Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thằng Pôn nói:

– Cách trả lương như vậy mới bắt mại bản phải chiều khách. Chứ cứ sẵn lương tháng đấy, thì đối với chủ lỗ hay lãi cũng kệ. Đối với khách thì bạc đãi, hách dịch, có khi chửi bới, đánh đập cả người ta, như lối cửa quyền.

Thằng Giăng nói:

– Con thấy rằng bất cứ một người làm công bán hàng nào, cũng chỉ nên được ăn hỏa hồng thôi. Như vậy, họ mới coi quyền lợi của chủ là quyền lợi của họ được. Anh Pôn bảo bán hàng lối cửa quyền là rất đúng. Con cũng nhận thấy như thế.

Thằng Pôn nhận làm ở tàu Đại Pháp. Thằng Giăng nhận làm ở tàu Bắc Kỳ.

Chúng nó rất hăm hở với nhiệm vụ.

Vì thật thà và chăm chỉ, chúng nó thu trội hơn trước đổ đồng mỗi ngày được mười đồng.

Cả Thừa lẫn Ma-ri mừng thầm, và khen ngợi chúng nó. Muốn khuyến khích hai con, Thừa thưởng ngay cho chúng nó mỗi đứa năm đồng.

Nhưng ngày nào cũng sống trên mặt nước suốt từ sáng bạch đến chiều sẩm, chỉ loanh quanh trên khoảng rộng chừng trăm thước vuông, giao thiệp với những người bo bíu, so kè từng xu, được ba tuần lễ, cả thằng Pôn, thằng Giăng đã bắt đầu chán. Chúng nó bị tù cẳng, không tha thiết đến món tiền thưởng bằng tự do. Thằng Pôn bảo thằng Giăng:

– Chúng ta phải xin pa-pa cho nghỉ ngày chủ nhật mới được. Chứ ngày nào cũng thế này, thì chán đời lắm. Chúng ta đương nhàn rỗi, mà phải làm việc, đã là một cái khổ. Lại ngày nào cũng phải làm việc, thì khổ quá. Pa-pa có thưởng cho nhiều tiền mấy cũng vô bổ, vì ở dưới tàu, có quái gì mà phải tiêu tiền?

Thằng Giăng biểu đồng tình:

– Mấy lị pa-pa với ma-măng bỏ thế nào được chúng mình. Trước kia, cứ rong chơi, pa-pa cũng phải nuôi chúng mình sống đàng hoàng, chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ pa-pa bắt làm việc, chúng mình đã phải khó nhọc, còn không được ăn chơi, nghỉ ngơi. Vậy chúng mình nên xin cho được nghỉ ngày chủ nhật, để có dịp mà tiêu tiền, nhất là được đi lại khỏi tù cẳng.

Hai đứa tỏ nguyện vọng với Thừa. Thừa bảo:

– Chúng con xin nghỉ ngày chủ nhật là chính đáng, pa-pa sẽ làm cho chúng con vừa lòng. Pa-pa muốn chúng con hiểu rằng pa-pa định đào tạo hai con thành hai ông chủ tàu, nên phải cho học việc. Rồi chiếc Đại Pháp sẽ về tay Pôn. Bắc Kỳ sẽ về tay Giăng. Gia tài mà pa-pa và ma-măng định chia cho hai con sau này đấy. Mỗi chiếc tàu trị giá ngang với hai biệt thự. Chúng con biết rồi. Bốn chiếc nhà còn lại, pa-pa cũng định để dành cho hai anh em một chiếc. Còn ba chị em chúng nó chia nhau hai chiếc. Pa-pa với ma-măng chỉ giữ lại một chiếc để dưỡng lão thôi.

Ngừng một lát cho hai con suy nghĩ. Thừa lại tiếp:

– Từ ngày hai anh em tận tâm với công việc, pa-pa rất mừng. Tuy pa-pa bảo của pa-pa là của các con, nhưng chính là hai chiếc tàu ấy đã là của hai con mỗi người một chiếc rồi. Vậy nếu chúng con làm việc, thì không phải là cho pa-pa, mà là đứa nào làm cho đứa ấy. Cho nên lãi thì mình hưởng, lỗ thì mình chịu. Pa-pa có sổ riêng biên thu nhập của từng chiếc.

Rồi sau này, nhờ trời lãi nhiều, chiếc nào có đủ tiền tậu thêm nữa, là của ông chủ chiếc ấy. Pa-pa chỉ làm cố vấn, tự các con phải xoay xở lấy. Bây giờ các con còn ít tuổi, mà pa-pa thì quen nhiều, việc thạo. Ví dụ con nào muốn khuếch trương, hỏi ý kiến pa-pa thì pa-pa bàn với, hoặc có cần vay mượn, hay xoay xở thế nào cho có tiền để khuếch trương, thì pa-pa giúp. Nhưng pa-pa không chịu trách nhiệm đâu. Mặc.

Thằng Giăng nói:

– Nhưng ở mãi dưới tàu, ngày nào cũng làm việc, mệt và chán lắm. Chúng con chỉ xin pa-pa cho nghỉ ngày chủ nhật thôi.

Thừa cười:

– Mấy chục năm nay, pa-pa có biết ngày nào là chủ nhật đâu! Vả pa-pa có phân biệt ngày với đêm đâu. Mà hành khách cũng vậy, người ta có biết ngày nào là chủ nhật? Con có thấy xe lửa, ô-tô buýt, với các hãng tàu thủy khác, họ nghỉ chủ nhật không? Càng chủ nhật càng đông khách. Vả ở nước ta, trừ mấy cửa hàng tây ra, còn cửa hàng ta cửa hàng tàu, có cái nào đóng cửa ngày chủ nhật không?

Thằng Pôn nói:

– Thế thì chúng con phải làm việc quanh năm à? Đời sống như thế không còn gì là lý tưởng nữa.

Vốn ghét thằng Pôn, Thừa cau mặt:

– Câu ấy để người ngoài nói với pa-pa. Bố con với nhau, không nên nói đến lý tưởng. Tàu Đại Pháp là của con. Từ hòn than, từ giọt dầu, từ chút mỡ, cho đến các máy móc, là của riêng con. Đó lý tưởng đấy. Nếu con không trông nom, để cho sơn lở, để cho gỗ sứt, thì chính con bị thiệt hại. Con phải coi chiếc tàu là nhà của con, mà để mắt đến từng ly từng tí. Cho nên ngày cũng như đêm, con phải ở đấy. Con có ở đấy, thì kẻ ăn người làm mới không dám làm bậy. Nếu chủ nhật, con nghỉ, bỏ tàu để đi chơi, thì pa-pa thử hỏi bọn mạch-nô chúng nó có giữ của thay cho con hay không?

Thằng Pôn im lặng. Thằng Giăng cũng im lặng. Nhưng chúng nó hậm hực lắm.

Vận động bố không nổi, chúng nó vận động mẹ. Quả nhiên Ma-ri thương chúng nó, Ma-ri bảo Thừa:

– Hay là đến ngày chủ nhật, ông cứ cho chúng nó nghỉ. Ông với tôi làm thay chúng nó? Cũng chả mệt nhọc gì một ngày. Cũng như ta đi chơi, đổi không khí thôi mà?

Thừa đáp:

– Chúng nó nghỉ ngày chủ nhật cũng được. Tôi với bà sẽ thay. Nhưng tôi muốn điều tra xem là ai xui chúng nó, hay tự chúng nó xin. Tôi cứ ngờ là việc này có bàn tay cộng sản nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp nhúng vào.

– Chả nên ngờ con mình bị ai xui giục. Chúng nó lớn, lại đương vào tuổi mải chơi ấy mà. Mấy lị cộng sản vào lọt sao được nhà này.

– Phải, cộng sản không vào lọt, nhưng làn gió cộng sản thì đâu cũng vào lọt. Biết đâu là không có người khách đi tàu là cộng sản chuyện trò với chúng nó, rồi tuyên truyền cho chúng nó về quyền lợi?

Ma-ri im. Thừa tiếp:

– Vả lại tôi sợ đây chính là một yêu sách, rồi phong trào này lan tới bọn ba-toong, tài xế, nhì xế, và mạch nô. Rồi bọn người làm các hãng cũng bắt chước thì có hại chung cho tất cả. Không nghỉ ngày chủ nhật, là một thuần phong mỹ tục. Phải duy trì thuần phong mỹ tục này. Không nên đánh thức bọn làm công. Rồi rầy rà đến mình. Thấy có gì hại cho chủ, mình phải dập ngay từ ngòi đi mới được. Bây giờ hai đứa đòi nghỉ chủ nhật được, thì nay mai chúng nó đòi nghỉ cả ngày lễ. Mình không cho, thì chúng nó đòi làm việc ngày nghỉ phải được lương gấp đôi. Thế là chúng nó nêu gương xấu cho người khác noi theo.

Ma-ri thở dài.

Thằng Pôn và thằng Giăng thấy bố cương quyết, thì bực lắm. Tối thứ bảy ấy, hai đứa cương quyết lại với bố.

Chúng nó nói với Thừa:

– Ngày mai chúng con nghỉ. Cả ba-toong, tài xế, nhì xế, mạch nô cũng cho rằng chúng con xin pa-pa thế là đúng.

Thừa gắt:

– Chúng mày dại như con chó! Chúng mày dọa rủ nhau đình công phỏng. Ai xui chúng mày thế?

Ma-ri ngọt ngào trách hai con:

– Từ nay về sau, bất cứ chúng con định xin gì, thì bố con hãy nói chuyện với nhau trước, đừng bàn bạc với người ngoài vội. Có khác gì nối giáo cho giặc không?

Thằng Pôn nói:

– Thưa pa-pa, tự chúng con thấy sống mất tự do, thì chúng con xin pa-pa cho chúng con một tuần lễ được một ngày để được tự do, chứ có ai xui đâu?

Thừa dỗ mạnh điếu thuốc lá xuống mặt bàn, rồi đánh diêm để hút. Thằng Giăng lại tiếp:

– Nếu pa-pa muốn biết điều chúng con xin là đúng hay không đúng, thì con mời pa-pa xuống tàu làm mại bản một tháng.

Thừa im lặng.

Hắn đành nhượng bộ.

Ngày chủ nhật, hắn và Ma-ri làm mại bản thay cho thằng Pôn và thằng Giăng. Song, hắn rất hài lòng, là hai đứa rất vui vẻ, và làm việc ngày một kết quả hơn.

* * *

Công cuộc kinh doanh đương phát đạt, Thừa phấn khởi lắm, thì được tin quan thầy cũ là Mát-xi-li, ở bên Tây sắp sang. Mát-xi-li được bổ công sứ Hải Dương.

Thừa hiểu là làm công sứ ở tỉnh lẻ có quyền hơn làm Đổng lý văn phòng phủ Thống sứ, tuy chức to hơn nhưng vẫn có người trên.

Thừa mừng quá. Hắn vào yết kiến viên tổng đốc, xin tổ chức cuộc đón quan chủ tỉnh mới, rất long trọng. Được trên đồng ý, hắn đi cổ động quan lại và công chức góp tiền mở tiệc trà danh dự.

Tiếng tăm Thừa quen biết quan công sứ mới đồn dậy lên. Từ viên chánh án đến bác loong-toong các công sở đều tìm đến Thừa để cầu thân.

Thừa và Ma-ri hãnh diện lắm.

Nhưng trong những ngày Thừa bận rộn việc tổ chức đón rước, lòng hắn đương phơi phới, nhìn cờ bay ở ngoài trời mà như thấy cờ bay ở trong bụng, thì thằng Pôn và thằng Giăng vào gặp hắn, đòi tăng lương. Thằng Giăng viện lý:

– Pa-pa bảo tàu là của chúng con, lãi thì được hưởng, lỗ thì phải chịu. Nay chúng con đã làm được hơn nửa năm, vì chúng con coi tàu là của chúng con, nên chúng con hết sức làm việc, tiền thu nhập tăng dần. Vậy pa-pa tăng lương và tăng hỏa hồng cho chúng con. Bởi vì chúng con kiếm, thì chúng con được hưởng.

Thừa nói:

– Không nên bóc ngắn cắn dài, con ạ. Pa-pa cốt dành dụm cho chúng con, để khuếch trương công cuộc vận tải cho chúng con, ngày một có thêm tàu, được nhiều lợi hơn. Vậy một đằng được đồng nào xào ngay đồng ấy, để mãi mãi chúng con chỉ mỗi đứa có một chiếc tàu, một đằng chúng con ăn nhịn để dành, để sang năm, hai anh em có thêm một chiếc nữa, sang năm nữa, mỗi đứa có riêng hẳn một chiếc, rồi cứ thế mãi, thì chúng con chọn đường nào, pa-pa cũng bằng lòng.

Thằng Pôn hỏi:

– Nếu thế thì chúng con già đời cũng đến như cụ Lăng là cùng. Vậy sống ở đời còn có gì là sinh thú nữa?

Thừa lắc đầu:

– Cái anh có một đồng bạc vốn, thì kiếm được một xu cũng phải chật vật. Nhưng người có mười đồng bạc vốn, thì kiếm một hai hào đã dễ dàng. Và khi có hàng chục hàng trăm, thì kiếm lợi hàng đồng rất dễ dàng. Đến người có hàng nghìn, thì có khi tự nhiên của nó cũng vào nhà như nước chảy chỗ trũng. Vậy con có nên chỉ có một đồng bạc vốn mãi mãi hay không?

Cả thằng Pôn lẫn thằng Giăng đều im. Nhưng Thừa nhận thấy thằng Pôn liếc thằng Giăng thì thằng Giăng nói:

– Thưa pa-pa, đây không phải là nguyện vọng riêng của chúng con mà là nguyện vọng chung của nhân viên hai tàu.