Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Nhưng, việc tin tưởng một cách cực đoan vào thị trường tự do cũng ngây thơ như tin tưởng vào ông già Noel. Bởi đơn giản là không có một thị trường tự do nào đứng ngoài mọi khuynh hướng chính trị. Tài nguyên kinh tế quan trọng nhất là niềm tin vào tương lai, và tài nguyên này liên tục bị những tên trộm và lang băm đe dọa. Thị trường tự nó không đưa ra sự bảo vệ để chống lại gian lận, trộm cắp và bạo động. Đó là công việc của hệ thống chính trị để bảo đảm niềm tin bằng việc ban hành các biện pháp trừng phạt chống lại lừa đảo, để thiết lập và hỗ trợ cảnh sát, tòa án và nhà tù, những lực lượng sẽ thực thi pháp luật. Khi các vị vua thất bại trong việc điều hành thị trường một cách hợp lý, nó sẽ dẫn đến sự mất lòng tin, thu hẹp tín dụng và suy thoái kinh tế. Đó là bài học rút ra được từ sự kiện Bong bóng Mississippi năm 1719, và bất cứ ai quên điều đó sẽ lại được nhắc nhở bằng sự kiện bong bóng nhà đất Mỹ năm 2007, và cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế theo sau.

Địa ngục của các nhà tư bản

Có một lý do còn cơ bản hơn, giải thích tại sao thật nguy hiểm nếu trao cho thị trường một sự tự do hoàn toàn không kiểm soát. Adam Smith đã nói rằng, người thợ đóng giày sẽ dùng thặng dư của ông ta để thuê thêm nhiều người giúp việc hơn. Điều này ngụ ý là sự tham lam ích kỷ có lợi cho tất cả, vì lợi nhuận được dùng để mở rộng sản xuất và thuê thêm nhân viên.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu người thợ đóng giày tham lam, tăng lợi nhuận của mình bằng cách trả cho người làm công ít hơn, và tăng giờ làm việc của họ? Câu trả lời đúng chuẩn là thị trường tự do sẽ bảo vệ người làm công. Nếu người thợ đóng giày của chúng ta trả tiền quá ít, và đòi hỏi quá nhiều, những người làm công giỏi nhất sẽ tự rời bỏ ông ta để đến làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Người thợ đóng giày bạo ngược sẽ thấy mình bị bỏ lại với những người làm công tệ nhất, hoặc không có người nào ở lại. Ông ta sẽ phải cải thiện phương thức kinh doanh của mình, hoặc từ bỏ kinh doanh. Lòng tham sẽ bắt buộc ông ta phải đối xử tốt với nhân viên của mình.

Điều này nghe như có vẻ an toàn về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế, mọi thứ không dễ dàng như vậy. Trong một thị trường hoàn toàn tự do, không có sự giám sát của các vị vua và linh mục, những nhà tư bản tham lam có thể cấu kết độc quyền, hoặc thông đồng với nhau chống lại lực lượng lao động của họ. Nếu có một công ty duy nhất, kiểm soát tất cả các nhà máy giày của một quốc gia, hoặc nếu mọi người chủ của các nhà máy này âm mưu đồng thời giảm tiền lương, khi đó người lao động sẽ không thể tự bảo vệ mình bằng cách chuyển sang công việc khác.

Thậm chí tệ hơn nữa, những ông chủ tham lam có thể giới hạn sự tự do đi lại của người làm công qua hình thức ép làm thuê để trừ nợ, hoặc chế độ nô lệ. Vào cuối thời trung cổ, chế độ nô lệ hầu như chưa được biết đến ở châu Âu. Ở đầu thời kỳ cận đại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản châu Âu đã xuất hiện song song với sự trỗi dậy của việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương. Những sức mạnh không bị kiểm soát của thị trường, chứ không phải là các vị vua chuyên chế, hay những hệ tư tưởng kỳ thị chủng tộc, chịu trách nhiệm cho thảm họa này.

Khi người châu Âu xâm chiếm châu Mỹ, họ đã khai thác những mỏ vàng bạc, lập đồn điền mía đường, thuốc lá và bông. Những mỏ khai thác và đồn điền này đã trở thành trụ cột của việc sản xuất và xuất khẩu ở châu Mỹ. Đặc biệt quan trọng là những đồn điền mía đường. Trong thời trung cổ, đường mía là thứ xa xỉ hiếm hoi ở châu Âu. Nó được nhập khẩu từ Trung Đông với giá cực cao, và chỉ được dùng một cách dè sẻn như là một thành phần bí mật trong những món cao lương mĩ vị, và mấy loại thuốc giả vô giá trị. Sau khi những đồn điền trồng mía lớn được thiết lập ở châu Mỹ, lượng đường chuyển về châu Âu ngày càng tăng. Giá đường giảm, còn châu Âu thì nhiễm thói quen ăn ngọt vô độ. Các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu này bằng cách sản xuất đồ ngọt với số lượng rất lớn: bánh ngọt, bánh quy, sô-cô-la, kẹo, và những thức uống pha chất ngọt như cacao, cà phê và trà. Lượng đường tiêu thụ trung bình hằng năm trên đầu người Anh đã tăng gần như từ con số không trong những năm đầu thế kỷ 17, đến khoảng 8 kg vào đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, chuyện trồng mía và ép mía lấy đường là một công việc kinh doanh đòi hỏi lao động nhọc nhằn. Rất ít người muốn làm việc nhiều giờ trên những cánh đồng trồng mía đầy mầm bệnh sốt rét, dưới ánh nắng nhiệt đới. Những người lao động làm theo hợp đồng sẽ tạo ra một mặt hàng quá đắt đối với sự tiêu dùng đại chúng. Nhạy cảm với những sức mạnh thị trường, tham lam với lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, những chủ đồn điền châu Âu đã chuyển sang hình thức nô lệ.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, khoảng 10 triệu nô lệ châu Phi đã được nhập cảng vào châu Mỹ. Khoảng 70% trong số đó làm việc  những đồn điền mía đường. Điều kiện làm việc ở đó vô cùng tồi tệ. Hầu hết nô lệ đã sống một cuộc đời ngắn ngủi và khổ sở, và hàng triệu người đã chết trong những cuộc chiến được phát động để tìm bắt nô lệ, hoặc trong những chuyến hành trình dài từ châu Phi tới bờ biển châu Mỹ. Tất cả những điều đó chỉ nhằm mục đích để người châu Âu có thể thưởng thức trà đường và kẹo ngọt – và các ông trùm đường mía có thể hưởng những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Việc buôn bán nô lệ không bị bất kỳ nhà nước hay chính phủ nào kiểm soát. Nó là một hoạt động kinh tế thuần túy, được tổ chức và tài trợ bởi thị trường tự do theo quy luật cung cầu. Những công ty tư nhân chuyên kinh doanh nô lệ đã bán cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Amsterdam, London và Paris. Tầng lớp trung lưu châu Âu tìm kiếm một cơ hội đầu tư tốt đã mua những cổ phiếu này. Dựa trên số tiền có được, các công ty đã đóng tàu, thuê thủy thủ và binh lính, mua nô lệ ở châu Phi và chở họ đến châu Mỹ. Ở đó, họ bán nô lệ cho chủ đồn điền, dùng tiền thu được để mua nông sản của đồn điền như: đường, cacao, cà phê, thuốc lá, bông và rượu rum. Họ quay trở lại chấu Âu, bán đường và bông vải với một giá hời, sau đó đi thuyền tới châu Phi, bắt đầu lại một vòng quay khác. Những người chủ cổ phần đều rất hài lòng với sự sắp xếp này. Trong suốt thế kỷ 18, lợi nhuận của những khoản đầu tư mua bán nô lệ là khoảng 6% một năm – siêu lợi nhuận, bất kỳ một cố vấn đầu tư nào ngày nay cũng sẽ đều nhanh chóng thừa nhận như vậy.

Điều này đã tạo động lực cho thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Không thể bảo đảm lợi nhuận thu được một cách công bằng, hoặc phân phối một cách công bằng. Ngược lại, sự thèm khát gia tăng lợi nhuận và gia tăng sản xuất đã làm mờ mắt người ta trước bất cứ thứ gì ngáng đường. Khi sự tăng trưởng trở thành ân điển tối cao, không bị giới hạn bởi bất cứ sự cân nhắc đạo đức nào khác, nó có thể dễ dàng dẫn đến thảm họa. Một số tôn giáo, như Ki-tô giáo và chủ nghĩa quốc xã, đã giết chết hàng triệu người trong hận thù cháy bỏng. Chủ nghĩa tư bản cũng đã giết chết hàng triệu người trong sự thờ ơ lạnh lẽo và tham lam. Việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương không xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc với người châu Phi. Những cá nhân mua cổ phiếu, những người môi giới đã bán họ, và những người quản lý của các công ty buôn bán nô lệ, hiếm khi nghĩ đến người châu Phi. Cũng không phải những ông chủ của các đồn điền mía đường. Nhiều người chủ sống xa đồn điền của họ, và thông tin duy nhất mà họ đòi hỏi là sổ sách kế toán ghi chép rõ ràng các khoản lãi lỗ.

Điều quan trọng cần nhớ rằng việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương không phải là vết nhơ duy nhất trong một lịch sử tưởng như sạch sẽ. Nạn đói lớn Bengal, đã thảo luận ở chương trước, cũng xuất phát từ nguyên do tương tự – công ty Đông Ấn Anh quan tâm đến lợi nhuận của mình hơn là mạng sống của 10 triệu người Bengal. Những chiến dịch quân sự của công ty VOC ở Indonesia đã được tài trợ bởi các thị dân Hà Lan đáng kính, những người yêu con cái của họ, đi làm từ thiện, yêu chuộng âm nhạc và mĩ thuật, nhưng không quan tâm đến sự đau khổ của các cư dân ở Java, Sumatra và Malacca. Vô số những tội ác nặng nề và sai lầm khác đã đi kèm với sự tăng trưởng của nền kinh tế hiện đại ở nhiều nơi khác trên hành tinh này.

Thế kỷ 19 đã không mang đến sự cải thiện trong vấn đề đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng công nghệ đã tràn qua châu Âu, làm giàu cho các ngân hàng và những ông chủ tư bản, nhưng ép buộc hàng triệu người lao động vào một cuộc sống nghèo đói, khốn khổ. Ở các thuộc địa của châu Âu, tình trạng này còn tồi tệ hơn. Năm 1876, Leopold II của Bỉ đã thành lập một tổ chức nhân đạo phi chính phủ, tuyên bố là nhằm mục đích thám hiểm vùng Trung Phi và chống lại sự buôn bán nô lệ dọc theo sông Congo. Một nhiệm vụ được giao là cải thiện điều kiện sống cho cư dân của khu vực này bằng cách xây dựng đường giao thông, trường học và bệnh viện. Năm 1885, những cường quốc châu Âu đã đồng ý cho tổ chức này kiểm soát 2,3 triệu km² ở lưu vực sông Congo. Lãnh thổ này, lớn gấp 75 lần kích thước của Bỉ, từ đó về sau đã được biết đến như là Nhà nước Congo Tự do. Không một ai hỏi ý kiến của 20-30 triệu cư dân trên lãnh thổ này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức nhân đạo này đã trở thành một doanh nghiệp, có mục đích thực sự là tăng trưởng và lợi nhuận.