Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Buồng của con Rô-da-lin và của con Ma-gơ-rít như cái trạm nằm chờ. Chờ chồng. Ở đầu giường, cuốn Đời mưa gió, tập báo Loa, báo Phong hóa, Tiểu thuyết thứ ba, để ngổn ngang. Trên mặt bàn, là một cuốn tập ảnh chúng nó chụp. Cạnh sách ảnh, có quyển vở, bìa dày, màu đá hoa, bọc giấy bóng kính, trong là giấy lụa đỏ. Vở này, chúng nó chép những bài thơ mà chúng nó thích, nên có tên viết ở bìa. Vở của con Rô-da-lin đề là Tâm sự em bằng chữ đỏ. Vở của con Ma-gơ-rít thì vẽ một trái tim, có hai chữ kẻ mờ là E và chữ M.

Ngay trang đầu vở Tâm sự em, con Rô-da-lin chép một bài, không biết nó lấy ở đâu, y như một bản tuyên ngôn cho lý tưởng của nó:

XÂY ĐẮP TƯƠNG LAI

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng môi son.
Nhất là được cậu huyện non,
Nhì cậu tham đốc, ba con nhà giàu.
Một ô-tô, dãy nhà lầu,
Sẵn tiền, mợ sẵn kẻ hầu, người sai.
Tài xế đưa mợ đi chơi,
Cơm thì thằng bếp là người chuyên môn.
Từ gạch hoa đến lọ, đôn,
Từ bàn mộc, đến án sơn, đồ đồng,
Thì thằng Nhỏ phải làm xong,
Đánh, chùi cho bóng là công một ngày.
Còn việc vặt mợ bảo đây,
Đưa ống nhổ, cất khăn tay, quạt hầu.
Lấy tăm, rót nước, gội đầu,
Gãi lưng, rửa cẳng, vá, khâu, giặt, là,
Lại thêm những việc ngoài nhà,
Thuê truyện, mua quà: bổn phận con sen.
Mạ là bà chủ, người trên,
Có sai kẻ dưới, trả tiền mới công,
Lấy chồng mà đáng tấm chồng.
Bõ khi trang điểm, má hồng, môi son,
Nào chàng tham, đốc, huyện non!
Nào con ông chủ! Đưa đơn! Em chờ.
Còn tuồng phán, ký, giáo sư,
Xin đừng bén mảng mà dơ dạng hình!
Trăm năm chồng vợ là tình,
Nghìn năm vàng bạc mới thành tơ duyên.

Như vậy, con bé đỡ phải giãi bày ý kiến. Cậu nào có đúng tiêu chuẩn trong bài thơ, thì có tâm sự em.

Biết lũ con gái là hư, nhưng Thừa không bỏ phí chúng nó. Thừa cắt chúng nó vào việc đúng với sở trường của chúng nó là ngoại giao với sở Lục lộ. Sở này có quyền hạn và nhiệm vụ khám xét các phương tiện giao thông vận tải chạy bằng máy móc. Và chỉ có sở ở Hà Nội với Hải Phòng làm việc này. Thừa thấy rằng tàu của hắn đỗ ở Hải Dương, mà phải bỏ khách để chờ được kiểm soát thì thiệt hại. Hắn đặt giải cho hai con gái, đứa nào đưa được người kiểm soát về Hải Dương để người ấy khám xét, thì được trọng thưởng. Việc này, con Ma-gơ-rít đã thành công. Người Pháp trẻ, nhận là bạn thân của nó, đến Hải Dương, lần nào cũng vậy, không dòm ngó gì đến tàu thủy thế nào, mà chỉ uống rượu, nếm hoa quả, ăn tiệc. Người ấy coi Thừa như cha, vì cũng gọi Thừa là pa-pa.

§14. Tai bay vạ gió

Ta chưa biết đến ngày nào thì Thừa bỏ Xuy-dan. Nhưng ta thấy Xuy-dan là người được sống với Thừa lâu nhất từ trước đến nay.

Sự kiện này tuy là trái ngược với thói quen chơi gái của Thừa, nhưng không phải không có lý do.

Một là bây giờ Ma-ri về ở Hà Nội với lũ con, thì Thừa không để lỡ dịp được tự do này. Và bài tiết những tinh khí của các chất bổ mà hắn nuốt ở đằng miệng vào, là một sự cần thiết đối với hắn.

Hai là hắn có cảm tình với Xuy-dan, Xuy-dan dịu dàng, thật thà. Những đức tính mà hắn không được hưởng ở Ma-ri, làm cho hắn mến Xuy-dan. Hắn lại thấy đời Xuy-dan như có cái gì đau khổ. Thì không biết cái tình cảm nào trong người hắn thỉnh thoảng bắt hắn phải nghĩ đến Xuy-dan mà thương.

Ba là bây giờ hắn đứng tuổi. Cái tuổi này thường hay khiến người ta nói những điều mà người ta vẫn nghĩ trái lại hoặc làm trái lại. Tức là những điều thuộc về lẽ phải, chữ gọi là đạo đức, luân lý. Cho nên, mỗi khi thấy lũ con hư, Thừa thường giảng đạo đức, luân lý cho chúng nó.

Nhân những dịp ấy, Thừa cũng học được ở lời hắn nói ra, mà đỡ được đôi chút làm bậy. Hắn đã thấy gần một người đàn bà, đến khi người ta có chửa thì bỏ, là làm bậy. Và nay dan díu với người này, mai dan díu với người khác, để khổ cho người ta, là ác. Vả lại, một khi hắn thấy Xuy-dan ngoan ngoãn, hiền lành, không thiết tiền bạc, lại chiều chuộng nghe lời hắn, và trung thành, dịu dàng với hắn như một người vợ, thì hắn thấy Xuy-dan như một cái gương sáng cho hắn soi, để chịu ít ảnh hưởng tốt.

Nhưng cái lý do làm cho Thừa chưa nghĩ đến việc buông ngay Xuy-dan, vì Thừa đã dùng cái nhà của Xuy-dan thuê, làm chỗ để giấu của. Hắn là chủ hãng tàu thủy. Hãng ấy là một công ty: gồm hai người, là hai vợ chồng. Ma-ri đã bán đồn điền cho nhà thờ để lấy tiền, chung cổ phần với hắn. Nhưng cái tính gian giảo của hắn vẫn xui hắn phải ăn bớt lãi, để khỏi chia nhiều cho Ma-ri. Hắn thấy Ma-ri hết sức lờ mờ, phó thác hết công việc, từ nhỏ đến lớn, nên hắn cho là thu cũng tay hắn, chi cũng tay hắn, mà vào sổ cũng tay hắn, thế mà hắn không bịp, cũng uổng.

Vì vậy, hắn phải tìm một nơi chắc chắn, để giấu tiền của công ty.

Nơi ấy là nhà Xuy-dan.

Nhà này luôn luôn có người ở. Xuy-dan lại thật thà, không thiết tiền, hắn tin cậy được.

Nhưng không phải Thừa tin cậy Xuy-dan đến cái mức là có đồng nào giao cho Xuy-dan giữ hộ đồng ấy. Hắn chỉ tin cậy là Xuy-dan không ăn cắp của hắn. Có thế thôi.

Vì vậy, hắn sắm một cái tủ áo. Mỗi cánh tủ này có một khóa riêng. Một ngăn, hắn cho Xuy-dan dùng, giao thìa khóa cho Xuy-dan giữ. Còn một ngăn, hắn dùng thì hắn giữ thìa khóa. Ngăn của hắn, chỉ đựng một cái két. Két này là một chiếc hòm vỏ kẽm, dài bốn mươi nhăm phân, rộng ba mươi phân, cao mười lăm phân. Két đóng bằng hai khóa chữ và một khóa vặn bằng thìa. Hai núm vặn chữ ở hai bên, giữa là cái lỗ vặn thìa khóa. Phải biết cách mở khá hiểm hóc này. Muốn mở két mà cắm ngay thìa vào lỗ khóa ở giữa thì thìa không vào. Hoặc nếu vặn núm chữ trước, thì núm cũng không xoay. Đầu tiên, phải ấn khẽ đầu ngón tay vào núm bên phải, thì núm mới chuyển động được. Xoay nó để tìm cho đúng chữ. Khi chữ đã đúng, thì mới cắm thìa vào lỗ được. Vậy núm chữ đầu tiên dùng để mở cửa lỗ thìa khóa, cắm thìa khóa vào lỗ. Khi vặn, thì mỗi nấc nảy ra một tiếng chuông. Tiếng chuông ấy báo là khóa có người vặn. Ai gian, sẽ bị lộ. Nhưng muốn mở đúng khớp, phải đếm xem nếu đã đủ tiếng chuông thì ngừng tay. Ví dụ là bốn tiếng. Nếu không biết, mà vặn thìa cả một vòng như khóa thường thì không được. Ba tiếng chuông trở xuống thì thiếu. Năm tiếng chuông trở lên thì thừa. Vặn ra đúng bốn tiếng mới quay được cái núm bên trái. Nếu không đúng, thì núm ấy không xoay. Bây giờ núm ấy xoay rồi, thì phải vặn cho đúng vào chữ đã để. Nhưng biết cách xoay các khóa rồi, mà nếu mở nắp bằng tay thì lại không được. Bây giờ phải quay thìa khóa ở giữa thêm một nấc nữa. Khi một tiếng chuông vừa đánh, thì tự nhiên nắp bật lên. Một hồi chuông to hơn, rền lên độ mươi giây đồng hồ để báo động lần thứ hai.

Cái két này, ở đấy có một lỗ thủng, để xuyên chiếc bù-loong, vặn nó liền với tủ. Cái đầu bẹt của bù-loong ở phía ngoài két. Cái chốt lục lăng vặn xoắn ốc vào bù-loong thì ở phía trong két. Cho nên, muốn ăn cắp két, thì phải khênh cả tủ. Khi lấy được két, mà không biết cách mở cũng chẳng lấy được tiền.

Cái két của Thừa đã như vậy, thế mà không bao giờ có mặt Xuy-dan, hắn lại mở. Cho nên hắn cất bao nhiêu tiền, hay lấy đi bao nhiêu, Xuy-dan đều không biết. Xuy-dan chỉ biết là trong ngăn tủ của Thừa, có cái két đựng tiền, thế thôi.

Xuy-dan khuyên Thừa:

– Phố Đông Quan này vắng, anh hay về đêm, tay lại xách cặp tiền, thì nên cầm cái gì để giữ mình. Chiều hôm qua, có người bị cướp giật đấy. Anh phải cẩn thận.

Thừa đáp:

– Cái súng bắn chim, anh phải để ở sở, chứ đem về đây không tiện. Anh đương xin phép mua một khẩu súng lục.

– Anh chưa có súng mà cứ đi tay không, em lo lắm.

Thừa hỏi:

– Những đêm thứ bảy và chủ nhật, anh không về, em ngủ một mình, em có sợ không?

Xuy-dan gật đầu:

– Có.

Thừa an ủi:

– Vì cái két của anh nhỉ. Nhưng biết làm thế nào? Vợ anh phải xuống đây chiều thứ bảy để thay cho các con anh ngày chủ nhật. Sáng thứ hai mới về Hà Nội. Anh ngủ ở sở, anh cũng không yên tâm đâu.

Nhân Thừa nói đến vợ con, Xuy-dan cười:

– Các con anh có vẻ nghịch ngợm lắm thì phải?

– Em biết mặt chúng nó à?

– Có.

Thừa nghiêm nghị:

– Em gặp chúng nó, thì nên tránh, kẻo chúng nó chòng ghẹo đấy.

– Vợ anh, mãi em chưa biết mặt.

– Biết làm gì? Không nên biết.

Xuy-dan cười:

– Vâng.

Chờ mãi Thừa chưa được giấy phép mua súng lục, Xuy-dan mua cho Thừa một con dao găm, và đánh một đôi dao quắm, để đặt ngang đầu giường.

Thấy vậy Thừa nhạo:

– Dao quắm nặng thế này, em có cầm nổi không, hay lại để biếu kẻ gian!

Xuy-dan cười:

– Chiều nào em cũng tập nửa giờ.

Tối hôm ấy là chủ nhật.

Xuy-dan ngồi một mình, tay thoăn thoắt chiếc kim đan. Cô đan áo cho đứa con sắp ra đời.

Bỗng cô nghe thấy ở ngoài sân có tiếng động. Tự nhiên, cô chờn chợn. Cô đứng dậy, đóng cửa gài then lại, rồi tắt đèn, lên giường nằm.

Xuy-dan trằn trọc mãi, không ngủ được.

Đến quá nửa đêm, lúc đương thiu thiu, bỗng tự nhiên Xuy-dan mở bừng mắt ra. Cô giật nảy mình. Cánh cửa hé mở. Kẻ gian đã cạy được then từ lúc nào, mà cô không biết.

Xuy-dan vội vàng lên tiếng:

– Ai?

Cánh cửa mở toang ra! Một người lực lưỡng xông vào giường, chẹt lấy cổ Xuy-dan.

Nhưng cũng ngay lúc ấy, Xuy-dan vừa rút được con dao.

Kẻ gian nghe thấy tiếng sắt, vội vàng né ra xa. Xuy-dan thoát được tay nó, vừa kêu lên vừa bổ lia lịa.

Nhưng kẻ gian khỏe hơn. Nó tóm được con dao. Nó bập mạnh vào đầu Xuy-dan, rồi ù té chạy. May cho cô, là vì tối và nó luống cuống nên nó cầm ngang lưỡi dao Xuy-dan không bị thương, mà chỉ đau điếng, nằm bất tỉnh.

Hàng xóm chạy sang. Đèn bật lên.