Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa càng ngạc nhiên, ông Lăng tiếp:

– Đúng đấy. Bây giờ, tôi không tiện nói ra vội, sợ ông ăn cắp mánh khóe của tôi. Dần dần, ông khắc rõ. Ông ạ, cái khôn ngoan của người ta không biết thế nào là cùng đâu. Ông bảo tôi đáng là bậc thầy, và còn phải học tôi nhiều trong công việc làm ăn. Nhưng chính tôi đã phải học người ta nhiều, nhất là học những người Tây sang An-nam, làm người khôn ngoan sặc gạch ra, ông ạ. Các ông ấy, ông nào cũng giàu ghê lắm. Đấy mới đáng là bậc thầy của chúng ta.

Xe đến ngõ Mã Mây, đỗ trước cửa hàng ở góc đường, đề biển là Nội quốc thực phẩm.

Ông Lăng xuống đất, thong thả móc túi, trả bảy xu cho xe ông ngồi, ông liếc nhìn ông Hoài Tân Tử. Khi thấy ông nhà văn không móc túi, ông mới trả nốt bảy xu cho xe ấy. Rồi tay cầm chai rượu thuốc, tay giơ lên, ông mời hai vị khách quý:

– May quá! Mời hai ông vào. Ta không phải đi xa.

Trong bữa tiệc thịt chó, anh Thừa nghĩ nhiều hơn là ăn và chuyện. Anh nhường cho ông văn sĩ chính hiệu dùng tài thuyết khách mà tâng bốc anh cho ông thầu khoán tin. Anh không biết nghề mà nói về nghề, sự lỡ hở câu nào thì ông Lăng tóm được đuôi, vả anh cũng ngại là nếu ông Lăng ca tụng văn tài của anh, như xừ Tuynh đã nịnh hót anh, trước mặt cái ông bạn tri kỷ Hoài Tân Tử tinh quái, thì anh ngượng chết. Chi bằng anh cứ im lặng để được tưởng là chín chắn.

Những lời của ông Lăng nói về cách làm ăn với anh ở trên xe, như vành to đôi mắt cho anh nhìn anh và nhìn đời. Trước kia làm thuốc và bây giờ sắp làm báo, là anh đã theo sự tình cờ và nghe người khác xúi giục, chứ không phải anh tự động xây dựng cuộc đời theo đúng khả năng của anh. Tình cờ anh nhận được cái bằng làm thuốc của ông sếp Sơ, rồi nghe Ma-ri xui giục, anh mới lại dụng nó để mở Phòng thuốc nhà giàu. Bây giờ, tình cờ anh gặp ông Hoài Tân Tử đưa anh đi làm báo. Toàn là những việc cần chuyên môn mà anh không có. Cả làm thuốc lẫn làm báo, đều là cách kiếm ăn ở nơi những người thị thành hiểu biết và khôn ngoan, ông Lăng đã nói rất đúng. Những người nhà giàu lắm tiền thật, nhưng họ cũng lắm lý sự. Họ lại chỉ gồm có một dúm người. Cho nên, hồi làm thuốc, anh đã nhiều phen phải mệt trí, nghĩ ra mánh khóe lừa lọc để thay cho chuyên môn, nào là quảng cáo mình, nào là dìm dập người. Và bây giờ, nhảy tót ngay lên làm chủ bút, trà trộn vào hàng những người lắm chữ nghĩa và lắm chuyên môn, chắc anh còn phải tốn lắm công phu hơn nữa.

Anh ngầm nghĩ lời ông Lăng nói về nghề thầu khoán. Anh tiếc rằng anh cũng có nhiều bạn là chủ thầu, mà chưa lần nào nói chuyện với họ về nghề để anh sáng mắt ra. Phải, ở nước ta bây giờ, không có chuyên môn thì phải làm ông chủ. Làm ông chủ thì tiền thay cho chuyên môn, dùng tiền thuê cái chuyên môn của người khác. Chủ thầu, chủ báo, chủ nhà in, chủ hiệu may, chủ hiệu cao lâu v.v… đều là những người chỉ có thủ đoạn làm tiền, chứ không phải làm nghề, về mặt này, anh tự xét mình không kém ai. Thì sao từ lâu, anh không làm cái nghề chỉ cần có hai tiếng Uẩy Me-xừ, cái nghề kiếm ăn dễ dàng ở nơi những người nhà quê nghèo, vừa nhiều, vừa dốt?

Anh ngắm ông Lăng. Có phải ông này trán giồ, mồm méo, là có tướng giàu không? Có lẽ trời phú cho ông cái mặt mũi xấu xí thì ông dễ giả ngây giả dại, cho người khác không ngờ là ông khôn ngoan, để làm giàu chăng? Ông Lăng không ngây dại, mà là người láu cá tuyệt trần, ông láu cá, cho nên giả ngây giả dại để ăn người. Anh đã khinh ông ta là ngây dại, mới gặp anh lần đầu, đáng lẽ còn phải xã giao chán để dò tính nết của anh, đến lúc thân nhau, mới nói đến chuyện mua nhà. Nhưng lần này ông Lăng giở ngay cái ngón con buôn ra. Xưa nay, anh chưa từng thấy có ai mới quen nhau, đã để lộ ngay cái nhân cách bần tiện ra như thế. Và anh cũng chưa thấy một việc bán nhà nào mà hai người lại cùng mặc cả với nhau ở trên chiếc xe sắt chạy lạch cạch trên đường phố. Thì ra ông ta giả ngây giả dại, chịu cho anh khinh, nhưng mà trong chốc lát, đã làm được một việc lớn.

Anh so sánh ông thầu khoán với ông văn sĩ ngồi ở trước mặt. Anh đã phục cả hai người như bậc thầy. Nhưng bây giờ, anh thấy rồi cái thầy Hoài Tân Tử không dạy thêm cho anh điều gì nữa, bởi vì văn chương chữ nghĩa không phải là địa hạt của anh. Anh với ông này chẳng qua là lợi dụng lẫn nhau, ông văn sĩ lợi dụng anh để có việc làm. Anh lợi dụng ông văn sĩ để khỏi mang tiếng với cụ tú Phúc Lâm là yếm thế, hòng được lòng cụ, để mưu mô được cô con gái của cụ. Việc này mà thành công, cố nhiên anh không đeo đẳng mãi cái tiếng làm chủ bút mà đi lấy quảng cáo cho báo nữa.

Đến ngày có tiền, nhất định anh phải chủ động làm lại cuộc đời của anh bằng cái nghề không chuyên môn, không chữ nghĩa. Anh nhiều mánh khóe, thủ đoạn, nhất định anh cũng sẽ giàu như ông Lăng, như ông Bùi Huy Tín chủ báo Thực Nghiệp, như ông Nguyễn Hữu Thu, nghị trưởng nghị viên tư vấn Bắc-kỳ.

§7. Động rừng

Tòa báo Chấn Hưng là một ổ mâu thuẫn. Trên danh nghĩa, anh Thừa làm chủ bút, nhưng thực tế nắm quyền tòa soạn, thì là ông trợ bút Hoài Tân Tử. Chủ bút chỉ làm mỗi một việc không phải của bộ biên tập, là đi lấy quảng cáo. Trên danh nghĩa, tòa soạn đóng ở phố Hàng Bồ, nhưng thực tế, nó ở quanh bàn đèn nhà anh Sáu, trên Yên Phụ. Cho nên, không có việc nào ông Hoài Tân Tử cần bàn với anh Thừa. Vì chủ bút không có liên quan một tí gì đến tòa soạn.

Không những thế, ngay từ hôm đầu, cả ba người, ông sáng lập, ông chủ bút, và ông trợ bút, đều rình ăn cắp lẫn của nhau. Ông Hoài Tân Tử quen thói mần ăn đàng hoàng, luôn luôn bắt anh Thừa đưa tiền để ông xài, cho báo ít, nhưng cho ông nhiều hơn. Anh Thừa nhân ông nhà văn có tính huênh hoang, đã tiêu không cỏ, đã cỏ không tiêu, cũng xà xẻo để chấm mút lấy đủ số tiền mà làm hai cái răng vàng thay cho hai cái răng gãy. Còn ông Lăng, thấy tiền bay như rác bão, thì kêu như cháy đồi, lúc nào cũng muốn co lại. Thấy bóng anh Thừa đến, là ông trốn như chạch, để khỏi phải xùy thêm tiền. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên, và cũng là một sự mâu thuẫn, là nếu ông không trốn nổi, thì ông chủ bút muốn lấy bao nhiêu, ông sáng lập cũng đưa bấy nhiêu, không giở thói cỏ rả.

Báo ra đúng ngày hẹn. Có đủ các mục thông thường như hai bạn đồng nghiệp Trung Bắc Tân Văn và Thực Nghiệp Dân Báo. Bài Phi lộ do ông Hoài Tân Tử vừa vắt tay lên trán để nghĩ, vừa gối lên đùi non chị Sáu để viết, cho nên nó đủ ý và vui. Nó kết luận bằng những câu thật khéo:

Vậy Chấn Hưng là tờ báo của tất cả những ai quan tâm đến các mặt khuyết điểm của xã hội.

Hơn nữa, Chấn Hưng là bạn tận tâm của mọi người Việt Nam về mặt nào cũng phải chấn hưng.

Dưới bóng cờ ba sắc, Chấn Hưng mạnh dạn tiến. Và trước hết, gửi lời chào ra mắt tới hải nội chư quân tử.

Về mục thơ ca, chưa có tác phẩm gọi ái tình, vì là số đầu, cần đúng mực, nên chỉ đăng hai bài thơ mừng báo của hai tác giả quen làm thơ mừng những tờ báo đã xuất bản trước, là ông Trần Nhật Tỉnh, tri phủ Đoan Hùng và ông Đặng Đình Chiển, chánh tổng Ô Mễ ở Thái Bình, ông Tình muôn thuở cũng cao hứng làm một thiên ngũ ngôn, đổi một vài chữ trong bài Mừng sinh nhật Đông Dương tạp chí mấy năm trước. Của Đông Dương tạp chí thì:

Cứ ngày rằm tháng Me[53] (*[53] Tháng 5 dương lịch.)

Là ngày sinh nhật báo

Báo ra mới ba năm

Kể đã nhiều công hiệu v.v…

Thì ở Chấn Hưng là:

Đúng mồng 5 Mác-sơ[54] (*[54] Tháng 3 dương lịch.)

Là ngày sinh nhật báo.

Chấn Hưng mới ra đời

Nhưng chắc nhiều công hiệu.

Làm bài này, ông nhà thơ không lấy làm thú lắm, vì không quen sáng tác ngoài lĩnh vực của ông là thơ tình, nhưng ông cứ đăng, để có bài thứ ba cho ra dáng báo có nhiều người mừng.

Đến mục Nghe đâu là mục chửi đổng, xuyên tạc, bịa đặt, thì ông Hoài Tân Tử sở trường, cho nên ông viết không tiếc chữ. Ông nhè ngay báo Thực Nghiệp mà ông vừa ra khỏi nửa tháng, để chửi. Những người bị ông bêu là mấy người bạn đồng nghiệp hay chèn, hay chế, hay khinh ông. Nào Mân Châu thì là Sờ bò, nào Hạc Thần thì là Cò thánh. Đến cả ông Bùi Huy Tín, chủ nhiệm vô trách nhiệm, đứng tên để lấy danh như kiểu ông Lăng, cũng bị bêu là Bùi Bất Tín.

Nhưng báo chỉ ra đúng ngày hẹn, mà không được đúng giờ hẹn. Ông Hoài Tân Tử định cho báo Chấn Hưng xuất bản vào buổi sáng, để khỏi trùng với báo Trung Bắc ra buổi chiều, và báo Thực Nghiệp ra buổi trưa. Báo ra sớm thì có tin sớm. Tuy hai đồng nghiệp hơn nó vì đăng được tin trong cả ngày hôm trước, nhưng nó hơn hai đồng nghiệp, là nhặt được những việc sốt dẻo xảy ra trong cả một đêm.

Song, ý định như vậy, mà thực hiện không được như vậy. Bởi vì ông Hoài Tân Tử không tính đến rằng ban đêm, mọi người và mọi vật đều ngủ kỹ. Nếu có hoạt động gì, thì họ làm với nhau ở trong nhà, có cửa gài bằng then, tiếng động không lọt ra ngoài được. Vả lại, trong thời gian trời sinh ra để nghỉ ngơi, thì vị phóng viên của Chấn Hưng cũng không ra ngoài đường làm gì. Thế mà, nếu ở đâu có việc quan trọng xảy ra, nhà phóng viên này có nhanh chân hơn các bạn cùng nghề, đến được trước để điều tra, phỏng vấn, và thức đến khuya để viết cho xong bài tường thuật, thì bài này cũng đành phải gác lại, chờ sau khi báo số mới xuất bản rồi, mới đến được Ty kiểm duyệt. Vì Ty làm việc theo giờ giấc định sẵn như mọi công sở khác, chứ không thức riêng để xem bài riêng cho báo Chấn Hưng. Và còn một cớ cuối cùng, khiến cho báo không in được những tin xảy ra trong đêm, dù Ty kiểm duyệt có làm việc, là từ sáu giờ chiều hôm trước, nhà in đã cho thợ nghỉ. Không có xưởng nào làm việc đêm, trừ những việc thượng khẩn, in thầu cho nhà nước. Nếu báo Chấn Hưng muốn nhà in phục vụ riêng cho mình, thì cũng được, nhưng phải trả thêm tiền cho kíp thợ làm đêm.