Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Sực nhớ ra, Ma-ri với tay, đập vào vai hai Điều:

– À, ông ạ. Hình như đội Tuynh nó chấp chới con Sen phải không?

Lão già lắc đầu thật thong thả:

– Khôôông! Đội Tuynh thiệt đứng đắn.

Ma-ri sung sướng:

– Tôi sợ hắn ta không tốt, lại dạy các cháu tinh quái chăng?

– Khôôông! Đội Tuynh thiệt tốt.

Ma-ri hỏi lại:

– Đội Tuynh thiệt đứng đắn, thiệt tốt, hở ông?

– Vâng. Không thế, bà lớn cứ chém đầu tôi đi.

Ma-ri nghĩ ngợi:

– Tại tôi cứ thấy các cháu thích nghe chuyện hắn. Con Rô-da-lin lại hay đòi ngủ với chú đội. Một lần tôi hỏi tại sao nó không ngủ với các em, nhưng nó không nói.

Hai Điều cười:

– Cô mến ông đội.

Một lát hắn tiếp:

– Cô giống bà lớn.

Bất đồ, Ma-ri giật nảy mình, ngồi nhổm dậy, hỏi dồn:

– Thế nào? Cháu giống tôi thế nào?

Biết câu nịnh có thể bị hiểu sai, lão già vội vàng giải thích cái ý của mình:

– Cũng phúc hậu. Biết thương người. Đẹp cả người cả nết.

Ma-ri mỉm cười:

– À à à!

Sợ nói thêm nữa lỡ có điều gì hớ hênh, hai Điều đứng dậy:

– Bà lớn còn bảo gì nữa không ạ?

– Không. Chỉ nhờ ông trông nom các cháu khỏi nghịch ngợm thôi.

– Vâng. Xin tuân lệnh.

Rồi hai Điều thở dài, nói một mình để làm công làm cán:

– Chà! Trách nhiệm nặng nề lắm đây!

Ra đến cửa, hắn sực nhớ là chưa khoe một việc.

– À, thưa bà lớn, đêm nay hàng về.

Ma-ri gật đầu:

– Ừ, ông đã nói từ hôm qua. Ông gọi đủ người để chợt lúc nào hàng đến thì bốc ngay nhé.

– Bẩm đâu vào đấy cả rồi.

– Còn việc tiếp khách chiều và đêm?

– Bẩm cũng đâu vào đấy cả rồi.

– Thế thì tốt.

Được tiếng khen, hai Điều tủm tỉm ra cửa. Nhưng Ma-ri gọi lại:

– Này! Ông hai! Tôi sốt ruột lắm ông ạ, không biết đi chết mất xác ở đâu mà hôm nay chưa về. Hay lại xảy ra chuyện gì?

Hai Điều cười:

– Bây giờ trong nước thế là yên ắng rồi. Bọn phiến loạn bị bắt hết. Tên đầu đảng Nguyễn Thái Học nay mai cũng chết chém. Thế thì còn ai đứng lên mà tống tiền với cướp đường nữa. Việc gì bà lớn phải sốt ruột?

– Không. Tôi có sốt ruột vì thế đâu. Nhưng hàng về đến nơi, mà quan không có nhà, thì ai đi lĩnh, ai nhận tiền để chia cho người ta?

– Tôi chắc nội nhật hôm nay, sớm muộn thế nào quan cũng về.

– Tôi tính thế này. Nếu từ giờ đến hai giờ mà quan chưa về thì ông đi chuyến tàu ba rưỡi xuôi Hà Nội tìm quan cho tôi.

Hai Điều gãi râu:

– Vâng, nhưng biết quan có nhà hay không. Ngài bận nhiều việc lắm kia.

– Nếu không ở nhà, thì tôi bảo chỗ cho mà tìm.

Hai Điều lẩm nhẩm một mình, như tính toán việc, để khoe thêm một công nữa:

– Thế thì tôi phải bảo nó làm ngay mới kịp.

Ma-ri ngơ ngác hỏi:

– Bảo ai? Làm gì?

– À, trình bà lớn, tiệc xú đề đêm nay, tôi không dọn cháo gà, mà đổi món là cháo lòng. Vì gà độ này đắt mà nhà hai Đạt định mổ lợn để bán phiên chợ ngày mai.

– Lợn rẻ hơn gà à, hở ông?

– Không phải thế. Tôi đã báo nó để lại cho nhà bộ lòng, và bắt tính giá nội. Chi giá nội thì rẻ hơn mua gà nhiều.

– Thiệt cho nó, nhỉ ông nhỉ.

– Bà lớn cứ thương người! Kệ nó chứ. Trong dinh lấy thì bố bảo nó cũng chả dám xin như giá bán ở ngoài.

Ma-ri tủm tỉm, khen:

– Ông thật là biết thu và thu vén cho chủ.

Rồi hắn băn khoăn:

– Nhưng, ông ạ, mình cần lòng ngay đêm nay, mà sáng mai nó mới cần thịt để bán, thì nó mổ vào lúc nào?

– Đáng lẽ gà gáy nó mới mổ, thì tôi bảo nó mổ ngay tối nay. Nhưng vì bà lớn sai tôi đi Hà Nội, nên tôi bắt nó phải mổ xong trước lúc ba giờ, cho tôi trông thấy, khỏi lỡ việc của mình.

– Thế thì nó phải để thịt đến sáng mai, không khéo ôi hết mất.

Hai Điều tặc lưỡi:

– Kệ nó. Cốt chạy việc cho mình.

Ma-ri nhắc:

– Hay là, ông ạ, cũng là làm phúc, nhân tiện ta lấy hắn nửa con để làm cơm khách chiều nay. Thế là giúp cho nó khỏi phải để thịt ôi. Cũng chi cho nó giá nội thôi chứ gì?

Hai Điều chưa kịp đáp, bỗng có tiếng còi ô tô ở xe, Ma-ri sáng ngời đôi mắt:

– Tiếng còi xe nhà. Quan về!

Hai Điều cũng mừng:

– Vâng. Đúng, đúng. May cho tôi đỡ phải đi Hà Nội. Chẳng mà công việc ở nhà có sơ suất, bà lớn cứ nhè quản gia ra bà lớn quở.

Ma-ri tủm tỉm. Hắn vấn lại mái tóc, rồi gọi các con ra đứng ở hiên để chờ.

Ô tô rống lên những tiếng giác của con hươu, rồi chồm qua cổng, vào sân.

Hai Điều đã chực sẵn ở dưới thềm. Xe đỗ, hắn vái một cái, rồi mở cửa cho Thừa ra. Hắn gãi tai, nói:

– Trình ông lớn, có tin hàng về ạ.

Thừa bước xuống đất, khẽ gật đầu:

– Biết rồi.

Hắn nhìn Ma-ri, hơi nhếch mép cười để chào. Ba chiếc răng vàng óng ánh ở miệng hắn. Hắn đi tuột vào buồng và làm hiệu cho Ma-ri theo.

Hai Điều lấy phất trần, phủi bụi cho xe. Trong khi ấy, lũ con trèo vào trong, mở tung các gói đồ đạc của bố, còn để cả ở trên đệm.

Năm nay, Thừa đã đứng tuổi. Hắn để ria mép, uốn vểnh cong ở hai đầu. Những nếp nhăn trên trán và trên má như đánh dấu cái tật hay cáu bẳn, gắt gỏng của hắn. Nhưng hai má hắn phính những thịt. Thịt của hắn từ mười năm nay là tinh hoa của những chất lợn, chất bò, chất dê, chất chó, nó kết lại thành nạc, thành mỡ, tạo nên thân hình phì nộn của hắn.

Ma-ri cất mũ và cởi áo cho chồng. Tự tay hắn lại rót nước chè vào cốc và pha với đường, rồi đặt trên bàn.

Ta thấy Ma-ri có vẻ kính trọng, chiều chuộng và sợ sệt chồng hơn trước. Đúng thế. Bây giờ Ma-ri tuy chưa già, nhưng sức lực kém trước. Cả ngày chẳng buồn cất nhắc chân tay. Các thầy thuốc đã bắt mạch rất kỹ, cũng không tìm ra bệnh. Họ chỉ cắt thuốc bổ, nhất là bổ thận và bổ não. Vì họ thấy hắn đẻ tất cả tám lần, mà nuôi được có năm, thì chắc bộ máy sinh dục của hắn phải suy nhược và hắn phải cả nghĩ. Nhưng đó là các thầy chỉ căn cứ vào hiện tượng, mà không tìm đến bản chất của người uống thuốc. Ma-ri bây giờ là vợ tay có của. Bệnh của vợ những tay có của là bệnh lười, thích ăn bám vào chồng, cho nên hay phàn nàn là ốm để được vứt tiền vào túi mấy ông lang cưng nịnh mình là lắm bệnh tật, nghe cho sướng tai.

Vì nhan sắc có phần tàn tạ, không thể bay nhảy như xưa, cho nên Ma-ri đành bắt chước các cụ, mà lấy chồng thì nhờ chồng, để sống yên phận bên cạnh một người mà xung quanh công nhận là chồng hắn. Mọi việc công, việc tư, thôi thì phó mặc người ấy lo liệu. Thế là nhàn. Một cái đồn điền như để góp vốn, là đủ rồi. Và vợ chồng nay đã nên ông nọ bà kia, có người lại dùng cả tiếng cụ lớn để gọi nữa, thì dù to nhỏ, nhà này cũng là nhà quan. Vậy vợ chồng phải ăn ở thế nào cho người ngoài người ta trông vào cho hợp với lề thói của nhà quý phái chứ?

Từ ngày hắn gặp xừ Tuynh, hắn đỡ phải uống thuốc. Nhiều lúc, hắn lộ nguyên hình một người nhanh nhẹn, hoạt động, hay cười nhí nhảnh, hay nói ỡm ờ, hay cử chỉ nũng nịu. Bởi thế, muốn êm ấm cửa nhà, hắn càng làm ra vẻ kính trọng, chiều chuộng chồng, vì hắn sợ chồng thật.

Thừa cũng vậy. Mấy năm nay, tựa vào đồn điền của Ma-ri để sống, vừa được lợi, vừa được danh thật, nhưng vốn là con người hoạt động, hay xoay xỏa, hắn lợi dụng đất Cẩu Rồng để kinh doanh. Việc kinh doanh rất phát tài. Nhà ở Hà Nội, hắn đã tậu lớn nhỏ được đến chín chiếc. Cho nên hắn càng muốn ru cho Ma-ri ngủ yên, đừng cựa cạy để phá công việc làm ăn của hắn, như những lần trước.

Công cuộc làm ăn của hắn có hai khoản chính: một là trở nên giàu có. Hai là trở nên danh giá. Giàu có để ăn chơi cho sướng thân. Danh giá để thêm giàu có, ăn chơi càng sướng thân.

Hắn đương lao mình vào cuộc làm giàu, và trở nên giàu có. Nhưng hắn vẫn chưa thỏa mãn. Hắn còn muốn giàu có hơn nữa. Hắn vẫn bao kín ở Hà Nội một số nhân tình trẻ và đẹp, thay cho Ma-ri về già, vợ chồng đối với nhau đã chán chường. Những cô có mang với hắn, hoặc bị hắn cho là cũ, thì hắn bỏ, thay bằng cô khác, trẻ và đẹp hơn.

Bây giờ hắn chỉ chưa danh giá. Ta đã biết Thừa không thú với cái chức vu vơ và khá mỉa mai là ông hàn. Tuy hắn thấy rằng được gọi là quan, hắn chẳng bị ai truy nguyên xem tại làm sao, còn nhân thế mà được quen nhiều bạn quan trọng, kể cả bạn sang trọng của Ma-ri, có cả quan Tây, quan ta. Nhưng hắn cho là thế nào cũng phải tự tay tạo lấy một chức vị, thì đi đâu mới khỏi ngượng, và làm gì mới khỏi chịu lép vế.

Nhiều lúc nhớ lại quãng đời nghèo hèn ngày xưa, và so sánh với cảnh giàu sang bây giờ, hắn tự hào. Hắn tiếc rằng không gặp lại bọn xếp Thìn, Tu-nô ở sở xe lửa, không gặp lại gia đình Phúc Lâm, để cho họ nhìn thấy hắn, mà… lác mắt.

* * *

Buổi tối hôm ấy, trong dinh của ông hàn An-be, có đến hơn ba mươi người khách. Trong hơn ba mươi người này, đàn ông có, đàn bà có. Đàn ông thì người mặc ta, người mặc tây, người lại mặc dở ta dở tây, tức là quần ta, nhưng áo tây. Đàn bà thì người quần thâm, vấn khăn, người quần trắng, quấn tóc. Người chưa thân với chủ nhân thì gọi bằng cụ, bằng ông, bà. Người muốn thân hơn thì gọi bằng bác. Người đã thân rồi, thì gọi bằng anh, chị. Người quá thân thì gọi bằng toa, bằng mày, bằng thằng ông mãnh, con bà cô. Họ ở Hà Nội, ở Hải Phòng, hoặc ở các tỉnh khác về đây để cất hàng. Cho nên trong túi người nào cũng có bạc trăm, bạc nghìn. Họ làm đủ các nghề: nghề đầu cơ tích trữ, nghề cờ gian bạc lận, nghề chủ săm, nghề chủ tiệm hút, nghề lừa bịp, nghề ăn không ngồi rồi, bám vào vợ, và nghề đi chơi. Đi chơi mà gọi là nghề, vì nó làm nảy ra tiền. Ấy là những ông ấm con quan, có cụ thân danh vọng, thuở sinh thời đã dạy được một số học trò thành đạt, làm nên quan. Ông ấm vô công rồi nghề, nhưng muốn ăn tiêu phong lưu, nên hàng năm, đi chơi suốt lượt học trò cũ của bố. Ông thế huynh đến đâu cũng được chè chén, có khi được hát xướng thỏa thuê, ông ở chơi với quan dăm bữa nửa tháng. Ngày về, ông được quan tiễn tiền tàu rất hậu hĩ. Ông đi chơi một lượt từ đầu năm đến gần cuối năm, vừa hết bạn, thì ông có món tiền đem về cùng vợ con ăn tết vui vẻ. Rồi sang xuân, ông lại bắt đầu đi kinh lý như vậy. Cho đến ngày già yếu, không đi được nữa, ông mới thôi nghề đi chơi. Nếu thạo đời, ông nào biết đâu có cái lọ cổ, có cái nhà, có cái đồn điền, có con gái đẹp hoặc giàu để mách mối, thì còn kiếm thêm được lại nữa.