Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ngay buổi trưa hôm ấy, ông Lăng tìm được anh Thừa và ông Hoài Tân Tử. Ông chắp tay vái hai người đến mười vái, và nói:

– Lạy hai bố, hai bố làm hại tôi! Ê-lếc-tơ nó chửi tôi! Mục đích của tôi chưa đạt. Ngày bầu cử chưa đến, mà hai bố đã giết báo của tôi mất rồi.

Anh Thừa bật cười nghĩ: “Nhưng tôi đã lấy được vợ, mục đích của tôi đã đạt”.

Ông Lăng phải đình bản báo Chấn Hưng.

Và cũng ngay từ tối hôm ấy, dư luận ầm lên ở Hà Nội, phàn nàn cho ông chủ thầu Nguyễn Thúc Lăng bị hai tai họa bất ngờ dồn dập. Tòa báo Chấn Hưng mà ông chỉ đứng tên là sáng lập vừa bị phá ban ngày, ông vừa đóng cửa cái tòa báo mất hết của, thì đến tối, cái nhà toàn lim và xi-măng, mà ông vừa mua hai nghìn bạc ở trước cửa trường Cửa Đông, lại bị cháy luôn! Cháy nhanh quá. Vòi rồng nhà nước không dập tắt kịp.

Báo Chấn Hưng đình bản. Sảy đàn tan nghé! Nhà phóng viên Tiêu Lang thì lang thang ở các trường học, gạ viết văn chim gái thuê.

Ông trợ bút Tình muôn thuở đến gạ nhà học giả Đỗ Thận sắp được nhà doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi vời làm chủ bút báo Khai Hóa, để xin làm trợ bút, viết chửi báo Chấn Hưng làm hại đạo đức quốc dân.

Còn ông chủ bút Trần Đức Thừa, thì chao ôi, thật là họa vô đơn chí.

Bị ăn cứt, bị mất việc, đến khi anh gặp vợ ở nhạc gia, anh còn bị cô sa sầm nét mặt lại.

Cô nghi anh đi ăn mảnh. Mà anh thì không dám khai thực là ăn gì.

Anh nghi cô đã nghe mẹ Mão nói xấu anh. Song, anh lại không dám lạy ông tôi ở bụi này.

Thành thử hai người nghi lẫn nhau, vì cùng không hiểu nhau.

Chung giường, khác mộng.

Chủ bút ăn phân, miệng chửa khô.
Inh trời mùi báo báo cô cô!
Sướng cho sáng lập, cười ha hả.
Đốt mẹ nhà đi, kiếm lãi to!

§15. Em với chị

Cô Lễ về nhà.

Cụ bà đương dở nói chuyện với mấy người khách buôn to, thấy con thì mừng rỡ:

– Làm gì mà cả hai vợ chồng đến nửa tháng nay chả ai về thế? Thầy cứ mong.

Rồi cụ bảo:

– Đẻ bận, hãy lên gác mà thăm em nó đau bụng, phải nghỉ học.

Cô cố mỉm cười, vâng khẽ một tiếng, rồi hỏi:

– Em Nghĩa gái con có nhà không ạ?

– Vừa đứng ở đây. Dễ thường lại ở trên gác rồi.

Cô chào cụ ông, rồi lên thang, còn nghe thấy cụ bà nói theo:

– Chả biết sao mà độ này gầy rộc hẳn đi. Mặt mũi ngơ ngác, hốc hác.

Người khách cười:

– Nghén chứ còn sao nữa.

Cụ phàn nàn:

– Nhà hiếm, được hai mụn, thì cứ như cái kim chì ấy.

Lên đến gác, cô thấy hai vợ chồng cậu Nghĩa đương ngồi mặt ỉu xịu. Cô nói:

– Chị lo quá, các em ạ. Đêm qua, chị mất trộm hết cả tư trang.

– Thế nào? Thế nào?

Thấy em hỏi dồn dập, cô đáp:

– Phải, mất sạch sành sanh! Anh đương đi trình cẩm.

Cậu Nghĩa hỏi:

– Để thế nào mà lại mất?

– Để như mọi khi thôi. Chỉ tại chị sơ ý, không đóng cửa.

– Thế anh đâu, mà trộm vào nhà lại không biết?

– Cũng ở nhà. Mất của, chị vừa tiếc vừa bực, lại còn lo thầy đẻ biết nữa. Chị định nói với mợ cho chị mượn đôi hoa với chuỗi hột của mợ, để chị đeo, cho đẻ khỏi hỏi.

Mợ Nghĩa vâng, vội vàng đi lấy đồ vàng cho chị. Trong khi ấy, cậu Nghĩa trầm ngâm, rồi hỏi:

– Anh đi trình cẩm à?

– Phải.

– Nhưng anh chị có nghi cho ai lấy không?

– Biết ai lấy mà nghi?

Cậu lắc đầu:

– Vô ích. Đến Sở mật thám cũng chả xét nổi vụ trộm này.

Mợ gật đầu:

– Phải, mình có nghi ai thì trình họ, họ mới có manh mối mà dò xét chứ.

Cậu cười:

– Không phải thế. Chị không nghi ai, nhưng em có nghi.

Cô Lễ tái mặt. Cậu Nghĩa tiếp:

– Có thánh cũng không tìm ra vụ trộm này. Kẻ gian ở trong nhà.

Bỗng cô Lễ bưng mặt, nức nở khóc:

– Các em ơi! Chị khổ quá! Nhưng chị xin các em đừng nói với thầy đẻ, mà thầy đẻ buồn. Chị gửi em văn tự nhà, lại không dọn đến đấy ở, là em hiểu hết.

Mợ Nghĩa thở dài. Cậu Nghĩa nói:

– Chị muốn giấu, nhưng em biết từ lâu. Em định bàn với chị.

– Chị cũng định gặp em để bàn, nhưng cứ thấy em bận học, vả lại không muốn em vì thương chị mà phải lo nghĩ. Thành thử một mình chị phải chống chọi trăm chiều, lắm lúc quẫn cả trí.

Cô thở dài:

– Nói ra thì tủi, thì nhục. Thà tội mình thì mình chịu một mình.

Cô lại hu hu khóc.

– Em biết cả rồi chị ạ. Cái hôm nọ đến phá tòa báo, chính là họ định đánh què chủ bút đấy. Nhưng vì nể em, họ mới thôi. Chứ không phải họ biết rõ là chủ bút vô tội, đánh thì oan đâu. Vả em cũng không giấu họ là anh chỉ làm việc đi lấy quảng cáo cho báo, chứ chữ nghĩa đâu, biết gì mà viết lách.

Cô Lễ chùi nước mắt, nhìn em. Cô lại biết thêm một điều mới về chồng. Cô bảo:

– Nhưng em biết anh sao bằng chị. Người vợ cả của anh nói hết chuyện với chị rồi. Chị tủi lắm, nhục lắm.

Cô lại thút thít.

Có tiếng cụ bà gọi mợ Nghĩa. Hai chị em phải yên lặng. Một lát, cô Lễ hỏi:

– Em đau bụng thế nào?

Cậu Nghĩa nói khẽ:

– Em nói dối đấy. Em phải đuổi một tuần.

Cô Lễ trợn mắt:

– Sao? Sao lại phải đuổi?

– Thằng đốc Lôm-béc-giê nó ác quá. Anh em rủ nhau bãi khóa.

Cô Lễ thở dài. Cậu Nghĩa tiếp:

– Từ ngày làm đốc, nó đánh bao nhiêu học trò bị thương rồi. Nó như thằng có máu điên, lúc nào cũng cầm cái ba-toong to bằng cổ tay này, bất kỳ ai, lớn hay bé, lỗi nặng hay nhẹ, là nó vừa thét, vừa vụt. Nó coi học trò như kẻ thù, cho nên học trò phải phản đối nó. Em vào hạng nhẹ, phải đuổi một tuần. Có người phải đuổi hẳn, có người phải đuổi nửa tháng. Thầy đẻ có hỏi em đau thế nào, chị cứ nói là em gần khỏi rồi nhé.

– Được. Nhưng ngộ thầy đẻ thấy em còn nghỉ thì sao?

– Không. Em không ở nhà cả tuần. Mai kia, em cứ vờ đi học, nhưng đến ngồi ở nhà bạn.

– Thế thì phiền nhỉ.

– Nếu không chịu phiền thế, thì thầy đẻ lo em ốm, lại cho gọi anh đến chữa, còn phiền hơn ấy.

Cô Lễ thở dài:

– Chị không ngờ đâu là chị bất hiếu, đến nỗi bây giờ dối trá cả với cha mẹ.

– Em thấy thầy đẻ bây giờ vẫn còn bị anh bịp và tin anh, lắm lúc em muốn nói ra, nhưng chỉ sợ thầy đẻ cũng tủi nhục và thương chị, rồi đến ốm mất.

– Nhưng giấu sao được thầy đẻ mãi. Mình là con, có nỡ ngồi yên mà nhìn cha mẹ mắc nạn không? Điều này là điều làm cho chị khổ tâm nhất. Chính là từ lâu, chị muốn bàn với em điều ấy, nhưng lại cũng thương em, không muốn nói ra cho em thêm đau lòng vì chị.

– Chính em cũng vì thương chị mà phải giấu thầy đẻ. Thế bây giờ chúng ta nên như thế nào?

– Chị tính rằng điều gì cần cho thầy đẻ biết, thì cứ cho biết, điều gì không cần, thì thôi. Ví dụ như anh là con cái nhà ai, ngày trước làm những việc gì, đã bỏ, đã lấy bao nhiêu vợ, là những điều không cần cho thầy đẻ biết, vì biết thì nghĩ ngợi, sinh ốm.

Cô Lễ nói rõ cho em nghe về lịch sử của chồng mà cô được mẹ của Mão kể cho cô biết. Cậu Nghĩa luôn luôn thở dài, và lắc đầu. Nghe xong, cậu nói:

– Em không ngờ!

Cô Lễ khóc:

– Bây giờ đột ngột mà thầy đẻ biết như thế, có khác gì ngã từ trên cao xuống đất hay không? Cái lần chị nghe chuyện về anh xong, chị chỉ muốn đi tự tử.

Cậu Nghĩa lắc đầu:

– Không nên. Tự tử thì tiếng để muôn đời.

– Chị cũng nghĩ thế. Gia đình mình là gia đình lễ giáo, thầy đẻ thì nệ cổ. Cho nên chỉ định lấy lời lẽ ôn tồn can ngăn anh dần dần, lấy tình yêu và bổn phận cảm hóa anh dần dần. Một người có quá khứ như thế, mà biết hối cải, thì càng đáng khen. Nếu sau này, có ai nhắc đến quá khứ của người ấy, thì chỉ là muốn làm tăng cái hay của hiện tại.

– Đúng lắm.

Cô Lễ thở dài:

– Nhưng mà chị thất vọng, em ạ. Chứng nào vẫn giữ tật ấy. Hiện giờ còn đương chấp chới con nữ học sinh mười sáu tuổi tập tọng viết báo. Hôm kia, chị bắt được bức thư gửi cho nó, y như bức thư ngày trước viết cho chị, chả khác chữ nào. Thế mà còn dám cả gan đánh chị. Vũ phu quá!

Cô Lễ nức lên một tiếng, rồi thút thít. Cậu Nghĩa cười khẩy:

– Quân mất dạy!

– Không phải lần ấy là lần đầu tiên đánh vợ đâu, em ạ. Tất cả đến nay là năm trận rồi! Dỗ lấy văn tự nhà không nổi, cũng đấm đá. Tán bán nhà không nổi, cũng đấm đá. Rồi văng tục, văng rác, rồi tiên sư, tổ sư. Chị nghĩ đi lấy chồng để ông bà ông vải phải chửi, chị cực quá!

Cô lại khóc:

– Rồi mấy lần dọa bỏ chị nữa. Vì biết rằng thế nào chị cũng không dám bỏ, thì phải theo ý mà bán nhà đi.

– Phải rồi. Hắn ta nắm được chỗ yếu ấy, không những là của chị, mà cả là của thầy đẻ nữa đấy. Thầy đẻ đã buồn vì chị lấy chồng không cưới xin gì, nay chưa đầy ba tháng, lại bị chồng bỏ, thì chắc muốn giữ tiếng, thầy đẻ phải thu xếp cho ổn. Theo em nghĩ, hắn ta muốn cứng, thì chị đừng mềm. Chị cứ về nhà mà ở, xem hắn ta làm thế nào nào?

– Chị đã làm thế. Nhưng trừ cái lần chị cáo đau bụng trốn lên ngủ ở đây, đẻ không biết, còn lần nào, chị định ngủ nhà, đẻ cũng đuổi quầy quậy. Mà chị thì không tìm được cớ gì cho đẻ xuôi tai được. Nói thật thì không dám. Thầy cũng mắng chị là con gái có chồng, không được phép ngủ đêm một mình ở chỗ khác, dù là nhà cha mẹ.

Ngừng một lát, cô Lễ tiếp:

– Lại một điều làm cho chị khó xử nữa, là chị có nghén. Chị chán, chả muốn nói cho hắn ta biết. Cho nên chị sợ ngủ ở nhà, hắn ta biết hẳn hoi, nhưng cứ đổ oan cho chị, để thầy đẻ phải lấy tiền mà lấp miệng hắn ta.

– Quân đào mỏ!

– Cho nên việc mất trộm đêm qua, chị chẳng nghi người nào lấy đâu. Người ngoài ai biết chỗ chị để đồ vàng? Thế mà cũng dang tay tát chị một cái đấy, em ạ.

Bỗng có tiếng chân lên thang. Hai chị em ngừng chuyện. Mợ Nghĩa nói:

– Chị xuống đẻ gọi.

Rồi mợ mách:

– Đẻ vừa mua được món lụa đẹp lắm, bảo là chia cả cho anh chị, mỗi người may một áo cộc.

Cô Lễ thở dài.