Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ba cô phải đứng lại, chờ cho pháo nổ hết. Cái ô được kéo rụt lại cho kín cái mặt đương thẹn thò. Hàng phố được dịp nghiêng ngó, dòm vào tận mặt con người sung sướng. Tiếng thì thào bình phẩm:

– Đẹp quá! Trẻ quá! Thơm quá! Sang quá!

Có người xông xáo dám hất mạnh cái ô lên cao để cho cái mặt phải lộ ra.

Nhưng họ không thấy được. Mặt cô dâu còn được cô che lần nữa bằng cái quạt nan trầm, phết giấy tàu trắng, vẽ sơn thủy xanh đỏ.

Khi tiếng pháo dứt, ba cô bắt đầu vào nhà. Cô dâu đi giữa hai cô dìu hai bên.

Hàng phố còn cãi nhau. Người bảo nước da cô dâu tự nhiên. Người rằng cô có đánh phấn.

Tuy đã giấu mặt thật kín sau cái ô và cái quạt, nhưng cô dâu cũng cúi gằm xuống. Cô rỉ rén, tiến từng bước, y như là bẩm sinh ra không biết đi nhanh. Cô theo hai người đi hai bên, nâng hai cánh tay để dắt.

Ba cô bước lên hè. Ô cụp lại. Nhưng cô dâu vẫn che quạt trước mặt, cúi gằm, đi giữa đám họ hàng đứng lố nhố, đương yên lặng nhìn cô. Cô theo hai người dẫn vào buồng ở lớp nhà trong. Ngồi xuống ghế, cô đặt quạt lên bàn, thở đánh phào, tủm tỉm nhìn bạn.

Chừng mười lăm phút sau, cô em chồng mời cô dâu ra sân tế Tơ Hồng. Cô lè quả ô mai đương ngậm ở miệng ra, rướn mình, nhảy thật cao, để vứt hột qua cái lỗ cửa nhỏ. Cô đánh lại phấn, kẻ lại môi, bôi thêm tí nước hoa, rồi mặc áo thụng bằng nhiễu hoa đỏ xong, cô xòe quạt để che mặt, thong thả bước theo hai cô dìu hai cánh tay, mặt lại cúi gằm.

Bàn cúng Tơ Hồng bày ở sân, quay chếch về hướng nam. Cô không dám nhìn ai, nhưng cô thấy những ống quần và những giày dép. Quần lĩnh dài lượt thượt quét đất, quần chúc bâu là đứng nép, quần tây dạ hẹp ống, dép cong quai nhung, dép Nhật có quả bông đỏ, giày Gia Định mũi vuông, giày mõm nhái mũi nhọn, giày tây vàng mũi cồng, giày ban da láng mũi dẹt. Cô được dắt đến mép cái chiếu hoa mới. Cô thấy giữa chiếu có một người đứng rồi. Cô hơi ngẩng lên. Thấy cái gấu áo thụng lam, đôi ống quần nhiễu trắng, đôi bít tất tơ kẻ màu hạt dẻ, cô biết đó là chàng.

Cô bước chân vào chiếu, định tiến lên cạnh chồng, bỗng có tiếng ông già nói:

– Thôi!

Rồi đến tiếng:

– Cô dâu phải ngồi dưới chú rể một tí mới phải phép.

Cô ngồi, mặt vẫn nấp sau quạt, xếp hai chân bằng tròn cho gọn. Cô phù dâu cúi xuống, kéo cho cô cái vạt áo sau, rải lại vuông vắn, và xếp cái vạt áo trước, che kín hai vế đùi.

Lúc này, xung quanh im lặng, một sự im lặng thiêng liêng. Văn tế chữ nho đọc ngân nga từng tiếng xong, bỗng cô nghe loạt soạt bên cạnh. Cô liếc mắt, vừa thấy chàng bắt đầu lễ, thì có bàn tay ấn đầu cô xuống:

– Lễ đi!

Cô làm theo. Hai tay cô chắp, nhưng vẫn che được quạt trước mặt. Cô cúi lưng, gục xuống chiếu, thì cái quạt từ từ xếp lại. Khi cô thẳng lưng, ngồi dậy, cái quạt lại xòe dần ra mà che kín mặt cô.

Có người thì thào:

– Tây lai mà lễ khéo nhỉ!

Cô thong thả lễ, không rõ đã mấy lần rồi, khi toan cúi lưng lần nữa, thì có cái tay ghìm đầu cô lại. Cô hiểu là đã đủ bốn lễ. Cô đứng dậy, cúi vái ba vái, rồi lùi ra mép chiếu.

Cô toan xỏ chân vào đôi văn hài, thì cô phù dâu níu lại:

– Còn hợp cẩn đã.

Một ông cụ tháo dây thép chằng nút chai sâm banh, lấy ngón tay cái ấn cho cái nút ra dần. Có tiếng nhắc:

– Nghiêng nghiêng cái chai, kẻo rượu phụt ra hết nhé.

Lại có tiếng cười:

– Thời buổi văn minh có khác, hợp cẩn ở ngoài sân, lại bằng rượu sâm banh.

Tất cả mọi người hồi hộp nhìn cái nút chai. Bỗng một tiếng nổ bốp! Ai nấy nảy đánh thót. Riêng cô dâu, tuy không trông thấy, nhưng không giựt mình.

Hai cốc pha lê được rót gần đến miệng. Bọt ngầu ngầu tan dần, hạ thấp mặt rượu xuống. Ông cụ lại rót thêm cho đầy. Rượu vàng sóng sánh trong cốc, in vào thành pha lê những màu quần áo ở xung quanh.

Ông cụ cầm hai tay hai cốc, đưa một cốc cho chú rể, một cốc cho cô dâu.

Cô dâu đương lúng túng vướng cái quạt che mặt, thì cô phù dâu giật phắt lấy. Mặt cô bây giờ thành lộ thiên.

Cô suýt phì cười, vội vàng đưa mắt nhìn xuống, giơ hai tay cầm cốc rượu. Lại có cái tay ấn vào vai cô:

– Ngồi xuống.

Cô ngồi.

– Quay lại chú rể chứ!

Cô quay lại.

Cái tay dí mạnh vào đầu cô. Hai tay cầm cốc rượu, cô lạy chồng hai lạy. Chồng cô cầm rượu, vái trả cô một vái.

Có người nhắc:

– Đứng dậy.

Cô đứng lên.

– Mời rượu chú rể đi.

Cô giơ cốc bằng hai tay, đôi mắt vẫn gằm xuống chiếu. Chú rể đỡ lấy, rồi đưa cốc của mình cho cô.

– Uống đi.

Cô thong thả kề thành cốc vào môi. Mấy chục con mắt nhìn theo. Vì lễ hợp cẩn là quan trọng, cho nên cô dâu nào cũng bắt buộc phải nhấp một tí rượu, nhưng bị cay, cô nào cũng nhăn nhó, nhổ phì phì, trông đến buồn cười. Mọi người cũng chờ để cười đây. Nhưng cô dâu này uống, uống một hơi, cạn hết cốc sâm banh. Cô nhấp môi, đưa cốc cho cô phù dâu.

Người ta không được cười thì trố mắt nhìn nhau. Một tràng pháo nổ ran, reo mừng đôi trẻ thành vợ chồng.

Ông Tơ bà Nguyệt đã làm xong nhiệm vụ. Chàng và nàng đã trao cho nhau cốc rượu xe duyên, nguyện sống với nhau đến đầu bạc răng long. Bây giờ hai người mới lễ mừng tuổi cha mẹ.

Nhưng tuy là chỗ thế gia vọng tộc, đáng lẽ đám cưới cần phải theo nhiều nghi lễ phiền phức, song vì thấy nhà gái tinh giảm, miễn cho nhiều lệ, nên nhà trai cũng noi gương. Hai cụ Hàn là bố mẹ chồng, bởi vì anh Thừa tố lên thế, ngồi trên sập, cụ ông nói với con trai và con dâu bằng giọng dõng dạc:

– Thầy mẹ thì già, việc trăm năm của hai con, thầy mẹ để quyền cho hai con. Thầy mẹ chỉ biết mừng cho hai con thôi. Đáng lẽ theo con là người đã du học bên Tàu lâu năm, đám cưới phải làm đúng như tục lệ bên Tàu. Hợp cẩn xong, hôm nay các con lễ mừng tuổi thầy mẹ, rồi mai, vợ chồng về quê nhà, bái yết gia tiên ở từ đường, và ngày kia, sang nhạc gia làm lễ nhị hỉ. Thầy mẹ cũng nhận rằng thế mới hợp lý, bởi vì thế mới đúng trật tự. Sau đêm động phòng hoa chúc, thấy vợ là người trinh bạch, thì chồng mới về nhạc gia nhận cha mẹ vợ, nhận họ hàng, tổ tiên của vợ là của mình, nhưng vì cụ bên ấy là người giản dị, cụ đã miễn cho từ lễ chạm ngõ, cho đến lễ vấn danh, cụ cũng xin thôi cả lễ nhị hỉ, cho nên thầy mẹ rất phục cụ, tuy là đàn bà, nhưng thức thời, ở thời đại văn minh, thì theo tục lệ văn minh. Vì vậy, thầy mẹ bắt chước cụ, cũng miễn cho hai con không phải lạy. Thầy mẹ mong hai con thương yêu nhau, bách niên giai lão, con độc đẻ cháu đàn, nối dõi tông đường, ngày sau, đứa nào cũng khoa hoạn đều hiển đạt, làm rạng rỡ gia đình, nối nghiệp các cụ nhà ta. Thầy đã hèn không làm quan được, con lại ưa đường thực nghiệp cũng là tốt, nhưng đến đời các cháu, thì nhất định phải nối gót tổ tiên cho thầy mẹ vui lòng. Thầy mẹ nghèo, không có nhà của, ruộng nương cho hai con, chỉ gọi là có tí chút này, cho hai con để kỷ niệm ngày vui vẻ nhất đời của hai con.

Cụ ông nói xong, cụ bà há tròn miệng, nhón hai ngón tay lau vết quết trầu ở đầu mép, rồi đưa cho Ma-ri một cái hộp màu hồng. Cụ mở ra cho mọi người nom thấy. Có hai cái vòng vàng, bọc trong giấy bóng, một cái chạm, một cái trơn. Cụ hỏi:

– Mợ thích cái nào, mẹ đeo ngay cho.

Nhưng không chờ con trả lời, cụ lấy cái vòng chạm mở rộng ra, đeo vào cổ cho Ma-ri.

Cô dâu chắp hai tay, mắt nhìn xuống, miệng tủm tỉm. Cụ gật gật:

– Đẹp! Đẹp!

Rồi cụ mở một hộp nhỏ, lấy ra hai cái nhẫn trơn, vừa cười vừa nói:

– Đáng lẽ nhẫn ba-dê thì cậu tặng cho mợ, mợ tặng cho cậu mới đúng phép văn minh. Nhưng cậu ấy bắt thầy mẹ sắm để cho, thì thầy mẹ cũng chiều lòng. Nào, trước mặt thầy mẹ và hai họ, cậu đeo cho mợ, mợ đeo cho cậu đi!

Cụ đưa cho con trai một chiếc, con dâu một chiếc. Ma-ri nắm bàn tay lại, dựng ngón thứ tư lên để anh Thừa đeo nhẫn cho. Rồi hắn đeo nhẫn vào ngón tay của anh Thừa. Nhưng vì ngượng, hắn chỉ để hờ vào đến giữa đốt thứ hai thôi. Tiếng nói đùa:

– Phải một tay nắm ngón, một tay ấn nhẫn vào mới chặt.

Một nhịp cười rộ vang như để chế cô gái ngây thơ, chưa bao giờ biết da thịt người đàn ông vậy.

Cụ Hàn bà cũng cười để ái ngại cho con dâu đương thẹn:

– Nhà ta có phúc kén được nàng dâu hiền. Trông con bé hiền lành, trung hậu, giống cụ đốc như đúc.

Cụ gọi cụ đốc để chỉ người đẻ ra cô đốc, tức là mẹ Ma-ri, dâu gia của cụ.

Rồi quan viên hai họ chuyện trò với nhau rất vui vẻ, thân mật. Bên nhà trai có hai cụ hàn là bố mẹ chồng, thì bên nhà gái có cụ hậu là cô ruột cô dâu. Quan huyện chú của chàng, tiếp quan tham là cậu của nàng. Cô giáo Chính con bà dì chú rể ngồi cạnh cô đỡ Hoa Tâm gọi cô dâu là chị con bà bác. Cô Mai, em anh Thừa xoắn xuýt lấy cô Tuyết phù dâu. Tóm lại, họ nhà trai có vị danh giá thế nào, thì họ nhà gái cũng tố ngay một ngài danh giá không kém. Hai gia đình đăng đối, danh giá thật xứng đáng với danh giá của tiên sinh y sĩ Trung Hoa dân quốc và cô đốc.

Chừng bốn giờ rưỡi, họ nhà gái xin cáo lui. Cụ hậu thay mặt cụ đốc, khuyên bảo cháu bằng một vài câu luân lý. Cả hai cụ hàn và đôi vợ chồng mới cùng ra cửa tiễn khách.

Ba chiếc song mã còn chờ đó. Bốn người lên một xe, ngồi đối diện với nhau ở hai ghế. Ra đến đầu phố, chiếc ngược lên Hàng Đào, chiếc đi thẳng sang cầu Gỗ, chiếc quặt lại Hàng Gai. Bởi vì ba xe phải đổ khách về từng nhà, ở những phố khác nhau. Ví dụ chiếc thứ nhất qua rạp Quảng Lạc, cho cụ hậu xuống, rồi sang Chợ Gạo là chỗ ở của quan tham, đoạn lên Hàng Giấy, dừng ở nhà cô đỡ Hoa Tâm, mới quặt lên đầu Hàng Đậu, đỗ trước cửa nhà săm, cho cô Tuyết phù dâu về thay quần áo.

Xe thứ hai và thứ ba đại khái cũng thế.

Vào lúc sáu giờ, đèn phố bật, Ma-ri mới không phải ngồi hầu chuyện họ hàng nhà chồng. Hắn vào buồng, cởi khăn áo cô dâu ra, quấn tóc trần, mặc áo thường, bảo với anh Thừa:

– Em về đàng nhà một tí nhé.

– Mấy giờ em lại, ngộ khách ăn tới, em không trang điểm kịp?

– Kịp. Hai mươi phút thôi.

Nói đoạn, hắn đi liền.

Là vì hắn đã hẹn giờ để gặp gỡ những người đã đi đưa dâu, tại nhà hắn.

Hắn đến nhà, thì thấy những người ấy đã đủ mặt. Hắn khen khéo, móc ví trả mỗi người hai đồng. Riêng cụ đốc, hắn thưởng cho thêm đồng nữa là ba. Bọn nhà gái kè nhè xin thêm. Nhưng hắn không cho, nói nửa ngọt nửa xẵng:

– Có mất công khỉ gì, còn được đi song mã, được tiếp đãi như thật, sướng mê, còn muốn thêm nữa à?

Rồi hắn nói với cụ đốc:

– Hôm nay thì vui vẻ cả, nhưng tôi chỉ phàn nàn có một tí là bà cụ hàn lại gọi bà cụ tôi là cụ đốc.

Cụ đốc hỏi:

– Bẻ họe! Còn gọi là gì sang trọng hơn nữa?

– Trừ phi chồng không có chức tước gì mới phải gọi bằng chức tước của con chứ? Sao không gọi bà cụ tôi là cụ cố.

– Sao lại cụ cố?

– Tại ông cụ tôi là cố đạo.

Cụ đốc cười:

– Khỉ, thế cố đạo có vợ à?

Cô đốc nghĩ ra:

– Ừ nhỉ. Thế thì tôi không phàn nàn nữa.