Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa cười, rồi ngồi ngay ngắn lại:

– Em ạ. Nếu vậy, thì em có thể nói với cha cứu anh không?

Ma-ri lẩm bẩm một mình:

– Anh giết người. Các cha hay làm việc phúc đức nhỉ?

Bỗng hắn mừng rỡ:

– Được! Được! Anh là chồng em. Thế nào cha Hảo cũng nhận lời. Trừ phi anh làm giặc phản đối nhà nước thì chắc cha không cứu đâu.

Có tiếng kít ở ngoài đường. Hai người nhìn ra. Một chiếc ô-tô đỗ trước cửa nhà.

Một người đội sếp Tây và hai người đội sếp ta ở trên xe xuống đất.

Thừa lo. Ba người đi thẳng vào nhà. Mặt Thừa tái mét:

– Họ đến bắt anh, em ạ. Đúng là nó kiện rồi.

Bọn đội sếp bước vào:

– Ai là Trần Đức Thừa?

Thừa đáp:

– Tôi.

– Có trát tòa bắt ông.

Người đội sếp Tây đưa Thừa đọc trát. Ma-ri đứng dậy, ru con, đi đi lại lại.

Một người đội sếp ta, móc túi lấy cái xích, bảo Thừa giơ hai cổ tay ra. Thừa tuân theo, run như cầy sấy. Hắn nhìn Ma-ri:

– Em ở nhà nhé. Anh đi đây.

Ma-ri mỉm cười, gật đầu, tay rung rung thằng Giăng, miệng hát khẽ:

Biết nhau từ thuở buôn thừng,
Dù đứt dù nối xin đừng quên nhau.

Thừa thở dài. Ra đến cửa, hắn quay lại Ma-ri một lượt.

* * *

Ngay tối hôm ấy, Ma-ri gửi thằng Giăng, nhờ một người bạn giữ hộ rồi đi.

Hắn đến một khu biệt thự, xung quanh là vườn rộng, có nhiều cổ thụ um tùm. Hắn lên mười hai bậc thềm, đi thẳng theo hành lang. Đến căn buồng thứ tư bên trái, hắn giơ tay ra gõ cửa.

Trong có tiếng đáp. Ma-ri mở cửa:

– Lạy cha ạ.

Cha Hảo ngồi ở bàn, đương đọc một cuốn sách dày đến nửa gang. Thấy tiếng chào thì hắn ngấc đầu lên, bỏ kính ra nhìn. Ma-ri đã đóng cửa, lại chào:

– Lạy cha ạ.

– À, Ma-ri, con.

Hắn duỗi thẳng hai cẳng ngồi lại cho ngay ngắn xếp quyển sách ngay ngắn trên bàn, đặt cặp kính ngay ngắn trên sách, rồi khoanh hai tay ngay ngắn sau kính. Hắn ngửa cái mặt nghiêm nghị, cho ưỡn ra đằng trước cả bộ râu hung hung, xồm xoàm như râu cấp dê cụ.

Cái nó nhìn thẳng vào mặt Ma-ri bây giờ, hình như không phải đôi mắt khoằm khoặm của người có cái mặt um tùm như cái biệt thự lắm cổ thụ của hắn, mà lại là đôi lỗ to tướng, sâu hoắm và đen sì của cái mũi diều hâu của hắn. Hắn cau đôi lông mi sâu róm lại:

– Sao cha không cho lệnh gọi mà con đến? Con có biết đây là nhà phòng, chỗ nghiêm cấm đàn bà con gái? Vậy mà giờ này con dám xông xáo vào? Con đi lối nào?

Ma-ri chắp hai tay, đưa mắt nhìn xuống cho có vẻ hiền lành:

– Lạy cha. Cha tha tội cho con. Vì con đến trình cha một việc cần, không thể trì hoãn. Xin cha yên tâm, con không đi đằng cổng, vì thấy có người canh. Con đã tìm được một lối mà người ngay thẳng không qua bao giờ.

– Lối nào?

– Trình lạy cha, con chui hàng rào găng ạ.

Người Pháp trợn mắt:

– Chết! Chỉ có kẻ nào lén lút mới dùng lối ấy. Con đến đây hầu cha, mà cũng đi thế, lỡ gặp ai thì sao?

– Thưa cha, thì không sao, lại là may ạ?

– Thế nào? Thế nào! Con có gặp người, hể?

– Trình lạy cha, vâng ạ. Con có gặp một người.

Người cha đạo bối rối, gãi gãi cái đầu có tóc ngắn mọc đứng như lông chiếc bàn chải ngựa, rồi hỏi dồn:

– Ô! Đức Chúa! Người ấy thế nào? Thế nào?

– Thưa cha, người ấy cũng mặc cái áo dài thâm như con ạ.

– Râu rậm như cha?

– Thưa không ạ. Không có râu ạ.

Cha Hảo ngớ ngẩn:

– Thế thì là ai?

– Thưa cha con không biết ạ. Con nói người ấy mặc áo dài thâm như con, bởi vì thưa cha, người ấy cũng là đàn bà như con ạ. Người ấy chui rào ra, cho nên con mới biết lối mà chui vào ạ.

Nói xong, Ma-ri tủm tỉm.

Người cha đạo dang rộng hai cánh tay:

– Ôồồồ!

Một lát, hắn nói:

– Nhưng dù sao, thì con cũng có lỗi với cha. Trong nhà này, có nhiều cha ở, ngộ con vào lầm buồng cha khác thì sao?

– Thưa cha không lầm ạ. Không hiểu sao mà tìm cha, thì con có tâm linh.

Hắn đắc chí, toét miệng ra cười.

Người cha đạo gò lưng xuống bàn, nói giọng gay gắt:

– Ừ. Được rồi, tốt rồi. Nhưng ngộ không phải buồng cha thì sao!

Ma-ri thản nhiên:

– Thì con hỏi thăm ạ.

Hắn bưng miệng, nhí nhảnh nhìn bề trên. Bỗng sực nhớ ra, hắn lè lưỡi một cái. Nhưng người râu dê vẫn nghiêm trang:

– Cha cấm con bận sau không được đến đây nữa. Bởi vì, cha nhắc lại, đây là nhà phòng các cha ở, không được coi như tòa giải tội mà bất cứ ai cũng có thể đến tự do. He!

– Dạ. Sở dĩ lần này con dám liều, là vì để trình cha một việc cần.

Người cha đạo dịu nét mặt. Bây giờ hắn nhìn Ma-ri bằng đôi mắt hắn cố him him lại cho đỡ khoằm khoặm để nói nhỏ:

– Cha nghe.

Hắn lại ngồi ngay ngắn, khoanh tay ngay ngắn. Đôi lỗ mũi cũng ngay ngắn như để cố dòm xuống xem tiếng vừa nói ở đâu ra.

Ma-ri lấy giọng đau thương:

– Trình lạy cha, thằng chồng cũ của con bị nhà nước bắt rồi.

Lão Hảo ưỡn bộ râu. Đôi lỗ mũi huếch nhìn Ma-ri:

– Nó bị bắt? Bị bắt bao giờ?

– Bẩm buổi chiều hôm nay ạ.

– Thế là con có gặp nó rồi chứ?

– Thưa cha vâng ạ. Nhưng chúng con vừa nói chuyện với nhau độ một giờ đồng hồ, thì nhà nước vào xích tay nó đi.

– Nó bị bắt về tội gì?

– Thưa tội giết người ạ.

Nhà tu hành trợn cả đôi mắt lẫn đôi lỗ mũi:

– Chà chà! Giết ai?

– Trình lạy cha, giết vợ ạ.

Người cha đạo ngạc nhiên:

– Sao? Sao? Con là vợ nó kia mà? Thì nó giết ai?

– Thưa nó giết người vợ nó lấy trong những ngày nó vắng con ạ.

Người bề trên nghĩ ngợi, rồi nói:

– Thế nghĩa là… Thế nghĩa là con định về với nó, nhưng nó vào tù.

– Vâng ạ. Thế cũng nghĩa là hai đứa chúng con không được “ăn nằm” với nhau nữa ạ.

Nhà tu hành dúm đôi lông mi lại, đặt tay trỏ trước bộ râu:

– Suỵt.

Một số sợi mềm yếu, sống ở môi trên, như không chịu được gió thổi, ngỏng cao cả lên.

– Con không được nói tiếng ấy trước mặt cha. He!

– Thưa cha thật thế ạ.

– Suỵt!

Một tiếng giậm chân khẽ xuống sàn gạch:

– Biết rồi. Thế bây giờ con muốn cha làm gì?

– Thưa cha, cha tha cho chồng con ạ.

Người Pháp trợn lỗ mũi:

– Cha tha? Cha tha cho kẻ giết người?

– Vâng ạ. Cha vẫn tu nhân tích đức ạ.

– Cha có quyền gì? Cha chỉ là kẻ tu hành. Cha không làm việc bậy bạ. Vì như thế là bất công.

– Thưa cha, khối cha còn làm những việc bất công bậy bạ hơn ấy ạ.

Lại một tiếng suỵt. Râu lại ngỏng lên.

– Giết người thì có pháp luật trừng trị. Thần công lý không thiên vị ai.

– Thưa cha, con thấy cái cân xây ở trước cửa toà án, độ này cán nó lệch rồi, chứ không ngang như ngày nọ nữa ạ.

– Con nói sao?

– Bởi vì có lũ trẻ con nghịch, chúng nó để đá vào một bên đĩa cân ạ.

– Ồ! Thần công lý là Thần công lý. Trẻ con là trẻ con. Con không được lẫn lộn.

– Thưa cha, trẻ con còn bắt được Thần công lý lệch cán cân, huống hồ là các cha.

Nhà tu hành giơ xòe bàn tay ra:

– Thôi, im, không lý sự như thế. Để yên, cha nghĩ.

Một lát, hắn cầm bút và hỏi:

– Chồng con tên là gì?

Ma-ri đứng thẳng, khoanh hai tay trước ngực:

– Là Thừa ạ.

– Họ gì?

– Họ Trần ạ.

– Trần Thừa à?

– Thưa không ạ.

– Sao lại không?

– Thưa là Trần Đức Thừa ạ.

Người Pháp ngoẹo cái cổ và giơ hai cánh tay lên trời:

– Ô, mất thì giờ! Sao con không nói ngay là Trần Đức Thừa?

– Thưa con quên ạ.

Ma-ri bưng miệng, rúc rích cười. Lão Hảo cúi xuống để biên vào sổ. Râu hắn quét trên mặt giấy, kêu soạt soạt. Hắn ngẩng lên, lại hỏi:

– Người vợ mà nó giết, tên là gì?

– Thưa là Diệu Thuần ạ.

Một tiếng giậm chân khẽ:

– Họ gì?

Ma-ri ngước nhìn trần nhà, nghĩ một lát, rồi đáp:

– Thưa cha, con không nhớ ạ.

– Nguyễn nhé.

– Không phải ạ.

– Trần nhé?

– Cũng không phải ạ.

– Vũ, Bùi, Lê, Lý?

– Thưa không phải ạ.

– Thế thì là gì?

– Thưa chữ này khó nhớ lắm ạ. Cha đừng làm con cuống. Cha để con nghĩ lâu thì ra ạ.

Một lát, hắn nói:

– À, thưa phải, họ Hiệu ạ.

– Họ Hiệu? Lạ đấy. Khó nhớ thật.

Hắn ghi. Nhưng Ma-ri vội vàng nói:

– À, à, à! Thưa không phải. Cha xóa đi ạ. Phạm Thị Hiệu kia ạ.

Người cha đạo ngớ mặt:

– Thế nào? Cha không hiểu. Thế thì họ Phạm hay họ Hiệu, chứ sao lại cả ba chữ?

– Thưa cha, con cũng không hiểu ạ. Con chỉ nhớ Phạm Thị Hiệu Diệu Thuần, thì con không biết Phạm Thị Hiệu, hay Phạm, hay Hiệu là họ, Diệu Thuần hay Hiệu là tên, mà lại có chữ Thị mắc ngẵng ngay ở giữa ạ.

– Ô! Mất thì giờ. Thế nào, con nhắc lại.

– Phạm Thị Hiệu Diệu Thuần ạ.

– Được, cha cứ ghi cả năm chữ.

Viết xong, người Pháp ngẩng đầu lên, thì Ma-ri vội vàng hất hất cái khuỷu của cánh tay khoanh chặt trước ngực:

– À, à thưa cha không phải đâu ạ.

– Sao, lại không phải?

– Thưa cha, sau chữ Thị lại có dấu phẩy. Thế thì chữ nào là họ, chữ nào là tên? Chả có lý tên những năm chữ, lại có cả dấu phẩy.

– Ô, không sao, Cha mới hỏi có hai câu, mà mất đến nửa giờ đồng hồ. Lúc nào con cũng ỡm ờ, nói nhiều câu vô ích.

– Vâng ạ. Xin lỗi cha ạ. Tại mọi bận con ỡm ờ, cha không mắng ngay, con tưởng cha thích.

Hắn lại bưng miệng rúc rích cười. Nhà tu hành nhìn thấy, nhưng vẫn nghiêm nghị.

– Con có biết gì về gia đình người bị giết không?

– Thưa có ạ.

– Con nói đi.

– Thưa cha nói gì ạ?

– Về gia đình người bị giết, chứ nói gì?

– Thưa cha nói thế nào cho khỏi vô ích ạ?

Người cha đạo giơ hai cánh tay lên trời, phùng má phù ra một hơi dài. Cả bộ râu rung mạnh như biết cựa quậy. Ma-ri tủm tỉm. Rồi hắn vừa nấc lên để cười, vừa nói rời rạc:

– Thưa… cha hỏi… từng… câu ạ.

– Được. Cha hỏi. Nó có bố mẹ không?

– Thưa có ạ.

Rồi hắn lau láu nói thêm:

– Lão ấy vớ vẩn lắm, cha ạ.

– Sao?