Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Ngành ngôn ngữ học nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mẫu quốc. Những đế quốc châu Âu tin rằng để cai trị hiệu quả, họ phải biết những ngôn ngữ và văn hoá của những đối tượng bị trị của họ. Những công chức người Anh đến Ấn Độ thường phải dành đến ba năm trong một trường đại học ở Calcutta, nơi mà họ nghiên cứu về luật của đạo Hindu và đạo Hồi bên cạnh luật của Anh; ngôn ngữ Sanskrit, Urdu và Ba Tư cùng với tiếng Hy Lạp và Latin; văn hoá Tamil, Bengali và Hindustani cùng với toán học, kinh tế học và địa lý. Nghiên cứu về ngôn ngữ học cung cấp sự giúp đỡ vô giá trong việc hiểu rõ về cấu trúc và ngữ pháp của những ngôn ngữ địa phương.

Nhờ công trình của những người như William Jones và Henry Rawlinson, những người chinh phục từ châu Âu đã hiểu biết tường tận về các thuộc địa của họ, thậm chí còn hiểu rõ hơn bất kỳ những người xâm lược nào trước đó, hoặc thậm chí hơn cả chính dân bản xứ. Kiến thức vượt trội của họ có lợi thế thực tế rất rõ ràng. Nếu không có lượng kiến thức như vậy, thật khó để một số rất ít người Anh có thể thành công trong việc cai quản, đàn áp và khai thác hàng trăm triệu người Ấn Độ trong hai thế kỷ. Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có chưa đầy 5.000 viên chức Anh, khoảng 40.000-70.000 quân lính Anh, và có lẽ thêm 100.000 doanh nhân Anh, cùng tùy tùng, vợ con là đủ để xâm chiếm và thống trị 300 triệu người Ấn Độ.

Tuy nhiên, những lợi thế thực tế này không phải là lý do duy nhất khiến các đế chế tài trợ cho việc nghiên cứu về ngôn ngữ học, thực vật học, địa lý và lịch sử. Không kém phần quan trọng là thực tế rằng khoa học đã đem lại cho đế quốc sự bào chữa mang tính ý thức hệ. Người châu Âu hiện đại đều tin rằng có được kiến thức mới luôn là điều tốt. Thực tế là các đế quốc đã tạo ra một dòng tri thức mới liên tục và cho rằng chúng chính là những công trình đầy tiến bộ và tích cực. Thậm chí ngày nay, lịch sử của những ngành khoa học như địa lý, khảo cổ học và thực vật học không thể không nhắc đến công lao của những đế chế châu Âu, chí ít là theo cách gián tiếp. Lịch sử của ngành thực vật học đã chỉ nhắc rất sơ lược về sự đau khổ của thổ dân châu Úc, nhưng lại thường có những lời tri ân dành cho James Cook và Joseph Banks.

Hơn nữa, những kiến thức mới được các đế quốc tích lũy ít nhất là về mặt lý thuyết có thể để làm lợi cho cư dân bị chinh phục, và đem lại cho họ những lợi ích của “sự tiến bộ” – cung cấp cho họ dịch vụ y tế và giáo dục, xây dựng những tuyến đường sắt và các kênh đào, bảo đảm sự công bằng và thịnh vượng. Những thực dân tuyên bố mẫu quốc của họ không chỉ chăm chăm vào việc khai thác bóc lột phạm vi rộng mà đúng hơn còn tiến hành công cuộc khai hoá, được thực hiện vì lợi ích của những chủng tộc phi châu Âu – trong những lời của nhà văn Rudyard Kipling trong cuốn Gánh nặng của Người Da Trắng.

Khoác lên mình gánh nặng của Người Da Trắng
Gửi tới những dòng giống tốt nhất của bạn
Hãy trói buộc các con trai bạn vào cuộc sống lưu vong
Để phục vụ nhu cầu của những kẻ bị giam giữ;
Để chờ đợi trong những bộ yên cương nặng nề,
Trên đám người xao xuyến phập phồng và hoang dã
Những con người mới bị bắt với vẻ mặt u sầu,
Nửa ma quỷ và nửa trẻ con.

Dĩ nhiên, thực tế thường ngược lại với huyền thoại này. Người Anh đã chinh phục Bengal, tỉnh giàu nhất Ấn Độ, trong năm 1764. Những nhà cai trị mới hầu như chỉ quan tâm đến việc làm giàu cho bản thân. Họ đã thông qua một chính sách kinh tế tai hại khiến cho một vài năm sau đó dẫn đến sự bùng phát của Nạn đói lớn Bengal. Nó bắt đầu vào năm 1769, đạt mức độ thảm họa năm 1770, và kéo dài cho đến năm 1773. Có khoảng 10 triệu người Bengal, tức một phần ba dân cư vùng đó, đã bỏ mạng trong thảm họa này.

Quả thật, câu chuyện về sự áp bức và bóc lột, cũng như câu chuyện về “Gánh nặng của Người Da Trắng”, đều không khớp với thực tế. Những đế quốc châu Âu đã làm rất nhiều việc khác nhau trên một quy mô rộng lớn như vậy, khiến bạn có thể viện dẫn rất nhiều ví dụ để ủng hộ bất kỳ quan điểm trái ngược nào. Bạn nghĩ rằng những đế quốc này quái dị xấu xa, đã gieo rắc chết chóc, áp bức và bất công trên khắp thế giới? Bạn có thể dễ dàng viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư về những tội ác của đế quốc. Bạn muốn lập luận rằng trên thực tế chủ nghĩa đế quốc đã cải thiện điều kiện sinh sống của cư dân bị trị, với những loại thuốc mới, các điều kiện kinh tế và an ninh tốt hơn? Bạn có thể viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư khác về những thành tựu của đế quốc. Nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với khoa học, những đế quốc này nắm giữ quá nhiều quyền lực và đã thay đổi thế giới đến mức độ mà có lẽ chúng không thể chỉ đơn giản bị dán nhãn là tốt hay xấu. Chúng đã tạo ra thế giới như chúng ta biết, bao gồm cả những ý thức hệ chúng ta sử dụng để đánh giá chúng.

Nhưng khoa học cũng được các đế quốc sử dụng vào những mục đích xấu xa hơn. Những nhà sinh học, nhân học và thậm chí cả những nhà ngôn ngữ học cung cấp bằng chứng khoa học cho thấy người châu Âu ưu việt hơn tất cả các chủng tộc khác, và do đó có quyền (nếu không nói là trách nhiệm) cai trị những chủng tộc khác. Sau khi William Jones lập luận rằng tất cả các ngôn ngữ Ấn-Âu đều bắt nguồn từ một ngôn ngữ cổ đại duy nhất, nhiều học giả đã háo hức để khám phá xem dân tộc nào là những người đã từng nói ngôn ngữ đó. Họ nhận thấy rằng, những người nói tiếng Sanskrit thời kỳ đầu là những người từ Trung Á đã xâm chiếm Ấn Độ hơn 3.000 năm trước, đã tự xưng là Arya. Những người nói tiếng Ba Tư đầu tiên, đã tự xưng là Airiia. Do đó, các học giả châu Âu đã phỏng đoán những người nói thứ ngôn ngữ nguyên thủy, vốn đã sinh ra cả tiếng Sanskrit lẫn tiếng Ba Tư (cũng như Hy Lạp, Latin, Gothic và Celtic), hẳn đã tự xưng là người Arya. Liệu có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nếu những người đã đặt nền móng cho các nền văn minh vĩ đại của Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp và La Mã, tất cả đều là người Arya?

Tiếp theo, các học giả người Anh, Pháp và Đức đã kết hợp học thuyết ngôn ngữ về những người Arya cần cù với học thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin, và thừa nhận rằng những người Arya không chỉ là một nhóm ngôn ngữ, mà là một thực thể sinh học – một chủng tộc. Và không chỉ là một chủng tộc bất kỳ nào, mà là một chủng tộc sinh ra để làm chủ với vóc dáng cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, làm việc chăm chỉ, và là những con người hết sức lý trí, giống người đã xuất hiện từ sương mù Bắc Âu, để đặt nền tảng cho văn hoá trên toàn thế giới. Đáng tiếc, người Aiya khi xâm chiếm Ấn Độ và Ba Tư, đã kết hôn với người bản địa mà họ gặp ở những vùng đất này, làm mất đi nước da trắng và mái tóc vàng, và cùng với đó cũng mất đi cả lý trí và tính cần mẫn của họ. Những nền văn minh Ấn Độ và Ba Tư do đó mà suy tàn. Mặt khác, ở châu Âu, người Axya đã bảo tồn được sự thuần chủng của họ. Đây là lý do mà người châu Âu đã thành công trong công cuộc chinh phục thế giới, và tại sao họ thích hợp với việc cai trị nó – miễn là họ phải đề phòng, đừng để pha trộn với những chủng tộc thấp kém.

Những thuyết kỳ thị chủng tộc kiểu như vậy, đã chiếm ưu thế và được coi trọng trong nhiều thế kỷ, đã trở thành lời nguyền rủa giữa những nhà khoa học và các chính trị gia. Con người tiếp tục tiến hành công cuộc đấu tranh anh dũng chống lại sự kỳ thị chủng tộc mà không nhận thấy rằng cục diện đã thay đổi, và chỗ đứng của kỳ thị chủng tộc trong tư tưởng đế quốc giờ đã được thay thế bằng “ký thị văn hoá”. Chẳng có từ ngữ nào như vậy, nhưng đã đến lúc chúng ta đặt tên cho nó. Trong giới tinh hoa ngày nay, những khẳng định về các phẩm chất tương phản của những nhóm người khác nhau, gần như luôn được che đậy bằng sự khác biệt lịch sử giữa những nền văn hoá chứ không phải là sự khác biệt sinh học giữa các chủng tộc. Chúng ta không còn nói, “Nó ở trong máu của họ”. Chúng ta nói, “Đó là văn hoá của họ”.

Thế nên, những phe cánh hữu châu Âu, vốn phản đối tình trạng nhập cư của người Hồi giáo, thường cẩn thận để tránh nhắc đến từ ngữ kỳ thị chủng tộc. Những người soạn diễn văn của Marine le Pen sẽ bị tống ra cửa ngay lập tức nếu họ đề nghị lãnh tụ của Mặt trận Quốc gia lên truyền hình tuyên bố rằng, “Chúng ta không muốn những người Semite thấp kém đó pha loãng dòng máu Arya của chúng ta, và làm hư hỏng nền văn minh Arya của chúng ta”. Thay vào đó, Mặt trận Quốc gia Pháp, Đảng Hà Lan Tự do, Liên minh vì Tương lai của Áo, và những phe phái giống như họ, có khuynh hướng biện luận rằng văn hoá phương Tây, như nó đã tiến hoá ở châu Âu, được đặc trưng bởi những giá trị dân chủ, sự khoan dung và bình đẳng giới, trong khi đó văn hoá Hồi giáo, đã tiến hoá ở Trung Đông, được đặc trưng bởi nền chính trị phân cấp, sự cuồng tín, và tư tưởng kỳ thị phụ nữ. Vì hai nền văn hoá rất khác biệt, và vì nhiều người nhập cư Hồi giáo không muốn (và có lẽ không thể) tiếp nhận những giá trị của phương Tây, không nên cho phép họ nhập cư, kẻo họ sẽ kích động những xung đột nội bộ, và làm xói mòn nền dân chủ và chủ nghĩa tự do của châu Âu.

Lý lẽ của những người kỳ thị văn hoá được nuôi dưỡng bằng những nghiên cứu khoa học trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đã làm nổi bật cái được gọi là sự va chạm của các nền văn minh, và sự khác biệt cơ bản giữa các nền văn hoá khác nhau. Không phải tất cả những nhà sử học và nhân học đều chấp nhận những lý thuyết này, hoặc ủng hộ việc sử dụng chúng vào mục đích chính trị. Nhưng trong khi các nhà sinh học ngày nay có thể dễ dàng từ bỏ sự kỳ thị chủng tộc, chỉ nhờ lời giải thích đơn giản rằng khác biệt về mặt sinh học giữa những chủng tộc ngày nay là rất nhỏ nhặt, thì những nhà sử học và nhân học lại khó từ bỏ sự kỳ thị văn hoá hơn nhiều. Xét cho cùng, nếu sự khác biệt văn hoá của con người là không đáng kể, tại sao chúng ta phải cần giới sử học và nhân học nghiên cứu về chúng?