Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Từ hôm công ty khai trương, mỗi ngày anh Xi phải kéo ông chánh giám đốc An-be Tuy-a có một buổi sáng, không cần chạy nhanh. Anh Thừa cũng nể anh, nên hay đi bộ. Anh chỉ phải dắt xe theo. Và nếu anh Thừa vào nhà nào, anh đỗ xe ở hè để chờ.

Anh Xi thấy anh Thừa lúc nào cũng vui vẻ. Anh Thừa không phân biệt trên dưới như cái Ĩnh con. Hai người vẫn ở chung với nhau một nhà, ăn chung với nhau một mâm, ngủ chung với nhau một giường, nói với nhau, vẫn đàng này đàng ấy, mình mình tớ tớ. Thỉnh thoảng anh Thừa lại rủ anh Xi ăn cơm hiệu. Một lần, anh Thừa cho anh mượn quần áo. Anh không ngờ là anh Thừa dắt anh đi hát ở dưới ấp Thái Hà. Bị cô đầu trêu, anh sợ quá, cho nên lừa lúc không ai để ý, anh thổi phụt tắt đèn, rồi chuồn về. Anh sợ anh Thừa đam mê, mới khuyên bạn cho vợ ra Hà Nội. Nhưng anh Thừa bảo:

– Chả bao giờ tớ cho vợ tớ ra để mất tự do. Mấy lị ông chánh giám đốc thế này, mà bà chánh giám đốc như thế, thì mất mẹ uy tín!

Ông chánh giám đốc ăn mặc ra phết một tay kinh doanh kếch xù thật. Lúc nào cũng chỉnh tề, có thắt ca-vát cẩn thận. Không bao giờ bỏ sơ-mi trần, dù là bằng lụa. Quần áo ngoài là hàng mùa thu, một bộ màu xám sắt, một bộ màu tro nhạt. Ít khi ông vận đồ đũi, dù là hàng đũi thật chứ không phải đũi giả. Bất cứ đi đâu, ông cũng xách một chiếc cặp da khoa… bóng nhoáng, bốn ngăn phồng những giấy má. Trong một ngăn thế nào cũng có một tập giấy viết thư và phong bì. Cả hai đều in cái ảnh trụ sở công ty đồ sộ, hai tầng, và ở đầu góc, những chữ đề trên biển son. Có hai loại giấy viết thư và phong bì. Một loại chỉ in nguyên những chữ không biển, để gửi quanh Hà Nội, và các tỉnh gần. Một loại, ngoài những dòng ấy, có in thêm số điện thoại, để gửi đi các tỉnh xa ở Bắc Kỳ và đi Trung, Nam Kỳ, Ai-lao, Cao-miên. Không phải để các nơi ấy gọi dây nói đến công ty cho chóng. Nhưng để các nơi ấy sợ phí tổn nhiều, không dám gọi. Vì thế, cái máy điện thoại trên bàn giấy ông chánh giám đốc không có dây truyền ra ngoài đường, cố nhiên, con số điện thoại ghi trong giấy viết thư là con số bịa.

Buổi đầu, anh Thừa bỏ vốn ra buôn thuốc cao đơn hoàn tán chuyên môn của những dược phòng được khách, mà anh đã biết. Vì quen và trả tiền ngay, anh được bớt từ ba mươi nhăm đến bốn mươi phần trăm theo nửa giá mua một biếu một. Anh thuê các bạn đồng nghiệp cũ của anh đem ra bán rong, nhân tiện phát quảng cáo cổ động cho công ty. Bản thân anh lại đi xe nhà, xách cặp phồng, đưa mẫu hàng đến chào tại những nhà không biết mặt anh. Vì đã xé nhãn hiệu bào chế cũ, lại bán rẻ, cho nên nhiều dược phòng mua buôn của anh để lấy thêm mặt hàng. Những nhà này còn thấy cái lợi nữa là được anh Thừa cho phép để tên hiệu của họ làm nhãn sản xuất vào gói thuốc, để bán cất hoặc bán lẻ. Như vậy, họ không phải làm, mà được tiếng là có nhiều thuốc gia truyền, quảng cáo thêm tiếng tốt cho họ.

Như anh Thừa đã mặc cả, anh Xi giúp thêm việc cho công ty, là ngồi xé vứt nhãn hiệu cũ ở gói thuốc cất về, và dán thay bằng nhãn hiệu mới, đề tên công ty.

Một dạo, ở Hà Nội, nhà Địa cầu trước chỉ làm thuốc bổ thận, sau có nhãn sản xuất cả trên gói thuốc lậu, thuốc điều kinh, thuốc ho lao. Cũng như Nguyễn Đình Xung dược phòng chuyên chữa lậu, cũng gửi cả đến đại lý các tỉnh nhiều thuốc đề tên phòng ấy, như thuốc bổ thận, thuốc cai nha phiến, thuốc phòng tích, thuốc đau dạ dày.

Dần dần, vì là khách tiêu thụ sộp của những hiệu thuốc lớn, kể cả ba hiệu thuốc tây ở phố Tràng Tiền, anh Thừa buôn không phải trả tiền ngay. Họ tín nhiệm ông Albert Thưa, một nhà tư bản có Pháp tịch, lúc nào cũng bệ vệ, đàng hoàng, đứng đắn, nhã nhặn, và có óc bình đẳng. Nhiều hiệu được đặt món hàng lớn quá phải làm vội vàng mới kịp.

Không cần bỏ vốn buôn thuốc ở Bắc kỳ nữa, anh Thừa dồn nó vào việc lấy hàng ở trong Trung và Nam.

Ngoài bệnh ở cơ thể, người giàu Hà Nội còn thêm bệnh ở tinh thần, là hay tham thanh chuộng lạ, thích dùng thử những thuốc ở xa. Cái lối tin bóng tin gió Thích Ca ngoài đường là thiêng này, khuyến khích công ty buôn nhiều thuốc miền trong ra Bắc. Ông An-be Tuy-a trở thành khách quen và khách bở của những tiệm thuốc ở Huế, ở Chợ Lớn và Sài Gòn. Dây thép đánh vào lấy bao nhiêu là có ngay bấy nhiêu. Công ty buôn bằng cách lĩnh hóa giao ngân, nhưng nhiều lần gửi ngay ngân phiếu kèm với thu mua hàng, chẳng bớt một đồng nào.

* * *

Vì làm ăn lối kẻ cả, để cho người khác tin mình trước cho nên công ty được lắm người tin. Nhiều nhà thuốc miền trong, muốn cạnh tranh với nhau, viết thư xin ông An-be cứ việc lấy hàng, với hỏa hồng nhiều hơn trước. Nếu chưa có thời giờ thanh toán ngay, thì cứ cuối tháng, hoặc sau vài chuyến nhận hàng, công ty hãy gửi ngân phiếu một thể cũng được.

Những thuốc Trung Nam lấy về, anh Xi cũng bóc nhãn hiệu cũ để dán nhãn hiệu của công ty. Để rồi đến dược phòng sau, nhãn hiệu này vẫn được giữ nguyên, hay được thay một lượt nữa, là tùy người buôn cuối cùng.

Như vậy là công ty có gần hai chục thứ thuốc chuyên môn để đem bán buôn. Nhưng xưởng sản xuất chỉ có tí huỷn ở nửa cái gác. Làm việc pha chế một anh Xi. Đồ dùng pha chế là một niêu hồ tẻ và ít mảnh giấy nhỏ. Nhưng ở đợt giấy viết thư mới in, anh Thừa thêm một dòng nữa, dưới dòng đề địa chỉ cửa hàng. Đó là địa chỉ xưởng chế thuốc và kho chứa thuốc, viết lăng nhăng là: Trại Tây Hồ, Bưởi. Cũng có số điện thoại như số điện thoại trên bàn giấy ông chánh giám đốc.

Sau vài tháng, khi được tín nhiệm hẳn hoi đối với rất nhiều bạn đồng nghiệp trong Trung, Nam, anh Thừa mới thực hiện ý định. Họ ở xa, không thể kiểm soát, thì bây giờ anh có thể bớt của họ mỗi tháng một số tiền. Ví dụ, bán hết một chuyến hàng, đáng lẽ anh phải trả cả một trăm bạc, thì anh chỉ gửi tám chục thôi, nói rằng còn chỗ ứ đọng, khi tiêu thụ hết sẽ thanh toán sau. Nhưng anh vẫn làm ra dáng sòng phẳng, đòi gửi trả ngay món thuốc còn lại, cố nhiên cước phí về phần nhà buôn phải chịu, chứ không phải công ty.

Còn ai nỡ lòng không tin người khách hàng xưa nay vẫn buôn bán đàng hoàng, từ trước đến giờ, tháng nào cũng tiêu thụ hết hàng, tháng nào cũng thanh toán đủ tiền! Người ấy là người Tây, đứng đầu một công ty tổng phát hành thuốc toàn Đông Dương tại Hà Nội. Có cửa hàng đồ sộ, có xưởng chế tạo rộng lớn, nơi nào cũng có đặt tê-lê-phôn! Họ đều trả lời xin ông chánh giám đốc cứ giữ lại chỗ thuốc còn lại để bán lẻ, hoặc để tính gộp với chuyến hàng sau. Như vậy, vừa giữ vững lòng tin nhau, vừa tránh khỏi cước phí vô ích.

Thế là anh Thừa vẫn được tín nhiệm, mà còn được tín nhiệm hơn trước.

Nhưng anh Thừa không ăn bớt trôi được mãi mãi tiền của những nhà thuốc ở xa vẫn tin cậy anh. Nếu nghề này làm anh giàu ùn ùn, thì anh còn theo đuổi nó, việc gì phải thay đổi xoành xoạch, làm ông lang, làm ông nhà báo, làm ông chủ đồn điền v.v… Khốn nỗi, việc đời nó không xuôi chiều mãi như nước chảy. Nó gặp vật chướng ngại cản dòng. Cho nên sông mới uốn khúc và thay dòng luôn luôn. Đời anh Thừa cũng uốn khúc và thay dòng như rứa.

Số là vì công ty đặt hàng quá, mà anh Xi một mình phải luôn thức quá khuya, nên việc làm kém cẩn thận. Có nhiều gói thuốc, anh không xé hết nhãn hiệu cũ. Có nhiều gói thuốc này, anh dán tên thuốc nọ. Vì vậy, tháng trước, tòa án Hà Nội nhận được hai lá đơn của người uống lầm thuốc, kiện cả ba nhà có tên trong ba nhãn hiệu dán đè lên nhau trên một gói thuốc. Một nguyên đơn là người đau đầu kinh niên uống phải thuốc đau lậu kinh niên. Hẳn anh Xi đã trông chữ lậu ra chữ đầu! Tòa không biết truy tố ai là thủ phạm, bởi vì ai cũng nhận là thủ phạm, để nhận thuốc là của nhà mình làm ra. Họ chịu phạt tiền, còn hơn chịu mất tiếng là buôn chằng thuốc.

Tháng này, mới từ ngày 1 đến ngày 15, số đơn kiện đã tăng lên đến bốn lá. Một lá kiện cả ba nhà như những đơn tháng trước. Hai lá kiện đích danh công ty vô danh của ông An-be Tuy-a. Một lá ác hơn, kiện ông An-be ăn cắp lối pha chế của nhà thuốc mình.

Kế đó, tòa nhận vô số đơn khác của các nhà thuốc kiện lẫn nhau và buôn bán bịp bợm, lừa đảo.

Thấy những vụ kiện như loại trên, một ngày một nhiều, tòa phải nhờ Sở mật thám mở cuộc điều tra.

May cho anh Thừa, là anh đã quen những tờ báo đăng quảng cáo cho công ty, lại đã nhiều lần mời mấy tay phóng viên đi ăn, đi hát, và biếu không thuốc bổ thận, thuốc lậu cho họ, nên họ viết bài bênh anh. Anh lại chạy tên mật thám Pha-vrơ và nhờ hai trạng sư Pi-mắc và Rô-nét cãi hộ, nên có tin là tòa sẽ chỉ bắt công ty đóng cửa thôi.

Bị mất mối lợi gần đến bạc nghìn rồi, anh Thừa tiếc lắm. Anh định thế nào cũng chống án lên tòa trên. Nhưng làm sao tìm được người đưa vào lọt chưởng lý Mo-rô. Anh biết Mo-rô uy quyền, và nhất là không từ chối đồng tiền. Hắn mà nhận giúp, thì tội giết người cũng được trắng án như bỡn. Anh hỏi thăm, biết Mo-rô hay hút thuốc phiện ở một tiệm lậu của một người Việt Nam vào Pháp tịch, tên là Ăng-toan. Làm sao gặp được vợ Ăng-toan là chủ. Vì mụ này nhân tình với Mo-rô.

Buổi tối hôm ấy, anh đội mũ cói Pa-na-ma, mặc quần lĩnh thâm, áo sơ-mi lụa, dận giày cườm, cầm can bịt bạc, đi bộ ra Bờ Hồ. Đã lâu lắm anh mới được lang thang như thế này. Nhưng phiền quá. Đầu óc rối như bát canh hẹ, thế mà luôn luôn tai anh cứ phải nghe những lời mời của những người phu xe ế khách, hỏi anh có đi giờ không, hoặc những tiếng thì thào của tụi ma-cô, giới thiệu món sộp ở nhà quê mới ra. Song, tuy anh khó chịu, mà anh cũng tự hào. Anh tự hào về cách ăn mặc ra lối công tử ăn chơi của anh. Ít lâu nay, vì có tiền, anh đã có nhiều bạn vào hạng sang trọng. Đồng tiền đã nâng anh lên địa vị làm ông. Anh đã quen những ông chủ hiệu, chủ thầu, những ông đốc, ông tham, là những người giàu có. Anh lại cũng đánh bạn cả với mấy tay viết báo, tuy kiết xác, nhưng hễ có xu, là ăn chơi nổ trời. Họ rủ anh đi hát. Anh cũng thết lại họ những chầu không kém đàng hoàng. Anh đã nhân tình với cô Nhạn, cô Trà ở dưới xóm cô, cứ chập tối đến, thì phấn son vào, mặc áo xanh, áo đỏ, ngồi ở hè, chờ khách. Thấy bóng anh đến, là các cô mừng rỡ như gặp thần tài. Cô thì làm ra dáng say mê anh, thút thít bên tai anh, trách móc anh hững hờ. Cô thì làm ra bộ ghen tuông, đay nghiến anh là có mới nới cũ, rồi ỏn thót rằng, nếu anh còn yêu, thì cho chiếc khăn xa-tanh, hoặc chiếc nhẫn vàng, sống cạnh các nàng tiên, anh thường so sánh với vợ anh, và với cái Múi, cái Châu trên Đồng Đăng. Anh thấy những người này thô kệch. Họ chỉ xứng đáng với anh phu kíp, với thằng cu-li cút-kít. Còn sánh vai với một ông, một ông chánh giám đốc một công ty tổng phát hành thuốc trong một Đông Dương? Họ chỉ đáng xách dép cho những ngôi sao băng này thôi! Anh lại nực cười về cái tiếng chơi trèo mà ngày trước, ở trên Đồng Đăng, anh vẫn bị mỉa mai. Bây giờ mà nếu những bọn quản, bọn đội, bọn cai lính tập, ngay cả cái thầy ký dây thép, làm lâu năm, được bổ làm chức ông chủ nữa, bây giờ mà những người hạng này mon men làm quen anh, thì chính họ bị mỉa mai là chơi trèo. Hiện nay, vô khối người muốn chơi trèo với anh, để được anh cho đi ăn, đi hát.