Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Từ ngày anh Xi đem Mão lên Cẩu Rồng, thì mỗi năm một lần, mẹ Mão lại đến thăm con. Và mỗi lần vào nhà anh chị Xi, phải qua chỗ Thừa và Ma-ri ở, gọi là dinh quan hàn, thì chị lại sực nghĩ đến cái thằng để khó cho chị, hàng năm phải khổ nhục chạy cho nó mấy đồng bạc đóng thuế thân. Chị như phát điên. Chị hăng tiết lên, không sợ lũ chó rồ ra cắn, không sợ ông hai Điều và bọn người nhà cầm roi gậy ra dậm dọa, chị cứ xông tuột vào nhà chính giữa để chửi rủa, phá phách.

Thừa và Ma-ri rất hoảng. Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng cố thây. Lôi thôi với chị, quan ông quan bà chẳng được gì, mà chỉ bị thiệt. Trái lại, mẹ Mão chẳng thiệt gì, mà được chửi sướng miệng, phá sướng tay.

Cho nên, Thừa và Ma-ri cho tốt nhất là đành xử nhũn. Hai người phải bảo ông quản gia hai Điều và vợ chồng anh Xi điều đình ôn hòa hộ. Về việc nuôi Mão, Thừa đảm nhiệm hoàn toàn. Mỗi tháng, hắn trừ cho anh Xi mười hai cân thóc, tức là mỗi năm, ngót một tạ rưỡi, làm lương ăn cho Mão, để Mão khỏi phải chăn trâu vất vả. Vì anh Xi chỉ lĩnh canh có ba sào, phần thóc phải nộp không đủ số lương ăn của Mão, nên Thừa bù thêm bằng tiền. Hắn lại ngỏ ý muốn giúp cho mẹ Mão một món tiền để buôn, để khỏi làm lụng lam lũ. Nhưng mẹ Mão không nhận ân huệ của kẻ thù. Đối với Mão, Thừa phải nuôi, là bổn phận của người bố. Chị không ngăn cản. Nhưng đối với chị, chị không muốn dùng đồng tiền bẩn thỉu để xí xóa hết lòng căm phẫn của chị, cho đôi gian phu dâm phụ ăn ở với nhau được vui vẻ. Chúng nó đày đọa chị, thì không bao giờ chị để cho chúng nó được yên ổn.

Từ ngày Thừa nuôi Mão, thỉnh thoảng Mão cũng được đưa về dinh chơi. Trước hết, Mão gọi Thừa là ông, gọi Ma-ri là bà. Không ai xui, nhưng Mão đã biết ghẻ lạnh thế. Thừa bảo mãi. Mão mới gọi Thừa là thầy, và nhất định vẫn gọi Ma-ri là bà. Mão chỉ e dè bố, còn đối với Ma-ri thì bất cần. Gặp Ma-ri, Mão không chào. Không bao giờ Mão nói ôn tồn với Ma-ri. Còn đối với lũ Rô-da-lin, Ma-gơ-rít và Ca-mê-li-a, năm bấy giờ còn bé, chưa đi học, thì thật là mặt trăng, mặt trời. Mão gọi chúng là con, là cái, con Rồ, cái Ma, con Câm. Nhiều lần Mão đánh chúng đến chảy cả máu mồm, máu mũi. Ma-ri bênh con, thì Mão chửi tuốt.

Mỗi lần trong nhà có những trận nội chiến như vậy, thì Ma-ri lại đè Thừa ra mà giày vò, xui Thừa cấm cửa thằng bé bất trị. Rồi vợ chồng lại giận nhau đến mấy ngày.

Sau hết, Thừa cũng không chịu nổi Mão mỗi ngày một xấc láo cả với mình. Muốn trừ cái bướu, hắn gửi Mão đi Hà Nội, nói rằng con đến tuổi phải học hành. Thừa đưa Mão đến nhờ người bạn thân giáo dục hộ, để học làm người. Người bạn thân này là ông nhà thơ Tình muôn thuở.

Ông Tình muôn thuở ngày ấy đã nghiện nặng, cho nên tự nhiên được thằng bé đến để nó đun nước hầu và lau bàn đèn hộ, thì ông mừng lắm. Dần dần, thấy nó có vẻ ngang tàng, ông mới dạy nó học tiêm thuốc phiện, và giáo dục nó bằng những cảnh thực tế diễn ra trước mắt.

Nhưng không phải vì Mão không ở Cẩu Rồng mà mẹ Mão không còn lý do gì để thỉnh thoảng không về khuấy lộn sự yên vui của cái gia đình càng ngày càng giàu có và danh giá này. Không phải chị khuấy lộn với mục đích làm tiền, mà chị khuấy lộn để làm nhục cái thằng đã bắt chị phải chịu mãi cái nhục nộp thuế thân cho nó!

Hôm nay mẹ Mão đến rầy la Thừa về cái tội giết thằng Mão. Thoạt nghe tiếng giết, Thừa giật nảy mình. Chị mới giảng cho Thừa hiểu thế nào là giết, và bắt Thừa phải lập tức thay chỗ ở cho con chị. Vì hôm nọ, đến thăm Mão, chị được Mão khoe rằng bác Hoài dạy nó hút thuốc phiện. Nó đã hút một điếu. Nó nói thuốc phiện không xóc như thuốc lào, thuốc lá. Hút khói vào trong người, không bị ho, sặc, mà thấy dìu dịu, nhàn nhạt như không. Chỉ bị ngứa ngáy khắp mình, không thể ngủ được, suốt đêm cứ sồn sột gãi. Mẹ Mão bực mình quá, bắt con rời ngay khỏi nhà ông nhà thơ, không cho ở đấy một giờ nào. Mão nhất định không chịu theo mẹ. Nó nói rằng ở với bác Hoài vui lắm, vì tối nào quanh bàn đèn nhà bác, cũng có đông khách đến chơi. Những bác cử, bác nghè, bác kỹ sư, bác trạng sư, bác đốc tờ, học ở bên Tây về, nói lắm chuyện rất lạ. Mẹ Mão hỏi chuyện gì. Nó bảo là chuyện trai gái. Mẹ Mão lại hỏi có phải vì thích nghe những chuyện ấy mà nó mến bác Hoài hay không. Nó đáp không những thế, mà ở đây nó được tự do hơn ở với bác Xi, hoặc ở trong dinh Cẩu Rồng. Vì bác Hoài bận, đi vắng cả ngày, nó tha hồ muốn làm gì thì làm, không ai ngăn cấm, mắng mỏ. Nó chỉ bận có một lúc vào buổi tối, khi bác Hoài bảo nó tiêm thuốc cho bác, hoặc cho khách của bác hút. Bây giờ bác Hoài thường khen nó đã tiêm khéo rồi, và bảo nếu biết hút, thì tiêm khéo hơn. Nó còn khoe chẳng có ở đâu hơn ở đây, vì nhiều tối nó được xem cái mà nó gọi là xi-nê-ma. Mẹ Mão đoán ngay ra những cảnh này là thế nào, cho nên rất kinh tởm, quyết không cho con mình vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay. Chị xỉa xói vào mặt Thừa:

– Thằng bé không đói khát mà phải học cái nghề làm bồi tiêm thuốc phiện! Nó không nứt mắt ra đã tập cái se, cái lọ! Nó không đến nỗi đốn mạt mà phải hầu cái quân vợ chồng đổi lẫn.

Rồi chị nhiếc móc:

– Nhà này chả thiếu giống đĩ!

Mỗi lần mẹ Mão đến dinh để rày la như vậy, Thừa cáu tiết lắm. Hắn trả tiền đóng thẻ, mẹ Mão nhất định không thèm nhận. Cho nên hắn đành cứ phải nhịn. Hắn cho rằng một câu nhịn là chín câu lành. Ít lâu nay, hắn học nhịn, nhịn người ngoài, nhịn Ma-ri làm nhục, đã quen rồi. Vả lại không nhịn mẹ Mão, không nhịn cái con mụ liều lĩnh, sát khí đằng đằng này, thì nó chửi rủa, nó gầm thét, nó đập phá, nó làm mất hết sĩ diện với đầy tớ, với điền tốt, với thiên hạ. Cái cảnh khủng khiếp ở phòng thuốc nhà giàu ngày trước, Thừa không muốn tái diễn ở trong dinh này, là đất đương làm ăn thịnh vượng. Biết đâu mẹ Mão lại không dắt mấy thằng du côn, chúng nó nấp ở đâu đây.

Nhưng, cũng như mọi lần phải nhẫn nhục, Thừa hay tìm một ý nghĩ của những người kẻ cả, để tự an ủi là mình cao thượng, không phải là hèn. Thừa nghĩ rằng phải tha thứ cho mẹ Mão. Mẹ Mão không có diễm phúc làm vợ hắn, cho nên mấy năm nay, dần dần cứ rạc như xác ve, rách như tổ đỉa, đem tấm thân tàn đi khắp đó đây để kiếm ăn. Bởi thế cho nên người đàn bà cố cùng ấy trở nên ác như một hung thần. Vậy thì mẹ Mão chỉ là một người đáng thương, chứ không đáng giận. Những bậc gọi là thượng lưu xã hội, phải biết nhủ lòng thương tới những người đáng thương. Thế thì một ông chủ đồn điền, một ông hàn, một hội viên hội Khai Trí Tiến Đức, có tránh một con ác thú, cũng không lấy gì làm xấu hổ. Tội gì mà đổ thêm dầu vào lửa?

Chính Ma-ri cũng sợ mẹ Mão lắm. Không bao giờ hắn dám dàn mặt. Sự thực thì ít lâu nay, sức lực hắn kém trước, hắn tự biết không thể đương đầu với cái người tuy gầy đét nhưng rất hung hăng này. Thừa thường khuyên hắn là tránh voi chẳng xấu mặt nào. Vả lại hắn cũng không dám nhìn mẹ Mão. Hắn rờn rợn, như nhìn thấy ma. Hắn đã làm hàn Xương chết. Một dạo, lúc đêm khuya, trông ngọn đèn hoa kỳ, hắn cũng tưởng tượng như mắt người chết thao láo giương ra để dọa hắn. Song, hàn Xương chết, một nửa là do hắn làm cho rạc sức, nhưng một nửa cũng do hàn Xương quá mê hắn, mà dâm dật đến kiệt sức. Hàn Xương chết rồi, chết thật rồi. Đèn sáng giong đêm làm cho hắn không thấy con mắt của oan hồn. Thời gian và công việc bận bịu hằng ngày cũng xóa nhòa giúp hắn cái hình ảnh của kẻ tình si. Và cái miếu xây để thờ người xấu số đã làm cho hắn yên tâm là người ấy được giải oan. Ma-ri so sánh hàn Xương với mẹ Mão. Người đời đổ cho hắn giết hàn Xương, nhưng một phần là do hàn Xương tự sát. Còn mẹ Mão, sở dĩ bây giờ như ma dại, như hung thần, là do hoàn toàn tại hắn. Người đàn bà này không chết hẳn như hàn Xương, nhưng chết dần. Hắn đã nhìn thấy mẹ Mão hồi ở nhờ dãy bếp nhà thằng Tu-nô. Lúc ấy chị ta trẻ, xinh và béo tốt. Nhưng do hắn tranh cướp mất chồng, mà người ấy trở nên thế này. Thân hình thì gầy gò như cá mắm, mặt mũi thì xấu xí như quỷ sứ, áo quần thì tả tơi như con mẹ ăn mày. Trông thật gớm chết! Thế thì chính là do bàn tay của hắn đã tạo nên mẹ Mão bây giờ, cái mẹ Mão gần đất xa trời, cái mẹ Mão giống con ma hơn là con người. Cho nên cái con nửa người nửa ma ấy thỉnh thoảng lại hiện ra để dọa hắn, hắn sợ mẹ Mão như sợ ma. Con ma ấy hiện ra ban ngày, chứ không hiện ra ban tối, mà có thể dùng ánh sáng đèn đuổi được. Con ma ấy lại không chết thật để có thể mời thầy đến cúng, trừ tà, hoặc gọi thợ đến xây miếu giải oan. Vì vậy, mẹ Mão tới, không bao giờ Ma-ri dám ra mặt. Hắn không dám sinh thêm chuyện để giữ tiếng với ngoài. Hắn tránh bị đòn. Nhưng nhất là hắn thấy rờn rợn như gặp ma. Hắn sợ.

Song, sợ con ma mẹ Mão, mà hắn vẫn không nén được cơn ghen với người vợ cả của chồng hắn. Cho nên, mỗi khi thấy bóng mẹ Mão tới, Ma-ri thụt ngay vào buồng, khóa cửa lại. Hắn để mặc một mình Thừa phải đối phó, phải chịu đựng. Nhưng hắn không thể yên tâm mà không tò mò lắng tai xem hai người nói với nhau những gì. Có ra dáng còn tình nghĩa với nó hay không. Có thậm thụt tư túi cho nó tiền hay không. Và cứ mỗi lần nấp sau cửa để nghe lỏm, thì y như Ma-ri phải uất lên. Hắn uất vì nghe mẹ Mão đay nghiến bóng gió hắn. Hắn càng uất vì thấy Thừa nghe những lời mẹ Mão đay nghiến bóng gió hắn, mà cứ im. Hắn ức với mẹ Mão mà không làm gì nổi, nhưng hắn ức với Thừa thì hắn trút ngay lên đầu lên cổ bọn kẻ ăn người làm, nhất là với năm cô trong đội con gái vô tội. Hắn chửi, hắn đánh họ vô hồi, cho hả cơn điên. Rồi, khi mẹ Mão về, hắn xỉ vả, hắn giày vò chồng. Hắn khóc lóc, vật mình, vật mẩy. Hắn nhắc lại vài câu mà Thừa nói với mẹ Mão để đổ cho chồng tử tế với mẹ Mão hơn hắn, thương yêu thằng Mão hơn thằng Pôn, thằng Giăng, hắn bỏ cơm, đòi uống thuốc. Vì hắn ốm, hắn ghen.

Cứ mỗi lần mẹ Mão đến dinh, thì sau đó, Thừa rất khổ. Hắn như cái sọt chứa đựng tất cả những lời đay nghiến, nhiếc móc của mẹ Mão và của Ma-ri, nó như những nhát búa, nhát rìu bổ vào óc, vào tim của hắn. Hắn cũng đâm ra nghĩ ngợi, buồn phiền. Hắn cũng mất ăn mất ngủ, cho đến hôm Ma-ri mệt quá, không còn sức nói dai để làm tình làm tội hắn nữa. Trong lúc đầu óc rối beng, Thừa cũng thẫn thờ như ốm, chẳng thiết gì làm ăn gì. Cả ngày, hắn cáu bẳn, gắt gỏng.

Nhiều lúc, Thừa chán nản. Một đôi khi, ôn lại cuộc đời, hắn thấy bây giờ hắn đau khổ hơn. Hình như hắn là nạn nhân của cái giàu và cái danh giá. Bởi vì, nếu không có giàu, không danh giá, hắn đã có cách xử trí quyết liệt với mẹ Mão. Và cũng do hắn giàu có và danh giá, cho nên mới thành một mối ghen tị về đối xử giữa tôi với nó, và giữa con nó với con tôi.