Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh lóp ngóp bò dậy, thì liền bị những nắm tay rắn như sắt của Tý sẹo cứ nhè mặt mà thụi. Mặt anh như nhuộm bằng máu mũi và máu mồm. Thấy thế nguy, anh hô hoán cụ Điều đi tìm đội sếp. Nhưng cụ Điều chỉ dám thập thò ở trong ngó ra. Không phải cụ sợ bị đòn lây, nhưng vì chỉ mặc có cái áo cộc nâu bạc và cái quần đùi rách, chân lại giẫm đất, nên cụ sợ ra thì mất uy tín của cụ và sau này anh Thừa còn mắng nữa.

Chị Thừa không đánh chồng, nhưng thấy cả chồng lẫn Ma-ri bị đánh nên thân rồi, chị mới mượn cái quả đấm của ấm Ái. Chị không quật vào mặt anh, nhưng quật vào cái bằng làm thuốc của anh. Kính vỡ, rơi loảng xoảng. Khung gỗ gãy rời. Tấm bằng nằm co cuộn dưới mặt đất như biết xấu hổ. Chị lấy chân di lên, rồi nói với khách:

– Các ông các bà tin làm gì cái thằng bợm này. Tôi là vợ nó, từ thuở hàn vi, nên tôi biết vì sao nó có cái bằng này.

Rồi chị kể lai lịch tấm bằng cho khách nghe. Trong khi ấy, Ma-ri cũng nín thở để nhìn chị, mắt chớp chớp. Rồi chị kể đến lịch sử con cô đốc. Bố là ai, mẹ là ai, từ thuở bé đến giờ, làm những nghề gì để sinh nhai, làm sao được là y tá và ai tôn lên làm cô đốc.

Cụ hai Điều đứng nấp ở trong, lúc này trống ngực đánh mạnh hơn trống hộ đê. Cụ chỉ sợ chị Thừa tố cáo cụ. Nhưng may cho cụ, kể tội cướp chồng của Ma-ri xong, chị nói:

– Tôi xin các ông các bà đem việc này nói cho tất cả Hà Nội biết, để một người mách mười, mười người mách trăm, đừng ai phải lừa hai đứa này nữa.

Chị Thừa nói xong, ấm Ái hỏi:

– Chị hả giận chưa?

– Rồi!

Ấm Ái lôi anh Thừa đến gần Ma-ri, trỏ vào mặt hai người nói:

– Chúng moa không thù hằn gì hai vu. Nhưng chúng moa không chịu đựng được những nỗi bất bằng. Chúng moa giao hẹn với hai vu rằng sau khi chúng moa ra khỏi nhà này nửa giờ hai vu mới được gọi đội sếp và trình cẩm. Hai vu cũng phải dặn khách hàng của hai vu như thế. Ai không nghe, đừng oán chúng moa là ác. Còn nếu hai vu muốn nói chuyện với chúng moa lượt nữa, thì chúng moa hẹn là bây giờ tới ngày mai sau cái núi chuồng hổ trên Bách thú. Bên nào chết, thiệt mạng bên ấy, cấm kiện cáo lôi thôi.

Phúc đen hất hàm, hỏi anh Thừa:

– Nghe rõ chưa?

Ấm Ái quắc mắt với Ma-ri mắng:

– Cô-soong![20] (*[20] Đồ con lợn.

Chị Thừa ra trước. Ba người đàn ông theo sau. Bệnh nhân qua cơn hoảng hốt, kéo nhau về.

Ma-ri bị xé rách tan quần, thỗn thện đứng dậy. Hắn xông đến anh Thừa, vật anh ngã ngửa, ngồi trên bụng, tát lấy tát để vào mặt anh:

– Cha con mẹ mày, để nó làm nhục bà! Để nó làm nhục bà!

Anh Thừa biết điều hơn, không đánh lại Ma-ri, chỉ gỡ ra:

– Yên nào! Yên nào! Nó đánh người ta gãy hai cái răng đây này!

* * *

Từ hôm sau, Phòng thuốc nhà giàu đóng cửa. Ông y sĩ Trung Hoa dân quốc và cô y tá người Pháp không dám thò mặt cho khách trông thấy nữa. Vả nếu không đóng cửa, khách cũng không ai thèm đến. Vì tiếng đồn chạy khắp Hà Nội. Và ngay chiều hôm ấy, báo đã đăng việc này ở mục việc Hà Nội, đề đầu bài là: Ai bảo tham vàng bỏ ngãi.

Ma-ri đay nghiến giày vò anh Thừa mấy ngày đêm liền.

Hắn bắt anh tìm cho được chỗ ở của mẹ thằng Mão, để hắn thuê du côn đến đâm chết.

Anh Thừa biết là nhân cơ hội này, anh được Ma-ri bỏ anh để anh nhẹ nợ. Anh đã tính đến việc vào Sài Gòn với cụ hai Điều, để tái diễn vở kịch mở Phòng thuốc. Đất Sài Gòn dễ làm ăn. Người Sài Gòn giàu, lại hay phục người Bắc. Ở đấy, tiếng tăm anh còn trong sạch như băng tuyết, thì khó gì không bốc lên giàu, có nhà lầu, có hạnh phúc và danh vọng.

Anh đương sửa soạn một tương lai mới, thì một hôm Ma-ri đi vắng, trưa không ăn cơm, đến chiều cũng không về.

Tối hôm ấy, chị vú em bỏ đi nên thằng Pôn khóc ngằn ngặt. Nhưng anh Thừa khấp khởi mừng. Anh đoán là Ma-ri ly dị với anh.

Quả nhiên, hai ba hôm, một tuần lễ, Ma-ri không trở lại. Anh Thừa yên trí. Nhưng muốn cho thật được yên tâm, anh thuê một căn gác ở tận Ngũ Xã. Một tối, anh xếp va-li, rồi lẳng lặng cùng cụ hai Điều và thằng Pôn đến đó.

Đồ đạc trong Phòng thuốc nhà giàu vẫn để nguyên ở Nhà vàng Bờ Hồ. Anh không tiếc. Nó như món tiền thuê nhà mà mấy tháng nay anh còn chịu lại.

Anh định không đi Sài Gòn, vì lỡ gặp Ma-ri. Làm giàu thì bất cứ ở đâu, miễn là có gan. Vả còn cách làm giàu nhanh nữa, anh có thể, nhưng chưa làm, không phải lao tâm khổ trí, không phải cạnh tranh với ai, mà vẫn cơm no bò cưỡi đàng hoàng. Ấy là lấy vợ giàu.

Anh nghĩ đến cô Lễ.

* * *

Dọn nhà đến Ngũ Xã được một hôm, thì anh Thừa cho cụ hai Điều thắng bộ vào, đến chơi nhà cụ Tú Phúc Lâm.

Cụ Tú thấy bạn của nhà thơ Tú Xương tới, thì cung kính, chạy ra tận cửa, chắp tay vái:

– Thật là rồng đến nhà tôm! Hôm nay tiên sinh lại rỗi.

Cụ hai ngờ mặt:

– Thế tiên sinh chưa biết cái tin ông y sĩ tôi bị đánh và Phòng thuốc đóng cửa à?

Cụ Tú ngạc nhiên:

– Thưa chưa. Mời tiên sinh ngồi.

Chủ khách phân ngôi ở hai bên trường kỷ. Cụ Tú gọi u già quạt nước.

Cố nhiên cô Lễ thấy cụ Điều đến, thì ở nhà ngoài để pha nước, nhân tiện nghe hóng chuyện.

Cụ Điều thở dài:

– Thật là đáng ngán cho thế thái nhân tình. Hôm nọ có mấy thằng du côn đến phá Phòng thuốc nhà giàu. Tôi nghi một là bọn khách trú họ thù ông Trần đã tẩy chay quá hăng, hai là lại chính bọn đồng nghiệp ế khách, trâu buộc ghét trâu ăn.

Cụ Tú ngẩn ra nghe, đùi không rung được. Cụ Điều tiếp:

– Nếu phải là người cùng nước xấu bụng với nhau, thì thật đáng buồn cho y giới. An-nam mình đã mấy ai yêu nghề thuốc, nghiên cứu nghề thuốc cho đến nơi đến chốn như ông Trần? Thế mà bây giờ ông phải chán, sống như người ẩn dật. Thành thử cái bằng bác sĩ nay mai ông lĩnh về, chỉ là tờ giấy lộn. Việc ông Trần bị đánh, nguyên nhân thật dễ hiểu, thế mà lời đồn đại thì nhiều, đến nỗi báo cũng đăng không đúng sự thật. Tôi có giục ông ấy kiện tờ báo, nhưng vốn ông ấy đức độ, cứ bảo là không nỡ, rồi trắng ra trắng, đen ra đen.

Cụ Tú hỏi:

– Báo đăng thế nào?

Cụ Điều tặc lưỡi:

– Đăng là vợ cả vợ lẽ ghen tuông nhau. Tham vàng bỏ ngãi!

Nói đoạn, cụ cười rũ rượi:

– Ối! Phong hóa suy đồi! Tờ báo thấy thời buổi nhố nhăng, phong hóa suy đồi thì bôi nhọ cả người trong sạch.

Nhưng họ chỉ lừa được những người mơ hồ mù quáng, chứ những người thức thời, sáng suốt, thì nào ai có tin. Tiếng tăm ông Trần ở Hà Nội, ở Bắc Kỳ này, ai mà chẳng biết? Đạo đức của ông ấy, ai mà không phục? Nếu ông ấy là người tầm bậy, thì sao các quan to vẫn tin cậy, nhờ chữa cho các tiểu thư? Tôi tưởng Liễu Hạ Huệ ngày xưa cũng đến như ông Trần thời nay là cùng.

Cụ Tú yên lặng, giơ tay mời khách uống nước. Cụ Điều nhắp miệng khen:

– Lệnh ái pha khéo lắm. Lâu lắm, hôm nay tôi mới được thưởng thức ấm chè ngon. Tôi ở chung với ông Trần, nên cũng phải theo ông ấy mà thực vô cầu bào, cư vô cầu an, cụ ạ. Ông ấy ít tuổi, nhưng là người vong kỷ vị tha, thật đáng phục.

Rồi cụ nói khẽ:

– Là con nhà làm cách mệnh có khác!

Cụ Tú trợn mắt, rung đùi. Cụ Điều tiếp:

– Cái lớp Đông Kinh nghĩa thục, ông thân sinh ra ông Trần cũng bị ra Côn Lôn đấy.

Cụ Tú gật gù:

– Thế à?

Cụ Điều vỗ vào đùi:

– Không phải con nhà có khí phách như vậy, đời nào bần nho này lại cộng tác! Ông cụ đi Côn Lôn thì ông ấy trốn sang Tàu. Nhưng ông ấy không làm cách mệnh, ông ấy bảo học thuốc cũng cứu dân cứu nước như làm cách mệnh. Vả lại, Tây đương hùng cường, ta đánh chưa nổi, thì tội gì làm cách mệnh cho thiệt thân, thiệt lây cả cho đồng bào mất một người ái quốc. Cho nên ông ấy học thuốc.

Cụ Điều gật gù, nói nhỏ:

– Con người thế mà chí to lắm đấy. Làm thuốc để thu dần nhân tâm, cụ ạ.

Rồi cụ thở dài:

– Kể bước đường sang tàu, ông ấy đã gặp lắm gian truân. Hồi ông ấy ở nhà bước chân ra, trong túi chỉ có mấy đồng bạc. Ông ấy đi tàu thủy, đến Mũi Ngọc, giả tiền lái thán, vào đến Móng Cái thì vừa hết. Tối hôm ấy, bụng đói, miệng khát, ông ấy gặp một nhà hàng, còn thắp đèn. Ông ấy vào nghỉ. Thấy trong nhà chỉ có một cô con gái độ mười tám, mười chín tuổi, có nhan sắc, không còn ai là người lớn, ông ấy toan ra. Nhưng vì cô ta đon đả mời chào, nên ông ấy ngồi lại. Cô chủ biết khách ở xa đến, mới dọn một mâm cơm thịnh soạn. Ông ấy không biết làm thế nào. Com đã trót bưng đến, không lẽ lại không ăn. Cô chủ nói:

– Tôi đoán ông là người xa lạ đến, chắc quanh đây không có ai quen. Vậy xin chớ nề hà, nhà có giường cao chiếu sạch, ông cứ nghỉ lại.

Ông Trần không nỡ từ chối. Sáng hôm sau, dậy sớm, ông ấy mới nói thực là không có tiền. Cô chủ cười:

– Tôi biết ông không phải người tầm thường, chắc là người có chí lớn, nên mới không ngại thân gái một mình, mà mời ông ở lại. Tôi cũng biết là ông không có tiền, nhưng có hề gì điều đó. Tôi là người trọng nghĩa khinh tài. Tôi chúc ông đi bình an. Lại xin thay mặt đồng bào quốc dân tặng ông chút quà mọn để ông làm lộ phí.

Cô ta đưa ông hai chục bạc. ông Trần ứa nước mắt, hỏi tên tuổi, nhưng nhất định cô ta giấu:

– Tôi là người Việt Nam. Nếu ở xa, ông nhớ đến tôi, thì chỉ xin nghĩ đến hai tiếng Việt Nam. Ấy là phúc cho cả nước.

Ông Trần bái tạ, vái chào ân nhân, lên đường đi lập thân. Ông ấy định bụng đến ngày công thành danh toại, sẽ cưới cô hàng làm vợ.

Ai ngờ giời chẳng chiều lòng khách chung tình. Đến ngày ông Trần đỗ, về nước, ông ấy ra Móng Cái để xin đính hôn với cố nhân. Nào ngờ người ngọc vắng bóng, nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Nhà đã đổ nát, mà bên cạnh thì sè sè một nắm mộ cỏ vàng, ông Trần vật vã khóc lóc, thề rằng: Đã không duyên trước chăng là, thì chi chút ước gọi là duyên sau. Ông ấy đem hài cốt người bạc mệnh về quê, nói rằng nắm xương của vợ cả. Rồi từ đó, ông ấy nhất định không lấy ai, và tháng nào cũng đem hương hoa về thăm viếng mộ. Cả ngày hôm ấy, ông ấy buồn thiu, ít nói, ít cười.

Cụ Điều thở dài, lắc đầu:

– Thật là chung tình hiếm có!

Cụ Tú ngừng rung đùi:

– Hiếm có thật!

Cô Lễ mắt nhìn xuống chiếu, cũng khẽ thở dài. Cụ Điều tiếp:

– Tôi có khuyên ông ấy nên kiếm một người tử tế, hiền hậu mà làm bạn. Nhưng ông ấy khăng khăng một mực chối từ, sợ như vậy, tủi vong linh người chín suối.

Cô Lễ thở dài. Lần này thở dài to hơn.