Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cuộc thi đề ra, ông Hoài Tân Tử khấp khởi mừng rằng nhất định phen này đỡ phải nặn óc viết những bài nhạt hoét. Ông cắt cho anh Thừa làm việc sơ khảo, nghĩa là nếu có bài dự thi gửi về, thì xếp vào trong một tờ bìa, gọi là hồ sơ dự thi, rồi hàng ngày gửi lên nhà chị Sáu.

Nhưng tuy cuộc thi đã dử giải thưởng bằng tiền mặt và bằng văn phòng tứ bảo, mà tòa soạn chẳng nhận được một lời hưởng ứng. Ông Hoài Tân Tử bực lắm, bảo anh Thừa:

– Bây giờ tao mới nghĩ ra. Phàm cuộc trưng cầu ý kiến, nếu chưa có bài tung, thì chưa có bài hứng. Vậy thì tòa soạn mình phải viết một bài ký tên người khác, để đăng báo trước, rồi tự khắc độc giả sẽ gửi bài của họ đến sau.

Anh Thừa đáp:

– Mày nói có lý đấy. Thế thì mày viết đi.

Ông Hoài Tân Tử lắc đầu:

– Tao không viết. Vì tao bận quá. Mày muốn có lợi thì mày phải viết. Chắc mày có nhiều ý kiến viết ra thì tốt cho mày.

– Đành vậy, nhưng tao có biết viết đâu?

Ông Hoài Tân Tử cau mặt:

– Viết một bài ký tên đàn bà kia mà, sợ gì mà không dám?

– Mày bảo thằng Tiêu Lang.

Ông Hoài Tân Tử nghiêm nét mặt, mắng:

– Con khỉ! Chim gái thì bạo, mà viết bài chài gái thì nhát như cáy! Mày cứ viết đi, viết thế nào cho thành câu là được, văn chương mà ký tên đàn bà con gái thì cần gì sạch sẽ lắm. Mày không biết ngày nào tao cũng phải khổ về chữa bài của chúng nó để đăng vào mục Tiếng oanh à?

Anh Thừa cười:

– Thế thì viết thế nào được?

– Viết thế nào thì viết. Mày nên nhớ rằng văn chương của phụ nữ thật thì thối lắm, nhưng đã là phụ nữ, thì ỉa ra cũng có thằng khen là thơm, hiểu chưa? Mày cứ mạnh dạn mà viết đi, có thối lắm cũng chỉ bằng văn chương Tiếng oanh, chứ không thối hơn đâu mà sợ!

Anh Thừa đành phải nhận lời.

Đêm hôm ấy, anh phải uống cà phê để thức.

Vì phải làm việc bằng óc nhiều, nên anh thấy nhức đầu. Anh oán ông Hoài Tân Tử đã đùn việc viết lách cho vai chủ bút. Anh ghét lây cả bọn viết văn, từ thằng oe con chưa sạch hơi sữa đã tự cao tự đại, coi người bằng nửa con mắt, chỉ quây quanh bàn đèn để chửi đổng. Trong báo Chấn Hưng, ngay cả thằng oắt Tiêu Lang đã dám khinh ông Lăng và khinh anh.

§10. Nỗi lòng

– Em ạ, chị chỉ ân hận một nỗi là trước kia, chị tưởng người ta có vợ rồi, nên mới theo em đến đấy để in giấy cổ động tẩy chay. Chứ nếu biết thế này, thì chị chả đến. Bây giờ người ta hỏi chị, chị sợ miệng thế gian bình phẩm chị đã thế nào với người ta rồi chăng.

Cậu Nghĩa đặt bút xuống bàn, thủng thỉnh đáp:

– Thế thì chị cứ nói toạc ra là chị bằng lòng đám nào có được không?

Cậu Nghĩa nói thế, là bởi vì trong tháng này, cô Lễ có những hai đám nhờ người đến đánh tiếng xin cô. Một đám là anh Thừa, nhờ bà huyện Dần ở Gia Lộc về nói với hai cụ Tú. Một đám là cậu Nhân, học trường Cao đẳng Lục lộ, cháu họ bà Cả Hàng Đường. Cô Lễ chưa biết mặt cậu Nhân, nhưng do bà Cả làm mối, nên cô biết cậu ta góa vợ, chưa có con, nết na, đứng đắn, năm nay thì ra làm tham biện. Cô hay đến thăm ông bà Cả, chắc cậu Nhân gặp ở đấy. Nhưng cô thì không biết mặt cậu, vì bao giờ thấy trai lạ, cô cũng trông thẳng. Còn anh Thừa thì cô rõ quá rồi. Chẳng phải hỏi dò ai, ngay từ trước, chả cứ ý mặt mũi, cả đến tâm tình, quá khứ và hiện tại, cô cũng biết hết.

Cho nên không cần suy nghĩ lâu la, trong bụng cô, cô đã chấm ai rồi. Vì vậy, thấy cậu Nghĩa nói thế, cô chỉ cười:

– Em nghĩ hộ chị.

Cậu Nghĩa tủm tỉm:

– Em có lấy chồng đâu mà em nghĩ.

Cô Lễ mặt đỏ bừng, ôm đầu, vừa rúc rích cười, vừa chạy vào nhà trong.

Cụ tú Phúc Lâm bà thì ngả về phía cậu Nhân. Có thể là do bà Cả Hàng Đường nói vào cho cháu bà cũng có, nhưng không phải là cụ không suy nghĩ. Vì cái trách nhiệm làm cha mẹ đối với việc trăm năm của con là to. Hạnh phúc một đời của cô Lễ là do hai cụ quyết định. Cụ không kể cậu Nhân tuy góa vợ, nhưng chưa có con thì vẫn là con trai thôi; cụ không kể cậu Nhân nay mai đỗ ra, là ông tham; cụ chỉ yên tâm về cái cô được làm dâu ông bà hai Hiền, là chỗ nhà nho. Ông bà hai phúc hậu, biết quý người, cho nên đẻ ra cậu Nhân cũng nết na, đứng đắn. Cô Lễ sẽ là cháu hai bề của bà Cả, mà bà Cả đứng mối, thì chắc cô được bà dạy dỗ, bảo ban cho những điều không nên không phải, để giữ tình thân cho cả ba gia đình.

Cụ nghĩ về anh Thừa. Tuy cũng là con nhà có chí khí học hành giỏi, ăn ở có thủy có chung, chẳng kém gì cậu Nhân, nhưng dù sao thì gia đình anh cũng là gia đình xa lạ. Vả lại, bây giờ anh bỏ nghề làm thuốc, ra làm báo, là cụ không thích. Cụ nói với cụ ông:

– Thế là anh này đương có nghề đứng đắn hẳn hoi lại đi làm cái việc lông bông, gần như vô nghề nghiệp. Xưa nay, các cụ vẫn coi làm văn thơ là việc phù phiếm. Các cụ bận về chức vụ, có lúc nào nhàn rỗi mới làm văn làm thơ để tiêu khiển. Bây giờ gọi làm văn làm thơ để đăng báo là nghề kiếm ăn, thì tôi không chịu, ông chả thấy anh Sinh làm báo là gì. Anh ta làm ở Đông Dương tạp chí đâu có mấy tháng, lúc tìm được việc chắc chắn hơn, thì anh ta thôi làm báo ngay. Cho nên, làm báo là một việc tạm bợ, để chờ đợi một chân khác. Mà kể ra, làm báo cũng bấp bênh thật, báo còn thì nghề còn, báo đình bản thì nghề mất. Bảo làm báo là nghề thì khó nghe thật. Tôi không biết làm chủ bút báo thì giỏi thơ, giỏi văn thế nào, chứ mà tôi suy anh Sinh ra thì biết là chỉ bẻm mép, chế bác chẳng từ ai. Thấy nhà ai có việc gì, là vào nhật trình ngay, để nói xấu. Ông Vĩnh chả bị bát Soạn cho một trận ở Hàng Bông là gì. Mà ai danh giá hơn ông Quỳnh, bây giờ cũng bị đánh xuống rồi. Cho nên, tôi lạ cho cái anh này có đức hạnh mà sao lại đi làm cái nghề lăng nhăng khởm này[68]. (*[68] Khỉ này.)

Một lát, cụ nói thêm:

– Mà quái, là con nhà tử tế, nhưng tôi trông mặt mũi, nhất là cái mồm đầy răng vàng, cứ như thằng kép hát tuồng hay như thằng sốp-phơ ấy.

Cụ Tú ông ngồi lặng. Cụ vừa nghe, vừa mở từng trang báo Chấn Hưng ra để nhìn. Chắc cụ có suy nghĩ. Một lát, cụ đứng dậy, vào trong buồng thờ, lấy ra cuộn tử vi, xem lại lá số của cô Lễ. Cụ tính, cụ bấm, rồi cụ thở dài, không nói gì.

Trong khi ấy, cô Lễ từ nhà trong ra nhà ngoài, lại đi từ nhà ngoài vào nhà trong. Cô biết giờ phút này là giờ phút quyết định hạnh phúc cho đời cô. Cho nên, cô nghe ngóng, nhìn sắc mặt của cha mẹ, để đoán ý.

Nhưng đến khi hai cụ không nói chuyện với nhau nữa, và tối hôm ấy cụ bà không bảo gì cô, thì cô chỉ thở dài. Có hai con đường trước mặt cô, cô nhìn rõ rồi. Nhưng không biết được đi trên con đường này, hay đi trên con đường kia. Đi trên con đường này thì thế nào? Đi trên con đường kia thì thế nào? Thân gái như hạt mưa sa. Đời người con là của cha mẹ. Thôi thì tùy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Một hôm, cậu Nghĩa học xong, mới gấp sách vở lại, đến ngồi gần cô Lễ, nói nhỏ:

– Chị ạ. em đã đi hỏi rồi. Cái anh Thừa này không tốt đâu.

Cô Lễ tái mét mặt.

– Hình như anh ta lấy nhiều vợ rồi, nhưng lại bỏ, chứ không phải chưa có vợ đâu.

Cô Lễ cuống queo, hai tay quờ quờ xuống chiếu.

– Mà cũng không rõ anh ta làm thuốc thế nào.

Cô Lễ khẽ đáp:

– Thầy với chị đã uống thuốc của Phòng thuốc nhà giàu đấy.

Ý cô muốn nói thuốc hay, nhưng cô sợ lộ cái ý là bênh anh Thừa. Cậu Nghĩa nói:

– Anh ta không phải người tốt, hay đi lừa. Không khéo cũng định lừa nhà ta đấy.

– Thế sao ngày độ tẩy chay, học trò lại hay lui tới nhà anh ta, và khen là tốt.

Cậu Nghĩa thấy chị bẻ lại thì im, một lát mới nói:

– Tốt là tốt với tẩy chay thôi. Còn cái tư cách, có lẽ là không tốt.

– Sao lại có lẽ. Phải biết chắc chắn để nói chắc chắn, kẻo oan người ta.

– Có oan cũng oan vừa, chứ không oan hẳn. Cái chuyện ông cụ Điều nào đó nói về cô con gái ở Móng Cái với anh ta, là chuyện bịa đặt đấy.

– Nhưng thầy quý cụ Điều, thầy vẫn khen là đứng đắn kia mà.

– Thầy ít đi ra ngoài, nên có thể là thầy xét người không đúng. Thầy bảo cụ ấy là bạn ông Tú Xương thì là chỗ thanh khí. Nhưng có bao giờ cụ ấy nói đến thơ ông Tú Xương đâu. Câu chuyện anh ta với cô con gái Móng Cái, rồi sau em nghe hệt như chuyện ông Đặng Trần Thường ngày xưa, lúc ông ta vào Phú Xuân theo ông Nguyễn Ánh để phản lại nhà Tây Sơn ở Bắc Hà. Ông ta cũng gặp người con gái giúp tiền như thế. Rồi đến khi ông Gia Long lên làm vua, ông Đặng Trần Thường ra Bắc Hà tìm ân nhân cũ để lấy làm vợ, thì người ấy đã chết. Từ đó, ông ta lấy ai cũng nhận là thứ, là thiếp mà thôi.

Cô Lễ thở dài. Cậu Nghĩa tiếp:

– Mấy lị em nhận thấy thế này. Bà cử Dần chẳng tử tế gì với nhà ta đâu. Trước kia, bà ấy xin chị làm lẽ bà ấy, dỗ dành mãi, nhưng chị không bằng lòng. Thì tất nhiên, bà ấy không yêu gì chị. Bây giờ bà ấy lại đến, hẳn chả phải định đem hạnh phúc cho nhà ta. Có khi bà ấy rước tai họa đến để rửa nhục rửa thù cũng nên. Em nghe nói hình như về tích cái nhà mua bán thế nào ấy, cái anh Thừa này bị bà ta lừa, nên bây giờ phải đền anh ta bằng việc giúp anh ta hỏi chị.

– Bà ta là bà quan mà?

– Là bà nào mà chả biết lừa. Càng là bà quan lại càng lừa khỏe, chị ạ.

Thấy mỗi câu đưa ra, cậu Nghĩa lại chống được ngay, cô Lễ luôn luôn thở dài. Cậu Nghĩa lại nói:

– Về việc chị, em nghĩ thế này. Nhà ta là nhà nho. Ngày trước, thầy có can dự việc Đông Kinh nghĩa thục, nhưng vì không đủ chứng cớ, cho nên nhà nước không làm án được. Chị em mình lớn lên, cũng là người biết nghĩ. Vì từ việc Đông Kinh nghĩa thục, việc ông Đề Thám bị giết, việc ném bom hai thằng quan binh Mông-grăng và Sa-puy ở Hà Nội ô-ten và lão tuần Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình, việc nhà nước bắt lính, bắt mua quốc trái gửi sang Tây, cho đến những năm gần đây, việc vua Duy Tân ở Huế, việc ông ba Lương Hoài Quyến[69] khởi lên ở Thái Nguyên, việc vua Khải Định ngự giá Bắc tuần, việc tẩy chay, thầy đều nhân lúc rỗi, giảng cho ta hiểu. Tuy thầy nói ít, nhưng ý thì nhiều. Thế là thầy muốn dạy dỗ cho chị em ta phải yêu nhà, yêu nước. Việc mà thầy đẻ kén chọn kỹ cho chị, chắc cũng là do muốn có chàng rể cho xứng đáng. Vì vậy, em nhắc lại việc cũ, chị đừng buồn nhé, anh Côn chết đi, là thầy tiếc lắm. Cho nên, nếu bây giờ chị lấy phải người chồng không ra gì, thì phí cả công thầy đi. (*[69] Báo Trung Bắc tân văn in tên nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến là Lương Hoài Quyến, rồi Quyến.)