Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Quan điểm đối lập, được gọi là “lý thuyết thay thế” lại kể một câu chuyện rất khác – một sự không tương thích, ghê tởm, và thậm chí cả diệt chủng. Theo lý thuyết này, Sapiens và những giống người khác có các cấu tạo giải phẫu khác nhau, những thói quen ghép đôi và thậm chí cả mùi cơ thể rất có thể cũng khác nhau. Có thể họ đã có chút quan tâm về tình dục đối với giống người khác. Và thậm chí nếu một chàng Romeo Neanderthal và một nàng Juliet Sapiens yêu nhau thì họ cũng không thể tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh, vì tổ hợp gen khác biệt giữa hai quần thể không thể kết nối với nhau. Hai quần thể luôn hoàn toàn tách biệt và khi Neanderthal chết đi hoặc bị giết, gen của họ cũng mất theo. Theo quan điểm này, Sapiens thay thế tất cả các quần thể người trước đó chứ không sáp nhập với họ. Nếu trường hợp này là đúng, chúng ta có thể truy ra nguồn cội của tất cả người hiện đại trước đây, đặc biệt là ở Đông Phi cách đây 70.000 năm. Tất cả chúng ta là “Sapiens thuần chủng”.

Homo sapiens chinh phục toàn cầu

Bản đồ 1. Homo sapiens chinh phục toàn cầu.

Nhiều vấn đề hệ trọng phụ thuộc vào cuộc tranh luận này. Từ quan điểm tiến hoá, 70.000 năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nếu lý thuyết thay thế là đúng, thì tất cả con người đều có chung một hành trang di truyền, và sự khác biệt về chủng tộc giữa họ là không đáng kể. Nhưng nếu lý thuyết lai giống là đúng thì có thể cũng có sự khác biệt về gen giữa người châu Phi, châu Âu và châu Á từ mấy trăm ngàn năm về trước. Điều này giống như thuốc nổ chính trị, có thể cung cấp nguyên liệu cho các học thuyết phân biệt chủng tộc kinh hoàng.

Trong những thập kỷ gần đây, lý thuyết thay thế trở nên phổ biến trong nghiên cứu. Nó nhận được sự ủng hộ vững chắc từ khảo cổ học, và được coi là đúng đắn hơn về mặt chính trị (các nhà khoa học không mong muốn mở chiếc hộp Pandora, chứa đựng sự phân biệt chủng tộc bằng cách tuyên bố sự đa dạng đáng kể về gen giữa các quần thể người hiện đại). Nhưng điều này đã kết thúc vào năm 2010, khi các kết quả của một nỗ lực suốt bốn năm để lập bản đồ hệ gen Neanderthal được công bố. Các nhà di truyền học đã có thể thu thập đầy đủ nguyên vẹn ADN của Neanderthal hoá thạch để thiết lập một so sánh rộng giữa ADN này và ADN của con người hiện đại. Kết quả đã làm cộng đồng khoa học choáng váng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 1-4% ADN duy nhất của quần thể người hiện đại ở Trung Đông và châu Âu là giống với ADN của Neanderthal. Đây không phải là con số lớn, nhưng lại quan trọng. Cú sốc thứ hai đến sau đó vài tháng, khi ADN lấy từ các ngón tay hoá thạch ở người Denisova được phân tích di truyền. Các kết quả đã chứng minh rằng có đến 6% ADN dị biệt của thổ dân Melanesia hiện đại và thổ dân Úc là giống với ADN của Denisova.

Nếu những kết quả trên là chính xác – và điều quan trọng cần lưu ý rằng nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành có thể củng cố hoặc sửa đổi những kết luận – lý thuyết lai giống ít nhất cũng đúng một phần nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng lý thuyết thay thế là hoàn toàn sai. Bởi Neanderthal và Denisova chỉ góp một lượng nhỏ ADN trong bộ gen ngày nay của chúng ta, không thể nói có một cuộc “sáp nhập” giữa Sapiens và các loài người khác. Mặc dù sự khác biệt giữa họ đã không đủ lớn để ngăn chặn hoàn toàn giao phối hữu thụ, nhưng chúng cũng đủ để làm cho những kết nối như vậy trở nên rất hiếm hoi.

Vậy thì chúng ta nên hiểu mối liên hệ sinh học giữa Sapiens, Neanderthal và Denisova thế nào? Rõ ràng, họ không phải là các loài hoàn toàn khác nhau như ngựa và lừa. Mặt khác, họ không phải là các quần thể khác biệt nhau trong cùng loài, giống như chó bun và chó tai cụp. Thực tế sinh học không đơn giản là màu đen và trắng. Còn có các vùng màu xám quan trọng. Nếu hai loài tiến hoá từ một tổ tiên chung, giống như ngựa và lừa, thì đã có thời điểm nào đó chúng chỉ là hai quần thể của cùng một loài, giống như chó bun và chó tai cụp Chắc chắn phải có một điểm mà hai quần thể hoàn toàn khác nhau về mặt di truyền, nhưng vào những dịp hiếm hoi vẫn có khả năng giao phối và sinh ra những đứa con hữu thụ. Rồi đột biến gen đã cắt đứt kết nối cuối cùng này, và chúng đã tiến hoá theo những con đường riêng biệt.

Hình ảnh phỏng đoán tái tạo về một đứa trẻ Neanderthal.

Hình 3. Hình ảnh phỏng đoán tái tạo về một đứa trẻ Neanderthal. Bằng chứng di truyền học gợi ý rằng ít nhất một số Neanderthal có tóc và da màu sáng.

Dường như là khoảng 50.000 năm trước đây, Sapiens, Neanderthal và Denisova ở thời điểm lằn ranh này. Họ gần như, nhưng không hoàn toàn, là những loài riêng biệt. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, Sapiens rất khác biệt với Neanderthal và Denisova không chỉ trong mã di truyền và các đặc điểm thể chất, mà còn ở khả năng nhận thức và xã hội của họ, song vẫn không thể loại trừ khả năng vào những dịp hiếm hoi, Sapiens và Neanderthal sinh ra những đứa con hữu thụ.

Vì vậy, các quần thể không hợp nhất, nhưng một vài gen Neanderthal may mắn đã di truyền vào vốn gen của Sapiens. Thật đáng ngại – và có lẽ còn ly kỳ – khi nghĩ rằng Sapiens chúng ta tại một thời điểm nào đó lại có quan hệ tình dục với một động vật từ một loài khác, và sinh ra những đứa con chung.

Nhưng nếu Neanderthal, Denisova và những loài người khác nữa không hợp nhất với Sapiens, thì tại sao họ biến mất? Có một khả năng là chính Homo sapiens đã đẩy họ đến bờ tuyệt chủng. Hãy tưởng tượng một toán Sapiens đến một thung lũng Balkan nơi người Neanderthal đã sống mấy trăm ngàn năm. Những kẻ mới đến bắt đầu đi săn hươu và thu thập các loại hạt và quả mọng, vốn là thực đơn truyền thống của Neanderthal. Sapiens là những thợ săn bắt và hái lượm thành thạo hơn – nhờ công nghệ tốt hơn và kĩ năng xã hội tốt hơn – nên đã tăng theo cấp số nhân và lan rộng. Tài nguyên ít đi khiến Neanderthal khó tìm được thức ăn để nuôi thân. Dân số giảm đi và họ chết dần, có lẽ ngoại trừ 1-2 thành viên đã gia nhập cộng đồng Sapiens láng giềng của họ.

Khả năng khác là sự cạnh tranh nguồn tài nguyên đã bùng lên thành bạo lực và diệt chủng. Khoan dung không phải là đặc trưng của Sapiens. Ở thời kỳ hiện đại, sự khác biệt nhỏ về màu da, phương ngữ hay tôn giáo là đã đủ để khiến cho một nhóm Sapiens tiêu diệt một nhóm khác. Liệu Sapiens cổ đại có khoan dung hơn đối với những loài người hoàn toàn khác với họ? Có thể khi Sapiens bắt gặp Neanderthal, kết quả là một chiến dịch diệt chủng đầu tiên và quan trọng nhất trong lịch sử.

Cho dù điều gì đã xảy ra, Neanderthal (và những loài người khác) đã đặt ra câu hỏi “nếu như” lớn nhất trong lịch sử. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu như Neanderthal hoặc Denisova sống sót cùng với Homo sapiens. Nền văn hoá, xã hội và các cơ cấu chính trị nào sẽ nổi lên trong một thế giới mà các loài người khác nhau cùng tồn tại? Ví dụ, các tín ngưỡng tôn giáo sẽ phát triển như thế nào? Liệu Sáng thế ký có tuyên bố rằng Neanderthal cũng là hậu duệ của Adam và Eve, và liệu Jesus có hy sinh để chuộc tội cho Denisova, và liệu kinh Koran có dành chỗ công bằng trên thiên đường cho tất cả những kẻ chính trực, bất kể giống loài nào? Neanderthal có thể phục vụ trong các binh đoàn La Mã, hoặc trở thành đám quan lại màu mè trong triều đình phong kiến Trung Quốc được không? Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có nêu cao một sự thật hiển nhiên rằng tất cả các thành viên của chi Homo đều được sinh ra bình đẳng? Liệu Karl Marx có kêu gọi công nhân của tất cả các loài phải đoàn kết?

Hơn 10.000 năm qua, Homo sapiens đã quá quen với tư cách loài người duy nhất đến mức thật khó để chúng ta nhìn nhận bất kỳ khả năng nào khác. Sự thiếu hụt anh chị em càng làm chúng ta dễ nhầm tưởng hơn rằng mình là hình ảnh thu nhỏ của sự sáng tạo tuyệt đỉnh, và rằng đó là vực thẳm ngăn cách chúng ta với phần còn lại của thế giới động vật. Khi Charles Darwin chỉ ra rằng Homo sapiens chỉ là một loài động vật, nhân loại đã cảm thấy bị xúc phạm. Thậm chí ngày nay, nhiều người từ chối tin vào điều này. Liệu nếu Neanderthal còn sống sót, chúng ta vẫn sẽ tưởng tượng mình là một loài đơn độc? Có lẽ đây là nguyên do chính xác tại sao tổ tiên của chúng ta đã xóa sổ Neanderthal. Họ quá tương đồng nên không thể làm ngơ, nhưng cũng quá khác biệt để dung thứ.

Cho dù Sapiens có bị đổ lỗi hay không, thì họ đã tới nơi mới sau khi cư dân bản địa đã bị tuyệt chủng. Những gì còn lại cuối cùng của Homo soloensis có niên đại cách đây khoảng 50.000 năm. Homo denisova biến mất ngay sau đó. Neanderthal biến mất cách đây khoảng 30.000 năm. Những người lùn cuối cùng biến mất khỏi đảo Flores khoảng 12.000 năm trước đây. Họ để lại một số mảnh xương, công cụ bằng đá, một vài gen trong ADN của chúng ta và nhiều câu hỏi không lời đáp. Họ cũng để lại chúng ta, Homo sapiens, loài người cuối cùng.

Bí mật thành công của Sapiens là gì? Làm thế nào chúng ta có thể định cư nhanh chóng trong những môi trường sống xa lạ và có đặc điểm sinh thái khác biệt? Làm thế nào chúng ta đẩy được tất cả các loài người khác vào quên lãng? Tại sao ngay cả Neanderthal khỏe mạnh, thông minh, chịu được lạnh lại không thể tồn tại trước sự tấn công của chúng ta? Các cuộc bàn luận vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Câu trả lời khả dĩ nhất lại nằm ở chính nhân tố khiến cuộc tranh luận có thể xảy ra: Homo sapiens chinh phục thế giới nhờ ngôn ngữ độc đáo của mình.

2. Cây tri thức

Trong chương trước, chúng ta đã thấy rằng mặc dù Sapiens đã định cư tại Đông Phi khoảng 150.000 năm trước, họ tiếp tục xâm chiếm phần còn lại của Trái đất và đẩy những loài người khác đến tuyệt chủng chỉ cách đây khoảng 70.000 năm. Trong hàng ngàn năm đó, mặc dù Sapiens cổ đại trông giống chúng ta với bộ não có kích thước như loài người hiện nay, nhưng họ đã không sở hữu bất kỳ lợi thế đáng kể nào so với các loài người khác, không tạo ra các công cụ đặc biệt phức tạp, và cũng không ghi dấu bất kỳ chiến công đáng kể nào.