Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hắn khoe cụ thượng Phạm, thượng thư Bộ quốc dân giáo dục, mà hắn quen miệng gọi là cụ Học. Hắn bảo cụ Học bây giờ béo, trắng hơn ngày cụ còn làm báo Nam Phong. Buồng khách của cụ bày toàn đồ trang trí bằng vàng và ngọc. Cụ hỏi thăm Hà Nội, hỏi thăm Thừa, hỏi thăm các bạn của cụ mà Ma-ri cũng quen biết.

Cụ Lại cắt riêng một người hầu Ma-ri. Người ấy gọi là cậu giáo. Trước hết, Ma-ri cứ tưởng như ở Hà Nội vẫn gọi, cậu giáo là một người dạy học riêng các con cụ thượng. Nhưng khi hỏi thì biết cậu giáo là con một quan võ, cậu được chức giáo dưỡng, hàm lục phẩm, nên gọi tắt là cậu giáo. Các cậu giáo đến hầu các quan văn, để sau này nối nghiệp cha, ra làm quan võ.

Cậu giáo trẻ, và đẹp. Nhưng Ma-ri chê cậu yếu đuối và nhút nhát. Nói đến cậu giáo này, không rõ vì sao Ma-ri lại liên tưởng đến cụ thượng Ngô.

Hắn bảo:

– Còn cụ thượng thì thật xứng đáng là vị quan to nhất nội các. Vì ngài nhã nhặn, tử tế, khỏe mạnh, và thành thạo.

Về Hà Nội, những lúc ngồi một mình, mơ màng cảnh và người của sông Hương núi Ngự, thỉnh thoảng Ma-ri ti tỉ ngâm:

Ngày trông quan lớn như vua
Đêm sao quan lớn nô đùa như dân?
Ngày trông quan lớn như thần,
Đêm sao quan lớn tần mần như ma?
Ngày trông quan lớn như cha,
Đêm sao quan lớn la đà như con?

Và câu:

Yếm trắng anh ngỡ rằng cò,
Anh quỳ xuống gối anh thò hỏa mai.
Ngày sau, em đẻ con trai,
Nó lớn, nó giống anh cai bắn cò.

Ma-ri đến chơi các nhà bạn hữu để khoe chuyện Huế, khoe nhân vật Huế, trong hơn một tháng. Hắn còn chắc chắn là chỉ trong ít ngày nữa, thế nào Thừa cũng được vua ban Nam long bội tinh, về việc này, Ma-ri nói riêng với Thừa:

– Lão thượng nó bảo rằng nếu nó tâu cho ông mà đức Kim thượng không chuẩn y, thì nó đã có cách.

– Cách thế nào?

– Là nó cứ làm giấy tờ sẵn đấy. Hôm nào đức Kim Thượng gọi tê-lê-phôn vời nó vào đánh mạt chược, thì nó rình lúc ông ấy được bạc, đương vui, thì nó xui ông ấy xơi non. Đám mạt chược tan, nó mới thò một tập giấy cho ông ấy ký. Trong tập này, nó gài tờ giấy thưởng bội tinh cho ông vào giữa. Lúc này thì anh vua nhắm mắt lại mà ký. Một là anh ta tin nó, hai là anh ta cũng muốn được nhanh chóng chuồn đi, để nuốt trôi món tiền được bạc.

Ma-ri thêm:

– Lão ta chắc chắn mưu mô này trôi chảy, vì lão đã làm như vậy nhiều lần rồi.

Cả Thừa lẫn Ma-ri đều hy vọng. Mối hy vọng cứ mỗi ngày một to dần.

Nhưng chờ đến hai tháng, chưa thấy tin tức gì, Ma-ri bảo Thừa:

– Hay là lão ta dìm việc này để bắt tôi vào lần nữa với lão ta?

Hắn đòi vào Huế. Thừa đồng ý. Nhưng hôm Ma-ri sửa soạn hành lý để lên đường, thì Thừa xem báo, thấy một tin như sét đánh. Hắn lật đật cầm tờ báo vào cho Ma-ri.

Tin ấy là tin Ngô Đình Diệm bị cách tuột chức thượng thư.

Không rõ lý do vì sao tên thượng thư bộ Lại bị xuống làm thường dân, Ma-ri tím mặt lại, nghiến răng:

– Cha tiên nhân thằng sở khanh Ngô Đình Diệm, nó làm bà mòn mất ít da thịt.

* * *

Thôi, ta để mặc Ma-ri chửi cho hả cái thằng suốt đời làm kiếp chó này. Mà ta biết, khi đã nổi lôi đình, thì Ma-ri phải đặt thêm nhiều danh từ cho ngôn ngữ Việt Nam thêm phong phú. Hẳn chẳng phải Ma-ri chỉ réo tên con dê già xỏ lá, mà còn đào bới cả mả bố thằng Ngô Đình Khả, để cho ăn những của chẳng ngon, cho bõ cái tội thằng cha, thằng ông không biết dạy con cháu.

Việc của thằng mấy đời bán nước và mấy lần liếm gót bọn đế quốc, phát-xít này, đến đây xin chấm dứt. Bởi vì nó hết dính dáng đến chuyện của Thừa và Ma-ri.

* * *

Trong những ngày Ma-ri vào Huế thì Thừa được rảnh thời giờ và tâm trí. Ngoài việc kinh doanh hai chiếc tàu thủy, việc hắn quan tâm thứ hai, là Xuy-dan.

Lắm lúc Thừa tự hỏi tại sao hắn lại đối đãi đặc biệt với Xuy-dan như hắn đã xử mấy lần trước? Xuy-dan cũng chỉ là một người bán trôn nuôi miệng, như những người đã thỏa mãn tình dục cho hắn một lần, cùng lắm là vài lần thôi. Thế là hắn quên. Mà không quên, hắn cũng không muốn nhớ, để thay bằng người mới. Nhưng Xuy-dan thì hắn không muốn quên. Hắn thương hại, xót xa, và càng biết sâu đời của người con gái bị ruồng bỏ, hắn càng thương hại, càng xót xa. Chưa bao giờ hắn nỡ nghĩ đến việc bỏ Xuy-dan.

Thừa xuống Hải Phòng thăm Xuy-dan.

Nhưng đến nhà cũ, hắn không thấy Xuy-dan. Hắn hỏi thăm, biết là Xuy-dan khỏe mạnh, nhan sắc được như cũ, đã bị An-na Phán bắt về, tiếp tục làm nghề nhà thổ.

Thừa vội vàng đến nhà An-na Phán.

Hắn điều đình với người mẹ dầu cho Xuy-dan được sống tự do. An-na Phán bằng lòng:

– Thế thì anh phải bồi thường cho tôi hai trăm bạc. Tôi nể anh là chỗ thân. Nếu không, tôi giữ nó lại. Nó là mình vàng mình bạc, kiếm lợi cho tôi đến hàng nghìn.

Thừa không đủ món tiền ấy ở trong túi, nhưng vì An-na Phán nể và tin hắn, nên hắn được chuộc chịu Xuy-dan. Hắn đưa Xuy-dan về Hải Dương.

Hắn tìm thuê cho Xuy-dan một căn nhà ở phố Đông Quan, thật hẻo lánh. Hắn kiếm một gia đình cho Xuy-dan dạy học tư, bảo năm đứa trẻ, hai đứa học quốc ngữ, ba đứa học thêm những bài ở nhà trường. Xuy-dan được lương mười lăm đồng một tháng. Thừa nói:

– Thế là đáng mừng. Ở đây người ta gọi em là cô giáo. Người ta không biết nghề cũ của em. Vậy em cũng đừng lấy tên là Xuy-dan nữa.

Xuy-dan sung sướng, nũng nịu:

– Thế anh đặt tên mới cho em đi? Hay cứ lấy tên ông bà đặt cho, là Thúy, là Thúy gian?

Thừa lắc đầu:

– Cũng không nên. Anh không muốn ai biết tung tích của em.

Bỗng Thừa nghĩ ra:

– A, có một tên hay lắm. Em vẫn lấy tên cứ trong khai sinh, là Thúy, nhưng gọi chệch tiếng gian là lan, Thúy Lan.

Xuy-dan ôm lấy cổ Thừa, ngả đầu vào ngực Thừa:

– Anh!

Thừa vỗ về Xuy-dan. Hắn đưa cho Xuy-dan một trăm bạc:

– Em cầm lấy mà sắm đồ đạc cho đủ dùng. Thiếu bao nhiêu, anh lại cho. Anh không tiếc.

Xuy-dan hỏi:

– Anh có ở với em không?

– Anh không hứa điều ấy. Song, em nên yên tâm rằng anh ở gần, thì được về với em luôn.

Xuy-dan thở hồi hộp, nhắm dần đôi mắt lại, tay quờ quạng vào mặt Thừa:

– Anh dùng tiếng về. Em cảm động.

Rồi mở đôi mắt đỏ hoe ra:

– Anh là vị thiên thần vớt em ra khỏi đống bùn nhơ. Công anh như núi Thái Sơn.

Thừa hiểu ý câu nói, mỉm cười, lắc khẽ đầu. Hôm sau, Thừa xuống thăm Xuy-dan:

– Thế nào, một trăm bạc có đủ sắm các thứ không.

Xuy-dan đáp:

– Em không cần đủ cho em. Vì anh không ở hẳn đây. Em chỉ mua những thứ cần cả cho anh và cho em thôi. Còn nếu cần riêng cho em, thì em sắm dần.

Thừa âu yếm, vuốt ve mái tóc Xuy-dan:

– Em thật ngoan.

Hắn nhấn mạnh:

– Ngoan.

Rồi tiếp:

– Em phải khổ là do tội anh, nhưng cũng là tự em đày đọa thân em, hoặc do trời không có mắt. Thế bây giờ em còn thù đời nữa hay không?

Xuy-dan lắc đầu:

– Hiện giờ thì không. Còn mai sau thế nào, em chửa dám nói trước.

– Mai sau cũng như hiện giờ thôi.

Xuy-dan cười:

– Khi em không là vợ anh, thì em sống với anh ngày nào, biết ngày ấy. Ngộ chiều nay, hoặc tuần sau, hay một tháng nữa, tiếng anh bao gái đến tai hoạn thư, thì em bị mổ mề ăn gan!

Thừa buồn bã:

– Anh tiếc rằng, cha mẹ anh đẻ anh sớm mười năm, và cha mẹ em đẻ em muộn mười năm. Nếu chúng ta cùng một lứa tuổi thì…

Xuy-dan rưng rưng nước mắt:

– Thôi, em van anh, anh đừng nói đến việc ấy.

Một lát cô hỏi:

– Anh ạ, gần một năm rồi, hôm nay em mới tò mò hỏi anh. Có phải tên thật anh là Trần Đức Thừa phải không?

Thừa gật đầu:

– Phải. Sao em biết?

– Ở Hải Dương này, ai còn lạ anh?

Thừa giật mình:

– Tại sao? Lạ thế nào?

– Lạ tên ông chủ tàu Đại Pháp và Bắc Kỳ.

Thừa mỉm cười. Xuy-dan thở dài hát:

Thân em là hạt mưa sa,
Nay vào đài các, mai ra ruộng lầy.

Thừa làm bộ điệu như trẻ con.

– Ứ, không hát thế. Hát lại cơ.

Xuy-dan tủm tỉm:

Em không là hạt mưa sa,
Chỉ vào đài các không ra ruộng lầy.

Hai người cùng cười, nhìn nhau âu yếm.

§10. Mại bản cậu

Thừa thay cả hai người mại bản. Hắn nhận thấy là họ đã ăn cắp một cách rất tinh vi. Tức là họ không để cho Thừa phải lỗ vốn, nhưng có bao nhiêu lãi, họ ăn bớt hết.

Hồi tàu mới bắt đầu chạy đường mới, Thừa thấy lỗ, thì cho là thường thôi. Nhưng sau dần, tàu quen khách, khách quen tàu, mà Thừa vẫn hôm thì lỗ chút ít, hôm thì lãi chút ít, trung bình, trong một tháng, hơn bù kém, chỉ hòa vốn, hoặc nếu có lãi, thì lãi tí đỉnh thôi. Thế mà Thừa thấy mỗi ngày một đông khách, một nhiều hàng. Hắn đâm nghi.

Lại từ hôm Ma-ri vào Huế, chỉ một mình Thừa đi kiểm soát, và từ hôm hắn để thì giờ thu xếp chỗ ở cho Xuy-dan, hắn chắc là thấy chủ chểnh mảng, bọn mại bản tha hồ ăn bớt tiền.

Vì vậy, Thừa cho là không nên dùng người không ngay thật để mình cứ phải ngờ vực và nhọc lòng dò xét. Không dùng họ nữa là hơn. Vả lại, cũng nên cho thằng Pôn, thằng Giăng việc làm. Một là để chúng nó đỡ lêu lổng. Hai là để có kiếm tiền khó nhọc, chúng nó mới biết quý đồng tiền. Ba là thà đem tiền dùng người ngoài để dùng con mình, thì chẳng thiệt đi đâu. Bốn là cho chúng nó học nghề, để sau này chúng nó nối nghiệp.

Thừa nói từng ấy lý do với thằng Pôn và thằng Giăng rồi bảo:

– Của pa-pa, của ma-măng là của anh em chúng con, chúng con nên giữ. Hai con làm mại bản, thì pa-pa với ma-măng không còn nghi ngờ gì, có thể có thì giờ để khuếch trương việc kinh doanh.

Thằng Pôn và thằng Giăng sung sướng. Thằng Giăng nói:

– Thế là pa-pa giải quyết hộ cho nhà nước một vấn đề khó khăn, là nạn trí thức thất nghiệp!

Thừa cười:

– Pa-pa tính phát lương cho các con như thế này. Vì của pa-pa và của ma-măng, dù thế nào cũng về tay các con cả, cho nên giữ được, thì các con hưởng, không giữ được, thì các con phải chịu. Bây giờ, pa-pa chỉ phát cho mỗi con hai chục một tháng, để đủ ăn. Còn đứa nào khéo làm, chở được nhiều khách, nhiều hàng, thì ăn thêm hỏa hồng năm phần trăm, để mà tiêu pha, may mặc. Chúng con có bằng lòng như thế không?