Thấy anh Thừa và Ma-ri đứng nghiêm chỉnh, không dám nhìn cụ Điều, nhà văn sĩ chỉ dám thỉnh thoảng liếc trộm cụ. Cụ đội cái khăn mỏng nếp, phía sau không trùm hết gáy. Cụ mặc cái áo đoạn huyền dài quá đầu gối. Cụ đeo đôi kính dày gọng. Giả thử cụ dận đôi giày dừa nữa, thì trông cụ đúng là một vị quan kinh. Mặt cụ phương phi, oai vệ, chòm râu đẹp như vẽ. Tiếng cụ nói ồ ồ, rõ ra tiếng người sang. Không trách đứng trước cụ, ông y sĩ và cô y tá kính cẩn như đứng trước một đấng thiêng liêng. Thấy thế, nhà văn sĩ cũng hơi rờn rợn.
Cụ không thay nét mặt, nói với anh Thừa:
– Khá lắm rồi, tiên sinh ạ. Nhưng giá cụ Thiếu mà cứ nghe quan Cử Sen Hồ theo mãi thuốc tây, thì có bận khốn!
Anh Thừa cúi đầu:
– Dạ.
– Tôi cũng vừa thăm cậu Nguyễn Hữu Trí, con trai cụ Tham Trân. Mười phần đã đỡ được bảy, tám. Lại ông cụ lẩm cẩm này nữa. Chỉ tin thầy tàu! Cứ đốc tờ với thầy tàu mãi, rút cục chỉ khổ mình phải gỡ.
Ma-ri mách:
– Thưa cụ, quan huyện Tiền Hải mới lên, cho người mời cụ đến ngay đấy ạ.
Cụ Điều thở dài một hơi như người còn mệt:
– Đến với quan Tiền Hải thì khó lòng về ngay được. Bao giờ ông ấy cũng bắt xem mạch cho cả nhà. Rồi họ hàng, bạn bè ông bà ấy kéo nhau lại. Đến phiền!
Anh Thừa cười:
– Dạ.
Cụ Điều lau lại kính, rồi vuốt râu, dặn:
– Sáng nay, tôi còn bận chế một vài vị đặc biệt cho cô Lan và cậu Trí. Chiều mới lại thăm quan Tiền Hải được. Ông Trần với cô đốc nhớ nhắc giờ tôi nhé.
Anh Thừa chắp tay:
– Dạ.
Ma-ri cũng chắp tay:
– Dạ.
Bỗng cái cuộn giấy làm đóm của điếu thuốc lào đặt trên bàn bị gió thổi lăn rơi xuống đất. Ma-ri trông thấy, vội vàng khom lưng, qua mặt cụ Điều, để cúi xuống nhặt nó lên. Cụ lùi lại lấy chỗ cho Ma-ri đi, rồi giục anh Thừa:
– Tiên sinh chẩn mạch cho ngài đi. Để ngài chờ mãi thế?
– Dạ.
– Có cần đến bỉ nhân không?
Ma-ri hỏi khẽ khách:
– Ông cần một tiên sinh xem mạch thôi, hay cả Cụ thì cho biết.
Ông Hoài Tân Tử lúng túng chưa đáp, thì Ma-ri nhắc:
– Thôi, một mình tiên sinh cũng được. Tiên sinh vẫn chuyên môn về bệnh tâm lý. Để Cụ nghỉ, kẻo Cụ mệt.
Cụ Điều gật, khen:
– Đúng thế. Con khá là đạt! Đêm qua cụ Thiếu bắt thầy thức quá khuya để đàm đạo văn chương thế sự. Trong người thầy mỏi mệt, tinh thần kém sảng khoái, thì xem mạch kém hay. Con để thầy nghỉ là phải.
Nói đoạn, cụ cúi chào mọi người, rồi lừng lững đi vào.
Anh Thừa nhìn theo cụ, lè lưỡi, lắc đầu. Anh vui sướng như người mới giành lại được tự do, giơ tay mời bạn ngồi:
– Thôi, xin phép ngài, cho đệ được hầu mạch, kẻo Cụ quở.
Ma-ri lấy cái áo choàng của mình treo ở mắc, cuộn nhỏ lại làm cái gối, để trên mặt bàn, rồi tự tay nâng cổ tay nhà văn sĩ đặt lên trên:
– Áo thiếp đấy nhé. Đừng sợ bẩn.
Rồi nói với anh Thừa:
– Tạm dùng bàn tôi để khỏi phải vào buồng thăm bệnh. Mời tiên sinh làm việc.
Được tay ấy nâng tay mình đặt lên áo ấy, mặt tác giả Tình muôn thuở tươi như hoa.
* * *
Nhà văn sĩ Hoài Tân Tử ra về, Ma-ri hớn hở vào buồng phát thuốc của hắn. Hắn cộng sổ, đếm lại tiền, rồi phá lên cười với anh Thừa. Nhưng anh Thừa không cười. Anh trầm ngâm lo lắng…
Hết giờ làm việc, chờ cho Ma-ri đi khỏi, anh mới lên gác trong. Nhưng cả cụ hai Điều cùng anh Xi không có ở đấy. Anh vào bếp để tìm.
Cụ Điều cởi trần, mặc quần nâu vén đến tận bẹn, ngồi bệt xuống đất, đương mắm môi mắm lợi, chẻ một khúc củi to. Anh Xi phùng má thổi lửa.
Anh Thừa cau mặt, nhìn họ, bỗng quát một tiếng thật to:
– Hãy ngừng tay lại. Tôi bảo!
Anh đút hai tay vào túi quần, nói:
– Hỏng, hỏng mất!
Cụ Điều thấy cái không khí nghiêm trọng không ngờ, thì đứng phắt dậy, buông vội hai ống quần xuống:
– Thưa sao ạ?
Anh Thừa vẫn giọng gay gắt:
– Buổi này là buổi đầu ông tiếp xúc với khách, nhưng như thế là không được.
Anh Xi để kệ cho bếp khỏi um, đứng nhìn. Anh Thừa tiếp:
– Cũng may cái thằng này là văn sĩ hay đãng trí, lơ mơ, chứ nếu phải người khác, biết nhận xét và biết nhớ, thì lòi đuôi ra là mình dối trá.
Mặt cụ hai Điều xám lại. Chòm râu rung rung, cụ buông thõng hai tay, ngơ ngác nhìn anh Thừa đương hầm hầm:
– Thôi, nhưng mà nếu giận ông thì giận đời. Tôi bảo cho ông biết là ông ngu lắm! Không khéo thì cái Phòng thuốc nhà giàu này vỡ vì ông, chứ không phải vì ế khách.
Anh im một lát, rồi hoạnh:
– Ai bảo ông làm như ở đâu về thế? Sao không làm như ở nhà đi thăm người ốm? Ông có biết rằng tôi vừa sai thằng Xi đem cho tôi cái điếu ống thuốc lào ra trước mặt khách hay không? Thế thì nó kéo xe cho ông đi từ lúc nào để ông về cửa trước, qua buồng đợi? Có về thì phải có đi mới là thật chứ? Thế thằng Xi bay đường nào ra cửa mà khách không trông thấy nó đi, lại chỉ trông thấy nó về? Mà từ lúc nó đem điếu ra cho tôi, đến lúc nó kéo ông về, chỉ cách nhau độ mười lăm phút. Thế mà ông nói luyên thuyên những là cụ Thiếu Hà Đông với cụ Tham Trân? Vô lý! Vô lý!
Cụ Điều tay đưa lên gãi tai, thở dài ồm ồm. Anh Thừa nghiến răng, trỏ vào mặt cụ:
– Tôi đã cấm ông nói nhiều kia mà!
Anh trừng trừng nhìn cụ, rồi im lặng cho cụ có thì giờ mà nhớ lại cái tội đã phạm kỷ luật nghiêm ngặt. Nhưng thấy anh không nói, thì cụ nói:
– Tôi xin ông tĩnh tâm. Những lỗi của tôi, quả là có hết. Còn như ông bảo tôi nói nhiều, thì tôi có phạm vào điều cấm, là nói bệnh, nói thuốc với bệnh nhân đâu?
Anh Thừa giậm chân xuống đất, quát:
– Còn cãi!
Cụ Điều giật nảy mình. Anh Xi cũng giật nảy mình. Anh Xi bảo khẽ:
– Ông đương lúc nóng, thì bác im đi có được không.
Anh Thừa quắc mắt với anh Xi:
– Tao không nóng! Không lúc nào tao nóng! Mày thử nghĩ xem, lão già làm thế có đúng không?
Anh Xi len lét:
– Vâng ạ.
Anh Thừa vẫn còn tức:
– Mấy lị làm gì mà phải nói đi lắm thế. Một cụ Thiếu Hà Đông là đủ rồi, không cần phải kể là đến cụ Tham Trân nữa. Từ sáng tới giờ, thì giờ đâu mà đến được những hai chỗ. Thế là đi chơi, chứ đi thăm bệnh à?
Cụ Điều run run:
– Xin ông nuốt giận làm lành. Tôi nói là đêm qua ở Hà Đông, sáng ra Hà Nội, tôi mới đến thăm cụ Tham Trân, thế là có một chỗ.
Anh Thừa im. Một lát, anh nói:
– Nhưng một mình cụ Thiếu Hà Đông là đủ rồi. Không cần cụ Tham Trân. Nếu muốn kể cả cụ Tham Trân, thì ông phải nói cụ Tham Trân trước, cụ Thiếu Hà Đông sau. Cụ Thiếu Hà Đông với cụ Tham Trân, ai phương diện hơn ai? Sao không kể nhân vật có giá trị của quốc gia sau cùng, để ngoài nghe nhớ lâu? Ông phải biết chuyện riêng của gia đình những bậc tai mắt bao giờ cũng được những kẻ tò mò kháo với nhau. Thế mà mỗi lần họ nhắc đến tên mình một tiếng, có bằng trăm bằng nghìn lời quảng cáo không? Chứ cụ Tham Trân là cái thá gì? Là cái anh lấy vợ thải của thằng Tây Cú ấy à. Danh giá gì điều ấy. Ông kể cụ Thiếu Hà Đông trước, kể cụ Tham Trân sau, tai tôi nghe cứ như đương ăn tiệc nem công chả phượng, đến cuối bữa, nhai phải củ lạc thối ấy!
Anh Thừa nhìn cụ Điều, rồi nhìn anh Xi, hất hàm hỏi:
– Đấy, các người thử nghĩ xem, tôi nói có đúng không?
Cụ Điều xoa hai tay vào nhau:
– Vâng, ông mắng thì tôi phải chịu. Chứ tôi có biết đâu là ông sai anh Xi cầm điếu ra cho ông, mà tôi không về.
Rồi cụ làu nhàu một mình:
– Chỉ có từ cổng trước luồn quanh về cổng sau, cổng sau luồn quanh ra cổng trước cũng khó khăn thế đấy!
Anh Thừa lại giậm chân xuống đất:
– Còn bướng phỏng? Tôi có thuê đắt mới tìm được nhà có hai cổng để các người làm ăn thế à?
Anh Xi can cụ Điều:
– Thôi, bác, để yên ông nói.
Anh Thừa khuỳnh hai tay vào háng:
– Ông có biết lúc ông vào, thì tôi đương chuyện gì với khách không? Tôi đương hết sức khoe mẽ cho ông, bốc ông lên đến trời, thế mà đánh đùng, ông thò cái mặt thớt của ông vào, làm tôi ngượng, không dám nhìn ai nữa. Tôi đã giao hẹn với ông bao nhiêu lần là ở nhà này, ông cứ làm đúng như cái máy cho tôi, tôi vặn thế nào, ông phải y nguyên làm như thế. Đừng sai lời tôi mà hỏng việc của tôi.
Cụ Điều chắp hai tay:
– Vâng, bận này tôi trót dại, bận sau tôi xin chừa.
Anh Thừa nguôi giận:
– Thế thì được. Bị thịt phải biết phận bị thịt.
Rồi anh nói với anh Xi:
– Sáng nay, hai đứa cứ ăn cơm trước đi. Không phải chờ tao. Tao còn bận.
Anh móc túi nhìn đồng hồ:
– Mà đã chết đói hay sao lại thổi cơm sớm thế? Hãy bỏ đấy. Lên tán nốt chỗ thuốc làm dở đi.
Anh quay ra nhà ngoài, quăng lại thêm một câu cuối cùng:
– Chỉ ăn là khỏe thôi! Đồ khỉ!
§8. Tin bất thường
Anh ạ, em thành cô Lan mất rồi. Chắc là vì em không có bệnh ốm tương tư nữa.
Ma-ri hớn hở, ỏn ẻn với anh Thừa câu ấy, rồi tụt cái khăn tua bịt đầu bằng len đen xuống vai, vén cái vạt áo nhưng nâu, hắn đặt đít ngồi lên mặt bàn. Anh Thừa nhích cái bút ra xa cho mực khỏi dây vào tà áo lụa màu hồ thủy mặc trong của Ma-ri. Không hiểu lời nói có ý nghĩa bí hiểm, anh ngớ ra, nhìn Ma-ri:
– Sao?
– Từ mấy hôm nay, em hay buồn nôn buồn ọe, anh ạ.
Thấy Ma-ri báo một tin bất thường như vậy mà lại vui được, anh Thừa cau mặt, hỏi:
– Thật à?
Ma-ri ngoẹo cổ để làm điệu:
– Thật! Anh có nhớ rằng anh đã bảo thằng văn sĩ là đàn bà có bệnh tương tư thì tịt đẻ hay không? Thế thì em ở ngay gần anh, chắc không tương tư anh, cho nên em có mang.
Một nhịp cười hi hí, Ma-ri tự thưởng cho mình câu nói bóng bẩy và tình tứ.
Nhưng anh Thừa vẫn lạnh lùng:
– Có đúng không?
– Sao lại không đúng. Lúc nào cũng buồn nôn buồn ọe.
Anh Thừa lắc đầu, dằn từng tiếng cho rõ:
– Không. Đúng là đúng có mang với anh hay với ai. Anh muốn hỏi thế kia.
Ma-ri tát khẽ vào má anh, rồi giẩu môi và lườm anh, dài giọng để đáp:
– Chả với anh thì với ai!
Anh Thừa thở dài, ưỡn lưng vào lưng ghế:
– Thế thì cho ra ngay đi thôi. Nhà có thuốc đấy.
Ma-ri hơi đổi sắc mặt:
– Không, em không làm thế. Thất đức lắm. Anh không biết bố em là người suốt đời tu nhân tích đức à?