Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

§5. Lại một nghề nữa không có ghi ở trong lòng minh tinh

Đến mười hai giờ rưỡi đêm, Ma-ri mặc quàng xống áo, lấy năm đầu ngón tay chải mái tóc cho đỡ rối, rồi cắp ví vào nách. Hắn tủm tỉm nhìn anh Thừa.

– Mãn nguyện nhé!

Hắn chìa bàn tay để bắt tay. Anh Thừa lóng cóng buộc mãi dây giày không xong.

Vì lúc này, óc anh nghĩ lung lắm. Từ nãy đến giờ, trong khi ở buồng bên này im lặng, thì luôn luôn bên buồng số tám kẹt cửa, rồi đóng. Bây giờ anh đi với Ma-ri qua đấy, lỡ đúng vào lúc Múi mở cửa, bắt gặp hai người mặt mũi phờ phạc đi với nhau, thì anh biết ăn nói làm sao!

Thấy anh lúng túng mãi, Ma-ri có vẻ sốt ruột, hỏi:

– Anh cũng về à?

Anh Thừa gật đầu:

– Moa tiễn toa.

Bất đồ Ma-ri bĩu môi:

– Thôi, đừng giở thối ra nữa! Anh tưởng làm thế thì lừa nổi tôi là anh yêu tôi, anh nhớ tôi, lúc rời tôi thì bịn rịn không dứt chứ gì!

Hắn lắc đầu:

– Không! Anh yêu tôi thế nào được! Vả, tôi có cảm anh đâu? Tôi có nghĩ gì đến anh nữa đâu. Chẳng qua tôi vắng chồng, anh vắng vợ, thì qua một đêm với nhau cho đỡ buồn đấy thôi, chứ tình nghĩa quái gì!

Anh Thừa như bị giội gáo nước là lên đầu. Không còn giọng dịu dàng, âu yếm, nũng nịu nữa. Không còn tiếng moa, toa, An-be, Ma-ri đầy ân ái, hoặc kém hơn, tiếng mình, em nhưng cũng rất thân mật nữa.

Ma-ri cười lạnh lùng:

– Anh ngây thơ lắm! Anh tưởng tôi xin tha cho anh, tôi trả lại tiền anh là tôi thương anh, vì tôi mê anh phải không? Anh lầm quá! Nếu hôm nay tôi đã có người hẹn hò rồi, thì tôi kệ cho mật thám giải anh đi. Tôi đã trả anh bốn chục bạc. Việc đó, không phải vì tôi tốt với anh đâu. Tôi quỵt, anh cũng không làm gì nổi. Anh có vì không tiền mà chết đói, tôi cũng mặc xác. Lỗi đâu tại tôi? Nhưng tôi trả nợ anh, là tôi đã dùng tiền của anh, chứ không thiệt riêng của tôi một xu nào, để mua anh một cách chắc chắn, làm anh không thể gỡ thoát. Thật thế. Dù lúc ấy, anh nhận được tin bố anh sắp chết đến nơi, hãy hỏi anh có dám rời tôi mà về với bố anh không? Ấy thế đấy. Ở đời, có những việc thật giản dị nhưng lại hay làm người ta tưởng là khó hiểu, cứ phải mệt trí mà suy nghĩ. Thôi, anh ở lại, ngủ cho lại sức!

Ma-ri không cười, lại giơ tay:

– Nào, ô-rơ-voa[13]. (*[13] Tiếng chào tạm biệt, nghĩa là để đến lần gặp nhau sau.)

Ma-ri lạnh nhạt, cầm lỏng lẻo tay anh, rồi buông ra, chứ không rung. Hắn cười khẩy:

– Còn lần nào nữa mà ô-rơ-voa!

Từ nãy anh Thừa như nghe những lời sỉ vả nhục nhã. Anh không có thì giờ nói xen vào một câu nào. Mặt anh cứ tái dần đi.

Ma-ri quay ngoắt ra cửa. Mở cánh, rồi đóng lại. Anh Thừa nhìn theo. Không thấy Ma-ri ngoảnh lại anh lần cuối cùng.

Anh thở dài, ngồi trên ghế gục xuống. Tâm hồn anh như bị đảo lộn. Bên buồng cạnh còn người mong anh từ chiều. Người ấy phó thác hạnh phúc cho anh. Thần trí người ấy chắc không còn ở trong đầu óc người ấy, mà đương lang thang lạc lõng trong khắp phố Hà Nội xa lạ, để mong tìm thấy anh. Nhưng thật là giản dị, như Ma-ri nói, anh ngồi ngay buồng bên này, cách người ấy có vài thước. Thế mà người ấy đương suy nghĩ mệt trí. Anh có nên đến với con người thật sự trông đợi anh, để qua nốt mấy giờ còn lại của đêm nay không? Người ấy gặp anh, sẽ hết lo lắng, nghi ngờ, khổ tủi. Một câu anh bịa ra lý do về muộn, sẽ lại làm cho người ấy vui vẻ và tin cậy anh như trước, óc anh cũng sẽ được thảnh thơi, không nặng trình trịch như bây giờ.

Cánh cửa buồng số tám lại kẹt mở, rồi đóng. Anh tưởng tượng được ra nét mặt của Múi lúc này.

Anh thở dài, uể oải, chống hai tay vào gối để đứng dậy. Anh thong thả ra cửa, nắm quả bàng. Rồi để nguyên tay như thế, không nhúc nhích.

Anh lại tính toán. Và anh chờ.

Anh chờ cho đến lúc cánh cửa buồng số tám kẹt mở và vừa đóng lại rồi, anh mới vặn quả bàng cửa buồng anh, rồi khẽ khép lại. Anh nín thở, kiễng chân đi thật mau qua, và xuống thang…

Anh Thừa về tuột nhà trọ Đông Phương. Anh dọn hết đồ đạc vào hòm. Anh giấu ông chủ quán chỗ ở mới. Anh khênh hòm ra hè, thuê xe, đến nhà anh Xi. Qua săm Đồng Lợi, anh đội mũ sụp xuống, rồi nghếch mắt lên nhìn buồng số tám. Anh thở dài. Rồi vắt chân chéo khoeo. Anh hãnh diện nhìn những người nằm ở hai bên vỉa hè. Anh mỉm cười. Có tiền có khác. Anh vừa qua những giờ phút mà không bao giờ anh dám tưởng là anh được hưởng. Bây giờ anh lại ngồi xe, bắt một người kéo.

Người này chỉ vì nghèo, nên quá nửa đêm rồi mà chưa được nghỉ ngơi. Anh muốn hỏi người ấy về đời sống. Nhưng anh không hỏi. Người sang trọng không ai chuyện trò với cu-li xe.

Đến nơi, anh bảo anh Xi:

– Từ nay, tớ ở chung với đằng ấy, nhưng đằng ấy chớ nói với ai là chúng mình ở với nhau. Đằng ấy cứ gọi đằng này là ông An-be. Lấy tên Tây có lợi. Người ngoài nghe, thì không biết tớ là An-nam. Vả lại có tên Tây, đằng này không bị ai để ý mà theo dõi.

Anh Xi đáp:

– Ở chung cũng được, nhưng sao đằng ấy phải giấu giếm? Việc này lăng nhăng thế nào ấy. Cứ nói cho thật, đằng này bàn cho. Hay là đằng ấy vừa bị bắt bạc mà trốn?

Anh Thừa gật đầu:

– Cũng tương tự như thế. Tớ trốn một người cho tớ một món tiền. Người ấy đương đợi tớ. Nhưng tớ không muốn gặp nữa. Vì dù có gặp cũng không bị đòi lại tiền nhưng không khác gì tớ tự đem nộp mình để vào ngồi tù chung thân.

Anh Xi lắc đầu:

– Bố ai hiểu được!

Từ hôm sau, anh Thừa nghỉ đi bán thuốc, cả tuần lễ, anh không dám thò mặt ra phố.

Được rỗi rãi, anh lo lắng đến tương lai.

Anh không muốn kiếm ăn theo lối nhờ giấy tờ của người bán rong thuốc, lấy hỏa hồng nữa. Anh có vốn rồi. Phải sinh nhai cho ra người có vốn.

Anh thuê một căn gác của một nhà khá rộng ở giữa phố Hàng Bông. Tầng dưới là cửa hàng tạp hóa của bà chủ.

Anh mướn thợ kẻ cái biển lớn, vừa chữ Pháp, vừa chữ quốc ngữ, dài suốt bề ngang nhà, treo tận lên cao:

CÔNG TY VÔ DANH TỔNG PHÁT HÀNH TOÀN ĐÔNG DƯƠNG THUỐC TRUNG NAM BẮC
Chánh giám đốc: ALBERT THUA

Ở chân thang đặt cái bảng nhỏ:

Giờ tiếp khách:
Sáng: Từ 12 đến 14 giờ
Chiều: Từ 18 đến 21 giờ
Chủ nhật và ngày lễ: nghỉ

Gác ngăn làm đôi. Nửa ngoài, ngay cầu thang lên, là chỗ làm việc. Có bộ xa lông tiếp khách và bàn giấy ông chủ. Trên mặt bàn, có lọ mực thủy tinh, có ống bút sứ, có bàn thấm mạ kền và có ngăn giấy gỗ sưa. Lại có cả mấy điện thoại sơn đen bóng.

Ngăn cách với nửa trong, là bức bình phong căng bằng vải xanh. Đứng ngoài, không trông thấy ở đấy có những gì. Chắc là kho thuốc của công ty.

Anh Thừa đã quen nhiều bạn có tiền, muốn sinh lợi, nhưng có lẽ vì công ty mới khai trương, anh chưa muốn gọi thêm cổ phần. Cho nên mới có hai cổ đông. Hai người này là anh và anh Xi. Anh Thừa là chánh giám đốc. Chức trách giám đốc làm việc giao dịch và làm như công ty to, có cả phó giám đốc. Anh Xi là người kéo xe nhà cho ông chánh giám đốc khi đi làm việc giao dịch.

Đã từ lâu, trong thời kỳ còn đến các hiệu lấy thuốc đi bán rong, anh Thừa đã nhận xét được vài điều. Một là trừ thuốc lậu là thứ nhiều nhà làm, còn những thuốc khác, như thuốc đau bụng, thuốc cam sài trẻ con, thuốc ngã nước, chẳng hạn, thì mỗi dược phòng chỉ chế một thứ chuyên môn của mình để bán thôi.

Hai là các chủ nhà thuốc ăn lãi nhiều quá. Mua một biếu một nghĩa là giá thật chỉ đáng bằng nửa giá đề ở nhãn. Để một đồng, bán năm hào. Bán năm hào để còn tính vào đấy hỏa hồng mười phần trăm cho người buôn quen, buôn nhiều và trả tiền ngay. Thế thì giá thành của thuốc là bao nhiêu, để ông chủ còn phải ăn lãi? Mà lãi này, hẳn phải là phần to lớn nhất. Ba là phần lớn thuốc không hay, chỉ quảng cáo là hay. Người dùng thuốc lâu mà chưa khỏi bệnh, thì được giảng là chưa đủ liều, phải mua thêm, chữa dở dang thì phí tiền. Những người hay dùng, hay thử thuốc, thường là những người giàu. Họ phí chút ít, mua phải thuốc dở cũng không xót. Bốn là, điều này anh chưa chắc lắm, có vài thứ là thuốc tây, chỉ màu và mùi là khác.

Cho nên phần lớn các dược phòng đều bị tai tiếng là lừa bịp, làm xấu lây cả giới dao cầu thuyền tán.

Công ty vô danh tổng phát hành toàn Đông Dương thuốc Trung Nam Bắc tự đặt cho mình cái nhiệm vụ lừa bịp thay cho các dược phòng. Nhiệm vụ này, trong quảng cáo, anh Thừa gọi là nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang. Hai tiếng lừa bịp được anh viết bằng hai tiếng giúp đỡ. “Bởi vì, theo quảng cáo, bản công ty phát hành toàn những thuốc nổi tiếng của các dược phòng được tín nhiệm nhất Đông Dương. Bản công ty phụng sự lợi ích nhanh chóng cho bệnh nhân. Người Bắc Kỳ không phải chờ mất lâu thì giờ gửi mua tận Trung hoặc Nam Kỳ mới có thuốc trứ danh ở trong ấy. Người Nam, Trung Kỳ cũng không phải gửi mua tận ngoài Bắc mới có được thuốc hay. Vì bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào, bản công ty cũng đều đặt chi nhánh phát hành”. Cuối cùng, bản quảng cáo kêu gọi: “Xin quốc dân đồng bào các giới ủng hộ cho bản công ty!”.

Ông chánh giám đốc công ty không ăn lương, ông là người bỏ cả vốn, cho nên có quyền ăn cả lãi. Ông định lương cho anh Xi mỗi tháng mười hai đồng, nhưng phát có mười đồng. Muốn tách bạch món tiền này, anh Thừa đã tính với anh Xi như sau:

– Cơm ăn của đàng ấy thì vợ thằng Phi-lô-mát phải nuôi. Vì đằng ấy kéo cho nó. Đằng ấy cho tớ thuê xe, mỗi tháng, tớ đưa tám đồng, và hai đồng bạc thuê kéo, vị chi là mười đồng. Mười đồng một tháng, là hơn ba hào một ngày. Tớ đi xe hàng không mất ngần ấy đâu, nhưng vì xe nhà, và đằng ấy là chỗ anh em, cho nên tớ không kỳ quản. Còn hai đồng là công đằng ấy giúp thêm việc cho công ty. Nhưng đằng ấy không lấy hai đồng này ngay. Đằng ấy để góp dần từng tháng vào công ty, làm cổ phần, cuối năm chia lãi. Thế là đằng ấy yên trí hơn tớ.

Anh Xi nghe bùi tai. Nhiều lần, mắt nhìn thấy cách làm ăn của anh Thừa, lại chính tay mình góp sức với anh ta, anh Xi biết rồi công ty này sẽ phát đạt to, lãi trông thấy. Anh cho là làm ăn không chính đáng. Anh bảo anh Thừa rút cổ phần của anh ra. Nhưng anh Thừa không nghe. Anh Thừa khuyên anh Xi là ở đời, có dịp được mở mày mở mặt thì không nên bỏ lỡ. Phải biết căm thù cái nghèo, nó làm người ta hèn. Anh nhắc lại cho anh Xi nhớ những lần ở làng, hai người bị khổ nhục mà vẫn phải chịu. Anh nói rằng phải trả thù đời. Phải có tiền. Cách nào làm được tiền cũng cứ mạnh dạn mà xông vào. Anh Xi yên lặng, nhưng sợ quá. Bởi thế, nhiều lần không muốn làm với anh Thừa; nhưng nghĩ đến món tiền bỏ vào công ty, anh thấy như bị ràng buộc với bạn.