Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Nhưng đến khi cô Lễ được nghe tận tai cái ý của bà Cử, thì cô nói thẳng với bà là cô không thuận. Bà Cử tiếc cái công đi lại, gắn bó bấy lâu nay, bà nhờ cụ Tú lấy tình mẹ con khuyên bảo cho cô nghe ra. Hẳn cụ Tú cũng có một vài lần đả động đến việc trăm năm của cô. Song, cô nhất định từ chối. Cụ mới xui bà Cử:

– Em nó khó bảo. Tôi nói thế nào cũng không chuyển. Hôm nào mời bà đến chơi nhà, tôi giả cách đi vắng, bà sẽ nói cặn kẽ với em.

Bấy giờ ông cử Dần đỗ soóc-ti rồi, mới bổ hậu tuyển huyện Bình Lục. Vài tháng nữa, ông sẽ trọng nhậm hẳn một hạt. Vậy thì việc ông có vợ lẽ để đi theo hầu ông là việc cấp bách đấy. Cho nên độ này bà Cử luôn luôn lên Hàng Đào, thuyết cô Lễ để thúc cô bằng lòng.

Lần ấy, cụ Tú thấy bà Cử đến thì hiểu ý. Ngồi tiếp bà dăm phút, cụ đứng dậy nói:

– Tôi vô phép bà nhé. Tôi có tí việc phải đi một chút.

Bà Cử đánh một hồi trống đuổi:

– Vâng vâng vâng vâng vâng.

Còn một mình bà với cô Lễ, bà mới ngồi nhích lại gần, nói tiếng nhỏ tiếng to. Bà không chỉ nói nhỏ, vì lúc ấy cụ Tú ông ngồi rung đùi ở trường kỷ, cậu Nghĩa lầm rầm học bài, gần chỗ bà chuyện trò với cô Lễ. Bà muốn cho cả hai người cùng nghe tiếng được tiếng chăng mà bùi tai, để liệu lúc khác mà bảo thêm cô cho cô xiêu lòng. Những câu bà Cử nói to là:

– Rồi chúng ta kết nhau làm chị làm em… Tôi bắt chúng nó gọi cô là bà lớn hai… Nhà ông huyện là nhà biết quý người… Tôi thật thà như đếm, cô cũng không phải là người lèo lá, chị em ta ăn ở với nhau chắc suốt đời chẳng có điều tiếng gì… Ngày sau con cô là con tôi, con tôi là con cô… Không phải tôi tham giàu. Sau này ông huyện cũng tậu nhà, tậu đồn điền…

Nói một thôi một hồi xong, cuối cùng, để lùa mạnh tất cả những lời đường mật ngọt xót vào tai cô Lễ, bà dồn một tràng:

– Vâng vâng vâng vâng vâng.

Cô Lễ ngồi chống nẹ, tì cằm vào đầu gối, mắt nhìn xuống chiếu, chỉ nghe mà không nói gì. Thấy xuôi xuôi, bà Cử nắm cổ tay cô:

– Thế ý dì thế nào, dì còn muốn gì, dì bảo cho chị biết, chị chiều được hết. Vâng.

Cô Lễ mỉm cười, cũng không đáp. Bà Cử giục:

– Dì phải nói lên mới được! Vâng. Chỉ có chị với dì. Còn ai ở đây nữa đâu mà dì ngượng? Chị bày tỏ thế là hết lời. Hai cụ cũng giảng cho dì nhiều rồi, nhưng hai cụ cũng để cho dì tự ý. Vâng. Vậy ý dì thế nào, vâng, dì cho chị được nghe một tiếng, một tiếng thôi. Vâng.

Cô Lễ nhặt miếng trầu ở tráp, bỏ vào miệng nhai, vẫn không nói.

Bà Cử làm ra mừng rỡ, rung mạnh cánh tay cô, hềnh hệch cười, hớn hở như vồ lấy vàng:

– Vâng vâng vâng. Chị hiểu dì nói ý rồi. Vâng. Cứ đi cơi trầu rấp ngõ nhé! Vâng.

Cò Lễ ngước nhìn bà Cử, mặt vẫn buồn thiu. Bà dỗ:

– Thế nào! Một tiếng thôi vậy. Vâng. Ừ đi nào? Vâng. Ừ nhé? Vâng.

Có Lễ lắc đầu, đáp khẽ:

– Không.

Bà Cử sợ nghe lầm, hỏi lại:

– Vâng. Thế nào ạ?

Cô Lễ nhắc lại:

– Không ạ.

Bà Cử nhăn nhó, hỏi:

– Tại làm sao?

Mãi cô Lễ mới đáp:

– Tôi nghĩ được, nhưng không nói được hết.

Bà Cử tái mặt, đứng dậy:

– Thôi, vâng, hãy biết thế. Tôi cứ kiên gan, thế nào nước chảy đá cũng mòn. Vâng.

Bà chào cụ Tú ông, chào cậu Nghĩa, rồi nắm tay cô Lễ nói đùa:

– Dì không thoát tay chị đâu! Vâng. Bởi vì chị biết là dì không nỡ cho chị buồn. Vâng.

Cô Lễ tiễn bà Cử, mở cửa chấn song cho bà về, rồi quay vào.

Cụ Tú vẫn ngồi rung đùi. Cụ chỉ nhìn cô thôi. Nhưng cậu Nghĩa đã ra đến gần cô, khẽ thủ thỉ:

– Bà ấy nói nhiều nhỉ!

Cô Lễ tặc lưỡi:

– Chuyện lăng nhăng toàn là vơ vào! Chị có muốn tiếp đâu. Chị sợ rồi bà ấy sẽ đến nữa thì phiền quá.

Cậu Nghĩa nói:

– Chị không muốn tiếp, thì lần sau thấy bà ấy đến, chị lên gác mà ngồi.

Chắc rằng cụ Tú nghe rõ những lời hai con nói chuyện với nhau. Cụ đứng dậy, vào buồng thờ, lấy ra một cái tráp sơn then. Cụ mở tráp, tìm cuốn số tử vi, mở xem lá của cô Lễ. Đùi cụ rung, tay cụ bấm đốt. Một lát, cụ gấp giấy, bỏ vào tráp, rồi cất tráp vào buồng thờ. Cụ lại ngồi xếp bằng tròn trên tràng kỷ, rung đùi, chẳng nói chẳng rằng.

Cô Lễ nhìn cụ thì biết ý, chứ không dám hỏi. Thấy cụ xem tử vi của cô mà lặng thinh, thì tất cụ cho cô là phải. Hẳn là số cô không phải đi làm lẽ, số cô không lấy chồng quan, hoặc số cô năm nay chưa đứng.

Cô mừng lắm.

* * *

Bà cử Dần hết hy vọng, không bén mảng đến hiệu Phúc Lâm làm gì nữa. Cô Lễ nói với mợ Nghĩa:

– Bà ấy cho chị uống thuốc bổ không bằng!

Thật thế, ít lâu nay trong bụng được thư thái, cô Lễ ăn được ngủ được.

Cụ Tú ông thì cho là sở dĩ độ này con gái có da có thịt, vì ông cụ Điều bạn với ông Tú Xương ở Phòng thuốc nhà giàu đã xem trúng mạch và chữa trúng bệnh. Mấy chục thang thuốc tuy có đắt thật, nhưng rất công hiệu. Cho nên, cụ thấy mấy hôm nay bụng hơi đầy đầy, cụ đến Phòng thuốc ấy, nhờ cắt cho dăm thang. Trong phiếu, cụ ghi là Phúc Lâm chủ nhân, muốn được cụ Điều thăm bệnh.

Cụ Điều mời cụ Tú vào buồng. Cả anh Thừa cũng ngồi ở đấy. Hai cụ vái chào nhau, đúng như hai ông nhà nho. Bởi vì cụ Điều biết Phúc Lâm chủ nhân không những là cha của bà khách quen, mà còn là bậc khoa mục nữa. Và cụ Tú kính trọng cụ Điều, vì ngoài những thành tích về nghề nghiệp in trong quảng cáo, cụ lại còn là chỗ thanh khí, bạn với ông Tú Xương.

Cụ Tú đưa cổ tay cho cụ Điều chẩn mạch.

Anh Thừa ngồi cạnh, nghiêm chỉnh như người học trò trước mặt thầy. Cụ Điều day day, ấn ấn mấy ngón vào mạch của cụ Tú, bỗng gật gật, lùa nhỡn tuyến lên trên mắt mục kỉnh để nhìn anh Thừa, rồi tươi cười:

– Đúng là cái lối mạch tôi vừa nghiên cứu với tiên sinh hôm qua.

Anh Thừa nét mặt mừng rỡ, khúm núm đáp:

– Dạ.

Cụ Điều lại day day:

– Đây nhé. Bây giờ tôi khiến lại nó nhé.

– Dạ.

Cụ ấn ấn thêm mấy cái, rồi như nói với cái mạch:

– Có mà chạy lên mây!

Anh Thừa hớn hở, lại:

– Dạ.

Cụ Điều hất hàm, mời anh Thừa:

– Tiên sinh coi thử. Tôi có nói sai chút nào không?

Anh Thừa đặt ngón tay vào cổ tay cụ Tú, gật gật:

– Dạ, dạ. Bẩm đúng quá ạ.

Cụ Điều cười:

– Thế này thì tôi đố đốc tờ nào tìm ra căn bệnh đấy. Họ thì chỉ vi trùng! Vi trùng! Rồi cho người ta uống thuốc liều! Thế là chỉ khổ bệnh nhân, tốn hàng trăm mà tiền mất, tật vẫn mang.

Rồi cụ nói với cụ Tú:

– Thưa cụ, bỉ nhân xin cam đoan với cụ, là cụ dùng dăm thang, sẽ thấy trong người như thường.

Cụ Tú chắp hai tay:

– Dạ.

Rồi xin thuốc để đem về. Thấy cụ Điều chỉ nói về chuyên môn, vả cụ ấy bận, cụ Tú không muốn ngồi lâu để đàm đạo về thơ ông Tú Xương. Cụ Điều tiễn cụ Tú ra cửa. Cụ Tú nói:

– Được biết tiếng tiên sinh là bạn của ông Vị Xuyên, trước lạ sau quen, lần khác chúng tôi xin đến hầu chuyện tiên sinh lâu.

Cụ Điều khom lưng để cung kính, đáp:

– Đa tạ. Ít lâu nay bỉ nhân mê man về y nghiệp, sao nhãng cả văn chương. Những lúc tửu hậu trà dư, muốn gợi lại cái thú ngâm vịnh, nhưng ngặt vì thiếu tri kỷ. Nếu Chung Kỳ hạ cố, Bá Nha này xin cúc cung.

Nói đoạn hai cụ rạp xuống vái nhau.

Cụ Tú lững thững về, lòng rất tin tưởng gặp thầy gặp thuốc, và rất mến phục con người trang trọng hiếm có. Cụ khuyên cô Lễ nên đến nhờ cụ Điều cắt thêm thuốc bổ nữa mà uống cho thật khỏe. Cô vâng lời, nhưng mách cụ:

– Con thấy người ta khen ông y sĩ Trần giỏi hơn cụ Điều nhiều. Mấy lần trước, ông ta xem mạch cho con, nói cũng đúng lắm.

Cụ Tú gật đầu:

– Tùy đấy.

Một buổi trưa, cụ Tú lên Đông Hưng viên, lúc về, cụ nghe trong nhà có tiếng rúc rích. Cụ biết là cô Lễ và vợ chồng cậu Nghĩa đương cười với nhau. Muốn các con khỏi sợ vì bị cụ bắt chợt đùa nghịch, cụ đằng hắng để đánh tiếng, mới vén mành đi vào. Cụ thấy cô Lễ đeo kính trắng của cụ, đội mũ lưỡi trai của cậu Nghĩa, đương cầm cổ tay bắt mạch cho mợ Nghĩa. Chắc rằng ba ngươi mải cười nên không biết cụ về.

Cô Lễ thấy cụ thì giật mình, vội vàng trật mũ, bỏ kính, vừa bưng miệng vừa ù té chạy vào nhà trong. Vợ chồng cậu Nghĩa lúng túng, xỏ lẫn guốc với nhau, không trốn kịp. Thấy cụ đi qua, mặt vẫn thản nhiên, hai người cố nhịn cười, nhưng càng nhìn nhau càng không thể nín được.

Cụ Tú không mắng. Nhưng cái im lặng của cụ làm cho con và dâu hết hồn.

Cụ ngồi trường kỷ, hỏi mợ Nghĩa:

– Đẻ đâu?

– Thưa thầy đẻ con đi lên chợ ạ.

Cụ mỉm miệng:

– Chúa vắng nhà có khác!

Rồi thản nhiên, cụ hút thuốc lào, rung đùi, nét mặt tươi cười. Bởi vì có điều vui trong bụng. Cụ cho là cô Lễ có khỏe mạnh mới biết đùa bỡn. Cái trò bắt mạch vừa rồi, cụ biết là cô đã bắt chước ông y sĩ Trung Hoa dân quốc ở Phòng thuốc nhà giàu, vì ông này đeo kính trắng và đội mũ lưỡi trai. Cụ suy nghĩ đến lớp tuổi trẻ. Con trai con gái thời này cũng như thời trước không nghịch ra mặt thì cũng nghịch ngầm.

* * *

Một hôm, cụ Tú thấy cô Lễ và cậu Nghĩa phục vị ở phản hàng, cặm cụi xem một quyển sách. Cụ không đọc thạo chữ quốc ngữ, hỏi, thì cậu Nghĩa đáp:

– Thưa thầy đây là quyển sách thuốc ạ.

Cụ chưa nghe rõ, cau mặt:

– Tiểu thuyết thì nhảm nhí, con gái không nên đọc.

Cô Lễ nói to:

– Thưa sách thuốc ạ.

Cụ cười:

– Thế à! Thuốc gì?

– Các thứ thuốc bí truyền ạ.

Cụ ngớ mặt:

– Bí truyền mà in vào sách à?

Cô Lễ đáp:

– Vâng ạ. Cho nên mới gọi tên sách là Truyền thuốc bí truyền ạ.

Cụ Tú nhắc lại từng tiếng:

– Truyền thuốc bí truyền!

Cô Lễ mách thêm:

– Quyển này của ông y sĩ Trần Đức Thừa với cô y tá Ma-ri ở Phòng thuốc nhà giàu làm ra và được cụ Điều duyệt lại đấy ạ.

Cụ Tú ngạc nhiên:

– Thật à?

– Vâng ạ.

– Đưa thầy xem.

Cụ cầm tập sách đánh máy, vì mắt không đeo kính nên xoay ngược để ngắm nghía, rồi đưa cậu Nghĩa:

– Đọc cho thầy nghe một vài bài.

Cậu Nghĩa mở tình cờ một trang, bài chữa sán. Cụ Tú lắng tai nghe các triệu chứng và nguyên nhân của bệnh này. Đến đơn thuốc, cụ bảo con đọc thong thả để cụ biên. Biên xong, cụ xem lại từng vị, rồi gật gù, khen:

– Thuốc đứng đắn lắm.