Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa chưa kịp trả lời, thì Ma-ri trợn ngược mắt, quờ quờ hai tay, ngã lăn xuống, mình mẩy run cầm cập. Anh vội vàng vực Ma-ri lên giường, lấy khăn mặt thấm nước lã, ấp lên trán Ma-ri, và gọi.

Chừng mươi phút, Ma-ri cựa, từ từ mở mắt ra. Ma-ri nhìn anh, nhìn mãi, rồi ứa hai giọt lệ, lăn xuống má.

Anh Thừa lắc đầu, thở dài:

– Em! Em nghĩ về anh thế nào mà đến nỗi như thế này?

Ma-ri thều thào mấy tiếng:

– Anh thế nào thì anh biết hơn em.

– Anh hôm qua thế nào, thì hôm nay vẫn thế. Anh là của em. Bởi vì em là của anh.

Anh ôm đầu Ma-ri, quỳ gối trên sàn gác, cúi xuống hôn vào má. Ma-ri bá lấy cổ anh, hỏi thầm vào tai, kéo dài từng tiếng:

– Có thật không anh?

Anh mỉm cười, cũng dài giọng:

– Thââật!

Cái lối nũng nịu nhau quen thuộc này có sức tiếp sinh khí cho Ma-ri. Ma-ri như khỏe ra. Hắn ngồi dậy, búi tóc, vui vẻ nhìn anh:

– Thế anh định xử thế nào với hắn?

– Ra thì cứ ra. Ở thì cứ ở. Việc ta ta cứ làm.

Ma-ri ôm chầm lấy anh, hí hí cười:

– Thế thì em sống rồi!

Hắn đứng dậy, rút ngăn kéo, lấy cái kẹo, bẻ ra làm đôi, đưa anh một nửa, và ngâm:

– Một lời đã hứa, trăm năm từ đây!

Anh Thừa mỉm cười, thong thả thò tay ra. Anh chưa cầm. Có lẽ vì óc anh đương bối rối. Bỗng tay anh bị phát đánh đét một cái. Mặt Ma-ri sầm lại:

– Không ngon bằng khế khô của người ta phỏng?

Anh Thừa tái mặt. Không ngờ Ma-ri tinh quái, cái gì cũng biết. Hắn lại dồn:

– Ăn nửa cái kẹo sợ no, không ngồi tiếp cơm người ta được phỏng?

Anh Thừa cười:

– Hứa bằng bụng chứ cần gì hứa bằng kẹo. Nuốt kẹo để nuốt lời à?

Ma-ri tươi tỉnh:

– Thế thì được. Em không tủi thân nữa.

Anh Thừa móc cái đồng hồ quả quýt ở túi thắt lưng da ra để xem giờ. Ma-ri hỏi:

– Sốt ruột về với người ta phỏng?

Anh Thừa nghiêm mặt đáp:

– Không sốt ruột, nhưng đến giờ thì phải về. Em nên bình tĩnh, đừng hơi thấy một cử chỉ cỏn con của anh là nghi hoặc, rồi đay nghiến anh, làm cho anh khổ tâm. Em bình tĩnh thì anh được bình tĩnh. Anh bình tĩnh thì em cũng được bình tĩnh. Có bình tĩnh mới để cho nhau làm nổi việc. Việc chúng ta là việc quan hệ, việc trăm năm, lâu dài. Em chỉ nên nghĩ làm sao cho nó có kết quả, đừng để ý những cử chỉ vụn vặt của anh. Nhiều khi vì muốn đạt mục đích chính, mà anh cố ý cho hắn thấy những cử chỉ vụn vặt để đánh lạc hướng mắt hắn đi.

Ma-ri khen:

– Đàn ông trí lớn hơn đàn bà.

– Đúng rồi. Chỉ nghĩ đến những điểm vụn vặt, thì lo toan sao được việc lớn. Nhưng chỉ lo toan những việc lớn mà không nghĩ đến những điều vụn vặt cũng không được. Cho nên trời sẽ cho chúng ta lấy nhau là đúng. Anh định liệu việc lớn lao, trong khi ấy, em quán xuyến việc vụn vặt, thì việc gì không thành công.

Ma-ri cười. Anh Thừa giao hẹn:

– Cho nên từ nay bất cứ anh nói gì, anh làm gì, em không được nghi ngờ, mà phải tin rằng để làm cho đám cưới chúng ta linh đình vui vẻ. Anh đã nói hắn ra thì cứ ra, ở thì cứ ở, việc ta ta cứ làm. Vậy thì anh phải luôn luôn đánh lạc hướng cho hắn không biết một tí gì, không trông, không nghe thấy sự thực.

Ma-ri ngớ mặt:

– Kìa, thế em tưởng hắn ra để phá ta. Hẳn thằng già hay thằng trẻ ở nhà này bắn tin về.

Anh Thừa lắc đầu:

– Không. Tình cờ mà ra thôi.

– Thế thì được. Chứ không, anh phải tra xem đứa nào bép xép, thì vả cho tan họng ra.

Anh Thừa nói:

– Cho nên việc ta, ta cứ tiến hành, nhưng phải kín đáo. Có kín đáo, ta mới cưới nhau ngay trước mắt hắn, mà hắn không biết. Hắn ở Hà Nội với anh, mà suốt ngày chúi trên gác, thì có khác gì bị bịt mắt. Cùng lắm, hắn có hỏi, thì lại hỏi lão già và thằng Xi, chứ còn quen ai nữa. Hỏi hai thằng này, có khác gì không hỏi. Hắn muốn ra khỏi nhà này, thì một là anh, hai là thằng Xi đi kèm, vậy còn biết cái gì. Thằng Xi có thể ăn nói hớ hênh, nhưng đã không nghi, thì hắn chả hiểu được.

– Thế thì anh kèm hắn tốt hơn.

– Anh vẫn làm thế. Cho nên anh mới bảo em là dù anh làm gì với hắn cũng không phải là thay lòng đổi dạ.

Ma-ri gật:

– Em tin lời nói của anh. Nhưng muốn em tin cả việc làm của anh là không thay lòng đổi dạ, thì em giao cho anh một nhiệm vụ.

– Nhiệm vụ gì?

– Để chốc nữa, trước khi anh về, em sẽ nói.

– Em nói đi. Anh về đây.

Ma-ri đứng dậy, ra cửa, khóa lại, rồi rút chìa, đút vào túi. Mặt hắn đanh đá nhưng hắn cố nói cho dịu dàng:

– Việc em muốn bảo, là thế này: em chưa là vợ anh thì không được ghen ngược. Nhưng em yêu anh, không thể không ghen. Dù sao thì trong thời gian vợ anh ở với anh trong một căn gác riêng, em cũng không cho phép anh được trò chuyện với hắn. Muốn vậy, thì mỗi ngày hai lượt, trước khi ngủ trưa và ngủ tối, anh phải sang đây một lát, một lát thôi, với em, để phá sức lực đi.

Thấy Ma-ri tai ngược, anh Thừa chưa biết xử lý thế nào. Anh hỏi đùa:

– Thế thì em phải trả tiền anh chứ? Tại em cơ mà?

Ma-ri cười:

– Anh còn nợ em bao nhiêu, anh có nhớ không?

Rồi nghiêm trang, hắn tiếp:

– Tùy anh đấy. Muốn dò lòng anh, em chỉ có cách ấy. Anh có chiều nổi ý này của em bắt đầu từ trưa hôm nay không?

Anh Thừa cúi sâu đầu, kéo dài tiếng để liều:

– Được!

* * *

Làm xong nhiệm vụ với Ma-ri, anh Thừa về nhà. Anh vẫn vui vẻ với vợ và con. Chị chưa ăn cơm. Chị chờ anh.

Bữa hôm nay có món thịt chuột, chị mang ở nhà quê ra. Thấy vợ săn sóc đến mình phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, anh Thừa vui sướng quá:

– Đi xa thì nhớ nhà, nhớ quê. Thỉnh thoảng được hưởng những thứ của quê nhà, cũng vợi được buồn.

Trong khi ăn, chị nhắc lại cho anh nghe những tin của làng, vừa nói với anh Xi và cụ Điều buổi sáng. Hai người này cũng ngồi quanh mâm để nghe một lần nữa. Anh Thừa hỏi thăm từng người trong họ của anh và của chị đói no thế nào. Anh than thở:

– Tôi chỉ ước ao được rỗi vài ngày, thì về quê, thăm khắp họ hàng, bà con. Ở gần, hay coi thường nhau, nhưng ở xa mới thấy nhớ nhau, mong gặp nhau.

Chị Thừa cho là chồng nói ý nhớ mong mình, chị hể hả lắm.

Ăn xong, cả bốn người không ai muốn đứng dậy, vì không dứt được chuyện. Anh Thừa, cụ Điều và anh Xi hỏi hết việc này đến việc khác ở trong làng.

Nghe chị nhắc việc gửi tiền đóng công sưu, anh Thừa tặc lưỡi:

– Ở đâu đóng thuế đấy cho tiện.

Chị Thừa lắc đầu:

– Không được. Thế là bỏ làng à?

Anh Thừa đáp:

– Nhưng có thẻ nhà quê, mà ở Hà Nội, không có thẻ thành phố, cũng vẫn bị bắt và bị phạt. Chả có khối người mới ở nhà quê ra Hà Nội chơi, đi đường lớ ngớ gặp đội sếp hỏi thẻ đấy à? Thế là bị bỏ bót ngay hai mươi bốn giờ đồng hồ, còn bị nộp tám hào phạt nữa.

Anh thở dài:

– Hay là đóng cả hai nơi?

Cụ Điều cau mặt:

– Ông có tiền mới làm thế được, chứ chúng tôi chịu sao nổi một cổ hai tròng?

Cả bốn người cùng im lặng. Chị Thừa còn kể thêm cả những việc không ai biết mà hỏi. Cụ Điều nghe vui tai, khen chị:

– Con mẹ này ít lâu nay hay nói hơn trước. Anh Thừa cười:

– Chồng phú quý thì vợ phải biết ăn nói để giao thiệp chứ.

Rồi anh khen:

– Nhà tôi được cái tốt là ít lâu nay không biết ghen. Thấy thỉnh thoảng tôi kể là đi cô đầu, nhà tôi cũng chẳng nói gì.

Chị Thừa hơi thẹn:

– Đừng giấu giếm thì chả ghen.

Cụ Điều nói:

– Đàn ông chơi bời là thường. Làm giai năm thiếp bảy thê. Mấy lị anh ấy vẫn bảo giao thiệp để học khôn, sao gọi là chơi bời.

Chị Thừa nhìn chồng, trách bằng giọng âu yếm:

– Ở nhà cứ đồn ầm lên là thầy nó có vợ bé đấy.

Anh Thừa tái mặt, nhưng làm như cứng rắn để thăm dò:

– Thế u nó ra đây để khám phá phải không? Đã đánh ghen với ai chưa?

Chị cười:

– Nào ai tin mà ghen với tuông! Nếu có vợ bé thì trên gác phải khác kia chứ.

Anh nhạo:

– Thế là bế con ra mất công toi! Đã thế, tôi giữ ở lại, không cho về nữa. Thật đấy!

Chị Thừa đỏ bừng mặt.

Buổi trưa hôm ấy, anh Thừa không nghỉ. Chị muốn giục anh đi nằm một tí kẻo làm việc cả ngày mệt nhọc. Nhưng chị giữ ý, sợ chẳng ai biết bụng chị thương yêu chồng, lại cho là chị háo hức thì chị ngượng chết.

* * *

Song, tuy ngày nào chị cũng được chồng đối xử nồng nàn, thân mật, nhưng chị không khỏi không có điều hậm hực. Hậm hực mà không tiện nói ra với ai. Là ngay từ tối đầu tiên, anh đã thú thật với chị để nhận một tội lớn, là anh mắc bệnh giang mai. Chị đay nghiến anh một lúc, nhưng vì anh đã trót dại, cơ sự đã rồi, chị chỉ còn việc khuyên anh nên chữa cho khỏi, kẻo mà không sinh đẻ được nữa.

Ở trên gác với con cả ngày thì buồn, chị hay bắc ghế ra cửa ngồi nhìn đường. Chị muốn qua chơi phố nọ phố kia, nhưng đi một mình sợ lạc. Vì vậy, chị cũng hay sang nói chuyện với cụ Điều và anh Xi. Chị vá quần áo rách cho cụ Điều. Chị tán thuốc, thổi cơm, gánh nước hộ anh Xi. Vốn hay lam hay làm, chị để chân tay không thì buồn, cho nên muốn được hoạt động.

Chị chưa định hôm nào thì về nhà quê. Vì chả mấy khi mới cất công ra thăm chồng, vả lại, trừ cái việc riêng kín của anh chị đối với nhau, mà không ai biết, anh vẫn tỏ ra là một người chồng tốt, biết thương vợ, yêu con. Anh đã đưa chị đi nhiều phố vui ở Hà Nội. Chị đã được nhìn thấy con hổ, con báo. Chị đã đứng xem mãi cái thang máy ở nhà Gô-đa. Và chị cũng đã bốn tối đi xem hát, ở rạp Quảng Lạc, ở rạp Sán Nhiên Đài, ở rạp Đồng Lạc, ở rạp Kinh Kỳ Hý Viện Hàng Quạt. Chị tấm tắc khen đào kép hát hay, phông cảnh đẹp.

Lạ mắt nhất là chớp ảnh. Các ông tây bà đầm chỉ không nói ra tiếng được thôi, còn thì cũng đi đứng, ăn uống, giơ tay chân, mấp máy môi như người thật.

Chị lại được đi xe điện lên Bưởi xem dệt lĩnh. Và được đi xe cao-su xuống chợ Hôm mua thịt quay. Chẳng cứ gì thằng Mão trông thấy phố xá tấp nập những người, thì nó reo suốt dọc đường, chính chị hưởng những cái thứ mới lạ, chị cũng thấy thích.

* * *