Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Bỗng có tiếng vật lộn nhau. Độ năm phút sau, tiếng ấy im bặt. Rồi từ trong lều ra, thằng Pha-lăng-xô đi trước, hai người bị xích tay với nhau đi thứ hai, cuối cùng là thằng chó săn. Thằng này ôm một bọc gì khá to. Chắc là tang vật.

Thừa trông không sai. Không những anh Lâm, mà cả anh Xi cũng bị bắt.

Bọn mật thám đưa hai người ra ngoài trời. Thằng Pha-lăng-xô hùng hổ, chĩa súng vào họ:

– Chúng mày chống cự nữa đi!

Cố nhiên hai nạn nhân đã bị xích tay chặt. Họ không còn gì để chống cự. Cho nên thằng Tây lai bắt đầu ra oai.

Nó cầm báng súng, bổ vào đầu anh Lâm. Nhưng tức thì, cả bốn cổ tay dúi vào nhau, cùng giơ lên để đỡ. Sắt chạm sắt, kêu đánh chát. Thằng Tây lai cáu, bổ bất cứ vào đầu của ai. Bốn cánh tay cứng cố che cho nhau được kín. Thấy anh Lâm và anh Xi cứu đỡ nhau, bốn cánh tay không rời nhau, thằng Pha-lăng-xô xích riêng hai người, để đánh tỉa.

Thừa nghe tiếng sắt nện vào xương sọ kêu cốp cốp, mà rùng cả mình. Nhưng hắn không nghe thấy ai kêu, hắn ngạc nhiên lắm.

Thằng Pha-lăng-xô không đánh vào đầu nữa. Nó quật vào lưng. Rồi nó dùng tay chân để đấm đá.

Bọn lâu la cũng xông đến để hành hung giúp chủ. Thêm sáu thằng nữa hợp sức với thằng Tây lai, quần hai người.

Thừa thấy chúng nó đánh như đánh đòn thù. Hắn rợn cả tóc gáy. Mỗi cái tát, mỗi cái thụi, mỗi cái đạp, anh Lâm và anh Xi đều thốt lên những tiếng ức ức khẽ. Nhưng thằng Pha-lăng-xô thì to mồm. Luôn miệng nó chửi, luôn miệng nó thách. Sau cùng, muốn chừng nó mệt, nó dừng tay và nói như gầm:

– Sao chúng tao đánh thế mà chúng mày không kêu!

Thừa hiểu. À ra nó muốn được nghe tiếng kêu để thấy việc nó hành hung là không mất công toi. Vẫn im lặng. Thằng Pha-lăng-xô thét lên:

– Đồ chiến bại! Tao phải đánh nữa cho chúng mày kêu tao mới tha. Mày nghĩ kỹ đi! Có kêu không?

Tiếng anh Lâm trả lời – Thừa vẫn thấy giọng nói nhỏ nhẻ của cậu Nghĩa:

– Các ông có bảy người, đánh đập, hành hạ chúng tôi rất tàn nhẫn để mong nghe chúng tôi kêu cho các ông hả dạ. Nhưng chúng tôi không kêu. Vậy chúng tôi với các ông, ai là chiến bại?

Một thằng chó săn vừa xông vào anh Lâm, vừa quát:

– Im mồm!

Nhưng thằng Tây lai giơ tay ra ngăn. Nó hất hàm nhìn vào anh Xi. Anh Xi nói:

– Bên các ông có bảy người có mặt tại đây. Nhưng muốn bắt chúng tôi, các ông còn phải dùng vô số người nữa không có mặt ở đây để dò la chúng tôi. Rồi còn phải bàn bạc với nhau, bày mưu lập kế, bắt được có hai người. Vậy ai là chiến bại?

Thừa giật nảy mình rồi run lên vì sợ. Chắc anh Xi nói hắn. Mà sao anh lý sự hoạt bát thế. Còn thằng mật thám thì tức lồng lên. Nó nhảy vào anh Xi. Nhưng lần này thì chính anh Lâm giơ tay ngăn nó lại. Nó chỉ kịp nói có câu ngắn:

– À, chống cự!

Anh Lâm nói:

– Chúng tôi không chống cự bằng sức. Chúng tôi chỉ đưa lẽ phải để ông đừng nói sai. Ban nãy ông thách hai người chúng tôi bị ách tay chống cự với bảy người các ông có đầy đủ khí giới. Lời thách ấy không phải lời của người chiến thắng. Bên các ông, bên chúng tôi, ai thuyết phục được lòng người theo một ngày một nhiều chứ không phải bắt bớ, tù đày người ta thì bên ấy chiến thắng, ông không nên căn cứ vào việc hiện giờ các ông dùng bạo lực mới bắt nổi có hai người chúng tôi mà bảo là chúng tôi chiến bại. Chiến thắng hay chiến bại, chưa phải là việc của hôm nay.

Thằng khốn nạn không chịu được nữa:

– À, mày tuyên truyền!

Trận đòn lại như mưa vào anh Lâm. Nhưng anh Xi nhích lại gần, lấy thân đỡ cho bạn.

Thằng Pha-lăng-xô càng hung hăng. Nó đánh cả hai người.

Dưới ánh trăng, Thừa thấy mỗi lần một cánh tay của thằng Tây lai giơ lên để bổ xuống, thì liền cả bốn cánh tay của anh Lâm và anh Xi cũng giơ lên để đỡ.

Mười lăm phút sau, thằng chủ thở hồng hộc vì mệt. Nó ngừng tay, ra lệnh cho bọn lâu la giải phạm nhân đi.

Thừa nhìn rất rõ anh Lâm và anh Xi qua ngay trước mặt hắn. Người nào cũng quần áo rách tả tơi, bê bết những máu. Hai anh có vẻ rất đau đớn, nhưng không mặt ai nhăn nhó. Ánh trăng chiếu vào họ. Bốn con mắt họ vẫn sáng ngời.

Bỗng Thừa thở dài.

Nhìn anh Lâm, hắn mường tượng nét mặt cô Lễ lúc bị hắn khảo của. Nhìn anh Xi, hắn nhớ lại nét mặt anh âu sầu, lúc anh đưa hắn hai hào.

Lòng hắn nao nao.

Hắn thương hại cho hai anh đã rất là dại dột, tự nhiên giơ tay hứng đòn cho nhau.

Con người ích kỷ có đôi mắt phàm ấy, nhìn hình ảnh ấy, sao mà thấy được cái ý nghĩa cao cả của tinh thần đoàn kết, tương trợ, sống chết có nhau, đẹp đẽ và khỏe khoắn, trong những người hy sinh dũng cảm này!

§5. Đầu voi đuôi chuột

Kính bẩm quan thống sứ Bắc Kỳ,

Tôi lấy làm vinh dự giới thiệu với quan lớn một người điền chủ An Nam trung thành với chính phủ Bảo hộ và có công với cuộc trị an, để quan lớn định thưởng.

Người này tên là Trần Đức Thừa, quê ở Hải Dương, có đồn điền tại Cẩu Rồng, Vĩnh Yên. Từ hơn mười năm nay, ông đã làm nhiều việc rất đáng khen ngợi:

Năm 1920, ông Trần Đức Thừa đã trừ cho chúng ta một người đàn bà có tư tưởng phản đối. Dù người này là vợ ông, trẻ, đẹp, giàu, nhưng vì không muốn hưởng hạnh phúc gia đình với một người không thật tâm cải tà quy chính, ông Trần Đức Thừa đã cương quyết hy sinh tình nghĩa vợ chồng.

Năm 1930, ông Trần Đức Thừa đã chỉ điểm cho sở mật thám bắt một người ân nhân, một người bạn cũ chí thiết của ông, nghi là làm chính trị. Dù việc này là sai lầm, nhưng nó chứng tỏ lúc nào ông Trần Đức Thừa cũng coi những kẻ phiến loạn như kẻ thù chính của bản thân ông.

Tình vợ chồng, nghĩa bạn bè, đối với nền luân lý tối cổ của Á Đông, là rất thiêng liêng. Nhưng ông Trần Đức Thừa đã đặt lòng biết ơn nước Pháp lên trên hết.

Năm 1931, cũng vì nhiệt tâm yêu nước Pháp, ông Trần Đức Thừa đã tố cáo một ổ Việt Nam Quốc dân đảng, gồm hơn bốn mươi người. Tuy việc này ông cũng lầm, nhưng nó vẫn chứng tỏ lòng ông kiên quyết bài trừ cho nhà nước những phần tử cách mạng.

Năm 1931, ông Trần Đức Thừa đã cúng vào việc kiến thiết thành phố Sa-vi-nhông món tiền một vạn đồng bạc. Để đền xứng đáng cử chỉ anh hùng này, tòa sứ Vĩnh Yên đã thưởng cho nhà hảo tâm một đạo tưởng lục.

Nhưng lòng nhân từ của ông Trần Đức Thừa không có giới hạn. Năm 1932, ông đã tự ý tải ba thuyền thóc đến cứu dân bị lụt. Việc này các báo Bắc Kỳ đều đăng ảnh và hết lời ca tụng ông. Tòa sứ Vĩnh Yên lại cấp cho ông Trần Đức Thừa đạo tưởng lục thứ hai.

Song, công to nhất của ông Trần Đức Thừa đối với Chính phủ Bảo hộ là việc ông vừa bắt hai tên cộng sản. Trong vụ này, với mưu mô và sự bố trí rất tài tình, ông Trần Đức Thừa, đã giúp sở mật thám, tìm ra tung tích và trừ được một tên khá nguy hiểm.

Vậy thì, với sáu thành tích kể trên, ông Trần Đức Thừa xứng đáng được quan lớn chú ý mà trọng thưởng đích đáng.

Chúng tôi đề nghị quan lớn bổ ông Trần Đức Thừa làm tri châu.

Xin viện những lý do sau đây:

– Ông Trần Đức Thừa vốn thâm thù cách mạng, mà cách mạng hay đặt cơ sở trong các miền rừng núi.

– Công ông Trần Đức Thừa to hơn công hai người gái giang hồ là Tư Hồng và Bé Tý. Thế mà hai người này, một người được tặng hàm án sát, một người được tặng Kim bội, là hai thứ phần thưởng cao quý của triều đình Huế.

– Công ông Trần Đức Thừa chưa to bằng công ông Phạm Thành Dương. Người đội máy bay này được cử làm thanh tra mật thám. Nhưng công ông trải lâu năm và nhiều hơn công ông Bùi Tiến Mai. Thế mà người thừa phái này được bổ đi tri châu từ lâu rồi.

– Nghị định cho quyền quan Thủ hiến Bắc Kỳ mỗi năm đặc cách bổ hai người ra làm quan, đến nay vẫn còn hiệu lực. Với nghị định này, quan lớn đã cho người thư ký tòa sứ Nguyễn Hữu Thư và người giáo học Nguyễn Quý Toản đi tri phủ. Tuy hai người này không có chút công lao gì xứng đáng được đảm nhiệm cái công việc khác hẳn với nghề chuyên môn của họ, nhưng việc họ đội ơn nhà nước đã khuyến khích rất nhiều giới công chức bản xứ lòng trung thành với Mẫu quốc. Vậy quan lớn vẫn có thể áp dụng nghị định ấy mà bổ ông Trần Đức Thừa đi tri châu. Người này, so với hai tri phủ mới bổ, còn có giá trị hơn nhiều.

– Chúng tôi nghĩ rằng ông Trần Đức Thừa không có bằng cấp về chữ Hán hoặc chữ Pháp như phần đông các quan lại khác. Nhưng từ ngày chúng ta đặt chân lên đất nước này, chúng ta đã chẳng cho vào quan trường một số khá đông những kẻ vô học, xuất thân từ lính tráng, bồi bếp, hoặc cu-li hay sao? Những người có công lớn giúp cuộc bình định này, tuy ngu độn về mặt hành chính, nhưng vì muốn giữ vững địa vị và muốn bay cao nhảy xa, họ đã tìm ra nhiều thủ đoạn và kinh nghiệm giúp chúng ta rất đắc lực về mặt trị an. Là một trong những người đội ơn nước Pháp nhiều nhất, ông Trần Đức Thừa sẽ dễ bảo, và trung thành với nước Pháp nhất, trung thành hơn cả với tổ quốc của ông.

Đền đáp một người có lòng yêu mẫu quốc và có công bắt cách mạng bằng chức tri châu, chúng ta không thiệt gì, mà chỉ có lợi. Chúng ta nêu gương sáng cho nhiều người soi để tận tâm giúp chúng ta thanh trừ bọn đồ đệ của Lê Nin hoạt động mỗi ngày một mạnh ở xứ này.

Giám đốc sở mật thám Bắc Kỳ

ÁC-NÚC

Thừa được người thư ký đánh máy của sở mật thám cho xem trộm tờ công văn mật này, hắn vui sướng như điên như cuồng. Hắn không ngờ vị quan cao cấp, có quyền bắt bớ những vụ chính trị trong toàn xứ Bắc Kỳ, lại chỉ nhìn hắn và xét hắn bằng cách dựa vào lời hắn khoe công với thằng Pha-lăng-xô.

Hắn mừng rằng hắn oan, nhưng mà là oan được. Hắn nghĩ đến anh Lâm và anh Xi đương bị tra tấn khổ sở để bắt buộc khai đúng ý muốn của bọn cầm quyền. Hai anh ấy, và biết bao nhiêu người khác, phải oan thua.

Thừa chờ kết quả.

Công văn gửi sang phủ Thống sứ. Hắn nhờ ông phán Thanh làm ở văn phòng Đổng Lý, dò la tin tức cho hắn.