Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Độc giả biết đích xác bọn quan này là những tay lái buôn thuốc phiện lậu, thằng nào cũng giàu sụ, tạo được đồn điền và biệt thự. Họ còn tìm cả báo Tây để xem tin tức bọn viên chức Pháp dính dáng đến việc phạm pháp này. Nhưng vô ích. Thằng Mác-tanh vẫn làm chánh đoan Yên Bái. Nó bắt người dưới quyền nó đi rình hàng lậu cả ban ngày lẫn ban đêm. Còn mấy thằng Giăng Út, Lu-y Rô-manh, đứa nào ở đâu vẫn giữ nguyên chức vụ ở đó. Nay chúng đi phố, vẫn nghênh ngang, vênh váo, vác mặt lên trời. Hễ gặp người An Nam nào, tuy chúng không nhìn hẳn, nhưng cũng cứ liếc liếc, xem nếu người ấy có chào, thì chúng nhúc nhích cái đầu để gật gật.

* * *

Cố nhiên là nhà thơ Tình muôn thuở được trả lại tự do.

Thằng cẩm Pha-lăng-xô tha ông đấy. Nó nhìn theo ông ra khỏi cổng nhà giam. Lúc thấy ông ngã lăn đùng xuống đất, nó cười ngặt cười nghẹo, gò gập lưng mà cười:

– Từ thuở tao làm nghề này, chưa lần nào tao được cười mệt như lần này!

Nguyên thằng Pha-lăng-xô xưa nay vẫn tự phụ là thông thạo ngôn ngữ Việt Nam. Nên khi thấy ông Hoài Tân Tử khai nghề nghiệp là làm báo, thì nó nhìn ông từ đầu đến chân, như thể để xem tướng. Rồi nó bĩu môi:

– Báo gì? Báo cô hay báo hại?

Nhưng nó quắc ngay đôi mắt, hỏi dằn từng câu:

– Mày ở đảng nào? Đảng mày thành lập từ bao giờ? Mục đích tôn chỉ là gì? Có bao nhiêu người? Ai là đảng trưởng? Tổ chức đảng thế nào? Hoạt động nhiều chưa? Mày làm chức vụ gì trong đảng? Mày trả lời xong ngần ấy câu, tao tha cho về ngay lập tức.

Nhà thơ ta hết sức ngạc nhiên, ông biết ngay là thằng mật thám bắt lầm phải ông, thì thế nào nó cũng thả ông về. Ông lại mừng rằng như thế là công ty của ông chưa bị lộ. Ông không dại gì tố giác ra. Ông phải bắt chước hàn Thừa cái đức tính không lừa thầy phản bạn. Ông nhìn thằng Pha-lăng-xô, lễ phép đáp:

– Thưa ông, tôi không có đảng phái nào. Tôi không biết gì để khai cả.

Bất ngờ thằng Tây lai giơ quả đấm bằng nhôm vào mặt ông để dọa, sừng sộ nói:

– Thế tao bắt oan mày à? Đồ…

Nó nhìn thẳng vào đôi mắt của ông, rồi cười gằn:

– Con ạ, những thằng cùng đảng với mày, đứa nào cũng khai ra mày cả rồi. Tao hỏi ngần ấy câu, không phải vì tao không biết. Tao biết hết. Nhưng chỉ muốn xem mày khai thật hay nói dối mà thôi.

– Thưa ông, xin nhắc lại là tôi không ở đảng phái nào cả. Tôi chỉ làm báo!

– Mày làm gì ở báo nào?

– Trước kia, tôi làm báo Thực Nghiệp, báo Chấn Hưng. Bây giờ tôi không ở hẳn báo nào. Báo nào mời tôi viết thì tôi giúp.

Rồi muốn cho lời bịp được tin cậy, ông nói thêm:

– Thường thì tôi ký bằng rất nhiều biệt hiệu khác nhau.

Thằng Pha-lăng-xô lại ngắm ông:

– Mày viết gì?

Ông Tình muôn thuở đáp không ngập ngừng:

– Tôi làm thơ.

Vẻ chế nhạo, nó vừa nhìn lại tướng ông, vừa cúi đầu để chào:

– À, thi sĩ. Thế thì tao chưa bắt thi sĩ trả lời những câu hỏi của tao bằng văn xuôi vội. Tao cho thi sĩ về, đêm nay phải làm cho xong một bài thơ vịnh cảnh ở tù. Hiểu chưa? Sáng mai, lên đây, đọc cho tao nghe.

Ông Hoài Tân Tử hứa.

Tối hôm ấy, ông không nhờ đến thuốc phiện giúp ông yên-sĩ-phi-lý-thuần. Vả không còn hy vọng được hút, cho nên nhiều lúc, bóng cô ả Phù dung thấp thoáng đến, thì ông dùng ngay oai thằng Tây lai hung ác luôn luôn lởn vởn trong đầu óc, để xua đuổi hình ảnh cô bạn đến định nổi cơn tam bành.

Hôm sau, thằng Pha-lăng-xô gọi ông lên. Nó hất hàm:

– Thế nào? Thi sĩ xong thơ chưa?

Ông vui vẻ đáp:

– Thưa đã.

– Đọc lên tao nghe?

Nhà thơ đằng hắng mấy tiếng. Thằng Pha-lăng-xô làm ra thạo, nhắc:

– Ngâm chứ? Thơ tồi mà ngâm bằng giọng tốt thì cũng hóa ra hay. Trái lại, thơ hay mà không biết ngâm thì nó giảm giá trị. Có đúng thế không?

Ông Hoài Tân Tử cười:

– Đúng thế đấy ạ. Nhưng tôi không biết ngâm. Chỉ xin đọc thôi.

– Cũng được.

Ông Tình muôn thuở lại e hèm năm sáu bận cho cái đàm khỏi làm vướng cuống họng, rồi cất cao tiếng để rên rỉ:

Xót mình thân đớn phận hèn
Cái xe, cái lọ, ngọn đèn, cái móc, cái liêm
Bây giờ cao ngọa xà lim
Như cá trong chậu, như chim trong lồng.
Ước gì tỏ rạng vầng hồng.
Nhờ gương Nhật Nguyệt soi lòng thủy chung,
Ơi Phù dung, hỡi Phù dung!
Nghĩ cây gang tấc muôn trùng mà đau!

Đọc xong, ông nói:

– Hết ạ.

Thằng mật thám đã lắng tai nghe từng câu. Bây giờ nó cầm bút gật gật:

– Khá lắm. Mày đọc lại từ đầu cho tao ghi.

Nhà văn sĩ đắc chí, cho là thơ mình hay, cảm được lòng người. Mũi ông phập phồng, tuy đứng mà đùi ông rung rung, ông đọc lại. Để cho rõ nghĩa, ông nhắc nó chỗ nào đánh dấu phẩy, chỗ nào đánh dấu chấm thường, chỗ nào đánh dấu chấm cảm. Ông dặn là hai chữ nhật nguyệt và chữ phù phải viết hoa.

Chép xong, thằng Pha-lăng-xô đặt bút, nhưng mắt vẫn cắm xuống tờ giấy. Một lát, nó hỏi:

– Cao ngọa là gì?

– Thưa là nằm chỗ cao. Ý nói nơi ở của các bậc tiên.

Nó nhếch mép:

– Hừ! Tiên khồng!

Viết đến đây, tác giả cần mở một dấu ngoặc đơn, để nói cho các bạn rõ về trình độ thông thạo ngôn ngữ Việt Nam của thằng Tây lai như thế nào.

Hồi còn đi học, có một lần, thằng Pha-lăng-xô lại nhà một người bạn tên là Phú để mượn một cuốn sách. Khi đến nơi, nó thấy trong nhà lố nhố những người. Nó hỏi thì Phú nói nhà có giỗ ông nội. Thế là nó sợ quá, vội vàng cắp đít chuồn thẳng, không dám quái cổ lại. Đến nửa đường, nó gặp một người bạn khác đến nhà Phú ăn giỗ. Nó trợn mắt, xua tay để ngăn:

– Chớ, chớ! Lây đấy! Ông nội thằng Phú lên đậu.

Thằng Pha-lăng-xô đã hiểu tiếng có giỗ là có những vết sẹo lỗ chỗ, thâm thâm ở trên mặt, vì bệnh đậu mùa.

Lại một lần nữa, đương lang thang ở phố với một vài người bạn, nó gặp một đám cưới. Nó đứng lại xem, thấy cô dâu đẹp, nó trầm trồ khen, rồi dùng câu tục ngữ để phát biểu cảm tưởng:

– Mẹ kiếp! Đêm nay thì vắt cổ chày ra nước!

Thông thạo ngôn ngữ Việt Nam đến mức ấy, nên khi thằng Pha-lăng-xô đọc bài thơ của anh nghiện nhớ thuốc phiện, thì nó hiểu ngay bằng nghĩa bóng xa xôi. Suy nghĩ xong, nó ngước mắt lên, trừng trừng nhìn kẻ có tội, rồi cười hà hà:

– Mày chối nữa đi! Đảng mày là đảng thân Nhật!

Ông Tình muôn thuở giật nảy mình:

– Thưa sao ạ?

Thằng mật thám như tóm được đuôi người hội kín rồi, nó hỏi để lấy thêm bằng chứng:

– Thế mày có giúp báo Văn Hóa không?

Ông Hoài Tân Tử ngơ ngác, đáp:

– Thưa không. Tôi không biết mặt mũi báo Văn Hóa thế nào.

Thằng Tây lai mở ngăn kéo, lấy ra một quyển báo mỏng, bìa vàng, giơ lên cao, và nói như giảng:

– Cuốn tuần báo này, mặt trước in hai chữ tên báo là Văn Hóa, mặt sau vẽ hình một nửa mặt trời tia ánh sáng ra xung quanh, và có hai chữ V.H. Mày chưa trông thấy bao giờ à?

– Vâng!

– Vô lý! Mày ký tên là gì trong báo này?

– Thưa, thật tôi không giúp báo này.

– Mày có biết hai chữ V.H là gì không?

– Thưa là hai chữ Văn Hóa viết tắt.

Thằng Pha-lăng-xô lắc đầu, xua tay:

– Không phải. Mày vờ khéo lắm, con ạ. Là hai chữ Vầng Hồng. Biết chưa? Bởi vì hai chữ đặt bên cạnh cái hình mặt trời. Mà nước nào có cờ mặt trời đỏ, mày thấy chứ?

Ông nhà thơ yên lặng, thằng mật thám tiếp:

– Những bài trong báo Văn Hóa sặc mùi thân Nhật, cho nên báo đã bị cấm, mày không biết à?

– Thưa không.

Thằng Pha-lăng-xô xô ghế đứng dậy:

– Thế sao mày bảo mày làm báo? Bú dù!

Ông Hoài Tân Tử chữa:

– Vâng. Tại tôi không đọc những báo lá cải.

– Không phải lá cải.

Ngừng một lát, nó nhìn vào tờ giấy:

– Thế bây giờ tao hỏi mày nhé. Tại sao trong bài của mày có chữ vầng hồng, chữ nhật. Mày tưởng úm nổi tao à? Mày muốn vầng hồng tỏ rạng để thấu tấm lòng thủy chung với nước Nhật Bản của mày, hả? Còn phù dung là nghĩa thế nào? Phù tang chứ? Nói lóng phỏng? Lòng mày gần người Nhật, nhưng mày tiếc rằng đường đất xa xôi, cho nên mày đau lòng! Thơ thâm thúy nhỉ.

Ông Tình muôn thuở đứng đờ người. Mỗi lần ông há miệng, định đáp để cởi cái dây mà ông tự trói ông ra, thì thằng mật thám lại:

– Không cần thanh minh! Không cần chối! Mày đã lạy ông tôi ở bụi này rồi. Vậy tao lại cho mày về xà-lim, nhưng không phải nghĩ thơ, mà nghĩ trả lời những câu hỏi của tao: Mày ở đảng nào? Đảng mày thành lập từ bao giờ? Mục đích tôn chỉ là gì? Đảng mày có những ai? Ai là đảng trưởng? Tổ chức đảng thế nào? Hoạt động những gì rồi? Và mày giữ chức gì trong đảng?

Nó giơ tám ngón tay:

– Tám câu. Trả lời bằng văn xuôi, chứ không cần bằng thơ bát cú để phải tìm vần cho thêm khó!

Đêm hôm ấy, vì ông nhà thơ không phải lo nghĩ câu trả lời mà ông không biết, nên ông bị cơn nghiện nó vật. Ông sổ mũi, hắt hơi, rồi lăn lộn từ trên sàn xuống đất. Lúc mệt nhoài, ông mới nhớ ra là phải tự khủng bố bằng hình ảnh thằng Pha-lăng-xô, và phải luôn luôn không quên rằng ở xà-lim thì hoàn toàn tuyệt vọng về thuốc phiện. Cho nên ông ngủ yên được đến sáng.

Hôm sau, tên cai ngục mở cửa, bắt ông đi đổi thùng xia. Muốn phản kháng, ông nói:

– Thưa thầy, oan lắm, tôi chưa được ỉa.

Nó gõ ba-toong vào đầu ông:

– Mày mà không phải là văn sỹ, thì tao cho một gậy bỏ đời!

Rồi nó nhại:

– Chưa được ỉa! Oan!

– Thưa thật đấy ạ.

– Thế từ hôm vào đến hôm nay, mày ỉa ở đâu?

– Thưa mới hai hôm, thật là chưa được ỉa ạ. Thầy minh xét cho.

– A-lê đi! Không nói bướng. Rồi phải còn đến quan gọi! Mau lên!

Thay thùng xong, ông Hoài Tân Tử vào buồng thằng Pha-lăng-xô. Thằng này hất hàm:

– Tao chờ. Trả lời tám câu đi?

Ông Tình muôn thuở đáp:

– Thưa thật tình là tôi không biết gì.

Thằng mật thám đứng dậy, trỏ lên cái đanh khuy vặn ở khung cửa ra vào:

– Mày có biết cái gì đây không?

Ông nhà thơ nhìn:

– Thưa là cái đanh khuy ạ.

– Để làm gì?

– Để móc cửa ạ.

– Không phải, để treo mày, nếu mày cứ gan mãi.

Ông Hoài Tân Tử tái mét mặt.