Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Vậy, kỷ nguyên hiện đại có phải là hiện thân của những cuộc thảm sát điên rồ, chiến tranh và đàn áp, điển hình là những cuộc chiến hào lũy trong Thế chiến I, đám mây hạt nhân hình nấm ở Hiroshima và những cơn điên cuồng đẫm máu của Hitler? Hay đó là một kỷ nguyên của hòa bình, điển hình là những chiến hào không bao giờ đào ở Nam Mỹ, những đám mây nấm không bao giờ xuất hiện ở Moscow và New York, và những gương mặt thanh thản của Mahatma Gandhi và Martin Luther King?

Câu trả lời nằm ở thời gian. Cần tỉnh táo để nhận ra rằng cách nhìn của chúng ta về quá khứ thường bị bóp méo bởi những sự kiện trong thời gian gần nhất như thế nào. Nếu chương này được viết vào năm 1945 hoặc 1962, nó có thể sẽ mang phong cách bi thảm hơn nhiều. Vì được viết vào năm 2014, nên chương này chọn một cách tiếp cận tương đối vui vẻ hơn về lịch sử hiện đại.

Để thỏa mãn cả những người lạc quan lẫn bi quan, chúng ta có thể kết luận rằng con người đang ở ngưỡng cửa của cả thiên đường lẫn địa ngục, di chuyển một cách lo lắng giữa cửa vào của thiên đường và phòng chờ của địa ngục. Lịch sử vẫn chưa quyết định chúng ta sẽ kết thúc ở nơi nào, tuy nhiên một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên có thể đẩy chúng ta lăn về một trong hai hướng.

19. Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau

500 năm qua đã chứng kiến một loạt những thay đổi ngoạn mục từ các cuộc cách mạng. Trái đất đã được thống nhất thành một khối duy nhất về mặt sinh thái và lịch sử. Nền kinh tế đã tăng trưởng theo cấp số nhân, và nhân loại ngày nay tận hưởng sự giàu sang chỉ xuất hiện trong chuyện cổ tích. Khoa học và Cách mạng Công nghiệp đã đem lại cho nhân loại những quyền lực siêu việt cũng như nguồn năng lượng gần như vô biên. Trật tự xã hội đã được thay đổi hoàn toàn, cũng như trong chính trị, cuộc sống hằng ngày và tâm lý con người.

Nhưng chúng ta có hạnh phúc hơn? Phải chăng sự giàu có của con người được tích lũy qua năm thế kỷ đã chuyển hoá thành một sự mãn nguyện kiểu mới? Liệu rằng việc khám phá ra những nguồn năng lượng vô tận đã mở ra trước mắt chúng ta nguồn hạnh phúc vô tận? Trở lại xa hơn, liệu 70 thiên niên kỷ đầy náo động tính đến cái mốc Cách mạng Nhận thức, có biến thế giới thành một nơi đáng sống hơn không? Liệu Neil Armstrong quá cố, người có dấu chân vẫn còn nguyên vẹn trên Mặt trăng, có hạnh phúc hơn một người săn bắt hái lượm vô danh từ 30.000 năm trước với dấu tay vẫn còn in trên bức tường trong hang Chauvet? Nếu không, lý do nào cho việc phát triển nông nghiệp, các thành phố, chữ viết, tiền đúc, các đế quốc, khoa học và công nghiệp?

Các nhà sử học hiếm khi đặt câu hỏi như vậy. Họ không bao giờ đặt câu hỏi rằng công dân của các thành phố Uruk và Babylon có hạnh phúc hơn so với tổ tiên săn bắt hái lượm của họ, liệu sự trỗi dậy của Hồi giáo đã khiến cho người Ai Cập hài lòng hơn với cuộc sống của mình, hoặc sự sụp đổ của các đế quốc châu Âu ở châu Phi đã ảnh hưởng thế nào tới hạnh phúc của hàng triệu người. Tuy nhiên, đây vẫn là những câu hỏi quan trọng nhất mà người ta có thể đặt ra đối với lịch sử. Hầu hết các tư tưởng hiện nay và cương lĩnh chính trị đều dựa trên những ý niệm khá mong manh, liên quan đến nguồn gốc thực sự của hạnh phúc con người. Các nhà ái quốc tin rằng tự quyết chính trị là cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta. Người cộng sản tin rằng mọi người sẽ được hạnh phúc dưới nền chuyên chính vô sản. Nhà tư bản lại cho rằng chỉ có thị trường tự do mới có thể đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho số đông lớn nhất, bằng cách tạo ra tăng trưởng kinh tế và giàu có vật chất, cũng như bằng việc dạy cho mọi người có thể tự lực cánh sinh và dấn thân lập nghiệp.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu các nghiên cứu nghiêm túc bác bỏ những giả thuyết này? Nếu tăng trưởng kinh tế và tự chủ không làm cho mọi người hạnh phúc hơn, vậy lợi ích của chủ nghĩa tư bản là gì? Giả như, người dân bị các đế quốc lớn đô hộ hoá ra lại hạnh phúc hơn người dân ở những đất nước độc lập, ví dụ người Algeria hạnh phúc dưới sự cai trị của Pháp hơn là với chính phủ của họ? Chúng ta có thể nói gì về quá trình giải phóng thuộc địa, và giá trị của sự tự quyết dân tộc?

Đây đều là những khả năng mang tính giả thuyết, bởi cho đến nay các nhà sử học luôn tránh đưa ra những câu hỏi như thế – chứ chưa kể đến việc trả lời chúng. Họ đã nghiên cứu lịch sử về mọi khía cạnh: chính trị, xã hội, kinh tế, giới tính, bệnh tật, tình dục, thực phẩm, thời trang – nhưng họ ít khi dừng lại để hỏi những điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người như thế nào.

Mặc dù rất ít người từng nghiên cứu lịch sử lâu dài về hạnh phúc, nhưng hầu hết các học giả và dân không chuyên đã có một số nhận định mơ hồ về nó. Theo quan điểm phổ biến, năng lực của con người đã tăng lên trong suốt lịch sử. Vì con người thường sử dụng năng lực ấy để giảm bớt khổ đau và lấp đầy những khát vọng, nên suy ra chúng ta hẳn phải hạnh phúc hơn so với tổ tiên thời trung cổ, và người trung cổ chắc chắn phải hạnh phúc hơn so với người săn bắt hái lượm Thời kỳ Đồ đá.

Nhưng lời giải thích tiến bộ này không thuyết phục. Như chúng ta đã thấy, những khả năng, hành vi và kĩ năng mới không nhất thiết phải làm cho cuộc sống tốt hơn. Khi con người học trồng trọt trong Cách mạng Nông nghiệp, sức mạnh tập thể giúp định hình môi trường sống đã phát triển hơn, nhưng số phận của nhiều cá nhân lại trở nên khắc nghiệt hơn. Nông dân phải làm việc chăm chỉ hơn người săn bắt hái lượm để góp nhặt số thực phẩm ít đa dạng và bổ dưỡng hơn, họ dễ mắc các loại bệnh và bị bóc lột kiệt sức hơn. Tương tự như vậy, sự lan rộng của các đế quốc châu Âu đã làm gia tăng sức mạnh tập thể của nhân loại lên nhiều lần, thông qua việc truyền bá các ý tưởng, công nghệ và cây trồng, mở những tuyến đường thương mại mới. Tuy nhiên, điều này lại khó lòng là tin tốt cho hàng triệu người châu Phi, thổ dân châu Mỹ và châu Úc. Từ những bằng chứng về xu hướng lạm dụng quyền lực của con người, thật ngây thơ khi tin rằng con người càng có nhiều sức mạnh hơn thì họ càng hạnh phúc hơn.

Một số người phản đối quan điểm này lại đưa ra góc nhìn hoàn toàn trái ngược. Họ tranh luận về mối tương quan tỉ lệ nghịch giữa năng lực của con người và hạnh phúc. Họ nói khi quyền lực tha hoá và nhân loại ngày càng có nhiều quyền lực hơn, điều đó sẽ tạo ra một thế giới cơ học lạnh lùng không thích hợp với những nhu cầu thực tế của chúng ta. Tiến hoá đã nhào nặn nên tâm trí và cơ thể chúng ta để phù hợp với cuộc sống săn bắt hái lượm. Tiến trình chuyển đổi đầu tiên sang nông nghiệp, rồi sau đó đến công nghiệp đã buộc chúng ta sống cuộc đời không tự nhiên, thiếu sự quan tâm đầy đủ đến những khuynh hướng cố hữu và bản năng của chúng ta, do đó không thể đáp ứng những khao khát sâu thẳm nhất của chúng ta. Không điều gì trong cuộc sống thoải mái của tầng lớp trung lưu thành thị có thể so sánh được với sự phấn khích và niềm vui hoang dã tuyệt vời của một bộ lạc săn bắt hái lượm, khi họ săn được một con voi ma-mút. Mỗi phát minh mới chỉ càng tạo thêm khoảng cách giữa chúng ta với Vườn Địa đàng mà thôi.

Tuy nhiên, quan điểm cố hữu lãng mạn này chỉ thấy bóng đen đằng sau mỗi phát minh, nó cũng giáo điều như niềm tin vào sự tất yếu của tiến bộ. Có lẽ chúng ta đã không còn dính líu gì tới con người săn bắt hái lượm trong mỗi chúng ta, nhưng điều này không hoàn toàn tồi tệ. Ví dụ, trong hai thế kỷ qua, y học hiện đại đã giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em từ 33% xuống dưới 5%. Liệu ai có thể ngờ rằng điều này không chỉ đóng góp rất lớn cho hạnh phúc của những đứa trẻ được cứu sống, mà còn cho gia đình và bạn bè của chúng?

Một quan điểm phức hợp hơn lại chọn cho mình con đường trung gian. Trước Cách mạng Khoa học, không có mối tương quan rõ ràng nào giữa quyền lực và hạnh phúc. Những nông dân trung cổ thực sự có thể chịu nhiều đau khổ hơn tổ tiên săn bắt hái lượm của họ. Nhưng trong vài thế kỷ qua, con người đã học được cách sử dụng năng lực một cách khôn ngoan hơn. Thành tựu của y học hiện đại chỉ là một ví dụ. Những thành tựu chưa từng có khác bao gồm tình trạng bạo lực giảm mạnh, sự biến mất rõ ràng của các cuộc chiến tranh quốc tế, và việc xóa sổ gần như hoàn toàn nạn đói quy mô lớn.

Tuy nhiên, quan điểm này cũng chỉ là một sự đơn giản hoá. Thứ nhất, sự đánh giá lạc quan này được dựa trên một mẫu thời gian rất ngắn ngủi. Chỉ sau năm 1850, đa phần nhân loại mới bắt đầu tận hưởng những thành quả của y học hiện đại, và tỉ lệ tử vong ở trẻ em sụt giảm mạnh mới chỉ là hiện tượng của thế kỷ 20. Những nạn đói lớn tiếp tục giết hại phần lớn nhân loại cho đến giữa thế kỷ 20. Trong suốt thời kỳ Đại nhảy vọt của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1958-1961, đã có từ 10 đến 50 triệu người chết đói. Những cuộc chiến quốc tế chỉ tàn lụi dần sau năm 1945, phần lớn là nhờ vào mối đe dọa mới của bom hạt nhân hủy diệt. Do đó, mặc dù vài thập kỷ qua được coi là thời hoàng kim chưa từng có đối với nhân loại, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu điều này đại diện cho sự chuyển biến cần bản trong các trào lưu của lịch sử, hay chỉ là một dòng xoáy vô thường của sự may mắn. Khi đánh giá thời kỳ hiện đại, thật quá hấp dẫn khi chọn quan điểm của một người trung lưu phương Tây ở thế kỷ 21. Chúng ta không được quên những quan điểm của một thợ mỏ than xứ Welsh ở thế kỷ 19, một tay nghiện thuốc phiện Trung Hoa, hoặc một thổ dân Tasmania. Truganini cũng quan trọng không kém gì Homer Simpson.