Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Mợ Nghĩa đưa cô chiếc mù-soa lụa thêu.

Hai vợ chồng nhìn cô Lễ không muốn rời mắt. Cô Lễ cũng nhìn hai em, nhưng quay đi ngay.

Cậu Nghĩa thở dài. Cô Tuyến rút cặp mạch ở nách cô Lễ. Cô Lễ kêu rú lên:

– Ối!

Cô Tuyến ngượng, giục vợ chồng cậu Nghĩa:

– Thôi, ông bà về đi. Mạch bình thường đây mà.

Cậu Nghĩa chào chị:

– Em về nhé.

Mợ Nghĩa khẽ sờ trán chị:

– Em về nhé.

Rồi mợ gật đầu, làm hiệu gọi cô Tuyến. Cô Tuyến theo đến cửa. Mợ dúi vào tay cô tờ giấy bạc năm đồng:

– Trăm sự nhờ bà. Bà theo dõi chị tôi luôn nhé.

Cô Tuyến mỉm cười.

Đi độ ba bước, mợ Nghĩa quay lại:

– Bà cho chị tôi uống nước nhé.

Cô Tuyến gật gật:

– Được được, tôi đi lấy ngay bây giờ. Tôi ở luôn trong buồng với bà ấy mà.

* * *

Đến hai giờ sáng, cô Tuyến vùng dậy, sực nhớ ra là chưa cho bệnh nhân uống nước. Cô vội vàng đem bình nước lọc và cốc nước vào buồng lưu.

Thì ngạc nhiên quá. Cô không thấy bệnh nhân đâu. Giường trống trơ. Trên chiếc bàn thấp, vẫn nguyên cái khay thuốc đèn cồn và cái xoong khô.

Cô ngẩn ra để nghĩ. Cô đến gần giường, ngó vào phía giáp tường. Quả nhiên cô thấy người ốm nằm co quắp dưới đất. Cô sợ quá, vội vàng rót nước vào cốc và gọi:

– Này bà, nước đây, dậy mà uống,

Không có tiếng trả lời. Cô sinh nghi. Cô lắng tai. Cô bò nhoài lên mặt giường, với tay xuống, sờ. Quả nhiên, thân thể bệnh nhân đã lạnh toát.

Cô Lễ đã chết, chết còng queo dưới đất, không biết từ bao giờ.

Cô Tuyến tái mét mặt. Cô vội vàng đẩy cái giường ra xa tường, lấy chỗ rộng cho cô len vào. Cô cố sức, ì ạch mãi, mới bế nổi cái xác. Nặng quá. Cô mướt mồ hôi. Thở. Có đặt người chết trên đệm. Rồi kéo giường lại chỗ cũ. Cô rót nước vào xoong vừa láng đáy, đặt trên bếp cồn. Cô đánh diêm châm vào bấc. Ngọn lửa xanh liếm khắp đáy xoong. Nước kêu lép bép. Cô lấy miếng cưa, cưa ống tiêm, rồi bẻ gãy đầu đi. Cô cho kim tiêm vào ống thuốc, kéo ống thụt để hút hết tí nước sếnh, rồi ra cửa, ấn ống thụt cho thuốc tia ra ngoài hè. Cô để cái ống không trên khay. Nước trong xoong đã sôi. Cô tắt bếp, đổ hết nước sôi vào cốc, rồi ra cửa sổ, nghiêng cốc ra ngoài, cho nước chảy gần hết đi. Cô để cái cốc con dính ít nước trên mặt bàn. Rồi cô đặt tí bông, mở nút lọ cồn chín mươi, bịt bông vào miệng lọ, xóc mạnh một cái để cồn thấm vào bông. Cô vén ống quần của tử thi lên đến đùi, chọc cái kim tiêm vào chỗ da xám nhợt, rồi rút ra, chùi cồn lên. Cô lại kéo ống quần xuống.

Xong ngần ấy việc tỉ mỉ, bây giờ cô yên tâm. Cô đẩy lại cái xác lạnh cho nó nằm ngay ngắn hơn. Cô ngắm lại người chết, cốc nước, ống tiêm, kim tiêm, bếp cồn. Tốt cả. Cô tự bằng lòng. Vì cô đã làm đủ nhiệm vụ.

Bây giờ cô làm ra ngoài nhiệm vụ. Cô mở gói quần áo của người chết, tung từng cái để so với quần áo của cô đang mặc. Cô sờ khăn nhung xem tuyết còn nhiều không. Cô móc vào hai túi áo cánh. Có hai hào với bảy xu. Lại có cả mù-soa lụa. Cô vò nhỏ khăn với tiền, đút tất cả vào túi cô.

Rồi cô ra, đi thẳng đến buồng thường trực, xem quan Liêm đã về chưa.

Người sinh viên bệnh ngoại thường trực phiên đêm nay đã về rồi. Anh ta đương ngủ say. Tiếng ngáy pho pho.

Cô y tá gọi anh ta.

Người y sĩ tương lai ngóc đầu dậy. Cô nói:

– Có ma-lách vừa chết ở buồng lưu.

Mặt ngái ngủ, anh ta đáp như gắt:

– Cho nó xuống nhà xác chứ gì mà phải hỏi!

Cô Tuyến lui ra. Anh sinh viên thực tập gọi lại:

– Thôi, hãy gượm. Để đợi tôi khám đã.

Nói đoạn, anh ta nằm xuống, lại ngáy pho pho ngay.

* * *

Cụ Tú ông bảo cậu Nghĩa, một mặt thảo lá đơn kiện thằng con rể giết người, một mặt viết mấy câu cáo phó để đăng báo. Nhưng ai đứng tên cáo phó? Đó là câu hỏi mà gia đình phải bàn mãi. Không lẽ là cha mẹ. Không lẽ là em trai. Tất phải là người chồng. Nhưng nếu thằng sát nhân được đứng tên trong cáo phó việc cô Lễ chết, thì tủi vong linh cô. Cho nên, hai cụ đều thỏa thuận là nên viết tên cô bằng duệ hiệu.

Lời cáo phó như sau:

CÁO PHÓ

Chúng tôi lấy làm đau đớn báo tin buồn để các cụ, các ông, các bà, thân bằng cố hữu, biết cho rằng nội nhân tôi là:
Mme[76] PHẠM THỊ, HIỆU DIỆU THUẦN
đã mệnh một tại nhà thương Bảo hộ, hồi 2 giờ sáng hôm 16 Août[77]
Chúng tôi định đến 7 giờ sáng ngày 17 Août sẽ làm lễ an táng tại nghĩa địa hội Hợp thiện.
Tang lễ sẽ cử hành từ nhà thương Bảo hộ.
Quan phu: TRẦN ĐỨC THỪA
(Lời đăng báo này thay giấy cáo phó riêng)

(*[76] Bà. *[77] Tháng 8 dương lịch.)

Đơn kiện đã đến tòa.

Lời cáo phó đã đăng báo.

Bàn thờ cô Lễ đã bày xong. Hai ngọn nến hiu hắt trong nhà lúc nào cũng mờ tối. Khói hương lên thẳng rồi uốn éo, tan biến vào không khí âm u.

Cụ Tú ông cả ngày rên rỉ, đắp chiếc chăn đơn, nằm trên trường kỷ.

Cụ bà vật mình vật mẩy, gào khóc, đòi vào nhà thương nhìn mặt con lần cuối cùng. Nhưng họ hàng nhất định giữ cụ lại.

Cậu Nghĩa nén bụng thương, vào nhà xác, chứng kiến việc khâm liệm và nhập quan cho chị.

Rồi trước bảy giờ sáng ngày 17 tháng 8, trên hè đường phía cổng nhà xác của nhà thương Phủ Doãn, năm lá cờ đen còn cuộn lại, được dựng ở trên tường. Kiệu linh sa và nhà táng được đặt gọn bên phải đường cái.

Lác đác người đưa đám đến đông dần. Có người muốn xem mặt chồng cô Lễ mà họ chưa biết. Có người định nhìn xem thằng giết vợ, mặt mũi hung bạo như thế nào. Có người nhân dịp đau đớn, cố gặp tang chủ để chia buồn.

Một số người quen nhau thì túm lại từng tốp, nói chuyện với nhau. Nhưng một số khác, không quen ai thì đứng riêng một mình để nghe ngóng.

Số người quen nhau là họ hàng, bạn bè cô Lễ, của hai cụ Tú, và của cậu Nghĩa, mợ Nghĩa, số người quen nhau cũng là bạn bè của người đứng tên trong cáo phó. Còn số người không quen nhau, thì có người là bạn bè của mẹ Mão, có người là bạn bè của Ma-ri, có người là bạn bè của cô Múi.

Họ đọc cáo phó, thấy nội nhân của người chồng ký tên Trần Đức Thừa, thì yên trí ngay là bạn của mình chết, mới định đến để đi đưa đám.

Nhưng sau khi hỏi han đích xác tên thật của người quá cố, những bạn bè của những ma-đam Trần Đức Thừa khác tủm tỉm cười, vì suýt bị tẽn. Họ kéo nhau về. Lúc đó, những người ở lại rất ngạc nhiên, vì thấy đám ma thiếu mặt một người không thể thiếu. Tức là chồng cô Lễ.

Bỗng một tin làm ai nấy sửng sốt:

Không hiểu sao, nhà nước rút giấy phép, chưa cho đám tang khởi hành vào giờ này.

§18. Tôn giáo với kẻ có tội

Trần Đức Thừa đọc lời cáo phó trên báo, thì hắn cũng giật mình. Nhưng khi nghĩ đến ba chữ tên hắn ký ở dưới, thì hắn lại vui vui. Như vậy, có phải là chưa vỡ mộng đào mỏ không? Song, hắn lại lo. Có thật gia đình Phúc Lâm vẫn nhận hắn là rể, hay là cứ đăng báo thế, nhưng rồi sẽ kiện hắn?

Hai mối vui và lo luẩn quẩn trong óc hắn. Hắn suy tính, rồi trả lời một mình. Hắn muốn gặp một người vào bậc quân sư, như ông Lăng, như ông Hoài Tân Tử, để vấn kế. Hắn muốn cùng lắm, thì có mấy thằng bạn thường thôi, chúng nó đến chơi, tán nhảm, tán nhí, nói tục nói rác, cho đầu óc hắn được khuây khỏa. Hắn muốn đi phố một lát cho giải trí. Nhưng hắn không dám thò mặt ra ngoài, sợ hàng phố chửi.

Thì ngạc nhiên cho hắn làm sao. Không biết là tai họa hay hạnh phúc đây. Một người đàn bà đỗ xe ở trước cửa, rồi tay bế con tay xách va-li, đi xồng xộc vào.

Người ấy là Ma-ri.

Thừa nhìn rõ. Không lầm nữa rồi. Hắn lặng đi đến mấy giây đồng hồ. Thì bỗng Ma-ri sằng sặc cười:

– Em về với mình đây!

Thừa vẫn trố đôi mắt. Ma-ri tiếp:

– Thật đấy. Con của chúng ta đây. Thằng Giăng đấy. Em mới ở cữ nó được hai tháng.

Ma-ri đặt va-li xuống, đưa thằng bé cho Thừa bế, rồi mở ví, ra hè trả tiền xe.

Xong việc, hắn quay vào, nói bằng giọng rất vui vẻ:

– Em đọc báo, thấy nó chết rồi, em mới dám tái hồi Kim Trọng, không lo nó đánh nữa.

Thừa biết Ma-ri hiểu lầm người chết là mẹ của Mão. Hắn lắc đầu, tủm tỉm:

– Không phải nó.

Ma-ri trố mắt:

– Ớ! Thì là đứa nào? Buồn cười nhỉ?

Không khí trong nhà, từ lúc có Ma-ri vào, bỗng thay đổi hẳn. Có tiếng động. Có tiếng nói. Lại có tiếng cười. Như thường vậy.

Ma-ri cởi áo ngoài, cởi quần ngoài, tháo bí tất, vứt ở trên giường, dáng điệu tự nhiên như người vẫn ở nhà, vừa đi chơi đâu mới về. Bỗng hắn hỏi:

– Thằng Pôn đâu? Quà của nó đây.

Hắn mở va-li. Thừa nói:

– Nó về nhà quê, ở với ông bà nội.

– Thế à? Nó lớn bằng ngần nào rồi?

Thừa nghĩ một tí, rồi đáp:

– Nó biết đi rồi.

– Có ngoan không?

– Ngoan.

Ma-ri dọn quần áo trong va-li ra giường. Thừa im lặng nhìn. Bấy giờ hắn nghĩ lung lắm. Hắn nhìn cái va-li bằng da, rất đẹp, có khóa kền, sáng nhoáng. Quần áo Ma-ri cũng rất sang, sang hơn trước nhiều.

Ma-ri bày các thứ lên chiếu xong, có vẻ hãnh diện, hất hàm hỏi Thừa:

– Oai không?

Thừa mỉm cười, khẽ gật đầu. Ma-ri đứng sát vào cạnh Thừa:

– Gớm! Nhớ quá! Anh có nhớ em không?

Thừa lại khẽ gật đầu. Bỗng Ma-ri cau mặt:

– Ô hay, em về, sao anh không vui, lại ỉu xìu xìu cái mặt thế? Giận em thật đấy à? À, phải rồi.

Thừa cố làm ra vui vẻ:

– Phải thế nào?

– Thương nhớ nàng Diệu Thuần, có phải không?

Rồi hắn sát hẳn đùi vào Thừa, nũng nịu:

– Không thế cơ! Vui lên cơ! Đừng làm thế, em buồn.

Hắn giơ hai tay ôm hai má Thừa, vỗ vỗ mấy cái.

Tự nhiên Thừa cảm động. Hắn nhìn Ma-ri bằng đôi mắt trìu mến, rồi thở dài. Đây là cái thở dài của một người đương lưỡng lự.

Thằng Giăng nhoe nhoe khóc. Thừa đưa trả cho Ma-ri bế:

– Em nuôi con hay thuê vú?

– Em nuôi lấy.

– Không có tiền thuê vú à?

Ma-ri dẩu môi:

– Ứ, không phải thế. Tại em yêu anh, cho nên con của chúng ta, em phải nuôi lấy.