Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Theo thường lệ, mỗi buổi trưa, khi ông bà Hàn và các cô các cậu vào buồng ngủ, thì bọn hầu gái bận nhất.

Bà gọi họ là đội con gái. Bà đặt tên cho việc lúc ấy của họ là hầu ngủ.

Thường thì riêng hầu bà ngủ phải ba người. Mỗi người chuyên môn một việc. Bà đã luyện họ công phu lắm mới thành thạo, và họ đã quen tính bà. Cho nên họ không thể thay đổi cho nhau.

Mai quạt. Quạt thì không những chỉ dùng tay phẩy đi phẩy lại cái quạt cho ra gió, mà phải dùng cả trí óc để theo dõi bà. Lúc nào bà nực thì quạt mạnh, lúc nào bà mát thì quạt khẽ đã đành, nhưng còn phải biết chỗ nào trong người bà lúc ấy nực nhất, thì lùa quạt vào mà rung. Và lúc bà chưa ngủ thì quạt thế này, nhưng lúc bà thiu thiu, lại phải quạt thế khác. Rồi lúc bà ngáy, còn phải biết nghe là bà đã ngủ say hay mới chập chờn, để liệu mà hất mạnh hay chỉ đưa khẽ cho có tí gió thoảng vào lưng, vào mặt. Bà mà chưa ngủ hẳn, lỡ quá tay phẩy mạnh, làm bà giật mình sực thức, thì bà chửi, có khi bà cáu, phát đen đét vào lưng hàng hồi.

Người gãi làm việc khó hơn. Không những Lan phải dùng tay, phải dùng trí óc, mà phải dùng cả nghệ thuật nữa. Bà muốn rằng mỗi khi đi nằm, trên da thịt phải có cái gì bò bò, làm cho bà buồn buồn. Nhưng chớ có làm bà thít lên mà chết đòn. Cho nên, nếu bà nằm ngửa, thì một tay phải khẽ mơn mơn hai gan bàn chân, và một tay, năm đầu ngón phải lướt thật nhẹ chỗ quanh rốn. Bà nằm nghiêng thì vờn hơi hơi ở cạnh sườn. Bà nằm sấp thì phải cẩn thận hơn. Cố nhiên là phải gợi cho lưng bà buồn, nhưng chớ có lỡ tay mà đưa quá vào cạnh nách, hoặc xuống chỗ lườn dưới xương sườn, là những chỗ bà có lắm lông buồn nhất. Rồi lúc nào, chỗ nào phải gãi bằng cả năm ngón, lúc nào, chỗ nào chỉ gãi bằng bốn, bằng ba, bằng hai ngón, Lan đều phải tự đoán lấy và làm cho đúng.

Còn việc này khó hơn nữa, Lan đã phải tập dượt hàng tuần và ăn đòn nhiều lắm, là lúc nào, chỗ nào vừa dùng ba ngón xong thì dùng luôn cả năm ngón, rồi lại chỉ dùng có hai ngón thôi. Chà chà là khó! Và hôm nào bà vui, hôm nào bà bực mình, người hầu gãi phải biết lựa cho đủ mức buồn. Bởi vì cũng một chỗ, hôm nay gãi thế, bà chưa thấy mùi vần gì, nhưng hôm khác, cũng gãi thế, bà lại cho là mạnh quá, làm bà rát.

Việc đọc truyện của Huệ thì bề ngoài tưởng là nhàn hạ, nhưng thật ra, không kém vất vả. Cứ một nỗi vừa hầu đủ trăm cấp bà giằn, vừa phải học cho nhớ mặt chữ, đã tử công phu rồi. Mà ai dạy học? Chính bà Hàn chứ ai. Nhiều người thấy bà chịu khó như vậy, thì khen là bà tốt, thương yêu đầy tớ, muốn cho họ biết chữ. Nhưng cũng chính vì bà muốn bắt đầy tớ phải mau mau biết đọc, mà mỗi khi khảo chữ, giáo quạt của bà lại đập hàng thôi hàng hồi lên đầu Huệ. Rồi Huệ bị mắng, bị nhiếc, là tối dạ, là ngu như con chó, con lợn. Và cả ông bà ông vãi, ông tứ đại ngũ đại của Huệ cũng phải đào bới xới trộn lên mà nghe chửi thay. Cũng do cái phương pháp sư phạm võ trang ấy màu nhiệm, cho nên chỉ trong có ba tháng, người con gái đã đánh được vần. Bây giờ Huệ biết chữ, thì dùng làm cái máy đọc truyện cho bà nghe.

Sở dĩ công việc của Huệ gọi là vất vả, vì Huệ đọc mà chẳng hiểu gì. Không hiểu mà mắt cứ phải nhìn xem là chữ gì để miệng nói ra tiếng ấy cho đúng, thì mệt lắm, dễ buồn ngủ lắm. Cho nên, nhiều lúc chữ nọ thỉnh ra chữ kia, Huệ làm bà nghe không hiểu, phải hỏi lại, thì đầu lại bị cốc. Nhưng lỗi mình mà mình chịu đòn thì đã đành, nhiều khi lại lỗi ở người khác kia, Huệ cũng phải gánh mới ức chứ. Ví dụ câu có lắm chữ nho khó quá, câu đặt dài quá, bí hiểm quá, tối nghĩa quá, hoặc truyện không hay, đáng lẽ bà Hàn phải nhè tác giả là thủ phạm ra mà chửi, thì bà lại hành tội Huệ!

Đội con gái của bà Hàn còn hai người nữa, là Sen và Đào, chỉ hầu các cô các cậu còn bé, nhưng công việc lại khó cách khác. Hai người này phải luôn luôn bày trò cho các cô các cậu chơi, và phải nhẫn nại mà chịu các cô các cậu bắt nạt. Bởi vì, luôn luôn, chẳng cần duyên cớ gì, các cô các cậu buồn mồm, buồn tay, thì chửi và đánh chơi, thi nhau mà chửi, mà đánh. Chửi đánh người cũng là một trò làm cho các cô các cậu giải trí.

Bà Hàn tuyển lựa vào đội con gái của bà rất kỹ càng, nên chỉ được có năm người. Tiêu chuẩn chính mà bà đề ra, là họ phải xinh. Trắng thì càng tốt. Nhưng nếu đen, cũng phải đen giòn, tức là có duyên thầm, tuổi thì từ mười ba đến mười sáu thôi. Bà không tin những cô trên mười bảy tuổi. Bà bảo tuổi này là tuổi bắt đầu ngứa nghề, biết theo trai rồi. Bà không hoài cơm vỗ béo nhân tình cho người khác.

Bà nuôi đầy tớ trẻ và xinh, vì bà cần người trẻ và xinh hầu hạ bà, những khi có khách đến nhà. Bà dạy năm người con gái ấy pha chè, têm trầu, bưng cơm, chia bài v.v… Và nếu không có gì phải làm thì năm cô phải đứng quanh bà, bề ngoài như để sẵn sàng xem bà có sai bảo gì chăng, nhưng bề trong là để cho khách ngắm và thèm thuồng họ, thì tất khách phải chiều bà trước.

Nhưng vì nuôi bọn con gái choai choai đến thì, bà tin câu nữ thập tam, nam thập lục, nên bà cũng lo. Luôn luôn bà đề phòng. Nhất là đề phòng chồng bà. Một mặt bà dò ý chồng từng li từng tí, một mặt bà luôn luôn giảng luân lý cho các cô gái tơ. Bà bảo làm thân con gái phải biết quý nhất chữ trinh. Lẳng lơ thì khổ một đời.

Bà cấm ngặt không cho bọn con gái được nhìn mặt chồng bà, mỗi khi phải nói gì với ông. Bà mà thấy ông nhoẻn miệng cười với đứa nào, thì chẳng cần hỏi đầu đuôi, đứa ấy phải chết với bà. Bà dỗ họ là đứa nào hẳn hoi, bà sẽ nhận là con nuôi, sau này bà gây dựng cho, thế nào cũng lấy được tấm chồng xứng đáng.

Bà lấy tên các thứ hoa để gọi họ cho đẹp: Sen, Lan, Mai, Huệ, Đào. Bà sắm cho mỗi cô chiếc khăn nhung đen, chiếc quần lĩnh tía, chiếc áo cộc trúc bâu trắng, và đôi hoa tai vàng Mỹ Ký. Bà dạy cách chải tóc, vấn khăn thế nào cho nên.

Vì vậy, đội con gái của bà Hàn như đàn chim ra ràng, trông đến vui mắt.

Lúc này, bà Hàn đương thiu thiu, bỗng có tiếng kêu rầm ở buồng bên cạnh.

Sen the thé:

– Bà ơi! Bà ơi! Cậu cả!

Bà giật nảy mình, vội ngồi nhổm dậy, vừa vấn vội tóc, vừa hỏi:

– Gì thế? Đứa nào kêu thế?

Lan thưa:

– Thưa bà, cái Sen đấy ạ.

Sen mở toang cửa, chạy vọt vào buồng bà:

– Bà cứu con với!

Bà Hàn cau mặt:

– Làm sao? Làm sao?

Sen hổn hển:

– Thưa bà, cậu cả…

Bà nhìn Sen. Bà hiểu ngay, nên tặc lưỡi:

– Con khỉ! Làm tao hết hồn, cứ tưởng cậu làm sao. Thế nào, đầu đuôi thế nào?

– Thưa bà, từ mấy hôm nay rồi, nhưng con sợ bà, không dám nói.

Bà Hàn nhíu đôi lông mi lại:

– Chả có lẽ! Cậu mới mười bốn tuổi đầu. Nữ thập tam, nam thập lục kia mà?

Mai nói:

– Thưa bà, con mời cậu con vào cho bà hỏi xem thực hư ra sao.

Bà chưa kịp ngăn, thì Mai đã nhanh nhảu ra khỏi cửa. Một lát Mai trở lại:

– Thưa bà, cậu con trốn đâu ấy, tìm không thấy. Cậu con tinh lắm kia, bà ạ.

– Tinh thì mới mười ba mười bốn tuổi đầu. Hay chúng mày dạy cho cậu?

– Thưa không ạ.

– Lại còn không!

Bọn đội con gái im lặng. Bà bực dọc, nói một mình:

– Mòn chó đâu mà tiếc, cũng phải kêu.

Sen ức quá, thút thít khóc. Bà Hàn mắng:

– Khóc cái gì? Cậu đã làm gì mày?

– Thưa bà chưa. Nhưng con sợ cậu con lại thế.

Bà Hàn im. Một lát, bà hỏi:

– Thế bây giờ mày muốn gì?

– Thưa bà, bà bảo cậu cho con.

Bà Hàn gắt:

– Tao không bảo. Để hôm nào quan về, mày trình quan, thì quan bảo.

Sen òa lên:

– Thế thì biết hôm nào quan về. Hay con xin bà cho con ra. Con chả dám hầu cậu con nữa.

Bà Hàn quắc mắt:

– Mày định giở mặt phỏng? Bà thì chẻ xác cụ mày ra. Mày trốn thì bố mày rũ tù.

Nói đoạn, bà bảo Đào lấy cái gậy, cời ở gậm sập ra cái đống bài vị vứt ngổn ngang trong đó. Bài vị gỗ đụng vào nhau lọc cọc. Bà thò chân xuống, khoắng khoắng từng cái, rồi nhìn Huệ:

– Mày tìm cho tao xem cái nào là cụ con Sen. Có đánh dấu chữ ở dưới đế ấy.

Huệ nhặt từng chiếc bài vị ngập những bụi, lau đế để nhìn chữ. Bà dọa Sen:

– Tao mà tìm ra cụ mày, tao chỉ chẻ nhỏ ra, để tống vào bếp. Cụ mày, tao đã giam vào đây, thì mày cũng không chạy đâu thoát!

Bỗng Sen lau nước mắt, chắp tay vái:

– Lạy bà, lạy bà. Con không dám nói gì nữa.

Bà Hàn vênh váo:

– Ừ, thế chứ lị.

Rồi bà truyền:

– Thôi, xếp cả cụ chúng mày vào gậm sập cho tao.

Bà quắc mắt với Sen:

– Việc chỉ có thế, mà làm bà bẩn cả chân. Bận sau mà còn kêu nữa, chớ chết! Bước!

Sen lùi lũi ra. Đào bưng vào buồng một chậu thau lam đầy nước trong. Bà Hàn nằm ngửa, thõng chân xuống cho Đào rửa. Trong khi ấy, Mai phe phẩy cái quạt vào mặt bà, Lan lật áo bụng bà ra để mơn man gãi, và Huệ cầm cuốn tiểu thuyết:

– Chàng i a nói i a trái i a tim i a anh i a đã i a bị i a em i a chiếm i a từ i a lâu…

* * *

Cái bà Hàn nuôi một lũ con em để làm mồi giữ khách, cái bà Hàn chỉ sợ chồng tí táy bọn con gái non, cái bà Hàn bênh đứa con trai mười ba mười bốn tuổi “quý tử” ấy, nhưng lại hay giảng luân lý cho đầy tớ gái, cái bà Hàn quý báu ấy không phải ai xa lạ với chúng ta đâu. Chính là Ma-ri đấy. Và chồng của cái bà Hàn mà bà gọi là quan ấy, lại vẫn chính là Trần Đức Thừa.

Vậy muốn biết nguyên do tại làm sao Thừa và Ma-ri được gọi là ông Hàn, bà Hàn, ta cần đi ngược lại thời gian mười năm về trước.

§2. Mười năm về trước

Chúng ta đều nhớ rằng Ma-ri vẫn tự hào là đã thủ tiết được với chồng, là do người cha đạo Hảo dạy dỗ, Ma-ri không nói điêu đâu. Có điều là được dạy dỗ thế nào, thì ta không biết, vì đó thuộc về phạm vi nhà nghề của các bậc tu hành. Mà đã là công việc thuộc phạm vi nhà nghề, thì nhiều khi lương tâm người ta bắt người ta phải giữ bí mật.

Ma-ri về ở với Thừa được hơn một tháng, thì hắn tuyên bố một tin ghê gớm, là hắn lại có mang. Nhưng hắn nói là khác với hai lần trước, lần này hắn thấy bụng thế nào ấy, Hắn phải đến nhờ bác sĩ Pi-ca khám thai hộ.

Ma-ri nói chuyện với Pi-ca lâu lắm. Cuối cùng, quan tiến sĩ đút mười đồng bạc của khách hàng vào ngăn kéo, rồi chẳng khám xét gì, hắn viết giấy chứng nhận rằng Ma-ri sẽ đẻ thiếu tháng.

Vì thế, chỉ có bảy tháng sau, Ma-ri đã phải vào nhà hộ sinh. Hắn sinh hạ luôn một lúc hai đứa con gái, giống nhau như đúc. Đứa nào mắt cũng xanh, mũi cũng khoằm.