Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Con người ở châu Âu và Tây Á đã tiến hoá thành Homo neanderthalensis (“Người đến từ thung lũng Neander”), thường được gọi đơn giản là “Neanderthal”. Neanderthal, đô con và lực lưỡng hơn Sapiens chúng ta, đã thích nghi rất giỏi với khí hậu lạnh của thời kỳ băng hà vùng Tây Á. Những khu vực xa hơn về phía đông của châu Á là nơi tập trung đông đảo của nhóm Homo erectus, “Người có dáng đứng thẳng”, sinh sống ở đó gần 2 triệu năm, là loài người tồn tại lâu nhất từ trước tới nay. Kỷ lục này khó có thể bị phá vỡ ngay cả với chính loài người chúng ta. Người ta hoài nghi là liệu Homo sapiens có còn tồn tại trong 1.000 năm nữa kể từ bây giờ hay không, cho nên 2 triệu năm thực sự là quá sức đối với chúng ta.

Trên đảo Java ở Indonesia, có Homo soloensis (“Người đến từ thung lũng Solo”) sinh sống, loài người này được cho là phù hợp với cuộc sống ở vùng nhiệt đới. Trên một hòn đảo nhỏ khác của Indonesia là Flores, người cổ đại đã trải qua một quá trình thu nhỏ lại. Những người đầu tiên đặt chân lên Flores khi mực nước biển xuống thấp bất thường, và rất dễ dàng đi từ đất liền ra đảo. Khi biển lại dâng lên, một số người bị mắc kẹt trên đảo, vốn rất nghèo tài nguyên. Những người to lớn, cần nhiều thức ăn, chết đầu tiên. Người nhỏ hơn dễ sống sót hơn nhiều. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Flores đã trở thành người lùn. Loài người độc đáo này, được các nhà khoa học đặt tên là Homo floresiensis, đạt chiều cao tối đa chỉ khoảng một mét và nặng không quá 25 kg. Tuy nhiên, họ có thể chế tác các công cụ bằng đá, và thậm chí đôi khi vẫn có thể săn bắt được một vài con voi trên đảo, dù rằng đây cũng là một dạng voi lùn, cho có vẻ công bằng.

Năm 2010, một người anh em ruột thịt khác đã biến mất của loài người được cứu thoát khỏi sự quên lãng, khi các nhà khoa học khai quật hang Denisova ở Siberia phát hiện ra một phần xương ngón tay hoá thạch. Phân tích gen đã cho thấy các ngón tay này thuộc về một loài người chưa từng được biết đến trước đây, được đặt tên là Homo denisova. Ai mà biết được còn bao nhiêu họ hàng của chúng ta đang chờ đợi để được khám phá trong các hang động, trên các đảo và trong những vùng khí hậu khác.

Trong khi con người đã phát triển ở châu Âu và châu Á, quá trình tiến hoá ở Đông Phi cũng diễn ra không ngừng. Cái nôi của nhân loại tiếp tục nuôi dưỡng nhiều loài mới, chẳng hạn như Homo rudolfensis, “Người tới từ hổ Rudolf”, Homo ergaster, “Người lao động”, và cuối cùng là loài người chúng ta ngày nay, được chúng ta đặt tên một cách không khiêm tốn là Homo sapiens, “Người tinh khôn”.

Những thành viên của một số loài kể trên có vóc dáng rất to lớn, còn số khác lại rất nhỏ. Một số là những thợ săn đáng sợ và số khác lại trở thành chuyên gia hái lượm. Một số nhóm chỉ sống trên một hòn đảo duy nhất, trong khi nhiều nhóm lại chinh phục toàn bộ các châu lục. Nhưng tất cả bọn họ đều thuộc về chi Homo. Tất cả họ đều là con người.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là cho rằng các loài này đã được sắp xếp theo một đường thẳng đi lên, với việc ergaster tiến hoá thành erectuserectus lại tiến hoá thành Neanderthal, và Neanderthal tiến hoá thành chúng ta. Mô hình tuyến tính này tạo ra ấn tượng nhầm lẫn rằng tại bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ có một loài người trên Trái đất, và rằng tất cả các loài trước đó là những phiên bản lỗi thời của chúng ta. Sự thật là từ khoảng 2 triệu năm trước cho đến khoảng 10.000 năm trở lại đây, tại cùng một thời điểm, thế giới là ngôi nhà của một số loài người. Tại sao lại không? Ngày nay có nhiều loài cáo, gấu và lợn. Trái đất của 100 thiên niên kỷ trước đã in dấu chân của ít nhất sáu loài người khác nhau. Sự độc quyền hiện tại của chúng ta, chứ không phải của đa loài trong quá khứ là điều kỳ dị và có lẽ là tội ác. Như chúng ta sẽ sớm thấy, Sapiens chúng ta có các lý do hợp lý để kiềm chế kí ức về những người anh em ruột thịt của mình.

Cái giá của tư duy

Mặc dù có nhiều sự khác biệt, nhưng tất cả các loài người đều cùng chung một số đặc tính rõ nét. Đáng chú ý nhất, con người có bộ não cực lớn so với các loài động vật khác. Động vật có vú nặng 60 kg có kích thước não trung bình là 200 cm³. Những nam giới và nữ giới xuất hiện đầu tiên vào khoảng 2,5 triệu năm trước đã có bộ não khoảng 600 cm³. Bộ não trung bình của Sapiens hiện đại có kích thước vào khoảng 1.200-1.400 cm³. Bộ não của Neanderthal thậm chí còn lớn hơn.

Quá trình tiến hoá chọn lọc những bộ não lớn hơn với chúng ta là điều dường như không cần phải bàn cãi. Chúng ta say mê trí thông minh bậc cao của mình đến mức cho rằng sức mạnh não bộ càng lớn càng tốt. Nhưng nếu vậy, họ nhà mèo cũng sẽ sinh ra những con mèo biết làm toán. Tại sao chỉ mỗi chi Homo trong toàn bộ thế giới động vật có được bộ óc lớn tới như vậy?

Thực tế là một bộ não khổng lồ giống như một ống cống vĩ đại hút cạn năng lượng của cơ thể. Thật không dễ dàng để mang nó, đặc biệt khi được bọc kín trong một hộp sọ lớn. Tiếp nhiên liệu cho não còn khó khăn hơn. Ở Homo sapiens, bộ não chiếm khoảng 2-3% tổng trọng lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng tới 25% năng lượng của cơ thể khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi. Để so sánh, bộ não của các loài vượn khác chỉ đòi hỏi có 8% năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi. Người cổ đại phải trả giá cho bộ não lớn của họ theo hai cách. Thứ nhất, họ mất nhiều thời gian hơn để tìm thức ăn. Thứ hai, cơ bắp của họ bị teo lại. Giống như việc chính phủ hướng ngân sách tư quốc phòng sang giáo dục, con người cũng hướng năng lượng từ bắp tay đến tế bào thần kinh. Khó có thể khẳng định rằng cuộc đổi chác này là một chiến lược tồn tại tốt trên đồng cỏ. Một con tinh tinh không thể giành chiến thắng khi tranh luận với một Homo sapiens, nhưng một con vượn có thể xé xác bạn giống như một con búp bê vải.

Ngày nay, bộ não lớn của chúng ta là một món hời, bởi vì chúng ta có thể sản xuất ra xe hơi và súng, những thứ cho phép chúng ta di chuyển nhanh hơn nhiều so với tinh tinh, và bắn chúng từ một khoảng cách an toàn thay vì đấu trực tiếp. Nhưng xe hơi và súng là những sản phẩm hiện đại. Trong hơn 2 triệu năm, mạng lưới nơron của con người tiếp tục phát triển không ngừng, nhưng ngoài một số thứ như dao bằng đá và gậy vót nhọn, con người chẳng có gì nhiều để khoe khoang. Vậy điều gì đã thúc đẩy sự tiến hoá của bộ não khổng lồ của con người trong suốt 2 triệu năm đó? Thành thật mà nói, chúng ta không biết.

Một điểm riêng biệt nữa của con người là chúng ta đứng thẳng trên hai chân. Nhờ đứng lên, ta có thể rà quét các đồng cỏ để săn bắt hoặc phát hiện kẻ thù dễ dàng hơn, và đôi tay khi không còn cần thiết cho vận động thì được tự do làm những việc khác, như ném đá hoặc ra hiệu. Đôi bàn tay có thể làm được nhiều việc hơn thì người chủ của chúng càng thành công hơn, vì vậy áp lực tiến hoá khiến các dây thần kinh và cơ bắp tinh chỉnh tập trung ngày càng nhiều vào lòng bàn tay và ngón tay. Kết quả là con người có thể thực hiện các nhiệm vụ rất phức tạp với đôi bàn tay của mình. Đặc biệt, họ có thể chế tác và sử dụng các công cụ tinh vi. Bằng chứng đầu tiên về việc này xuất hiện vào khoảng 2,5 triệu năm trước, và đây là những tiêu chí mà các nhà khảo cổ nhận biết được về sự tồn tại của con người cổ đại.

Song, đi thẳng có nhược điểm của nó. Tổ tiên loài linh trưởng của chúng ta có bộ xương phát triển trong hàng triệu năm giúp họ đi bằng bốn chân và có một cái đầu tương đối nhỏ. Khi điều chỉnh sang dáng đứng thẳng là một thách thức khá lớn, đặc biệt khi bộ khung xương phải hỗ trợ một hộp sọ cực lớn. Loài người đã phải trả giá cho việc có được tầm nhìn cao và bàn tay khéo léo bằng các bệnh đau lưng và vôi hoá đốt sống cổ.

Phụ nữ còn phải trả giá đắt hơn. Dáng đi thẳng làm cho hông hẹp lại, chèn ép đường sinh – và điều này xảy ra khi mà đầu của trẻ sơ sinh ngày càng trở nên lớn hơn. Chết khi sinh nở đã trở thành một mối nguy hiểm lớn đối với phụ nữ. Những phụ nữ sinh non, khi não và đầu của trẻ sơ sinh vẫn còn tương đối nhỏ và mềm, thì có sức khỏe tốt hơn và cơ hội sống sót để có thêm con. Chọn lọc tự nhiên do đó ủng hộ việc sinh non. Và quả thực so với các động vật khác, con người được sinh sớm, khi nhiều bộ phận quan trọng vẫn còn chưa phát triển. Một con ngựa con có thể đứng dậy ngay sau khi được sinh ra; một con mèo con có thể tự kiếm ăn khi chỉ mới một vài tuần tuổi. Còn những đứa trẻ sơ sinh thì bất lực, phụ thuộc nhiều năm vào bố mẹ để nhận sự nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục.

Thực tế này đã đóng góp rất nhiều cho các năng lực mang tính xã hội kỳ diệu của loài người và các vấn đề xã hội chỉ mình nó có. Một bà mẹ đơn độc khó có thể kiếm đủ thức ăn cho mình và con cái khi chúng đang cần được chăm bẵm. Nuôi con đòi hỏi sự giúp đỡ liên tục từ các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm. Cả một bộ tộc phải cùng chung sức nuôi dưỡng một con người. Do đó, tiến hoá ủng hộ những ai có thể hình thành các mối quan hệ xã hội chặt chẽ. Ngoài ra, do con người được sinh ra khi chưa phát triển hoàn thiện, nên họ có thể được giáo dục và xã hội hoá ở một mức độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ động vật nào. Hầu hết bào thai của động vật có vú giống như đất nung đà tráng men trong lò, mọi nỗ lực ép vào khuôn sẽ làm xước hoặc phá hỏng chúng. Còn bào thai người giống như thủy tinh nóng chảy trong lò. Có thể xe chúng thành sợi, kéo dài và định hình dễ dàng đến ngạc nhiên. Đó là lý do mà hôm nay chúng ta có thể giáo dục con cái trở thành một tín đồ Ki-tô hay Phật giáo, theo tư bản hay chủ nghĩa xã hội, hiếu chiến hay yêu hòa bình.