Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cậu Nghĩa đọc đến bài khác chữa đau bụng kinh niên. Thấy đau bụng kinh niên là đau dạ dày, là đau ruột già, là đau ruột non, là đau gan, là đau lá lách, cụ mới được rõ thêm:

– À, thảo nào. Ta cứ cho đau bụng thì gọi là đau bụng. Chữa không đúng thì bệnh hóa kinh niên. Ta lại cứ bảo từ ngày Tây sang mới sinh ra lắm chứng bệnh trước kia không có. Thì ra trước kia hay bây giờ, ta vẫn đau mà ta chưa biết là đau gì, ở đâu.

Khi biên bài thuốc xong, cụ ngẫm nghĩ, lại khen:

– Ừ, thuốc đứng đắn đấy.

Rồi cụ tiếp:

– Không trách Phòng thuốc nhà giàu đông khách. Thì ra thiên hạ có tinh mắt thật.

Mải khen thầy khen thuốc, cụ không hỏi cậu Nghĩa hay cô Lễ là quyển sách quý này, cậu hay cô đã mượn ở đâu, ai cho mượn, và vì sao người ta cho mượn để đem về nhà.

* * *

Năm 1919, cậu Nghĩa khai sinh lậu bốn tuổi để nếu đỗ sơ học Pháp Việt thì còn được thi vào Ban thành chung trường Bưởi, tức là trường Bảo hộ[18]. Cậu trúng tuyển vào học năm thứ nhất. (*[18] Trường Chu Văn An bây giờ.)

Cuối mùa thu năm ấy, suốt trong Nam ngoài Bắc nước ta, xảy ra phong trào để chế Bắc hóa, sau gọi nửa Quảng Đông nửa ta, là tẩy chay hàng Tàu. Thanh niên học sinh tham gia rất hăng hái. Cậu Nghĩa cũng được lôi cuốn theo làn gió mạnh như bão táp ấy.

Cụ Tú thấy tự nhiên không được đến Đông Hưng viên ăn tỉm xắm và uống chè Long Tỉnh, vì ở những phố đông Hoa kiều, như Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Bồ v.v… học trò đứng đầy, ngăn người ta vào các hiệu khách. Cụ lại thấy tối nào cậu Nghĩa cũng đi với các bạn, có khi chín mười giờ khuya mới về học bài, cụ biết là cậu đi tẩy chay, nhưng vẫn hỏi:

– Con đi đâu?

Cậu Nghĩa không giấu:

– Thưa thầy, con đến Phòng thuốc nhà giàu in giấy cổ động quốc dân tỉnh ngộ không mua hàng Tàu, dùng nội hóa.

– Dùng nội hóa là phải, nhưng tại sao lại chỉ không mua hàng Tàu?

– Tại bọn Tàu láo lắm ạ.

Cậu mới nói cái nguyên nhân việc tẩy chay cho cả nhà nghe:

– Từ xưa đến giờ, người mình quen dùng hàng Tàu. Ngay như nhà ta, quanh đây, toàn là đồ Tàu.

Cậu trỏ bộ ấm chén, cái đĩa điếu, cái bát ăn cơm và mấy cái chậu ở sân:

– Vì thế, người Tàu sang buôn bán bên ta rất nhiều. Ở Hà Nội, có ít, nhưng ở Hải Phòng thì nhan nhản những khách.

Và ở Sài Gòn. Chợ Lớn, nhất là Chợ Lớn. Tây người ta gọi là thành phố Tàu. Ở Nam Kỳ, khách trú nắm hết quyền buôn bán giàu thiên ức vạn tải. Ở Sài Gòn, người mình vẫn vào ăn uống ở những tiệm khách. Một hôm trong một hiệu cà phê, không biết có điều gì xảy ra, mà một người An-nam đến ăn, bị người chủ hiệu sỉ nhục. Thế là tất cả người mình tức, rủ nhau từ nay không thèm vào cái hiệu hỗn xược này nữa. Mình chỉ định tẩy chay một nhà, nhưng bỗng tự nhiên, có một bức thư của một người khách, tên là Lý Thiên, gửi chửi tất cả đồng bào ta.

Cậu đọc thuộc lòng cả bức thư:

Chúng bây từ Nam chí Bắc, toàn là đồ man di mọi rợ, hiểu sao đặng chữ Tẩy chay, vân vân.

Rồi cậu hầm hầm:

– Nhục nhã chưa! Bức thư ấy gửi ra Trung Kỳ, Bắc Kỳ, làm quốc dân ta tức điên ruột. Người mình bảo nhau thế thì tẩy chay hàng Tàu, cổ động đồng bào dùng nội hóa, khuyến khích nhau làm công nghệ. Phong trào tẩy chay lan rất nhanh khắp nước, ở các trường, nhiều thầy giáo in giấy cho học sinh đi phát, và đi khuyên bảo mọi người, đừng mua hàng Tàu. Trường Bưởi chúng con phải làm gương cho các trường ở Hà Nội. Mấy hôm nay, chúng con không mấy ai ở nhà. Chúng con đi tẩy chay. Lại được ông chủ Phòng thuốc nhà giàu ở Nhà vàng Bờ Hồ rất tử tế, cho chúng con mượn cái buồng và cho tiền mua thạch, mua giấy để in bản cổ động. Thỉnh thoảng, ông ta lại thết phở. Chúng con làm việc ham mê lắm. Ở các tỉnh, học sinh cũng được các thầy giáo khuyến khích, đi tẩy chay rất hăng. Ở Thái Bình, học trò làm dữ hơn, vào phá cả một hiệu khách. Có người tức, đập tan cả lọ độc bình, lẫn ấm chén sứ Tàu của nhà mình. Có mấy anh là con cháu ông phủ, ông huyện, sẵn có thạch và giấy dùng vào việc quan, các anh ấy lấy in cổ động, gửi đi khắp nơi trong hạt. Đến ngày phiên chợ, các anh ấy bắt lính cơ cầm roi đứng canh trước mấy hiệu khách, bảo ai không nghe, thì sai lính vụt. Thành thử ở đấy, chẳng ai dám mua hàng Tàu. Tẩy chay có quyền, thế mới sướng.

Cụ Tú ông thấy cậu Nghĩa kể chuyện rất hào hứng, bỗng cụ giơ tay ra để ngăn:

– Cổ động dùng nội hóa, khuyến khích làm công nghệ là tốt. Nhưng coi chừng, đừng làm quá, mà cũng đừng làm không đến nơi.

Cô Lễ hỏi:

– Thưa sao ạ?

– Thầy mà là cái ông phủ, ông huyện nào đó, thì thầy nọc cổ lũ trẻ nhà ông ấy, đánh cho mỗi đứa ba roi, vì chúng nó làm quá. Còn làm không đến nơi, là ta chưa có công nghệ ganh đua được với công nghệ nước ngoài, thế mà ta lại có thói quen khinh nội hóa, chuộng ngoại hóa, ta không chịu dùng nội hóa, thì lấy gì để khuyến khích công nghệ ta một ngày một khéo, một tốt hơn. Bây giờ, ta khuyên nhau đừng gánh vàng đi đổ sông Ngô, thì ta có khỏi gánh vàng đi đổ sông Tây không? Người mình được lợi lộc gì?

Cậu Nghĩa yên lặng. Cụ Tú tiếp:

– Tuổi trẻ hay hăng hái. Đã hăng hái thì không suy tính kỹ lưỡng, và dễ chóng chán. Không khéo chỉ bồng bột lúc đầu, rồi vài tháng, đâu lại hoàn đấy. Thế cũng là không làm đến nơi.

Cụ bà than phiền:

– Bây giờ nhà nước lại sinh ra cái tẩy chay nữa. Thật là lôi thôi!

Cậu Nghĩa nói:

– Thưa đẻ, không phải nhà nước xui dân tẩy chay, mà tự người Tàu gây ác cảm, làm cho quốc dân phẫn nộ. Chính việc tẩy chạy ngoại hóa là bắt đầu từ người Tàu trước tiên. Bên Tàu, có một người tên là Hạ Oai, bị một người Nhật buôn bán ngược đãi, đánh đập thậm tệ. Hạ Oai rất căm giận. Nhưng vì bị thương nặng, anh ta không thể trả thù được, phải ngậm hờn mà chết. Bạn hữu đến thăm anh ta, thấy anh ta nắm ở tay một tờ giấy nhỏ viết hai chữ Để chế. Thế là bạn hữu trả thù thay anh ta. Phong trào Để chế Nhật hóa nổi lên đùng đùng, lan ra khắp nước. Cũng nhanh và mạnh như phong trào Để chế Bắc hóa ở nước ta bây giờ vậy. Ở nhờ nước người ta, buôn bán với người ta, mà khinh người ta, thì chỉ có mà cuốn gói xéo sớm.

Cụ bà nói:

– Đẻ là đàn bà, đẻ hay dát. Ngày trước, thầy đã bị cái dớp, nhờ phúc ấm tổ tiên, được tai qua nạn khỏi ngay. Từ đó, đẻ cứ như gà phải cáo. Năm kia, ông Ba, con cụ Cử nổi lên ở Thái Nguyên[19], đẻ chỉ sợ nhà nước lại hỏi han đến thầy. Nhưng may quá, thầy không việc gì. Năm ngoái, đẻ qua Bờ Hồ, thấy học trò trường Bưởi đánh nhau với học trò con Tây trường Lít-xê, một anh bé hơn con, gầy gò hơn con, bị ba đứa nó đánh sưng cả mặt. Đẻ cứ mừng rằng phúc nhà dun dủi cho con đi học muộn, lại học trường Hàng Vôi, chứ nếu phải năm nay, thì thế nào con cũng toạc đầu xẻ tai. Bây giờ đẻ thấy con nhiệt thành tẩy chay, đẻ ngại lắm. Con nghĩ kỹ xem, hay là thôi chăng? (*[19] Tức ông Lương Ngọc Quyến, con thứ ba cụ cử Lương Văn Can, người cùng phố Hàng Đào.)

Cậu Nghĩa cười:

– Đẻ đừng sợ. Con dòng cháu giống thì phải yêu nước, thương nòi.

Cụ bà hỏi cụ ông:

– Ông nghĩ thế nào?

Cụ ông đáp:

– Tùy đấy.

Như được khuyến khích, cô Lễ nói:

– Con mà là con giai, con cũng đi tẩy chay.

Cậu Nghĩa nhìn chị:

– Ai cấm con gái?

– Ai lại con gái mà đến Phòng thuốc nhà giàu in giấy cổ động với con giai!

Mợ Nghĩa nói:

– Có làm sao? Không đến in thì đi phát giấy ở các phố.

Cậu Nghĩa gật đầu để biểu đồng tình:

– In cũng được chứ sao? Chị đến Phòng thuốc nhà giàu với chúng em, thì chúng em coi chị như chị, đứa nào dám hỗn láo?

Mặt cô Lễ bừng bừng. Cụ bà cười với cụ ông:

– Thật là chuyện trẻ con! Chưa chi đã cãi nhau! Sao cậu không bảo mợ ấy đi mà in?

Mợ Nghĩa hớn hở:

– Nếu con được thầy đẻ cho đi, con đi ngay.

Cậu Nghĩa lấy trong cặp một tập giấy, tờ khổ to, tờ khổ nhỏ, tờ in máy, tờ in thạch, đưa cho chị và cho vợ.

Cụ ông bảo:

– Đọc thầy nghe.

Cô Lễ đọc:

– Hỡi quốc dân đồng bào! Không gánh vàng đi đổ sông Ngô! Nên dùng nội hóa! Chấn hưng thực nghiệp! Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng…

Mợ Nghĩa tranh cô Lễ:

– Con đọc thầy đẻ nghe cái thư của Lý Thiên. Cậu Nghĩa ngăn vợ:

– Thư ấy thầy đẻ vừa nghe rồi, để con đọc bài hát xẩm, hay đáo để.

Nói đoạn, cậu đọc:

– Ti thì về, ti thì về, cái vộ ôi, ổ lại, tể ngộ ti thì về. Pôn thô pán ế vì các tất Tam Kỳ nó tẩy chay. Thôi nị tành ở lại pên này, ngộ hồ Quảng Tống ti cày tể nôi thân. Cạch tến già không pôn pán với ố nàm nhân…

Cụ ông mỉm cười:

– Các con để chị đọc nốt bài Hỡi quốc dân đồng bào. Bài ấy văn chương nghiêm trang hơn.

Thôi, ta để mặc cho cô Lễ đọc tờ cổ động cho hai cụ Tú nghe. Câu chuyện tẩy chay này, nến viết kỹ, e rằng lạc đề. Ta chỉ nên theo dõi cái phần có quan hệ đến tiểu thuyết này. Tức là tại sao học sinh trường Bảo hộ tâm thành với phong trào Để chế Bắc hóa, lại dùng cái ổ gian dối là Phòng thuốc nhà giàu làm chỗ hội họp để hoạt động? Và cái gì nó xui một cô gái kén chồng, rỉ rén và e lệ, con của một gia đình yên lặng nhất Hà Nội, dám mạnh dạn nói một câu trước mặt cha mẹ lúc nào cũng nghiêm trang: “Con mà là con giai, con cũng đi tẩy chay”.

§3. Xuống chó

Ma-ri đẻ con trai. Hắn vui sướng lắm, bàn với anh Thừa đặt tên thằng bé là Pôn. Hắn nựng nó:

– Tên trùng với các ông toàn quyền Pôn Be, Pôn Đu-me, ngày sau thế nào cũng làm to, Pôn nhỉ!

Ma-ri bắt anh Thừa bế con, thì anh bế. Nhưng lần nào anh cũng có vẻ mặt băn khoăn. Anh vạch lót, ngắm thằng bé từ đầu đến chân, rồi thở dài. Anh lại luôn luôn nắn cái xương cằm nó cho đỡ vuông, và cái hàm răng nó cho đỡ vẩu. Anh nghĩ không biết cương vị của anh đối với thằng Pôn thế nào là đúng. Thấy anh như vậy, Ma-ri tìm những lời an ủi cho anh phấn khởi và tin tưởng:

– Con hơn cha là nhà có phúc. Lẹm cằm xấu lắm, toa ạ.

Hắn bảo anh tìm vú em để nuôi thằng Pôn cho hắn giữ lâu được sắc đẹp.

Anh Thừa chiều ý hắn.