Anh Thừa thử lại ý ông thầu khoán một lần cuối cùng. Anh dọa:
– Tôi tin rằng viết như vậy không lôi thôi gì. Vì nếu cụ để khó khăn cho tôi, tức là cụ làm khó khăn cho cụ. Bây giờ tìm được một người đứng đầu tòa soạn, không phải là dễ. Mà nếu báo Chấn Hưng ra chậm, thì ngày bầu cử nó cũng cứ sồng sộc đến, chứ nó có chờ ta đâu?
Ông Lăng lắc đầu:
– Ông đừng băn khoăn, Tôi làm ăng-trơ-prơ-nơ, có không tốt, là với cai, với thợ, với phu, chứ đâu dám với các nhà văn tự. Thôi, cứ dứt khoát thế nhé.
– Vâng.
Làm xong được việc lớn trong chốc lát, ông Lăng phởn phơ lắm. Ông rút trong túi, lấy gói thuốc lá rời, bóc một tờ giấy, mời anh Thừa cuộn một điếu. Rồi xe đến đầu Hàng Đào, ông bảo đỗ lại để mua ba xu hạt dưa, chia cho mỗi người một gói.
Ông vừa cắn lách cách, vừa nói:
– Tôi còn việc nữa, muốn đề-mác[45] riêng với ông. Ông Hoài khó tính lắm. Tôi ngại nói với ông ấy. (*[45] Vận động.)
– Vâng, xin cụ cứ cho biết.
– Ông ạ, từ ngày nghe tin tôi định mở báo, có rất nhiều người nộp đờ-măng[46] đến tôi để xin việc. Nhưng tôi chưa nhận lời ai. Bởi vì lập tòa soạn là quyền ông. Tùy ông tìm cách lựa chọn nhân tài. Nếu đông người xin việc, có lẽ ta nên sát hạch. (*[46] Đơn.)
Anh Thừa bật cười, toan đáp, bỗng ông Lăng trỏ tay và nói to:
– Thôi, thôi. Đến nơi rồi.
Người phu xe dừng lại. Đó là nhà số 59, hiệu cao lâu Đào Thành. Biển còn trên mái hiên, nhưng cửa lại đóng. Ông Lăng hỏi:
– Quái, chưa mở à?
Ông xuống xe, đến gõ mạnh vào của. Ông Hoài Tân Tử hỏi:
– Cụ vào làm gì?
– Ta ăn ở đây chứ?
– Nhà này đóng cửa đến mươi hôm nay rồi, cụ không biết à?
– Thế à?
– Phải, vì ế khách!
Ông Lăng tẽn, lại lên xe:
– Kéo đến Hàng Gai nhé.
Ông định ăn ở hiệu cao lâu phía trước cây bàng cổ thụ mọc cạnh ngõ hẻm Tô Tịch. Nhưng đến nơi, ông chỉ thấy thằng Bắt Đái mắt lồi, mặt to bằng cái tráp tròn, đứng đấy để dọa trẻ con và bắt người lớn đái bậy. Còn hiệu cao lâu thì nay là một hàng đóng giày, ông bảo xe đi thẳng Hàng Bông. Ở phố này có hai hiệu ăn ta.
Nhưng nay hai nhà cũng đã đâu mất rồi. Ông Lăng bực mình:
– Dạo tẩy chay, cao lâu mọc lên như nấm, được vài tháng, bây giờ biến hết! Không biết những hiệu ở ngõ Trạm với ở Cửa Nam còn, hay cũng ra ma rồi nhỉ?
Ông Hoài Tân Tử đáp:
– Đóng cửa đã lâu. Ngay ngày tẩy chay, tôi đã biết là phong trào chỉ bồng bột lúc đầu mà thôi. Lòng nhiệt thành của người mình với nội hóa thế đấy!
Ông Lăng hỏi:
– Bây giờ đã được phép ăn ở cao lâu Tàu chưa? Ta vào đấy có sợ mang tiếng không nhỉ?
Rồi ông sực nghĩ ra:
– À, ở ngõ Hàng Mã Mây, có nhà Nội quốc thực phẩm, bán món sư tử đất, nghe đồn ngon lắm.
Anh Thừa hỏi:
– Sư tử đất à?
– Phải, là thịt chó. Ta kéo nhau đến đấy đi…
Ông Hoài Tân Tử quen ăn tiêu rộng, nên có ý không bằng lòng. Ông đánh vào chỗ yếu của ông Lăng là lòng mê tín, để lòe:
– Vâng. Nếu cụ không sợ hãm tài.
Rồi ông hỏi:
– Thế ngộ Nội quốc thực phẩm cũng đóng cửa nốt thì ta lên Tràng Tiền, vào ô-ten Cốc đo[47], cụ ạ. (*[47] Khách sạn Gà vàng của Pháp.)
– Vâng.
Đáp xong, ông Lăng phàn nàn:
– Tưởng gần, mất ba xu xe thôi, ai ngờ đi vẩn vơ mãi, không khéo mất đến bảy tám xu!
Rồi ông vuốt vai anh Thừa, nhếch mép cười:
– Tôi nói nốt câu chuyện ban nãy bỏ dở nhé. Thế là báo ta không thiếu người viết đâu. Nhưng muốn tuyển được người giỏi, thì ta nên mở kỳ thi sát hạch.
Anh Thừa cười:
– Làm ăn vào thời buổi ta bây giờ, ai lại nỡ khảo nhau về chuyên môn, hả cụ? Bởi vì có ai làm nghề gì mà cần biết chuyên môn đâu! Mánh khóe làm ăn tức là chuyên môn về nghề.
Ông Lăng im. Anh Thừa tiếp:
– Tôi đã dự định đủ người rồi, cụ ạ. Toàn là những cây bút xuất sắc trong làng báo. Vả trong tòa soạn, anh em có cùng quen biết nhau, chí hướng giống nhau, thì làm việc mới chạy. Dùng người lạ, tôi e trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, không lợi.
– Tôi tưởng cũng có cái lợi khác chứ? Vì dùng áp-prăng-ti[48], thì lương không cần cao. (*[48] Người học việc.)
– Thế thì báo mình yếu.
– Ừ nhỉ. Thôi được, tùy ông. Nhưng tôi có một người này, nhờ ông để tâm cho. Tức là cái anh Tuynh ban nãy đến, trước kia làm ta-sơ-rông cho tôi. Đến ghe[49], cai Tuynh đăng lính mộ, đóng ca-pô-ran[50] sang Tây. Bây giờ nó mới về nước, không có việc, nên đến xin tôi cho làm cai thầu như trước. Nó mới ở Tây về. Bên Tây thì bình đẳng, tự do. Nó cũng nhiễm cái bình đẳng, tự do, làm báo thì hợp lắm. Nó là người rất cẩn thận, thật thà, biết ăn cây nào rào cây ấy. Cho nên tôi giới thiệu nó với ông cho nó chân giữ két tòa báo, thì chắc một xu cũng không suy chuyển. (*[49] Chiến tranh. *[50] Cai.)
Anh Thừa hiểu ngay ý ông thầu khoán muốn cho tay chân vào tòa báo để kiểm soát tài chính mà ông làm như dễ dãi, giao cho anh toàn quyền tiêu dùng. Anh nói:
– Làm việc này, phải tay kế toán giỏi, chứ non thì dễ nhầm lẫn lắm.
– Ồ, cai Tuynh bây giờ nói tiếng Tây thoáng lắm. Tôi chắc hắn học được lối công-táp[51] tây. (*[51] Kế toán.)
– Làm báo thì bỏ ra hàng chục, hàng trăm, nhưng thu vào dần từng đồng, từng hào, từng xu. Nó trái ngược với việc thầu, là bỏ ra từng đồng, từng hào, từng xu mà thu thì hàng trăm, hàng chục. Cho nên làm kế toán nhà báo mà bỡ ngỡ, thì lỗ vốn ngay. Lại chết một nỗi là lỗ vốn mà không biết nữa kia!
Ông thầu khoán nghe tiếng lỗ vốn thì giật mình:
– Thế à? Hay là ông xếp cho nó việc đi lấy quảng cáo cho báo vậy.
Thấy ông Lăng tranh chỗ của mình cho đầy tớ, anh Thừa lại trộ:
– Làm việc này, càng phải là người thạo, người quảng giao. Không quen các nhà buôn, thì người ta không nể mà đăng quảng cáo.
– Ừ nhỉ. Hay ông cho làm loong-toong[52] chạy giấy. Nói thật với ông là khi nó nghe tôi định xếp cho nó một chân ở tòa báo làm với ông, thì nó sướng quá. Vì nó hâm mộ tiếng ông lắm. Cho nên nó đòi tôi đưa ngay đến để cho ông biết mặt. (*[52] Tùy phái.)
Anh Thừa mỉm cười:
– Hâm mộ tôi thì ai chả hâm mộ. Tôi sợ anh ta không chịu làm loong toong. Vì anh ta là cai lính mộ, có mề-đay. Tôi tưởng anh ta có công lao với nhà nước, rồi thế nào nhà nước chả xếp việc cho.
Thấy đề-mác cho thần giữ cửa không xong, ông Lăng tạm ngừng câu chuyện. Ông cắn nốt nắm hạt dưa.
Một lát, ông hỏi:
– Nghe nói trước kia, ông mở Phòng thuốc nhà giàu phải không?
– Vâng.
– Sao ông chỉ chữa cho nhà giàu? Hèn nào hiệu thuốc của ông không bền.
– Thưa tại sao ạ?
– Nhà giàu phần lớn ở các thị thành. Đã ở thị thành thì là người hiểu biết, khôn ngoan, chứ không phải đần ngốc. Làm ăn gì mà dây với bọn hiểu biết, khôn ngoan là rất khó. Nghề tôi dễ, vì chỉ kiếm ăn trong bọn nhà nghèo, ù lì như cục thịt.
Anh Thừa chợt như tỉnh ngộ. Anh thở dài. Ông Lăng tiếp:
– Kiếm tiền ở bọn nhà giàu thì khó, không những vì họ hiểu biết, họ khôn ngoan, mà còn vì họ chả có mấy người. Loanh quanh, chỉ những người ở các thị thành mới giàu, thì phỏng ở nước ta, ông đếm được bao nhiêu? Nhưng số người nghèo thì hàng chục triệu, ông thử tính mà xem, ở nước An-nam mình, ông cứ lấy của mỗi người giàu một đồng bạc, có bằng tôi bớt của mỗi người nghèo một xu thôi không? Cho nên, kiếm ăn ở bọn khố rách áo ôm, nhiều và đần ngốc, vẫn dễ dàng hơn. Mình muốn làm trời làm đất gì cũng được, chúng nó không biết kêu ca, mà cũng không biết chỗ mà kêu ca.
Anh Thừa như được một bài học hay. Anh gật gù:
– Cụ nói đúng quá. Bây giờ tôi mới nghĩ ra. Cụ thật đáng là bậc thầy. Tôi còn phải học cụ nhiều trong công việc làm ăn.
Ông Lăng tặc lưỡi:
– Công việc làm ăn của nghề ăng-trơ-prơ-nơ chúng tôi có quái gì mà phải học! Có cần chuyên môn như làm thuốc với làm báo đâu? Làm gì thì đã có cai là quân sư. Mà cai cũng không cần biết chuyên môn. Cai đã có phu, cũng chỉ là đồ ăn no vác nặng. Nếu phải dùng thợ, thì thợ mới là người có chuyên môn.
Ông Lăng cười khì khì, rồi tiếp:
– Nhưng nghề chúng tôi có một cái khó, mà ông không làm nổi đâu, tức là tài giao thiệp.
Anh Thừa đáp:
– Cụ tưởng tôi kém giao thiệp à?
Ông Lăng lắc đầu:
– Không phải ông kém, nhưng ông không thể giao thiệp theo lối ăng-trơ-prơ-nơ chúng tôi, vì ông biết chữ, nói thạo tiếng Tây. Chúng tôi giao thiệp thì chỉ bằng hai tiếng Uẩy Me-xừ. Gì cũng Uẩy me-xừ, thế là Tây thích. Còn như lắm tiếng Tây và hay lý sự, thì nó ngại, nó không cho thầu. Chúng tôi cứ nói đùa, nghề chúng tôi chẳng khác gì nghề làm vua ở nước An-nam. Vua không cần biết chuyên môn cai trị, lo cho dân no ấm, dưới đến các quan làm quân sư thì cũng như bọn cai thầu, ù cạc về canh nông, công nghệ. Chính dân mới là người biết cày cấy, làm lụng, tự họ lo cho thân họ ấm no. Và làm vua, làm quan, càng ngu si, càng được nhà nước yêu.
Anh Thừa khen để nịnh:
– Cụ hiểu biết thế, ra nghị viên, chắc là có lợi cho dân lắm.
Ông Lăng cười lạt:
– Chẳng qua cũng là để thầu thôi, thầu cái khác, chứ ông?
Ngừng một lát, ông tiếp:
– Ví dụ như tôi mua cái nhà của ông chẳng hạn.
– Sao hở cụ?
– Để lấy lãi chứ sao?
Anh Thừa ngạc nhiên. Ông Lăng nói:
– Tôi cứ sợ thấy tôi mua cái nhà của ông, thì ông cười là ngốc. Nhưng không phải. Trái lại, ông có vẻ băn khoăn. Thì tức là ông không cho là tôi ngốc, mà tôi xem ý ông, hình như ông lại ngại rằng, hay là ông ngốc, tôi định giở thủ đoạn gì chăng. Không, hai chúng ta không ai ngốc cả. Ông khôn chán, mới bán nhà cho tôi, mà tôi cũng khôn chán, mới mua nhà của ông. Trong lúc chúng mình còn cần đến nhau, thì tôi nào dám thủ đoạn với ông. Mà ông cũng chẳng nỡ lòng thủ đoạn với tôi, có phải không ông? Vậy tôi xin nói thực ngay cho ông yên lòng, là mua nhà của ông, tôi có định thủ đoạn thật, nhưng thủ đoạn với người khác kia.