Hàn Quốc chính là sự kết hợp của Sapiens và Erectus.