Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Lý giải thứ hai là vào thời điểm Sapiens vươn đến châu Úc, họ đã rất thành thạo việc sử dụng lửa để làm nông nghiệp. Đối mặt với một môi trường xa lạ và đầy đe dọa, họ đã cố tình đốt cháy những khu vực bao la rộng lớn có nhiều đám cây không thể vượt qua được, những khu rừng rậm rạp, để tạo ra những vùng đồng cỏ thoáng rộng, nơi sẽ thu hút những con vật dễ dàng hơn và cũng phù hợp với nhu cầu của họ hơn. Vì vậy, họ đã thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của nhiều vùng đất rộng lớn thuộc châu Úc chỉ trong một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi.

Một tập hợp bằng chứng ủng hộ cho quan điểm này là hồ sơ về những loài thực vật hoá thạch. Khoảng 45.000 năm trước đây, bạch đàn rất hiếm ở châu Úc. Nhưng sự xâm chiếm của Homo sapiens đã mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của loài này. Vì loài cây này có thể chịu lửa rất tốt, nên chúng đã phát tán đi rất xa và rộng trong khi các loài cây mọc đơn lẻ và cây bụi khác đã biến mất.

Sự biến đổi của thảm thực vật đã ảnh hưởng tới các loài động vật ăn thực vật và các loài động vật ăn thịt ăn chúng. Loài gấu túi tồn tại bằng cách ăn lá cây bạch đàn, chúng nhai tóp tép một cách hạnh phúc trên đường đi đến các vùng lãnh thổ mới. Hầu hết các loài động vật khác đều phải chịu khổ lụy rất nhiều. Nhiều chuỗi thức ăn ở châu Úc đã bị bẻ gãy, khiến cho những mắt xích yếu nhất bị tiêu diệt.

Lý giải thứ ba cho rằng việc sử dụng lửa làm nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự diệt vong này. Nhưng phải nhấn mạnh là chúng ta không thể hoàn toàn lờ đi vai trò của khí hậu. Những sự biến đổi khí hậu đã khuấy động châu Úc khoảng 45.000 năm trước đây, gây mất ổn định hệ sinh thái và làm cho nó đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong những trường hợp thông thường, hệ thống có thể hồi phục, như đã xảy ra nhiều lần trước kia. Tuy nhiên, con người xuất hiện tại chính thời điểm quan trọng này và đẩy hệ sinh thái mỏng manh đó xuống vực thẳm. Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và nạn săn bắt của con người đã gây ra tác hại lớn với các loài động vật to xác, bởi chúng bị tấn công từ các góc độ khác nhau. Thật khó tìm một chiến lược sinh tồn tốt để đối phó cùng lúc với nhiều mối đe dọa.

Khi chưa có thêm bằng chứng mới, không có cách nào để lựa chọn giữa ba kịch bản trên. Nhưng chắc chắc đã có những lý do hợp lý để tin rằng nếu Homo sapiens không bao giờ đi xuống Vùng Dưới, những nơi này vẫn sẽ là quê hương của những con sư tử có túi, diprotodon và kangaroo khổng lồ.

Hồi kết của loài lười

Sự tuyệt chủng của quần thể động vật khổng lồ châu Úc có thể là biểu hiện quan trọng đầu tiên mà Homo sapiens đã để lại trên hành tinh chúng ta. Tiếp sau nó là một thảm họa sinh thái thậm chí còn khủng khiếp hơn. Lần này xảy ra ở châu Mỹ. Homo sapiens là loài người đầu tiên và duy nhất có thể tiếp cận những vùng đất rộng lớn ở Bán cầu Tây, đặt chân đến đây khoảng 16.000 năm trước, tức là vào hoặc khoảng năm 14000 TCN. Những người châu Mỹ đầu tiên đến đây bằng đường bộ, họ có thể làm được điều này vì ở thời điểm đó, mực nước biển đủ thấp để đất nhô lên, có thể làm cầu nối liền vùng Đông bắc Siberia với vùng Tây bắc Alaska. Điều đó không phải dễ dàng – hành trình này rất gian khổ, có lẽ còn khó khăn hơn cả chuyên vượt biển tới châu Úc. Để có thể vượt qua, lần đầu tiên Sapiens phải học cách trụ vững trước điều kiện cực kỳ giá rét của phía bắc Siberia, khu vực Mặt trời không bao giờ chiếu sáng trong mùa đông và nhiệt độ có thể tụt xuống mức -50°C.

Không có loài người nào trước đây thành công trong việc xâm nhập vào những nơi giống như phía bắc Siberia. Kể cả Neanderthal vốn đã thích nghi tốt với môi trường sống lạnh giá cũng chỉ sống ở những vùng đất tương đối ấm áp hơn, xa hơn nữa về phía nam. Nhưng Homo sapiens, có cơ thể thích nghi tốt với điều kiện sống ở vùng đồng cỏ châu Phi hơn là những vùng đất băng giá và tuyết trắng, đã tìm ra các giải pháp tài tình. Khi các bầy Sapiens lang thang hái lượm di cư đến những vùng khí hậu lạnh hơn, họ học cách làm ra những đôi giày đi tuyết và những bộ quần áo giữ nhiệt hiệu quả hơn, làm từ những lớp da và lông thú được khâu lại với nhau bằng kim. Họ phát triển những thứ vũ khí mới và kĩ thuật tinh vi, giúp họ có thể lần theo dấu vết và giết được các con voi ma-mút cũng như những con thú to lớn khác ở miền cực Bắc. Do kĩ thuật săn bắt và quần áo giữ nhiệt được cải tiến, nên Sapiens đã dám mạo hiểm vào sâu và sâu hơn nữa những vùng đất băng giá. Và khi di chuyển về phương bắc, thì quần áo, chiến lược sân bắt và các kĩ năng sinh tồn khác của họ lại tiếp tục được cải tiến.

Nhưng tại sao họ lại gánh lấy khổ cực? Tại sao lại chọn việc tự lưu đày mình đến Siberia? Có thể một vài bầy nào đó bắt buộc phải di cư tới phương bắc do các cuộc chiến tranh, do sức ép về dân số hoặc do các thảm họa thiên nhiên. Một số khác bị quyến rũ bắc tiến bởi những lý do tích cực hơn, ví dụ như chất đạm động vật. Các vùng đất ở Bắc cực luôn có đẩy những loài động vật to lớn, thịt tươi rói như tuần lộc và voi ma-mút. Mỗi con voi ma-mút là một nguồn cung cấp thịt khổng lồ (ở nhiệt độ băng giá, thịt có thể giữ đông để sử dụng dần), có vị ngon béo, bộ lông ấm áp và bộ ngà quý giá. Những phát hiện ở Sungir đã chứng tỏ rằng, những người săn voi ma-mút không chỉ sống được ở vùng phương bắc lạnh giá mà còn phát triển rất mạnh. Thời gian trôi đi, những bầy người này ngày càng tỏa đi xa hơn và rộng hơn, săn đuổi voi ma-mút, voi ráng kiếm, tê giác và tuần lộc. Khoảng nám 14000 TCN, cuộc săn đuổi này đã đưa một số người từ vùng Đông bắc Siberia tới Alaska. Tất nhiên, họ không biết rằng mình đã khám phá ra một thế giới mới. Vì cũng như voi ma-mút, với con người thì Alaska chỉ là Siberia mở rộng mà thôi.

Ban đầu, những dòng sông băng đã cản trở con đường từ Alaska tới phần còn lại của châu Mỹ, khiến chỉ những người tiên phong đầu tiên do bị cô lập mới đi nổi để khám phá những vùng đất xa hơn ở phía nam. Tuy nhiên, khoảng năm 12000 TCN, sự ấm lên toàn cầu đã làm tan băng và mở ra một lối đi dễ dàng hơn. Sử dụng hành lang mới, loài người đã di chuyển ồ ạt về phía nam, tỏa ra toàn bộ lục địa. Mặc dù thoạt tiên đã thích nghi với việc săn bắt những loài thú to lớn, nhưng họ đã sớm điều chỉnh trước sự đa dạng đáng ngạc nhiên của các vùng khí hậu và hệ sinh thái. Con cháu của người Siberia đã sinh sống trong những khu rừng rậm rạp ở phía đông nước Mỹ, những vùng đầm lầy ở châu thổ Mississippi, những sa mạc ở Mexico, những khu rừng nhiệt đới oi bức ở Trung Mỹ. Một số đã dựng nhà ở lưu vực sông Amazon, số khác đào bới đất ở thung lũng núi Andes hoặc những cánh đồng hoang rộng rãi thuộc Argentina. Và tất cả chỉ xảy ra trong một hoặc hai thiên niên kỷ! Khoảng năm 10000 TCN, con người đã sinh sống ở hầu hết các vùng phía nam châu Mỹ, đảo Tierra del Fuego ở đỉnh phía nam lục địa. Cuộc tấn công ồ ạt chớp nhoáng của loài người từ bên này sang bên kia của châu Mỹ đã chứng tỏ sự khéo léo có một không hai và khả năng thích nghi tuyệt vời của Homo sapiens. Cho đến nay, không có loài động vật nào có thể thích nghi nhanh chóng với nhiều môi trường sống khác nhau như vậy, hầu như sử dụng cùng một bộ gen ở mọi nơi.

Việc định cư của Sapiens ở châu Mỹ khó mà không đổ máu. Nó để lại đằng sau một vệt dài các nạn nhân. 14.000 năm trước, quần thể động vật châu Mỹ phong phú hơn rất nhiều so với ngày nay. Khi những người châu Mỹ đầu tiên hành quân về phía nam, từ Alaska vào sâu trong những vùng đồng bằng thuộc Canada và phía tây của Mỹ, họ bắt gặp những con voi ma-mút, voi răng kiếm, những loài gặm nhấm có kích thước bằng loài gấu, những đàn ngựa và lạc đà, những con sư tử to quá khổ và hàng tá những loài động vật to lớn khác, những loài mà ngày nay hoàn toàn không được biết đến; trong đó có những con mèo đáng sợ với răng sắc như những lưỡi kiếm cong, và những con lười khổng lồ nặng trên 8 tấn và cao 6 mét. Nam Mỹ là quê hương của những bầy thú còn kỳ lạ hơn thuộc loài động vật có vú, bò sát và chim. Châu Mỹ là một phòng thí nghiệm vĩ đại cho các thử nghiệm về tiến hoá, một nơi mà các loài động thực vật chưa từng được biết đến ở châu Á, châu Phi có thể tiến hoá và phát triển hưng thịnh.

Nhưng không còn nữa. Trong vòng 2.000 năm từ khi Sapiens tới đây, hầu hết các loài động vật độc nhất vô nhị này đã ra đi. Theo ước tính hiện nay, trong khoảng thời gian ngắn đó, Bắc Mỹ đã bị mất ba phần tư của 47 loài động vật có vú khổng lồ, Nam Mỹ mất 50 trong số 60 loài. Loài mèo răng kiếm sau 30 triệu năm hưng thịnh đã biến mất, cũng như loài lười khổng lồ, loài sư tử to quá khổ, loài ngựa châu Mỹ bản địa, loài lạc đà châu Mỹ bản địa, những loài gặm nhấm khổng lồ và loài voi ma-mút. Hàng ngàn loài động vật có vú nhỏ hơn, các loài bò sát, các loài chim và thậm chí cả côn trùng, ký sinh trùng đều đi đến tuyệt chủng (khi những con voi ma-mút chết sạch, loài ve ký sinh trên chúng cũng theo đó mà đi vào quên lãng).

Trong hàng thập kỷ, các nhà cổ sinh vật học, khảo cổ học về động vật – những người luôn tìm kiếm và nghiên cứu những gì còn sót lại của các loài động vật – đã lùng sục các vùng đồng bằng và vùng núi của châu Mỹ để tìm xương hoá thạch của loài lạc đà cổ đại, phân hoá thạch của loài lười mặt đất khổng lồ. Khi họ tìm thấy thứ cần tìm, những vật quý giá này được đóng gói cẩn thận và gửi tới các phòng thí nghiệm, tại đó từng mảnh xương, từng viên sỏi phân (tên khoa học của phân hoá thạch) được nghiên cứu và xác định niên đại một cách tỉ mỉ. Sau nhiều lần, những phân tích này đều mang lại cùng một kết quả: những viên sỏi phân động vật mới nhất, những mảnh xương lạc đà gần đây nhất đều có niên đại vào thời kỳ con người tràn tới châu Mỹ, khoảng từ năm 12000 đến 9000 TCN. Chỉ có một khu vực các nhà khoa học đã phát hiện ra những viên sỏi phân có niên đại gần hơn: trên một số hòn đảo vùng Caribe, đặc biệt là tại Cuba và Hispaniola, họ tìm thấy phân của những con lười có niên đại vào khoảng năm 5000 TCN. Đây chính xác là thời điểm những người đầu tiên tiếp cận vùng biển Caribe và định cư tại hai hòn đảo lớn này.

Hai con lười mặt đất khổng lồ (Megatherium)

Hình 9. Những hình ảnh dựng lại hai con lười mặt đất khổng lồ (Megatherium) và phía sau chúng là hai con tatu khổng lồ (Glyptodon) nay đã bị tuyệt chủng. Những con tatu này ước tính dài 3 mét và nặng trên 2 tấn, trong khi đó những con lười mặt đất thì cao khoảng 6 mét và nặng tới 8 tấn.