Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hai Điều về nhà quê. Hôm sau, lão ra ngay. Lão mở một gói nhỏ, đưa cho Thừa:

– Trình ông lớn. Con nói thế nào bà Hàn cả cũng không lấy tiền. Bà gửi làm quà ông lớn một gói khế khô.

Thừa như bị ngất đi. Hắn phì phò thở những hơi rạo rực, không đều nhau. Hai Điều sợ quá, lay gọi:

– Trình ông lớn! Trình ông lớn! Ông lớn tỉnh chưa?

Một lát, Thừa mở từ từ đôi mắt ứa tràn nước:

– Mẹ thằng Mão sống bằng gì hở ông?

– Trình ông lớn, bà Hàn cả bây giờ yếu lắm. Mắt có tật, chân có tật, chả làm gì được. Tháng tháng, cậu cả vẫn gửi tiền về nuôi bà.

Thừa thở dài:

– Nó ăn cắp, ông ạ.

– Không. Con nghe nói cậu ấy làm với ông mét Khánh Sơn ngoài Hà Nội này.

– Khánh Sơn xem số ấy à? Nó làm gì?

– Thưa, đi điều tra hộ. Ví dụ có ai nhờ ông mét Khánh Sơn xem số, thì muốn nói cho đúng nhà cửa, con cái, quá khứ của người ta, ông mét Khánh Sơn phải cho người đến tận nơi để hỏi dò. Việc này gọi là điều tra. Cậu cả làm việc điều tra ấy, và cũng học nghề bói tướng của ông ấy.

Thừa lắc đầu:

– Lại làm nghề bịp. Khác gì nghề ăn cắp.

Hắn dặn:

– Tôi cấm cửa nó. Ông bảo người nhà từ nay thấy nó đến thì phải đuổi ra ngay. Hễ nó nói láo, thì đi gọi đội sếp. Thằng Pôn với thằng Giăng phải luôn luôn ở cạnh tôi để canh nó cho tôi.

– Vâng.

Im một phút, hắn thở đánh phào:

– Bố nào con ấy!

Rồi hắn hỏi:

– Thế còn thím Xi, có khá không?

– Trình ông lớn, chị này cũng nhất định không cầm tiền. Sợ ông lớn quở, con phải bỏ hai trăm đấy rồi con chạy.

Thừa mỉm cười:

– Được!

Hắn quờ tay như muốn lấy cái gì. Hai Điều hỏi:

– Trình ông lớn xơi nước ạ?

– Không, ông cho tôi gói khế.

Hắn nhìn những miếng khế phơi khô mà thuở ít tuổi hắn rất thích ăn. Hắn lấy một miếng, cho vào miệng. Bỗng hắn hộc lên, rồi úp mặt xuống giường, hai vai rung lên vì nức nở.

* * *

Hai Điều đi làm nốt hai việc ở Hà Nội.

Hắn đã gặp Thúy Lan và đã hỏi dò những nhà ở cạnh hiệu Phúc Lâm.

Về Thúy Lan, lão già nói:

– Trình ông lớn, cô Thúy Lan không nhận nghìn bạc.

Thừa trợn ngược đôi mắt, há hốc mồm, chân tay mình mẩy run cầm cập.

Hai Điều lại lay gọi, lấy khăn mặt ướt đắp vào trán cho hắn. Khi thấy hắn tỉnh hẳn, lão tiếp:

– Trình ông lớn, cô Thúy Lan hình như có tính đa nghi, nên cứ gặng hỏi con với ông lớn là thế nào. Sau con phải mạn phép ông lớn mà nói thật là chú họ ông lớn, thì cô mới mừng rỡ và nói chuyện lâu.

– Nói những gì?

– Trình ông lớn, cô Thúy Lan nhắn con trình ông lớn là cái két tiền trong tủ áo, cô vẫn giữ nguyên. Cô không làm thế nào gửi trả ông lớn được.

– Hừ! Giữ nguyên.

– Cô lại xin lỗi vì không biết ông lớn mệt nặng để đến hỏi thăm.

Thừa thở dài, lẩm bẩm:

– Đến thế nào!

– Thưa bây giờ cô sắp lấy chồng. Người chồng cùng làm với cô ở hiệu tây bán sách, phố Hàng Trống.

Thừa nở một nụ cười:

– Thế à?

Hắn hỏi:

– Con bé con thế nào?

Lao già nghĩ một lát, rồi nói:

– À, vâng, tên nó là Băng Tuyết.

– Ông có nhìn thấy con Băng Tuyết không?

– Thưa có.

– Có ngoan không? Có khỏe mạnh không?

– Thưa có. Con bé béo, trắng, trông hay lắm. Lúc con đến nhà, thấy nó đương chơi búp bê.

Lão già mỉm cười:

– Trình ông lớn, sung sướng nhất họ ta là ông lớn đây.

Thừa hỏi:

– Thế nào?

– Thưa là có cháu ngoại sớm ạ.

Thừa thở dài:

– Hẳn cô Thúy Lan đi làm lương, thì đủ ăn.

– Vâng. Cô ấy nói: Cháu đủ ăn rồi, để tiền này dành cho ba cháu Băng Tuyết xơi thuốc.

Thừa sửng sốt:

– Gọi là ba cháu Băng Tuyết.

Lão già nghĩ để chữa lại lời hớ hênh, rồi đáp:

– Trình ông lớn, con nhăng. Bởi vì lúc cô nói là ba cháu, lúc cô nói là ba cháu Băng Tuyết, con chẳng hiểu thế nào.

Thừa quật tay xuống giường:

– Ông nói gì tôi với cô Thúy Lan để cô ấy gọi thế?

– Trình ông lớn, không ạ.

– Không ông, thì lại con mẹ Ĩnh con thôi, ông còn nói với cô ấy những gì nữa.

Hai Điều sợ hãi:

– Không ạ. Con không nói gì nữa. Chỉ có cô Thúy Lan nói chuyện với con thôi.

– Chuyện gì?

– Thưa, cô dặn là đừng nói cho ông lớn biết về việc cô sắp lấy chồng.

– Thì là đáng mừng chứ sao?

– Nhưng mà, trình ông lớn, có lẽ việc không thành đâu ạ.

Thừa cau mặt:

– Tại sao?

– Con đoán thế.

– Ông đoán được?

– Vâng. Lúc ấy sắp đến giờ đi làm, cô Thúy Lan đưa con đến sở. Cô giới thiệu con với người chồng chưa cưới.

– Mặt mũi có khá không?

– Trông người cũng thật thà, phúc hậu.

Lão già mỉm miệng:

– Buồn cười. Cô Thúy Lan lại giới thiệu con với cậu ta là ông chú bên nội.

Thừa phồng mồm, thở phù ra một hơi dài. Lão già tiếp:

– Trình ông lớn, ba người đương nói chuyện, hỏi thăm nhau, thì có một bà Tây lai xồng xộc vào. Mắt bà ta nhờ nhờ như gio, trông đến sợ. Bà ta đến gần cô Thúy Lan, hầm hầm nói: “Cô phớt tôi là không được đâu nhé. Tôi bắt cô về Hải Phòng làm cho tôi”. Cô cãi, thì bà ta mở ví, lấy cái giấy xanh xanh đưa cô, rồi bảo: “Có công việc gì mà cô đến nhà con mụ Ĩnh con?”. Cô lại cãi nhưng bà mắt nhờ nhờ không nói đi nói lại, bà ta đưa tờ giấy xanh cho người chồng chưa cưới của cô xem.

Thừa rên lên:

– Trời!

Hắn ho. Ôm ngực gò lưng để ho một hồi, rồi nhăn nhó, nằm xuống. Hai Điều nói:

– Giấy ấy có ảnh của cô Thúy Lan ông lớn ạ. Lúc ấy ông chủ thấy ồn ào, thì chạy ra. Bà Tây lai lại đưa tờ giấy xanh cho ông chủ.

– Trời!

Chân tay Thừa run cầm cập.

– Trình ông lớn, lúc ấy cô Thúy Lan khóc. Người chồng chưa cưới với ông chủ nhìn cô, rồi không biết nói gì với bà mắt gio bằng tiếng Tây, con thấy bà ấy có vẻ vui lắm. Còn cô Thúy Lan thì vẫn khóc.

Thừa kêu trời đến năm phút, rồi rên rỉ một mình:

– Muốn lương thiện cũng không nổi với cái đời ác nghiệt này! Tôi khổ lắm, ông ạ. Nội các con tôi đẻ ra, tôi ghét nhất thằng Mão, nhưng thương nhất hai đứa ấy. Xuy-dan, Băng Tuyết! Con.

Hai Điều như lạc vào rừng. Lão kể đến gia đình Phúc Lâm:

– Trình ông lớn, cái nhà này thế mà gớm lắm! Ông cụ Tú chết đã lâu. Bà cụ tú mói chết năm kia. Người con giai theo cộng sản phải tù hai lần mà vẫn không sợ. Lần thứ hai, bị khép án mười năm, lúc đi đày lên Sơn La, anh ta trốn đi mất. Hiện giờ, người ta nói anh ta ở bên Nga. Anh ta có một đứa con giai. Con có trông thấy thằng bé ấy. Nó giống anh ta như đúc. Nó đã đi học. Còn người vợ bây giờ ngày bán hàng tấm ở chợ Đồng Xuân, tối dạy quốc ngữ cho bà con trong phố học. Người ấy có chân trong hội Truyền bá học quốc ngữ. Nhà này bây giờ thắp đèn điện. Cái mái hiên truớc kia cúp về đằng trước, thì nay chữa vểnh lên cho sáng cửa hàng.

Thừa gật đầu:

– Tôi đi qua, có trông thấy.

– Cửa hàng ấy là của người em ruột người vợ, thuê để bán tạp hóa.

Thừa mỉm cười:

– Mừng.

Hắn muốn thở mạnh, thở nhiều. Nhưng không được. Hai tay hắn vuốt ngực, như cố đẩy cho không khí vào phổi. Thành thử có tiếng hổn hển, mà ngực nhô lên dẹp xuống, càng làm cho hắn mệt thêm.

§21. Trong những giờ phút sắp lên tiên

Hôm nay là ngày cuối cùng trong đời Thừa. Gọi tiếng chữ, là ngày quy tiên.

Lúc ấy độ tám giờ sáng.

Bỗng Ma-ri mừng rỡ, chạy rầm rập lên gác, vào buồng Thừa, tay cầm một tờ giấy đánh máy:

– Ông ơi! ông được quan thống sứ cử làm đại biểu nhân dân Bắc Kỳ.

Ma-ri cười ha hả:

– Sướng quá! Danh giá quá! Khỏe lên, ông ạ. Ông đừng chết mà uổng đời.

Thừa cầm tờ giấy. Nhưng mắt hắn đã lờ đờ. Hắn thở khó lắm rồi.

Hai Điều nói khẽ:

– Trình bà lớn, hai chân ông lớn đã nề lên rồi.

Ma-ri thản nhiên:

– Thế thì ông đi mời ngay cụ tú Trác đến cho tôi hỏi.

Bỗng ở nhà dưới có tiếng reo, rồi tiếng con Ca-mê-li-a nói:

– Đi lên Đông Hưng viên, khao pa-pa được cử làm một cái sự nghị viên chúng mày ơi!

Hai Điều hỏi:

– Cụ tú Trác nào?

Tiếng con Rô-da-lin:

– Đ… vào Đông Hưng viên! Đ… có chỗ nhảy!

Ma-ri trả lời hai Điều:

– Cụ tú Trác mở hiệu đối trướng ở Hàng Bông ấy mà.

Thừa gắt:

– Đã chết đâu mà rối lên thế! Còn sống ít ra là ba hôm nữa.

Tiếng thằng Pôn:

– Ít cần nhảy nhé. Hôm nay chủ nhật. Ăn xong, chúng ông đi đánh cá ngựa.

Hai Điều nói:

– Con cứ tưởng cụ tú Trác là cụ lang.

Tiếng con Ma-gơ rít:

– Thế thì lên Mê-trô-pôn[120]! Bảo nó dọn cho buồng riêng. (*[120] Khách sạn của thực dân Pháp, lớn nhất Hà Nội. Nay vẫn là khách sạn, giữ nguyên tên.)

Tiếng con Ca-mê-li-a:

– Nhưng ăn ban ngày, làm gì có một cái sự âm nhạc.

– Đét cần. Đứa nào rủ bạn nấy, đem âm nhạc riêng đi mà chơi.

Tiếng thằng Giăng:

– Chả có thì tối tổ chức nhảy ở nhà. Ông với thằng Pôn phải đi đánh cá ngựa, không nhảy được.

– Nhưng ông cụ ốm. Nhảy ở nhà thì bất nhã lắm.

– Ít cần ông cụ nhé! Con Ca-mê-li-a lên bảo bà cụ cho tiền khao đi. Còn phải đi mời bạn, còn phải com-măng tiệc[121], kẻo muộn. (*[121] Đặt tiệc.)

Ma-ri nghe rõ từng ấy lời nói của các con. Hắn gọi Thừa:

– Ông! Ông!

Thừa nhìn Ma-ri:

– Chùm chìa khóa, ông để đâu?

Thừa nói không ra tiếng:

– Làm gì?

– Để tôi lấy tiền cho chúng nó đi khao nghị viên của ông.

– Không có tiền! Không khao!

Ma-ri dịu dàng:

– Ông! Ông!

Thừa nhăn mặt:

– Thế chỗ hai trăm tôi đưa hôm nọ đâu?

– Làm gì còn? Đã một trăm đặt cho người chủ nhà đòn rồi.

Thừa rên lên:

– Chưa chết đã sửa soạn chôn!

Ma-ri bực:

– Vả còn bao nhiêu món không tên nữa. Đấy, ông có giỏi thì dậy mà chi tiêu lấy. Tôi mặc kệ! Việc nhà ông thì ông lo!

Thừa lại rên lên. Ma-ri nói:

– Thế thì ông đưa thìa khóa đây! Cứ giữ khư khư như mả tổ ấy!

– Hết tiền rồi!