Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Tác giả chẳng cần nói rõ là hai con của Thừa như tạc với ai. Chắc độc giả đã đoán ra đôi sinh vật cỏn con đó, mang nhãn hiệu như vậy, là tác phẩm do hãng nào sản xuất rồi. Vậy thì bây giờ ta đã hiểu vì sao, không ân tình gì với Thừa, cha Hảo đã phải tận lực lo lắng cho thằng giết người ấy được tạm tha ngay để mà sum họp với Ma-ri. Thì ra tôn giáo bao giờ cũng gây hạnh phúc cho những người vẫn gọi nhau là vợ chồng. Dù pháp luật có muốn chia lìa họ, thì nhà tu hành cũng lăn lưng vào cứu cho họ được gần gụi nhau.

Nhân đạo vậy thay!

Nhưng Trần Đức Thừa lại không tin cả pháp luật, tôn giáo, lẫn khoa học.

Trước hết, thấy Ma-ri mách là có mang, thì hắn ừ hữ vậy thôi. Có lẽ hắn tin đấy. Nhưng đến hôm Ma-ri cho hắn xem tờ giấy chứng nhận của thầy thuốc nói rằng sẽ đẻ thiếu tháng, thì hắn nghi ngay. Cớ sao tự nhiên lại lạy ông tôi ở bụi này? Vả những lời chứng nhận mà Pi-ca ghi trong biên bản khám tử thi cô Lễ, đã chứng nhận cho Thừa đo được lương tâm nhà nghề của quan tiến sĩ y khoa này rồi.

Hôm Ma-ri đẻ, Thừa đến thăm. Hắn thấy con của hắn mà giá có ngay một bộ râu xồm che lấp mồm nữa, thì vô khối con chiên bổn đạo nhìn thấy, phải làm dấu câu rút. Thấy hắn thản nhiên như không, Ma-ri phải nói ý để thuyết phục:

– May quá, mặt mũi chúng nó giống cha! Moa sùng đạo cũng có hơn!

Thừa không nói gì. Hắn về, đem chữ nghĩa của bác sĩ đến cho ông nhà thơ Hoài Tân Tử coi, và vấn kế xem nên xử trí thế nào. Ông Tình muôn thuở xui:

– Có chứng cớ rành rành là nó bịp mày, thì mày đợi gì mà không xoay tiền thằng dê già. Nếu thằng này không cho, mày cứ dọa là sẽ đăng báo để bêu.

Thừa mừng lắm, hôm Ma-ri bế con về, hắn sinh sự ngay. Nhưng hắn vừa nói được câu đầu, thì Ma-ri đã hiểu, và thốc cho một thôi:

– À, toa muốn vô nhân bạc ngãi phỏng? Toa không biết cái hĩm của moa là một, cái mồm của thằng Tây là hai, nó cứu sống toa à? Không có thì bây giờ toa có mục xương ở trong tù không? Chẳng biết dơ! Thà cứ câm họng còn thương được. Moa truyền hồn cho từ giờ đến già, nếu toa muốn sung sướng, danh giá, thì đừng có vô ơn hai cái ấy!

Thừa ức lắm, nhưng đành nhịn. Hắn sợ Ma-ri dùng hai cái ấy để phản hắn.

Từ hôm đó, cả Thừa lẫn Ma-ri cùng suy nghĩ và tính toán.

Thừa hiểu rằng cái người mà hắn vẫn tưởng là đại ân nhân của hắn, chẳng qua chỉ là thằng đại bợm. Nó để râu thật rậm và mặc áo thật dài để che cho kín mặt mũi và bụng dạ bẩn thỉu của nó. Rồi nó lợi dụng tôn giáo, trút cho hắn gánh hộ nó cái nhục. Hắn nhớ lại từ ngày Ma-ri bỏ hắn. Rõ ràng hắn được tự do hơn. Cô Lễ hiền lành, thật thà, cho nên dễ tin hắn. Lấy cô làm vợ, không bao giờ hắn bị bó buộc. Hắn vắng nhà hàng đêm, có lần hàng hai ba ngày, đến lúc về, hắn chỉ nói một câu là đi công việc báo, cô vui vẻ liền. Cô còn xót xa hắn vất vả, và chiều chuộng gấp bội. Hắn tiếc rằng giá không có mẹ Mão đến phá, thì thế nào hai cái nhà của cô cũng về tay hắn. Hắn sẽ dựa vào tiền tài của cô để gây lại cuộc đời.

Bây giờ ở với Ma-ri, hắn dựa vào cái gì của Ma-ri? Ma-ri đã tìm thế lực làm cho hắn trắng án. Hắn đã thoát tù. Thế là đối với hắn, Ma-ri không còn gì cho hắn lợi dụng nữa. Song, sự thật, thì là hắn tránh khỏi nhà tù nhà nước để chui vào nhà tù Ma-ri. Hắn không trông mong gì ở Ma-ri trong việc làm lại cuộc đời. Thế mà hắn còn phải nuôi một lũ con và nuôi Ma-ri. Ma-ri ăn, mặc, chơi, tiêu đã đành, thỉnh thoảng cơn đứng đắn bốc lên, Ma-ri còn dở trò buôn bán để phá thêm của nữa.

Ma-ri lại về với hắn để bám. Bám vào tiếng ở với chồng để che tội cho con dê xồm, bám vào tiền của hắn để hắn phải nuôi báo cô lũ con khác giống. Hắn có nợ nần gì Ma-ri kiếp trước, mà kiếp này bị đày đọa lại?

Thừa chán ngán. Hắn không thể cáng được gánh nặng. Hắn phải ở một mình. Ở một mình, không bị xiềng xích, hắn mới tìm được hạnh phúc. Dù chẳng làm giàu, hắn cũng được tự do. Nhưng thế nào hắn cũng làm giàu được. Ở đất Hà Nội này còn khối thằng không bằng hắn, mà cũng nhà lầu, ô-tô đàng hoàng, thì nhất định hắn không chịu kém cạnh. Khi trong tay đã sẵn có đồng tiền, hắn có thể lấy ai thì lấy, nhưng quyết không lấy một người như Ma-ri.

Nghĩ đến mấy năm ăn ở với Ma-ri, hắn sợ quá lắm rồi, bức quá lắm rồi.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Thực tế là Ma-ri ở nhà này rồi. Tiếng thằng Giăng khóc, tiếng hai đứa mới đẻ suốt ngày bên tai hắn, làm hắn bực dọc mà không dám nói ra. Hắn biết rằng hiện giờ Ma-ri chưa đòi, nhưng thế nào nay mai Ma-ri cũng bắt hắn mượn vú em để nuôi con. Mà những hai vú em kia, mới chết chứ! Không những vậy, có thể Ma-ri muốn rảnh tay, còn nuôi cả chị hai để trông thằng Giăng nữa cũng nên!

Đến hôm nay, hắn còn một ít tiền và món đồ vàng mà hắn ăn cắp của cô Lễ. Nhưng nếu cứ đà ngồi không và ăn tiêu này, thì đến có núi của cũng hết.

Bỏ Ma-ri? Cố nhiên rồi. Nhưng làm cách nào để bỏ? Ma-ri tai ngược chứ không cù mì như mẹ Mão, và thâm trầm chứ không trung hậu như cô Lễ. Ma-ri mà biết ý định của hắn, tất Ma-ri xử lại rất thâm độc, nham hiểm. Ma-ri không cho hắn giũ dễ dàng như giũ mẹ Mão, như giũ cô Lễ, mà càng bám chắc, bám dai như con đỉa, lầy nhầy ám hắn suốt đời.

Ma-ri cũng ngấy cái cảnh Thừa lắm rồi. Sở dĩ hắn bỏ về với Thừa, chẳng qua là vì hắn biết anh cha đạo không thể phá giới mà hoàn tục để kết bạn trăm năm với hắn. Mà ở nước Nam này hiện giờ, không còn chỗ nào hắn có thể ở một cách yên ổn, mà trong đó lại có người để hai đứa nhận ngay là vợ chồng một cách tự nhiên như ở đây. Không may cho hắn, mặt mũi hai con bé đã tố cáo âm mưu của hắn. Rõ ràng là Thừa không chịu nhịn nữa rồi.

Trước khi về với Thừa, Ma-ri vẫn tưởng Thừa làm báo, thì có lương nuôi nổi vợ con. Ai ngờ Thừa chẳng có nghề ngỗng gì. Căn nhà ở lại chật hẹp, tối tăm. Hắn chưa đòi hỏi gì, mà lúc nào Thừa cũng kêu túng, kêu thiếu, làm như xo dụi, chết đói đến nơi rồi. Biết là Thừa làm như vậy để bịt miệng hắn, hắn thấy không thể kéo dài đời hắn theo nhịp sống như thế này mãi được.

Bỏ Thừa để lấy người khác? Cái đó đã hẳn rồi. Nhưng không phải việc của hôm nay hay ngày mai. Hôm nay hay ngày mai, hắn còn máu non. Nhà của Thừa là chỗ hắn còn có thể tạm dung thân, thì hắn chưa nên rời cái “phòng đợi” này.

Ma-ri lấy tấm gương để soi và chải đầu. Da còn xanh. Má chảy xị hẳn xuống vì nằm cả ngày. Mỗi lần chải, hàng chục sợi tóc rụng dính vào lược. Hắn thở dài. Hắn nghĩ đến câu gái ba mươi tuổi đã toan về già. Năm nay hắn mới ba mươi hai. Chẳng lẽ ở tuổi này mà là bắt đầu hết xuân à? Hắn nhìn xuống giường. Thằng Giăng và hai em nó đương ngủ say. Hắn thương hại ba đứa. Hắn đi lấy người khác, thì chúng nó ở với ai? Địu chúng nó cạnh nách, hắn có thể lấy được chồng không? Người đàn ông nào lấy hắn làm vợ mà sẵn lòng bao cả từng này đứa con riêng của vợ? Hay là cho người khác nuôi? Người phúc đức mấy cũng chỉ nhận một đứa. Mà người hiếm hoi, ai nuôi con gái làm gì?

Ma-ri buồn lắm. Thấy đối với hắn, Thừa không ra thờ ơ, không ra vồ vập, hắn càng thấy hắn dơ dáng dại hình.

* * *

Chờ cho người khỏe mạnh, Ma-ri đến báo tin cho lão cha Hảo biết việc mình đẻ sinh đôi, và việc Thừa định dở mặt. Người cha đạo hỏi:

– Có thật con đẻ sinh đôi, có thật nó giống cha, có thật chồng con giận con không?

Ma-ri đáp:

– Thưa cha, nếu con nói dối cha, thì con xin phép cha cho con đi xưng tội ạ.

Nhà tu hành cười:

– Thì con lại xưng với cha, chứ với ai? Thế bây giờ con muốn gì?

– Trình lạy cha, cha dạy cho con nên làm thế nào ạ?

– Thằng chồng con được cha cứu, cha khuyên bảo nó nhiều lần là nên theo đạo để được dạy dỗ cho thành người lương thiện, nhưng nó cứ ừ hữ. Thế là nó không tốt. Cha phải bằng lòng cho con lấy người ngoại đạo, là cha đã chịu nước lép quá rồi.

Ma-ri ngắt lời:

– Con cũng ức lắm. Cho nên con định xin phép cha cho con bỏ nó.

– Bỏ nó thì con lấy ai?

– Thưa cha, không lấy được ai, thì con lại về ở với cha như truớc.

Cha Hảo xua tay:

– Không ở với cha được. Con mắn quá! Cha sợ. Mà đẻ những sinh đôi kia!

– Trình lạy cha, do công ơn của cha.

Ma-ri nhoẻn miệng. Nhà tu hành vẫn nghiêm trang:

– Cha cấm con từ nay không được gặp riêng cha nữa. Và cha ra lệnh cho con phải về với thằng Thừa, ngoan ngoãn mà nhận là vợ của nó.

– Thưa con nhất định bỏ nó.

– Con phải biết ở thế gian này, có thằng chồng nào dễ dãi như thằng Trần Đức Thừa không? Nó đã nhận thằng Pôn, thằng Giăng là con nó, thì tất nó cũng nhận hai đứa này là con nó. Lấy được người chồng dễ dãi về mặt nhận con là một hạnh phúc hiếm có cho người vợ. Sao con không biết hưởng?

Để cho Ma-ri thấm thía lời dạy khôn, một lúc, hắn mới tiếp:

– Nhưng một người chồng không phải chỉ chịu nhận con người khác là con mình để không được lợi gì. Vậy đền lại nó, con phải làm ra âu yếm, quý mến nó.

– Thưa cha, con nghĩ không đền gì tốt bằng tiền ạ. Bây giờ nó thất nghiệp mà phải nuôi một vợ với bốn đứa con mọn. Cho nên cả con với nó, hai đứa cùng gớm mặt nhau.

– Thế chúng con lấy gì mà sống mấy tháng nay?

– Thưa toàn tiêu vào tiền của con Lễ đấy ạ. Con muốn trình cha tháng tháng cho con món phụ cấp gia đình ạ.

Người cha đạo nhún vai:

– Nhà thờ không phải là chính phủ mà con đòi hỏi thế. Vả con không phải là công chức.

– Thưa phụ cấp riêng của cha phát ấy ạ.

– Không được.

– Nếu cha không phát tiền, con đến phải đưa chúng nó cho bà sơ nuôi làm phúc thôi. Con chỉ sợ các bà hỏi là con của ai, thì con khó nói lắm.

Người cha đạo cười nhạt:

– Con dọa cha, hể? Thôi, con cứ về đi. Cha sẽ nghĩ giúp con.

– Thưa cha, bao giờ cha nghĩ ạ?

Nhà tu hành cau mặt. Hắn gãi đầu, gãi râu, rồi nói:

– Cha không phải người sai hẹn. Hiện nay miền Nam nước Pháp đương bị lụt to. Thế nào các thuộc địa cũng phải tổ chức cứu tế.

Ma-ri thở dài, nói một mình:

– Thế thì nước mẹ gì?

Rồi hắn nhắc:

– Thưa cha, chồng con lại là An-nam, không bị lụt kia ạ.