Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Rồi Thừa hỏi:

– Đêm nay đã đành. Nhưng mai, làm thế nào giữ được nó nhỉ? Tôi còn ở Hải Phòng ít ra là một tuần.

An-na Phán đáp:

– Nhà này thiếu gì mẻng. Mỗi tối một mítx[95] có hơn không? (*[95] Tiếng Anh, nghĩa là con gái chưa chồng.)

Thừa lắc đầu:

– Duyệt qua cả rồi. Xí lắm! Đằng này vớ được món này, hãy hưởng cho thỏa chí tang bồng, rồi có buông mới buông. Làng chơi đã mấy ai được trời cho cái cảnh như thế này, hở chị?

An-na Phán vừa tiêm thuốc, vừa nghĩ. Nó uống một chén rượu, rồi hai chén rượu. Hai má nó bừng bừng đỏ:

– Gay nhỉ. Nhưng tôi tưởng giữ nó để bắt nó làm nghề này mới khó, chứ chỉ giam vài hôm thì khó gì?

– Chị làm thế nào?

– Cứ nhốt cổ nó ở trong ấy, khóa trái cửa lại.

– Nhịn ăn, nhịn ỉa à?

– Đút vào cho bánh tây, chai nước và cái bô, thế là chu.

An-na Phán lại uống thêm chén rượu nữa. Nó đã chếnh choáng, đặt dọc tẩu xuống, hỏi:

– Mấy điếu rồi nhỉ?

– Bốn. Xin điếu nữa.

An-na Phán lại tiêm. Bỗng nó đập tay vào đùi:

– Khỉ quá, khó đếch gì. Phàm những đứa bị bắt vào đây, thì thế nào mấy hôm đầu cũng không chịu. Chúng nó khóc lóc, kêu la, chửi rủa, phá phách như con điên. Nhưng mình cứ lờ đi. Trái lại, còn phải tử tế, dịu dàng mà dỗ dành. Chỉ độ dăm hôm là chúng nó quen, không hoang mang nữa. Con này thì thế nào tôi cũng rình chụp được ảnh nó. Thế là nó mất gỡ.

– Sao?

– In ảnh nó, để khai môn bài, lấy số cho nó. Thế là suốt đời cô làm nhà thổ!

An-na Phán tiêm xong, đưa Thừa hút:

– Mấy điếu rồi nhỉ?

– Năm.

– Thôi vào với nó đi. Coi không có nó tự tử thì hoài. Phải cẩn thận, hễ thấy nó có cái gì có thể tự tử được, thì giấu biệt đi nhé.

– Được. Xin điếu nữa.

– Sao anh hút nhiều thế?

An-na Phán giấu dọc tẩu đi. Thừa với tay giật lấy. Bỗng hai mắt con mẹ dầu nhìn Thừa. Hai mắt lờ đờ màu tro pha màu đỏ ngầu ngầu của hơi men, nó như đám mây buổi chiều nhuộm bằng ánh hồng của mặt trời lặn, thành cái ráng báo điềm sắp giông bão. An-na Phán quờ quạng bằng cánh tay say để giữ lại dọc tẩu, rồi nó rức lên khóc, và nói bằng tiếng Pháp:

– Anh An-be! Đừng hút nữa! Tôi khuyên anh! Tôi xin anh! Vào với nó đi! Nó tự tử bây giờ!

Thừa thấy An-na Phán cũng thất thường không kém Ma-ri, hắn vội vàng đứng dậy:

– Chị cho thìa khóa buồng.

Con mụ dầu khanh khách cười, giơ bắt tay Thừa:

– Ừ, nghe chị thì chị yêu. Đừng làm nó sợ nhé. Tội nghiệp con bé!

Nhưng bỗng nó lại khóc nức nở:

– An-be! Hay là mày đừng làm hại đời nó! Nó còn ngây thơ! Đừng đày đọa con bé vô tội và thật thà! Mày nghĩ đến vợ mày, đến con gái mày!

Thừa mỉm cười:

– Nốc lắm rượu vào, rồi nói chẳng đâu vào đâu!

– Anh An-be! Anh là bạn thân, tôi thương anh. Nhưng nó là bạn gái, tôi cũng thương nó!

Mặt An-na nhăn nhó, thở phì phì những hơi rượu hăng hăng. Nó lại rũ ra cười, rồi quắc mắt, giục Thừa:

– Kìa! Còn đứng đây làm gì nữa! Vào mà hưởng cái phút thần tiên rất hiếm hoi trong đời các người làng chơi đi chứ? Anh không cho thế là hãnh diện à?

Thấy Thừa đi vào buồng, nó vỗ tay reo:

– Tôi lại làm được việc phúc đức nữa, là giúp cho người bạn gái biết thế nào là mùi đời! A ha!

* * *

Hôm Thừa sắp về Hà Nội, hắn nói chuyện với Thúy-gian:

– Em bằng lòng ở lại đây với chị An-na rồi chứ?

Thúy-gian cười đau đớn:

– Chả bằng lòng cũng chả được! Chị ấy đã lấy số cho em rồi. Em chạy đâu cũng không thoát được tay chị ấy.

Một lát, Thúy-gian trách:

– Chỉ tại anh không kín đáo. Đưa em lên hiệu chụp ảnh, anh lại khoe với chị ấy, để chị ấy nhờ in trộm thêm ba chiếc.

Thừa thở dài:

– Anh rất hối hận.

– Nhưng em không giận anh, vì anh chỉ là vô tình.

– Thế em giận chị An-na ác với em quá nhỉ?

– Em cũng chả giận chị ấy. Em chỉ giận cái số em nó chẳng ra gì.

Thừa ôm lấy đầu Thúy-gian, vỗ về vào vai:

– Em Thúy-gian của tôi ngoan ngoãn, hiền lành quá!

Thúy-gian rút đầu khỏi tay Thừa, bẻ đùa:

– Anh quên gọi em là Xuy-dan à? Em ghét cái tiếng gian ở tên cũ lắm. Em thích cái tên mới là Xuy-dan. Thúy là tên của ba má em đặt. Thúy-gian là tên của thiên hạ đặt. Còn Xuy-dan mới là tên của anh đặt cho em. Tên Xuy-dan nói hơi giống Thúy-gian, nhưng mỗi tên có ý nghĩa, và một kỷ niệm khác nhau. Làm nghề này thì đổi tên là phải. Vả ở đây, tất em phải đặt tên Tây.

Thừa âu yếm:

– Anh xin lỗi em! Anh mới đặt tên cho em, nên chưa quen miệng. Vả gọi tên mới, sợ em cũng nghe chưa quen tai.

Xuy-dan cười cười:

– An-be! Xuy-dan!

Thừa sung sướng:

– An-be! Xuy-dan! Thế An-be về, Xuy-dan có nhớ không?

– Có. Bao giờ anh lại xuống đây với em?

– Anh không hẹn trước. Nhưng chắc chắn là không lâu. Đừng mong nhé.

– Cứ mong. Em có mong, anh mới sốt ruột chứ? Mấy lị không mong xuống để nhìn thấy em cắt tóc ngắn với mặc váy đầm à?

– À nhỉ. Thế thì anh cố thu xếp việc nhà, để xuống ngay với em.

Thừa đứng dậy, nhưng lại ngồi xuống:

– Suýt quên một việc.

Hắn đưa cho Xuy-dan tờ giấy hai mươi đồng:

– Em cầm lấy mà tiêu.

Xuy-dan lắc đầu:

– Em không cần tiền. May mặc, ăn uống, đã có chị An-na.

– Nhưng còn phấn son?

– Anh mới mua cho em, dùng đã hết đâu?

– Để tiêu vặt chứ?

– Đã có lương tháng của chị An-na phát cho.

– Sao anh thấy chị ấy bảo tháng đầu, còn phải thử thách, chị ấy không phát lương vội.

– Thử thách xem có chịu tiếp khách không ấy à? Thân em đã rơi vào đây, thì giữ gìn cho trong sạch làm gì mà còn làm cao, hả anh?

Thừa đùa:

– Giữ gìn trong sạch cho anh, với anh, chứ làm gì?

– Thế anh có bằng lòng cho em tiếp khách không?

Thừa bối rối, nhưng đáp rất trơn:

– Không. Em là của riêng anh.

– Không tiếp khách, chị An-na đánh chết. Em trông đôi mắt chị ấy, em sợ lắm. Tử tế, ngọt ngào đấy, nhưng giở mặt lúc nào không biết chừng.

– Em biết thế à?

– Em biết. Các chị khác cũng bảo thế. Nếu anh không muốn cho em tiếp khách, thì anh nên nói với chị ấy một tiếng.

Thừa thở dài:

– Được, để anh nói.

Nhưng Xuy-dan lắc đầu:

– Vô ích! Anh ạ, ở đây mà không tiếp khách, thì ở làm gì? Thôi, anh đừng quan tâm đến em nữa. Em sẽ tiếp khách. Chị An-na phát lương cho em. Có thiếu tiêu thì em xin khách. Vả mười đồng hôm nọ anh cho, em còn giữ nguyên.

Trưa hôm ấy, Thừa xin với An-na Phán cho Xuy-dan đi ăn cơm hiệu với hắn. Hai người ngồi trong một ngăn riêng biệt. Trong lúc ngà ngà say, Thừa nói:

– Xuy-dan! Anh buồn lắm. Đến hôm nay mà anh vẫn chưa biết em bao nhiêu tuổi, người ở đâu, ba má em làm gì?

Xuy-dan cười:

– Tuổi ấy à? Anh thích em bao nhiêu tuổi thì em ngần ấy tuổi. Người ở đâu ấy à? Ở nước An-nam chứ ở đâu? Còn ba má em ấy à? Em chỉ biết cả anh lẫn em chúng ta đều gọi trời bằng ông thôi.

Thừa bẹo má Xuy-dan:

– Em dí dỏm lắm! Ai lấy được em làm vợ, thì nhà người ấy lúc nào cũng vui vẻ.

Nhưng Xuy-dan thở dài.

– Em buồn à?

Xuy-dan gật đầu:

– Người định lấy em làm vợ, hiện bây giờ đương tìm em và đương khóc.

Thừa lặng người:

– Thật à?

– Em nói dối anh để làm gì? Giá bây giờ anh ấy biết em ở đây nhỉ!

Xuy-dan bưng mặt, sụt sịt. Thừa ngao ngán:

– Em! Em! Xuy-dan em!

Xuy-dan vẫn thổn thức:

– Đời em thế là bỏ đi rồi. Em không ngờ em lại làm cái nghề đốn mạt này!

Thừa dỗ:

– Em! Xuy-dan! Em làm nghề gì mà đốn mạt? Em là của riêng anh kia mà?

Xuy-dan lau nước mắt, rồi tủm tỉm cười. Thừa nói:

– Anh ân hận quá. Anh đã phá hoại hạnh phúc của em, thì phải chịu trách nhiệm về đời em.

Xuy-dan lắc đầu:

– Chẳng qua là cái số em thế, cho nên nó xui khiến cho em gặp anh, lại xui khiến cho xe của anh đến Dụ Nghĩa thì hỏng máy.

Thừa nhìn Xuy-dan, thở dài khẽ. Rồi hắn an ủi:

– Nếu em không muốn làm nghề này, thì em bảo chị An-na rút số đi cho em.

– Không thể. Cái số trong môn bài, rút lúc nào cũng được. Nhưng cái số trời định cho em, thì chả ai rút nổi. Vả lại, bây giờ đời em còn thơm tho gì nữa mà mong!

– Em trẻ và đẹp. Sao em lại không mong lấy được chồng?

Xuy-dan cười đau đớn:

– Anh đừng hỏi. Lấy chồng thì ai không muốn lấy. Ai lại thích làm nghề này bao giờ. Nhưng em tự xét, thân em đã vấy bùn, em không muốn thêm một tủi nhục nữa.

Thừa đùa:

– Thế thì lấy anh!

Bỗng Xuy-dan bưng lấy mặt khóc, và lần này nức nở to hơn:

– Các anh đi chơi gái, thì đừng bao giờ nên nói câu ấy. Các anh đùa cho vui miệng, nhưng các anh không đặt địa vị vào người phải nghe, cho nên không biết họ tủi nhục thế nào.

Nói xong, Xuy-dan lấy mùi soa lau mắt, rồi cố mỉm cười, vuốt vào tóc Thừa:

– Tuổi anh bằng tuổi ba em, mà anh đòi lấy em!

Thừa không biết là nên tươi hay nên ngượng. Hắn vờ cười, để thốt được hơi thở dài ở trong ngực. Xuy-dan hỏi:

– Anh có vợ chưa?

Rồi Xuy-dan bưng miệng, rúc vào lòng Thừa:

– Em quên! Chị ấy là bạn chị An-na! Thế hẳn con anh lớn bằng em đấy nhỉ.

Thừa cười:

– Em đừng hỏi. Anh cũng như em, không nói thật đâu. Nếu em tốt với anh, thì anh yêu em. Nếu anh tốt với em, thì em yêu anh. Khi ấy chúng ta chỉ cần biết là hai đứa yêu nhau. Không nên tìm chuyện gì khác về gia đình nhau, nó khuấy đục hạnh phúc chung, em ạ.

Xuy-dan xịu mặt:

– Em đến nước này mà cứ phải nghe nói đến tiếng yêu, với tiếng lấy, thì em khổ tâm lắm. Em là người của anh trong một đêm, thì anh cần gì phải nói những tiếng quý hóa của tâm tình. Lần này, muốn có em, anh chỉ xỉa vào tay chị An-na vài đồng bạc khác để có em khác. Bởi vì anh không muốn biết em lần thứ hai. Thế thì anh cần gì phải xa phí lời nói. Lời anh nói là từ cổ trở ra, nhưng nó là cái dùi, đâm sâu vào tận tim người nghe. Không gì ác hơn là dử người đau khổ bằng hạnh phúc, anh An-be ạ.