Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Xi nhìn thấy ở lòng xe bò có thò ra những đầu bó đuốc trữ sẵn để đốt tiếp, thì mách cụ Điều:

– Thế nào ở dưới lượt đuốc cũng có vô số xẻng, cuốc, gậy sắt với xà beng. Họ lấy nê rước sư tử để gây sự, đánh nhau với bọn không cùng cánh với họ.

Anh Thừa cười:

– Nhưng họ có bị thương, mình cũng không hy vọng gì, vì họ không phải là nhà giàu.

Cụ Điều có ý trách anh Thừa:

– Treo giải thưởng làm gì cho họ đánh nhau!

Anh Thừa cười, nói thực ý mình:

– Để xem cho đỡ buồn. Nếu xảy ra đánh nhau trước cửa nhà mình, thì thế nào mai báo cũng đăng. Tôi chỉ cần bỏ tiền ra để báo nhắc đến bốn chữ Phòng thuốc nhà giàu, quảng cáo cho mình.

Thấy đám rước đi đến nơi, anh Thừa bảo anh Xi châm đốt bánh pháo ngắn, vứt ra giữa đường.

Biết hiệu mời lấy giải, đám rước dừng lại.

Bọn xì thẩu cầm ngang côn, chặn hai bên hè nhà Phòng thuốc nhà giàu để dẹp chỗ cho sư tử múa.

Trước hết, theo nhịp trống rung dồn từng hồi, cái đầu bằng giấy đứng vào giữa. Nó tiến lên, gật gật, cúi rạp xuống đất, rung rung bộ râu, rồi lui, rồi lại tiến và gật gật.

Lễ xong, nó bắt đầu múa. Đầu sư tử nâng cao lên, quay bên phải, quay bên trái, dáng điệu oai hùng. Tràng nhạc buộc ở chân người múa kêu loẻng xoẻng.

Cụ Điều được thấy cảnh lạ mắt thì thích lắm. Cụ khen sư tử gãi đẹp, múa khéo, nhảy nhót nhanh nhẹn.

Trước khi lấy giải, con vật còn phải trổ một tài nữa, là phải uống cho cạn chậu nước đầy, đặt ở đó.

Cụ Điều chú ý nhìn.

Cái đầu giấy gục xuống thau, rồi ngẩng ngửa lên trời, lắc lắc như để nuốt. Mỗi lần như vậy, nước trong chậu vợi đi một ít.

Cụ lo ngại cho người múa đến phải vỡ bụng về nước. Nhưng anh Thừa trỏ cho cụ nhìn rõ. Thì cụ thấy rằng sư tử cũng biết lừa bịp. Mỗi lần đầu nó che lấp cái chậu, thì có cánh tay nhúng khăn mặt lớn vào, rồi luồn khéo ra đàng sau, cho người cầm đuôi lén vắt cho hết nước đi.

– À! Sư tử đái bậy! Ông đội sếp ôi! Sư tử đái đường! Bốn hào phạt!

Trẻ con vỗ tay, reo lên như thế. Nhưng sư tử không làm việc phi pháp, nên không sợ đội sếp. Chỉ một loáng thau nước cạn hết.

Thế là bắt đầu lấy giải.

Anh Xi đốt bốn tràng pháo dài cùng một lúc. Tiếng lạch tạch nổ vang. Khói đặc ngùn ngụt. Lửa bắn tứ tung. Nhưng ông Chúa sơn lâm cứ lăn xả vào nơi nguy hiểm.

Vì tiền treo ở trên cao, bọn xì thẩu phải đứng lên vai nhau, làm thang cho sư tử trèo.

Giữa lúc ấy, có đám rước nữa thùng thình kéo tới. Đám này không đi thẳng, mà dừng lại trước Phòng thuốc nhà giàu.

Anh Xi đoán ngay:

– Thế nào cũng đánh nhau. Hẳn đây là cánh Sầm Công với cánh Ngõ Trạm. Hai cánh ngày thường vẫn hầm hè nhau, nay mới có dịp trị nhau.

Quả nhiên, bọn đương lấy giải bỏ cái đầu giấy đấy, cầm côn ra giữa đường:

– Thế nào, các bậc đàn anh muốn đọ côn phỏng?

Thế là đường phố trở thành chiến trường.

Tiếng gỗ đập chan chát. Tiếng sắt kêu cheng cheng. Nảy tia lửa. Người xem chạy tán loạn.

Cụ Điều khiếp đảm, nổi trống ngực, không dám nhìn trận huyết chiến. Cụ bảo anh Xi:

– Hay gì cái trò giết nhau vì đồng tiền này!

Cụ muốn hưởng cái gì thật thà và dịu dàng hơn của tết Trung thu. Anh Xi rủ cụ đi phố.

Cụ mặc thêm áo dài, nhưng vẫn để đầu trần. Cụ sợ đến chỗ vắng, như ở bãi lầy bụi rậm sau chợ Hàng Da, lỡ ra kẻ cắp giật mất khăn, vả bọn nhà thổ ở Hàng Mành, ở nhà Yên Thái hay trật khăn khách đi đường để bắt người ta phải vào.

Cụ đến phố Hàng Gai và phố Hàng Thiếc xem các nhà bán vét đồ chơi tháng Tám bằng giấy và bằng sắt tây. Cụ sang Hàng Bồ, ngắm cái đèn cù ánh ra những cái hình người cử động được theo dây bằng tóc: anh chồng trèo dừa, hái quả, vứt xuống cho chị vợ ôm váy lên để hứng; Quan Công cầm thanh long đao đâm Tào Tháo, con ngựa Xích thố nhảy lên chồm chồm v.v…

Chán rồi cụ đi thẳng sang Hàng Bạc, rồi về Hàng Đào. Ở hai phố này có nhiều nhà bày cỗ trông trăng trong sân, cho công chúng tự do vào thưởng thức. Các cô thiếu nữ cấm cung, một năm mới được dịp này khoe tài khéo để ganh nhau kén chồng. Cụ đứng rất lâu để ngắm cỗ của hiệu Phúc Lâm, một nhà có nền thấp, thụt hơn mặt hè phố ba bậc. Quả đu đủ ngâm trong nước màu hồng, màu tím, được tỉa thành đóa thược dược, cánh hoa mỏng dính, lượn như làn sóng, trổ rất đều đặn. Con gà luộc được uốn thành ông Lã Vọng đội nón đứng thả cần câu. Múi bưởi đào xếp thành con kỳ lân lông xù, ngẩng mặt, nhe răng hột bưởi ra như dọa.

Và vô số bánh: bánh dẻo, bánh nướng, bánh gừng, bánh quế, bánh sâm, bánh hoài, bánh su xê, bánh mảnh cộng, trông rất ngon mắt.

Cụ Điều sợ khuya, không dám ở lại đến nửa đêm để xem chậu quỳnh nở một lượt chín bông hoa trắng muốt. Cụ rất tiếc, về nhà, nói chuyện với anh Thừa, cụ tấm tắc khen mãi cỗ của nhà Phúc Lâm. Cụ giục anh Thừa đi mà xem. Nhưng anh không đi.

* * *

Hôm sau, hồi 5 giờ chiều, tờ báo hàng ngày Trung Bắc tân văn phát hành số mới tại tòa soạn ở phố Hàng Bông.

Trẻ bán báo ôm phần báo của mình, chạy tung đi các ngả, miệng rao:

– Báo Trung Bắc mới ơ! Ai mất ví ơ! Ai mất năm trăm bạc đi mà nhận ơ!

Việc trả lại ví tiền là cái đinh trong từ báo ngày hôm ấy.

Quả vậy, ở mục Việc vặt Hà Nội, không tường thuật những đám rước sư tử đánh nhau, nhưng có đăng một bài như sau:

Ai mất ví?
Bản quán nhận được bài lai cảo sau đây, xin cứ nguyên văn đăng báo.
Hôm qua, buổi sáng, Phòng thuốc nhà giàu ở Nhà vàng Bờ Hồ có đông khách đến nhờ xem bệnh. Khi hết giờ, chúng tôi thấy ở phòng đợi có cái ví đầm của bà nào bỏ quên, trong có năm trăm đồng bạc và một vài thứ lặt vặt khác. Vậy bà nào có cái ấy, xin mau mau đến Nhà vàng Bờ Hồ mà nhận. Nếu nói đúng những thứ lặt vặt trong ví là những thứ gì, sẽ được trả lại ngay.
Xin hỏi chúng tôi là y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa, chủ nhân phòng thuốc, hoặc cụ hai Điều, hoặc cô y tá Pháp tên là Marie.
Kính cáo
Y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa

Bài báo của anh Thừa viết có hiệu quả ngay.

Sáng hôm sau, lần lượt có bốn bà đến Nhà vàng Bờ Hồ nhận chằng cái ví bịa ấy là của mình.

Thấy những mồi ngon tự đem thân đến nộp, tuy trong bụng Ma-ri cười thầm, nhưng ngoài mặt, tiếp họ rất niềm nở. Hắn phải vồ ngay lấy họ, làm cho họ không ra thoát Phòng thuốc mà không nhờ xem bệnh.

Ngay từ lúc sáu giờ rưỡi, cửa Nhà vàng Bờ Hồ, Ma-ri chưa đến, đã có một bà đập và ấn cánh gỗ thình thình.

Bà ta béo chụt chịt, cằm tụt vào cổ, cho nên có sức khỏe để phát đen đét vào cánh thật mạnh và thật lâu, đến nỗi tiếng động lọt được vào tận gác trong. Anh Xi vội vàng chạy xuống.

– Tôi hỏi y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa. Vâng.

– Thưa bà, ông Trần chúng tôi đêm qua có ô-tô quan Thiếu Hà Đông đánh ra đón vào trong ấy chữa cho cô Lan hay lợm buồn nôn. Hiện nay chưa về.

Bà khách có vẻ băn khoăn. Anh Xi tiếp:

– Đến tám giờ, mời bà lại.

– Vâng, Thế cô y tá đầm tên là Ma-di?

– Vâng, cô Ma-ri có nhà. Nhưng tám giờ mới đến làm việc.

– Tôi cần gặp cô Ma-di lắm. Vâng. Cô ấy có nói được tiếng ta không? Vâng.

– Thưa bà được.

– Vậy tôi nhờ anh đến gọi cô ấy ngay. Anh nói là một bà bạn thân, hỏi cô ấy có tí việc cần nhé. Vâng.

– Vâng, thế thì mời bà ngồi đợi.

Anh Xi đi ra phố. Nhưng bà khách gọi giật lại:

– Này anh! Vâng, từ sáng đến giờ, đã có bà nào đến đây hỏi gì chưa?

– Chưa.

– Thôi, nhờ anh đi mau lên. Vâng.

Chừng độ nửa giờ sau, Ma-ri trang điểm xong, mới sang Phòng thuốc. Hắn quấn tóc trần, mặc quần trắng, áo màu cặn vang, đi guốc phi mã cao gót.

Thoạt tiên thấy bà khách, thì hắn ngợ. Hắn chưa từng gặp cái người nhận là bạn thân này bao giờ. Và có lẽ cái bà bạn thân ấy nhìn thấy Ma-ri ăn mặc ta, cũng không ngờ chính là cô gái đầm mà bà cần gặp.

Hai người phải hỏi nhau là ai, mới bắt đầu nói chuyện với nhau.

Bà khách xưng tên là bà cử Dần. Và nói rằng ông cử đương học trường Hậu bổ, sắp thi soóc-ti[16] để đi tri huyện. (*[16] Thi ra.)

Tự giới thiệu xong, bà khách thêm một tiếng để trả lời mình:

– Vâng.

Rồi nói tiếp như cháo chảy:

– Vâng, sáng hôm qua, tôi đến đây, nhờ ông y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa xem bệnh, rồi bỏ quên cái ví. Vì đau ốm, đầu óc rối loạn, vâng, cho nên tôi quên khuấy, không nhớ là mất cái ví ấy ở đâu. Ông cử nhà tôi cứ gắt. Vâng, mãi chiều hôm qua, đọc báo, mới thấy bài của ông y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa, vâng, tôi mừng quá. Vậy tôi đến đây để xin cô cho lại cái ví. Vâng, vâng.

Ma-ri vốn mồm miệng liến láu, nhưng vừa toan nói, thì bà khách đã cướp ngay mất lời:

– Vâng, ông y sĩ Trung Hoa dân quốc Trần Đức Thừa là người thật thà hiếm có. Nếu phải là tôi bỏ quên ở nhà thuốc khác, thì vâng, chắc mất. Ở đời, thiếu gì kẻ tham lam hở cô? Vâng.

Ma-ri nhìn rõ rằng thấy cái đuôi của người nói dối. Nhưng hắn không tóm, chỉ khẽ hắt ra, cho bà khách khỏi ngượng. Hắn vẫn lễ phép:

– Thưa bà, thế thì chắc bà để quên cái ví của bà đâu đấy. Cái ví mà chúng tôi đăng báo là để quên ở đây, thì tối hôm qua, đã có một bà đến nhận rồi. Chúng tôi thấy bà ấy nói đúng màu ví và những thứ đựng ở trong, nên đã hoàn lại ngay.

Muốn chừng bà cử hết hy vọng, nên chữa thẹn:

– Vâng. Thế à? Vậy thì tôi bỏ quên ví của tôi ở đâu nhỉ? Vâng, sáng hôm qua, tôi ngồi ở chỗ kia, cô có nhớ không? Vâng.

Ma-ri suýt bật cười, nhưng vẫn tươi, đáp:

– Thưa bà có ạ.

Thấy con người dại dột tự đút đầu vào cạm, Ma-ri quyết khóa cẳng lại:

– Bà cũng cầm cái ví, tôi có trông thấy.

– Vâng. Thế mà mất đấy, cô ạ. Vâng. Chỉ tại trong mình ốm yếu, đầu óc không nhớ được cái gì. Vâng.

Bà đứng dậy:

– Vâng. Thôi, tôi vô phép cô nhé. Vâng.

– Mời bà ngồi chơi, tôi hỏi thăm một tí. Thưa bà, bà đã xơi hết chỗ thuốc hôm qua chưa ạ?

Muốn chừng bà khách quên là mình đương nói dối cho nên không nghĩ ra là người ốm thì phải dùng thuốc. Bà ngớ mặt:

– Thuốc nào nhỉ? Vâng.

Nhưng sực nhớ vai trò của mình đương đóng, bà gật gật:

– À, à! Vâng. Đã ạ. Thuốc công hiệu lắm, cô ạ. Vâng. Ở đây, các ngài chữa giỏi lắm.