Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

§8. Khao thất bại

Thừa trượt nghị viên được năm hôm, thì hắn phải tổ chức một bữa cơm mời mọc bạn hữu đến Cẩu Rồng để ăn, gọi là tiệc khao. Tuy không phải là khao nghị hụt mà là khao tưởng lục. Nhưng theo hắn nghĩ, cũng là khao sự thất bại.

Thật là cả một chuyện đáng khóc mà cứ phải cười, và lại cười vào lúc đương khóc.

Nguyên là cái hôm Thừa đến Vĩnh Yên để nhận bằng tưởng lục, tên công sứ Mát-xi-li có nói một câu là hẳn lần này ông khao to hơn hai lần trước. Cho nên, nếu Thừa không khao, thì sợ phật lòng quan thầy. Chứ một tờ giấy suông, chỉ to hơn hai tờ giấy trước một ít, dù là chữ ký của thống sứ đấy, nhưng nó cũng không hơn gì.

Thế mà còn phải đèo thêm mấy chục bạc khao nữa vào, thì quả nó là cái nạn. Song, vì quan chủ tỉnh đã nói, chẳng biết là đùa hay thật, nhưng chắc tên thực dân muốn Thừa phải coi trọng tấm bằng của thủ hiến Bắc Kỳ cấp.

Ngày ấy, Thừa bảo với Ma-ri:

– Muốn khao tưởng lục không mất tiền, thì ta đợi đến ngày trúng cử nghị viện hãy làm một thể.

Ma-ri cho là ý kiến hay. Vừa đỡ tốn kém thêm, vừa đỡ bận. Vả chính Ma-ri cũng ác cảm cái tưởng lục thứ ba, cho nên, làm nhuế nhóa như vậy, hắn vừa đỡ ức phải mừng cái đáng giận, vừa che mắt được quan trên có mừng.

Ma-ri còn ranh vặt. Muốn tránh cái tiếng là hai bữa khao chập một, hắn xui Thừa gửi thiếp mời khao tưởng lục đi các nơi trước ngày bầu cử năm hôm. Tiệc mời hơn ba chục khách thật, nhưng kỳ trung hắn chỉ cần hai người có mặt. Người thứ nhất, là ông Huân. Để ông tham đầu tòa quên cái lần trước đến tận Cẩu Rồng báo tin mừng mà phải nhịn đói về tỉnh. Và để lúc nào cụ lớn vui, thì ông mách hộ rằng vợ chồng hàn An-be đã khao tưởng lục rồi. Người thứ hai, là ông Lăng. Vì trước sau, ông sốt sắng giúp việc giao thiệp với hãng Phúc Lai Thành. Việc này đã xong được tám phần mười rồi. Bây giờ trượt nghị viên, mất thêm cái nhà ở phố Hàng Kèn, Thừa càng cần ông Lăng giúp nốt cho hai phần nữa, để kinh doanh mà bù đắp cái thiệt hại ấy. Vả lại, mời ông đến Cẩu Rồng, Thừa cũng còn mục đích nữa, là muốn khoe cho ông biết cái cơ ngơi của mình, và dạy cho ông một bài học, là có tiền thì không nên bo bíu, cỏ rả, phải giao thiệp rộng, để lấy thế lực.

Cho nên, tuy Thừa trượt ghế nghị viên, nhưng thế không khao không được.

Thật ra, thì từ hôm đeo tiếng là nghị hụt, cả Thừa lẫn Ma-ri rã rời cả đầu óc lẫn chân tay. Chứ còn vui vẻ gì, phấn khởi gì!

Thừa không những buồn vì tiếc công, còn xót vì tiếc của. Thế mà hắn còn bị Ma-ri giày vò, nói mất mặn mất nhạt mấy ngày liền.

Còn Ma-ri thì, chao ôi! Chỉ trong có mấy tháng, hắn bị hai lần như rơi từ trên trời xuống đất đen.

Đương đầy hy vọng được làm bà lớn chính cống, thì rút cuộc phải mất thêm mấy chục bạc để khao cái tưởng lục phải gió. Hắn còn ức nữa, là để che mắt thế gian, hắn phải sắm cái khung gụ chạm lồng kính để treo cái phải gió ở giữa nhà. Mỗi lần ra vào, nhìn thấy nó, hắn khó chịu như nhìn thấy… xừ Tuynh. Lần này, hắn chắc mẩm được làm bà nghị. Đi đâu, ngồi đâu cũng cổ động cho người ta trọng nghị viên. Hắn bảo nghị viên là chức quan được dân bầu ra, thì quan nghị phải là người tốt, có nhiệt huyết, làm lợi cho dân cho nước. Quan nghị có quyền hơn quan của chính phủ bổ. Quan bầu bắt được chính phủ làm theo ý mình. Còn quan bổ là đầu sai của chính phủ. Vả lại, nghị viên là quan của hàng xứ, danh giá và to lớn hơn cả tuần phủ, tổng đốc, chỉ là quan của hàng tỉnh thôi. Nhưng bây giờ Ma-ri tắc hầu tắc cổ như gái ngồi phải cọc rồi. Hắn không kịp quay lưỡi lại để mạt sát viên dân biểu là bù nhìn, chửi bới nghị viên là nghị gật, như trước kia hắn vẫn khoe là vì thế, hắn không thèm làm bà nghị.

Song, dù rã rời đầu óc, rã rời chân tay, nhưng thiếp mời đã gửi đi, thì Thừa và Ma-ri đã trót đành phải chét.

Thừa tạm chôn nỗi khổ tâm xuống tận đáy lòng, để cố biến nếp nhăn méo thành nếp nhăn cười, cho khách được vui vẻ. Ma-ri tạm đình đay nghiến chồng, trang điểm cho ưa nhìn, để người ngoài ước mong gia đình họ cũng được ấm cúng như cái tổ uyên ương ở Cẩu Rồng này.

Tiệc mượn bếp cao lâu Hà Nội về nấu. Có cô đầu tỉnh chuốc rượu. Trong buồng khách, vang lên tiếng hát véo von theo nhịp đàn, nhịp phách. Tiệc xong, ai muốn thưởng thức văn chương nghệ thuật, hay chỉ muốn thú mỹ thuật của mỹ nhân, thì nổi trống giục chị em. Ai muốn đi mây về gió, đem thế sự nhân tâm ra đàm đạo với nhau, thì vào buồng với ả Phù Dung. Ai mướn tiêu khiển bằng trí não, suy nghĩ cao thấp, thì lập bàn tổ tôm. Ai có óc cấp tiến, âu hóa, không muốn bảo thủ cả từ lối ăn chơi, thì vặn kèn hát lên mà nhảy đầm.

Người ta cũng gạ chủ nhân tổ chức xóc đĩa để cuộc vui sôi nổi hơn. Nhưng Thừa chỉ cười. Hắn không nói thực là sợ bị nhà chuyên trách khám bắt. Hắn không nói thực là bữa tiệc này chẳng qua là làm tắc trách cho xong. Hắn cũng không nói thực là vợ chồng hắn đương khóc dở mếu dở đến phát ốm. Nhưng hắn lấy lý do là hội viên hội Khai Trí không làm những hành động có hại cho danh dự Hội.

Ông tham Huân vừa đến nơi đã vẫy Thừa vào buồng riêng, thầm thì một tin mới:

– May cho bác là cụ tư sớm, nên bác được tưởng lục, chứ nếu chỉ chậm một tuần, có lẽ bác chẳng được gì!

– Sao vậy?

– Nó trốn đằng mẹ nào mất rồi, còn gì!

Thừa sửng sốt.

– Thằng Nghĩa chứ đứa nào? Tòa Hà Nội khép nó mười năm, phát vãng nó lên Sơn La, thế là giữa đường, nó chuồn thẳng.

Thừa im lặng, ông Huân tiếp:

– Ngữ này, trừ phi trốn sang Nga, chứ còn luẩn quẩn ở trong nước, thì thế nào cũng không thoát.

Thừa vứt điếu thuốc lá hút dở xuống đất:

– Trốn! Cả gan thật!

– Tôi không rõ nó trốn bằng cách nào, ở đâu. Nhưng chắc rằng thế nào nó cũng chứng nào tật ấy, rồi lại bị bắt cho mà xem. Lần sau thì tù chung thân!

– Thế còn thằng Xi bị bao nhiêu năm?

Ông Huân cười:

– Có sáu tháng án treo. Nhẹ quá!

Thừa lại im lặng.

Ông Huân nói:

– Bây giờ mà bác vớ được đám này cho nhà nước lần nữa, thì nắm chắc cái tri huyện trong tay.

Thừa thở dài, khẽ đáp:

– Vâng.

– Tôi chỉ sợ nó buột sang Tàu mất rồi thôi. Nhưng sang Tàu cũng chả thoát được. Chỉ thiệt cho An Nam mình mất mồi.

– Tôi tưởng đi quá nước mình là yên chứ?

Ông Huân gật đầu:

– Đáng lẽ thì thế đấy. Nhưng chính phủ mình điều đình riêng với chính phủ Vân Nam, chính phủ Quảng Đông, bắt hộ chính trị phạm An Nam qua đất của họ.

– Cũng được à?

– Cho họ tiền thì họ phớt cả luật quốc tế. Lạ gì mấy anh quan Tàu! Năm nọ, chính phủ Vân Nam bắt cho chính phủ Đông Dương một chính trị phạm. Họ cho phạm nhân vào bao bì, như bao hàng, đưa lên xe lửa, cho vào toa đen với những bao hàng khác, sở Thương chính cặp chì cẩn thận, thế mà cũng mất bay!

Thừa sửng sốt. Ông Huân gật đầu:

– Nguyên là chiều hôm ấy, xe lửa Vân Nam về đến ga Hà Khẩu. Còn qua một cái cầu nhỏ nữa thì sang đến địa hạt Lao Cai. Nhưng tự nhiên đốc biện Hà Khẩu cho lệnh đóng cửa cầu sông Nậm Thi lại, không cho xe lửa qua. Thì ra bọn cách mạng Tàu thấy người cách mạng Việt Nam bị chính phủ của họ bắt về Hà Nội cho Tây làm tội, thì họ đánh dây thép ngay cho đốc biện trấn phòng ở Hà Khẩu, là người cùng đảng, phải tìm ngay cách mà đánh tháo, ông đốc biện ra ga, xem xét khắp các nơi trên các toa, mà không tìm ra chỗ giấu phạm nhân. Sau, ông ta nghi chỉ có toa hàng có cặp chì là chỗ giấu người chắc chắn nhất. Vì chỉ nhà đoan Đông Dương mới có quyền mở. Thế là ông ta lấy búa, gõ vào thành toa, và nói to. Bất đồ, ở trong có tiếng trả lời. Thôi ráo cả là pháp luật, ông ta rứt miếng chì cặp, phá khóa, rồi mở cửa toa. Nhưng ông ta thấy toàn bì hàng, chứ không thấy người. Cuối cùng, ông ta tìm thấy một bì có tiếng nói, mới rạch ra, để cứu người cách mạng.

Thừa hỏi:

– Thế là thoát?

Ông Huân gật:

– Thoát.

Rồi ông tiếp:

– Cũng giờ này, cụ sứ Lao Cai biết ngay việc xảy ra ở bên trấn phòng. Cụ gọi dây nói nhờ người xin với ông đốc biện cho cụ yết kiến để điều đình. Nhưng ông đốc biện không tiếp. Xe lửa hôm ấy đành nằm lại bên ga Hà Khẩu. Sau, ông ta bằng lòng tiếp cụ sứ Lao Cai, phải cho lính mang đèn lồng là đèn lệnh đi đón tận ở đầu cầu. Thế mà dân chúng xông lại, họ tỉu nà ma, và ném cả đá vào cụ sứ.

– Điều đình thế nào?

– Tôi không rõ. Nhưng chắc là hai việc. Một là mở cửa cầu cho xe lửa về Lao Cai, để dân hai bên đi lại như trước. Việc này không khó. Hôm sau, cửa cầu lại mở. Còn việc thứ hai khó hơn, là trả người cách mạng cho chính phủ Đông Dương, thì chắc là không được. Vì từ đó mà đi, hễ chính phủ Vân Nam bắt được người cách mạng Việt Nam nào, thì họ không tải bằng xe lửa nữa, mà gọi chính phủ Đông Dương đưa máy bay sang đón về.

Ông Huân kết luận:

– Cho nên, nếu nó có trốn sang Nga mới thoát. Tôi chắc là hiện nay nó còn lẩn quất ở ta, chưa sang nổi đến đất Tàu đâu. Vì ít lâu nay, các cửa ải canh phòng nghiêm ngặt lắm.

Nghỉ một lát, ông gật gù:

– À, còn một đường nữa nó cũng hay dùng để trốn, là Hải Phòng. Ở cảng, có nhiều tàu thủy đi các nước.

– Nhưng làm gì có tiền mà đi Tàu?

Ông tham bĩu môi:

– Ô, người của chúng nó khối ra. Cả trên các tàu thủy cũng có. Những người này giấu chúng nó ở chỗ nào trong tàu cũng được.

Rồi ông gật gật:

– Phải, phải. Thế mà đi đường thủy dễ hơn cả. Vả lẩn nấp ở Hải Phòng thì yên. Thành phố đông. Ai biết mình là ai mà ngờ.

Hai người đứng dậy, ra phòng khách. Nhưng ông Huân sực nhớ ra:

– À, còn việc nữa.

Thừa lắng tai.

– Về việc ông không trúng cử, cụ giận ông lắm đấy. Cụ bảo ông thua ông Thiện, tức là cụ thua, nhà nước thua cộng sản.

– Thế sao sau hôm bầu cử, tôi vào hầu cụ, tôi không thấy cụ nói gì.

Ông Huân vỗ vai Thừa:

– Đời nào người ta nói ra. Đến như quan phó, cái lúc ông kiện xin hủy bỏ cuộc bầu cử, mà ngài cũng không tìm ra lý gì để phá Nguyễn Thiện được là ngài cay lắm đấy. Cho nên ngài cứ phải làm như công minh, tươi cười với người trúng cử.