Cô Lễ nói:
– Nghe đâu anh này cũng là con nhà có đầu óc mà?
– Tin thế nào được cái lời người gán việc ông Đặng Trần Thường cho anh ta? Không khéo rồi anh ta cũng như ông Đặng Trần Thường…
Cô Lễ nhìn cậu Nghĩa để đợi một câu khen là chung tình, nhưng cậu Nghĩa tiếp:
– … Nghĩa là lừa thầy, phản bạn, đi giúp cái kẻ cõng rắn cắn gà nhà, làm cho nước mình phải lầm than nô lệ.
Cô Lễ lại thở dài, hỏi:
– Thế theo ý em thì chị nên thế nào?
– Về anh Nhân, em không biết, cho nên em không có ý kiến, nhưng về cái anh Thừa này, thì hễ bà huyện Gia Lộc có đến, chị cứ làm như độ trước, là tránh mặt đi. Em nghe phong thanh hình như đẻ mặn anh Nhân đấy. Thế ý chị về anh Nhân thế nào?
Cô Lễ yên một lát, rồi nói:
– Về việc của chị, chị cứ tùy thầy đẻ thôi. Nhưng chị chỉ nghĩ rằng bây giờ chị đã lớn, chị biết lo thân chị, thì ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên.
Cậu Nghĩa không hiểu ép duyên là ép cô lấy ai. Cậu không rõ tâm sự của cô bây giờ, để hiểu thế nào là ép. Ép, vừa là ép cô lấy cậu Nhân, vì phải bỏ anh Thừa, vừa là ép cô phải bỏ anh Thừa, để cô lấy cậu Nhân.
Đêm hôm ấy, cô trằn trọc, không sao ngủ được. Không dám để mẹ biết nỗi lòng, nên cô trở dậy, ra sân đứng thở dài, rồi khóc.
Con đường nhân duyên của cô Lễ mỗi ngày một rõ dần trước mắt cô. Bên gia đình cậu Nhân đã đi cơi trầu rấm ngõ. Và bà Cả Hàng Đường đã đến bàn với hai cụ Tú về ngày làm lễ vấn danh.
Thấy vậy, bà huyện Dần coi như hết nhiệm vụ. Bà về Gia Lộc để kèm chồng làm việc quan.
Thế là cô Lễ tuyệt vọng. Gặp anh Thừa ở chỗ anh hẹn, lần nào cô cũng chỉ khóc. Song, vì không dám đứng lâu với anh, chưa lần nào cô thổ lộ được hết nỗi lòng cho anh hiểu, để cô được hả hê. Rồi cô ốm.
Cô ốm thì ngày hẹn với anh Thừa bị lỗi. Cho nên cô càng buồn. Cô thương anh đã chờ đợi mỏi mắt. Và không những chờ đợi một lần ấy, con người si tình và chung tình này hẳn còn đón cô nhiều lần khác nữa. Chắc rằng anh buồn, và không khóc kém cô. Bởi vì cô biết anh là người rất đa cảm. Bây giờ nhật đường nhau rồi! Đứt mối dây liên lạc với nhau rồi! Rồi đây, làm thế nào để ly biệt nhau, tạ tấm lòng của người tri kỷ?
“Héo gan nát ruột vì ai.
Ai ơi có tưởng đến người vô duyên!”
Nghĩ đến câu ấy, cô thở dài não nuột.
Hai cụ Tú thấy cô Lễ ốm, thì khuyên cô uống thuốc.
Nhưng cô từ chối, vì tự xét mình chẳng có bệnh gì.
Hai cụ không hiểu sao, nên càng lo.
Một hôm, nằm trong chăn, cô mở mắt ra nhìn. Cô thấy ở sân, hai cụ và vợ chồng cậu Nghĩa lom khom quanh cái hỏa lò đặt cháo cho cô ăn. Bỗng cô nghĩ ngợi, cô nghĩ đến gia đình cô, rồi nghĩ đến tâm sự thầm kín của cô bấy nay. Cô đâm ra hối hận. Thì ra cô đã lầm lỗi. Có không có phép tự ý yêu một người đàn ông, dù người ấy tốt, nhưng cả gia đình không ai bằng lòng. Kết quả bây giờ là cô sầu khổ, gây lo lắng cho cha mẹ và hai em. Vậy cô phải cam chịu số mệnh, vui lòng mà tuân theo sự xếp đặt của hai cụ. Cô phải đặt chữ hiếu với cha mẹ lên trên tình riêng của cô. Hiện nay, cô còn vấn vương nên ốm. Nhưng tháng ngày qua, nỗi khổ tâm sẽ nhạt dần. Cô sẽ lại như thường, để đón chờ ngày cưới. Rồi vui duyên mới, cô sẽ quên tình xưa. Khi ấy, gặp người ấy ở đường, tất là cô quay mặt đi, hoặc nhìn thẳng. Cô coi người ấy như người dưng nước lã.
Hơn nữa, cô coi người ấy là một cái gì cần xua đuổi ngay, cho khỏi khuấy đục lòng cô đương yêu chồng.
Cô Lễ biết trước từng bước trên đường đời mà cô sẽ đi là như vậy. Dù không phải con người bạc bẽo, nhưng bắt buộc cô phải nghĩ như thế, và làm như thế. Bởi vì không ai có chồng rồi lại có thể làm khác, trừ phi là con người lẳng lơ. Cô không thể tha thứ những con người bất chính.
Vì không nên cưỡng số mệnh, cô Lễ muốn ngay từ bây giờ, ép mình theo số mệnh.
Cô phải dứt khoát với hiện tại. Hiện tại là lúc nào cô cũng còn luyến tiếc anh Thừa, một người có học thức, có đạo đức, nhiều lần đã nói ra miệng là phó thác đời mình vào hai tay cô. Cô muốn quên hẳn con người đáng thương, đáng yêu, đáng quý này. Cô muốn lánh đi một nơi, có cảnh khác, người khác, để câu chuyện khác không nhắc nhở, khêu gợi trong lòng cô nỗi buồn ngấm ngầm.
Cô xin hai cụ cho cô về quê ngoại, ở với cậu mợ là ông bà nhì Tòng. Cô nói là để tránh nơi huyên náo làm cho cô nhức đầu. Sự thực, cái nó làm cho đầu cô nhức nhói, là cái hy vọng có hoàn cảnh để hẹn hò với anh Thừa, vì cô còn ở Hà Nội này. Không hẹn hò, thì nóng lòng sốt ruột, không đứng yên, ngồi yên. Mà hẹn hò thì gặp, tình sẽ càng nặng, nghĩa sẽ càng sâu, mối tuyệt vọng sẽ càng lớn. Chứ bao giờ lại dứt khoát được. Cô là vợ cậu Nhân kia mà. Không ở Hà Nội cô còn tránh được cái ảnh hưởng về tinh thần của anh Thừa đối với cô. Tờ Chấn Hưng ngày nào cũng tới nhà, thì ba chữ Trần Đức Thừa in trên mặt báo ngày nào cũng bắt cô nhìn, như thấy mặt anh. Rồi những bài cổ động tự do kết hôn, làm cho cô buồn tủi, khi nghĩ đến quyền làm người của cô. Đến những thơ, những đoản thiên tiểu thuyết, có lẽ của anh Thừa làm, nhưng ký biệt hiệu khác, nó nói cái nỗi lòng của đôi lứa yêu nhau, sao mà giống hệt tâm sự của cô thế!
Cho nên cô phải lánh hẳn đi một nơi xa, ở tận gần chùa Hương, thì tu chẳng đi tu, nhưng cũng như thoát tục.
Cụ Tú thấy cô Lễ ốm mà muốn thay đổi chỗ ở, thì cụ bằng lòng ngay. Trước khi cô ra xe điện đi Hà Đông, cụ ông chỉ dặn một câu:
– Con nhớ nói với cậu mợ cho các em đưa đi thăm mộ ông bà ngoại.
Và cụ bà dặn thêm:
– Còn đến hôm về, nếu gặp ngày phiên chợ, thì con mua cho đẻ một chục chiếc bánh rán của nhà cụ Táo. Bánh rán nhà nó thì Hà Nội cũng phải thua.
* * *
Cô Lễ ở với cậu mợ. Cô vui thích lắm. Cái gì ở nhà này, cũng khác. Ở nhà cô, cậu Nghĩa và mợ Nghĩa ít nói, thì ở đây, ba em liến láu suốt ngày. Cô em gái tên là Trinh, mười lăm tuổi, động ngồi trên khung cửi là hát. Hai cậu em trai, Tiết và Tháo, không lúc nào để yên chân, yên tay, yên miệng. Cậu Nghĩa học chữ Tây ở trường Pháp Việt, thì Tiết và Tháo học chữ nho và chữ quốc ngữ ở nhà, ông nhì dạy. Ông nói:
– Làng này như thượng du của tỉnh Hà Đông, nên cả Mỹ Đức có mỗi một trường trên phủ.
Rồi ông cười:
– Đuốc văn minh của nhà nước bao giờ soi sáng được khắp nơi!
Cô dạy Trinh thêu bằng chỉ màu, và tỉa hoa thược dược bằng quả đu đủ. Bà nhì đứng xem, thấy con gái vụng về và có vẻ sốt ruột, thì bà bảo:
– Mấy khi chị về mà dạy cho. Con cứ chịu khó học đi.
Chiều chiều, ăn cơm xong, cô hay rủ Tiết và Tháo đi tha thẩn trên đê, nhìn cánh đồng bát ngát, nhìn dòng sông lững lờ, nhìn rặng núi lô nhô. Nhà quê sáng hơn, thoáng mát hơn Hà Nội. Được ngắm phong cảnh rộng rãi, xanh tươi, đẹp đẽ, tự nhiên cô thấy trong người nhẹ nhõm. Đến tối, cô thích bắc ghế, ngồi ở sân với các em, để hưởng ánh trăng xanh, mà Hà Nội không có. Lúc này, thấy Tiết và Tháo chạy nhảy khắp sân, cô cũng hay giỡn với hai con chim sơn ca đáng yêu ấy.
Một lần, không biết cậu nào để quên ở mặt tường hoa quyển Cách trí Trần Văn Khánh. Cô Lễ toan giấu đi, nhưng Tiết trông thấy:
– Của em, của em, chị cho em xin.
Cô Lễ đùa:
– Của chị chứ?
– Không, của em!
– Thế sao em lại để ở đây?
Nói đoạn, cô trả Tiết. Tiết cầm sách đi ba bước, rồi quay lại, cười sằng sặc:
– À phải. Chị Lễ nhận vơ là vợ nhân.
Thấy em tinh quái, đã bắt đầu nghĩ ra được tiếng để chế chị, cô bật buồn cười, đuổi theo Tiết. Thì cả Tiết lẫn Tháo cùng xô vào cô:
– Nhận vơ là vợ Nhân! Vợ anh Nhân!
Cô xấu hổ, lại đuổi theo hai em, rồi bắt được Tháo. Cô bảo:
– Bận sau, em không được nói tiếng ấy nữa nhé. Tháo vừa cười vừa đáp:
– Vâng.
Cô buông Tháo ra, thì Tháo vừa chạy, vừa quay lại:
– Chị Lễ nhận vơ, vợ Nhân.
Bà nhì nghe tiếng, cấm hai con không được hỗn với chị. Tiết và Tháo không dám chế cô nữa.
Nhưng tối hôm ấy, cô không khỏi không thao thức. Cái tiếng Nhân nhắc nhở đến tiếng Thừa. Cô man mác buồn.
Một hôm khác, tan học, Tiết và Tháo khoe với cô những tiếng mới học. Tiết nói:
– Em đố chị nhé. Tính cộng chữ nho gọi là gì nào?
Cô cười:
– Gọi là cộng chứ là gì?
– Không phải. Gọi là gia.
– Thế thì chị chịu em.
– Tính trừ gọi là gì nào?
Tháo nhắc khẽ cô:
– Giảm.
Cô nói:
– Giảm.
Nhưng Tiết xua tay:
– Không chơi nhắc. Chị biết được tiếng này mới tài. Tính nhân là gì?
– Chị chịu.
Tháo nói ngay:
– Nhân là Thừa.
Rồi hai anh em liến thoắng:
– Nhân là thừa, nhân là thừa. Nhận vơ là vợ nhân, vợ nhân là vợ thừa.
Nói đoạn, hai cậu cùng chạy rồi quay lại:
– Chị không là vợ nhân thì là vợ thừa. Vợ thừa! Vợ thừa!
Cô Lễ vừa cười, vừa đuổi theo. Nhưng hai em đã biến ra ngõ:
– Vợ thừa! Vợ thừa! Vợ anh Thừa!
Biết là hai em vô tình mà trêu cô, cô vừa ngượng, vừa thích. Thích và ngượng lẫn lộn. Chứ không xấu hổ khi nghe tiếng vợ nhân.
Nhưng đêm ấy, cô thao thức nhiều hơn đêm trước. Cô không buồn man mác, nhưng buồn đến đau khổ.
Từ hôm sau, cô hay ngồi bần thần một mình.
Tự nhiên, nghe đến tên người cũ, cô lại nhớ cảnh cũ. Nhớ người Hà Nội, cô nhớ cái cảnh Hà Nội. Cô nhớ đường đá, nhớ xe điện, nhớ dãy phố thẳng những nhà gạch mở cửa hàng đến tận khuya, người đi đường huyên náo dưới ánh đèn điện.
Ở đây, thì núi yên, sông lặng, cánh đồng hờ hững. Hết tuần trăng sáng bàng bạc, thì từ chặp tối, đã mịt mù như bưng mắt. Buổi chiều, cô cũng tha thẩn trên bờ đê, mong rằng phong cảnh làm cho cô khuây khỏa chăng. Nhưng trái lại, cô vẩn vơ nghĩ. Cô nhìn con sông. Không biết dòng nước này chạy đi tìm ai, có đổ vào Nhị Hà để chảy qua Hà Nội không? Cô nhìn làn mây. Không biết mây này có bay qua Hà Nội không? Mây ở trên cao, có thấy hiện giờ cô và người ở Hà Nội đương làm gì không? Cô nhìn rặng núi. Mọi ngày ở Hà Nội, cô có thấy xa xa một rặng núi, vậy có phải là núi chùa Hương này không? Núi ngồi đợi ai mà yên lặng thế? Cô nhìn cánh đồng. Lúa có gì vui mà nhảy nhót thế kia? Thóc của đồng này có bán ra Hà Nội không? Và hạt gạo ở đây, rồi được nhà nào mua? Bây giờ, cô nhìn nước, nhìn mây, nhìn núi, nhìn lúa, mà nhớ Hà Nội. Không biết người Hà Nội hiện giờ này, có ai nghĩ đến cô không? Chắc chắn là cha mẹ cô, em trai và em dâu cô nghĩ đến cô. Và có lẽ, một đôi khi, cậu Nhân cũng tìm hỏi tin tức cô. Nhưng ngần ấy người chưa đủ. Phải còn một người nữa kia. Người nữa kia! Còn nhớ nhau hay quên nhau rồi?