Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hằng ngày công việc cũng nhàn. Chỉ có hai chuyến xe ngược, hai chuyến xe xuôi. Bất thường lắm mới có chuyến chở hàng đi qua, gọi là tàu vít. Mỗi ngày dây lắt nhắt ra bốn lượt, thật sự ông sếp ga chỉ phải làm việc mất độ một tiếng đồng hồ. Vì vậy, ông ký Sơ có nhiều thì giờ rỗi. Ngoài lúc đi lại giao du với các thầy cai, ngài đội, quan quản ở trên đồn, hoặc với ông chủ nhà dây, tức là nhà bưu điện, vả họ cũng hay đến với ông để nhờ tán số tử vi, ông còn có hai cái thú. Một là bóc trước báo hằng ngày ở Hà Nội gửi lên bằng xe lửa, nếu bác phu trạm chưa đến ga để nhận mang về phân phát cho độc giả mua năm. Ở nơi quá tĩnh mịch, cái thèm biết thời sự và nghêu ngao ngâm thơ trở nên một bệnh nghiện. Cái thứ thứ hai là đi bắn. Bác Thoan người ở bên phố, có chiếc súng kíp. Lần nào bác đi săn cũng rủ ông cùng đi. Thỉnh thoảng, ông lại mượn súng của bác để vào rừng một mình.

Có một hôm ông mang súng đi một mình. Bỗng trong một khoảng rậm rạp, ông gặp một toán ba thằng thổ phỉ, trói giải một người. Ông sợ quá. Nhưng tránh chúng không kịp. Chúng trông thấy ông rồi. Về phía bọn kia, chúng cũng không kịp tránh ông. Chúng sợ ông, vì ông có súng. Chúng chỉ có dao và mác. Hai bên thế tất phải đương đầu với nhau, ông nạp đạn, bắn một phát chỉ thiên. Ba tên kẻ cướp chạy tán loạn. Ông bắn theo một phát nữa. Nhưng không trúng. Người bị nạn được ông cởi trói. Hắn nói thứ tiếng gì mà ông không hiểu. Nếu phải tiếng Thổ, thì ông có biết lõm bõm. Hẳn là tiếng Tàu.

Người Trung Hoa vẫn vừa nói vừa ra hiệu. Thấy hắn có vẻ lương thiện, ông đoán đây là một tay nhà giàu bị bắt cóc để phải chuộc mạng bằng tiền.

Tuy không giết chết chim muông nhưng cứu sống được một người, ông ký Sơ rất sung sướng. Hắn với ông ngôn ngữ bất đồng, líu lo líu lường, chẳng ai hiểu ai, nhưng ông cũng biết hắn là người được ông cải tử hoàn sinh, thì hẳn hắn nói những câu để cảm tạ ông. Ông dẫn hắn ra khỏi rừng, đưa hắn về nhà, cho uống nước, nghỉ ngơi một lát, rồi trỏ cho hắn lối về cửa ải Nam Quan. Hắn chắp hai tay, vái ông lia lịa, rồi nói một thôi một hồi nữa. Để làm như hiểu, ông cười cười vỗ vai hắn mấy lượt, rồi bắt tay hắn.

Việc cứu người Tàu bị thổ phỉ bắt cóc này, ông sếp ga kể lại cho vợ chồng anh phu kíp nghe. Bởi vì ông ăn cơm trọ nhà anh ta. Vợ chồng anh này cũng người Hải Dương, cho nên ông lấy làm thân.

Về phía anh phu kíp, vì việc không liên quan đến anh, nên anh nghe thoáng qua thôi. Rồi ngày tháng trôi, chuyện nào cũng thành cũ, ông ký Sơ vẫn làm những việc hằng ngày, bán vé, thu vé, giơ cờ hiệu cho tàu đứng, huýt còi cho tàu chạy, bóc xem trộm nhật trình và mượn súng đi bắn. Ông quên dần việc nghĩa cử của ông.

Vì nhàn rỗi, lại ở lâu ngày trên chỗ nước độc, ông Sơ cũng có nhiều thì giờ để ốm nữa. Giữa trưa mùa hè hẳn hoi, nắng như đốt lửa, nóng như nấu, như nung, mà đứng thu vé ở cửa, ông vẫn tùm hum cái khăn bịt và xù xù cái ba-đờ-xuy. Hành khách trên các toa đương nhễ nhại mồ hôi, khi nhìn xuống, thấy ông ăn mặc trái khoáy thì chỉ trỏ, và nhăn răng cười với nhau. Họ không biết ông đương lên cơn sốt rét, run bần bật.

Ông ký Sơ ốm ngã nước, không có thuốc uống, nên đâm ra kiết lỵ. Cơm cháo không ăn được. Một ngày một đêm, ông đi đến năm sáu chục lần, rồi đến trăm lần. Trước ông còn làm việc gượng, sau mệt quá, ông phải nhờ anh phu kíp làm thay hộ. Đến khi tay chân ông chỉ còn cái da bọc cái xương, và được người Tây cắt vé nhìn thấy, ông mới được phép về nhà thương Hà Nội để chữa.

Ga Đồng Đăng vắng sếp, anh phu kíp được tạm quyền.

Anh phu kíp tên là gì, người ngoài không biết. Thấy ông sếp ga gọi anh là bác Kíp, người ta cũng theo thói thông thường, gọi nhau bằng chức vị, cũng gọi anh là bác Kíp. Chả ai tò mò hỏi tên thật của anh làm gì.

Từ ngày anh lên quyền sếp ga, anh được gọi là ông hoặc thầy sếp quyền, ký quyền.

Anh ta trạc ngoài hai mươi tuổi. To lớn khỏe mạnh. Trông người thì ra dáng quê mùa, nhưng muốn chừng đáo để lắm. Ngay hôm mới đến Đồng Đăng, anh ta đã khoe với mọi người rằng anh là viên chức nhà ga kia. Anh làm phu kíp chẳng qua là tạm bợ. Chứ đọ sức học, thì anh đáng làm thông ký như ai, hay ít ra, cũng làm cai chào mào đi Tây, chứ không kém.

Anh cũng như mọi anh phu kíp khác, chỉ dám đi lại với những người ngang hàng, như phu trạm, lính đồn. Anh chen chèo với cả ông chủ nhà dây, với các cai đội, chủ hiệu. Những người bốc nên giàu có, như tay Chánh Cù, tay đội Trí, khét tiếng về buôn lậu, anh cũng mon men làm quen. Anh nói tiếng Tây giả cầy, hoặc chêm tiếng bồi vào câu chuyện với cả những người không biết tiếng Tây. Anh coi thường ông sếp Sơ, cho là sống lâu lên lão làng, chứ so chữ nghĩa với anh, chưa chắc mèo nào đã cắn nổi mỉu nào. Anh tự ví như lưỡi gươm sắc, chưa được dùng đúng, nên bây giờ tạm phải chém ruồi.

Anh kể với ông Sơ tại sao anh đi làm phu kíp, mà lại lên tận Đồng Đăng này.

Trước kia anh có đi học ở trường Pháp Việt đến lớp ba. Vì cả tổng chỉ có một trường sơ đẳng. Anh học nữa thì thày hết chữ, nên anh bỏ học. Nhà có ít ruộng, nhưng anh cũng không thích làm. Làm ruộng vất vả, may lắm mới đủ ăn. Anh chỉ muốn kiếm việc ở Hà Nội. Ở Hà Nội, cái gì cũng sẵn. Người Hà Nội sung sướng, ai cũng đẹp. Tuy Hà Nội người khôn của khó, nhưng hễ tháo vát thì sống được, gặp may thì phong lưu, gặp vận thì giàu, cũng chưa biết chừng.

Anh có một người dì họ làm nghề lấy Tây. Tên người này, khi ở nhà, thì là cái Ĩnh con. Nhưng bây giờ, năm thì được gọi là bà Xà-phòng, năm thì được gọi là cô Đội. Chắc là trong những thời gian này, cô ở được anh Tây chủ hiệu Xà-phòng bao, hoặc lấy anh đội lính Tây, hoặc đội sếp nào đó. Cái ngày anh phu kíp nhờ dì kiếm việc hộ, là ngày mà người ấy được gọi là bà Đốc. Bà Đốc về làng chuyến này, trông ra phết lắm. Không kể cổ, tai, tay, ngộn lên những hột vàng, hoa vàng, nhân ba-dê vàng, mà ai cũng biết tỏng là đồ Mỹ-ký, thì bà Đốc dận giày da mũi nhọn, chứ không lệt sệt đôi dép Nhật Bản rơm, mặc quần lĩnh hoa thâm, áo the trơn trắng tà viền đăng-ten, vấn tóc trần, lõng thõng cái đuôi gà giả chấm vai, và đội cái nón dừa bọc vải chúc bâu, rủ một hàng diêm chun xuống chung quanh. Hắn lại hay cười, để khoe hàm răng văn minh mới cạo. Thấy cô ở sang trọng hơn trước, lại khoe với mọi người là “nhà tôi bây giờ là ông Đốc”, người làng biết là hắn khá, đã lên chức. Hạng này không khéo thì sau cũng có tàn có tán như cô Tư Hồng không biết chừng. Quả thế. Hắn về quê để tìm một người kéo xe nhà cho hắn, cơm nuôi, không công. Hắn dỗ dành là: “Chỉ kéo tôi đi chơi mát mỗi chiều một vài giờ, chứ không kéo ông ấy đâu. Ông ấy có xe bình bịch”.

Anh phu kíp đã lớn và đã có vợ con. Mẹ ghẻ anh thấy anh không làm nghề ngỗng gì chỉ ăn hại, nên không ngày nào không nhiếc móc anh. Bà ta xui bố anh bắt vợ chồng anh ra ở riêng. Bởi vậy, muốn đẩy anh đi, bố anh khuyên anh bằng những lý do rất chính đáng.

– Tao ức một nỗi cai Tăng cũng đi dẹp giặc như tao, kể công hắn không bằng công tao, nhưng chỉ vì hắn nhanh mồm nhanh miệng, khéo luồn lọt mà hắn được ra làm tri huyện. Còn tao, giặc yên tao không được lên lon cai, về làng, chịu là anh bếp quèn suốt đời. Mà ở làng, ở nước, bao giờ nghèo hèn cũng khổ nhục. Mấy lần mày phải đi phu, bị đàn anh ức hiếp, đánh chửi, mày cũng sáng mắt ra rồi đấy. Bây giờ nhà nước đương cần người sang Tây để dẹp giặc Đức dã man cho Mẫu quốc. Tao tưởng không còn dịp nào tốt cho mày như dịp này. Người ta nghe tin bắt lính thì trốn như trạch, đến nỗi hương lý phải lùng bắt. Vậy mày tình nguyện mà ứng mộ đi chào mào. Chắc rằng cái tâm đó, nhà nước sẽ thấu. Mày có lương để nhà cho vợ mày ăn. Chúng mày không phải bám vào cái khố rách của bố. Rồi sang bên ấy, mày hết sức trung thành, can đảm, lập được công to, thì thế nào mày cũng được ra làm quan như cai Tăng. Mày giàu sang. Vợ con mày sung sướng. Tao cũng được thơm lây.

Nhưng anh phu kíp không nghe bố. Vì anh nhát. Anh sợ sang Tây thì chết bỏ mạng ở bên ấy.

Song, không lẽ anh làm khổ bố mãi, anh toan liều nhận đi làm với người vợ Tây. Nhưng bố anh cáu với anh, vì anh không nghe lời ông, nên lại nghĩ những lý do để ngăn anh:

– Giấy rách phải giữ lấy lề. Tao chả gì cũng đóng lon bếp. Mày lại biết chữ, đã chết đói đâu mà chực đi kéo xe cho con đĩ!

Sợ bố, anh nhờ người vợ Tây kiếm hộ việc khác. Dì thương cháu mồ côi mẹ, sểnh mẹ bú dì, hắn mặc cả với anh là phải tạ ba tháng lương đầu, “vì ông ấy cũng phải đi nói với người ta”. Bất cần biết người ta với người ngô là ai, anh xin vâng. Hắn gật đầu: “Được, để dì bảo chú một tiếng. Me-xừ Giô-dệp Phăng-đi thần thế, và hay làm ơn cho người, chẳng lẽ vợ nói mà không đắt!”.

Hơn một tháng sau, cô Ĩnh con đánh giấy về gọi cháu đi làm. Nói chống là làm ga. Từ đó, người làng mới rõ me-xừ Giô-dệp Phăng-đi là thứ đốc gì. Hắn là đốc công nhà máy xe lửa.

Anh thanh niên đương khát khao được dịp bỏ nhà, nay có việc, mà chắc chắn là làm bàn giấy ở Hà Nội, thì mừng rơn. Nhưng gặp dì nói rõ, anh mới ngã ngửa ra, là anh đi làm phu kíp, mà lên tận ga Đồng Đăng này. Dì anh dỗ rằng Đồng Đăng gần Hà Nội, nước lành, công việc phu kíp phải người có chữ nghĩa mới làm nổi. Hắn khuyên anh không nên bỏ lỡ dịp hiếm có mà phụ lòng tử tế của me-xừ Giô-dệp Phăng-đi. Nếu anh khéo chiều chuộng quan trên, nốt-xê được tư bồồng[1] luôn, thì sẽ ăn lên, dần dần thăng làm sếp kíp. (*[1] Nốt-xê và bồồng là do tiếng dossier và tiếng bon đọc giọng bồi, nghĩa là hồ sơ, hồ sơ lý lịch được tư tốt.)

Không lẽ lại quay về làng thì xấu hổ, anh thanh niên đành lên Đồng Đăng làm phu kíp. Để giữ trọn cái tiếng là ra Hà Nội làm ga.

Anh phu kíp được ông sếp Sơ là người nhiều tuổi, đứng đắn, hiền lành và tử tế, nên dễ chịu lắm. Công việc của anh rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng hơn cả công việc của ông sếp. Hằng ngày, mỗi khi tàu sắp tới, anh mới phải cầm cờ, cầm pháo ra xem xét đường sắt, nhìn lại đầu ghi. Tàu qua, anh sai vợ quét qua loa cái nền ga cho khỏi rác. Về xơ-vit[2], ông sếp chả nói được anh chỗ nào. Rồi thì buồn, cho nên những hôm biết chắc chắn không có công-tôn[3] Tây lên, anh xui ông ký Sơ cứ đi bắn xa, công việc đã có anh làm hộ đâu vào đấy. (*[2] Xơ-vit do tiếng Service, nghĩa là công tác. *[3] Công-tôn do tiếng contrôleur, nghĩa là kiểm soát viên.)