Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Trong khi nói chuyện, cụ Điều thỉnh thoảng vờ trông ra cửa, để cố nhìn cô Lễ. Cô Lễ thở dài, cụ có biết. Cho nên cụ thôi, không nói thêm về chuyện anh Thừa. Cụ chỉ cho cô ăn vừa đủ để cô thòm thèm. Cho cô ăn nhiều quá, cô sẽ chán ngấy. Đó là cụ đã theo đúng lệnh anh Thừa cho phép cụ.

Nhưng cụ Tú không muốn bỏ dở câu chuyện mà không bàn luận. Cụ nói:

– Thế thì ông ta là người theo chủ nghĩa yếm thế.

Cụ Điều đáp:

– Phải, tình duyên đã như vậy, mà bây giờ sự nghiệp lại như thế, cụ bảo không chán đời sao được?

Cụ Tú lắc đầu, than thở:

– Đời đáng chán thật, nhưng không nên chán đời. Như tôi, lỡ thời, đành chịu là phế nhân, ăn lương hàm chánh thất, như câu của ông Tú Xương, cam tâm làm nô lệ, thân lươn bao quản lấm đầu, như cô Kiều. Nhưng các ông trẻ tuổi bây giờ mà thiên về chán đời, thì là không phải. Mình sống ở đời, phải có danh gì với núi sông, như quan thượng Trứ, để góp công của mình làm cho đời không đáng chán nữa. Như vậy, tên tuổi của mình mới không mai một với cỏ cây.

Rồi cụ chứng thực lời nói của cụ bằng những học thuyết về cách sống của Khổng Tử, của Khang Đức, của Thúc Bản Hoa, của Lư Thoa, của Phúc-lộc-đặc-nhĩ, của Mạnh-đức-tu-cưu.

Cụ Điều như vịt nghe sấm, vội vàng thoái thác về, nói rằng phải đi coi bệnh cho con cụ án Nghệ ở Hàng Gai.

– Còn chuyện về văn chương, xin nợ cụ đến bận sau.

Cụ Tú không dám lưu khách, tiễn cụ Điều ra tận hè phố. Hai người chắp tay, vái dài nhau.

§4. Anh hùng mạt lộ

Thằng Pôn vắng vú em và vắng mẹ, nó khóc rạc người. Nhưng anh Thừa không thể làm gà sống nuôi con. Anh cũng không thể nuôi thêm cụ Điều vô công rỗi nghề. Anh phải được rảnh tay để nuôi thân anh. Cho nên anh cho cụ Điều ra. Anh nhờ cụ đem thằng Pôn về quê cho ông bà Bếp nuôi hộ.

Thấy cảnh tan rã, lúc chia tay, cụ Điều ngậm ngùi:

– Thôi, chẳng qua cái số ông là cái số vũ khúc tinh chiếu mệnh, cho nên ông giời không cho ông làm nghề gì lâu. Còn như tôi, tôi muốn theo ông suốt đời để kiếm chỗ nhờ vả. Sau này, ông có việc, ông cho gọi, tôi xin ra ngay.

Thật ra, cụ tiếc ngày nọ đã không nghe anh Xi rủ cụ thôi việc để cùng mở hiệu thuốc. Thời buổi nhố nhăng, cái mã ngoài còn giúp người kiếm ăn mạnh hơn cái giá trị thật.

Anh Thừa ở một mình trong căn gác nhỏ trông ra hồ Trúc Bạch. Thật là vắng vẻ và tĩnh mịch. Ngày hai buổi, anh đội cái mũ sụp xuống gần mắt, đến hàng cơm để ăn, rồi nằm khoèo ở nhà. Anh không muốn gặp bạn, không dám gặp bệnh nhân cũ. Anh tránh gặp những người chủ nợ, và tránh gặp Ma-ri mà anh coi như cái nợ đã trút được, sống ở nơi có phong cảnh, nước biếc, trăng trong, gió mát, tuy không phải là thi nhân muốn di dưỡng tính tình, cũng không phải triết nhân yếm thế muốn mai danh ẩn tích, anh chỉ là người đi trốn, cho nên anh thấy được khá yên ổn. Có điều vốn anh là người hiếu động, mà không có gì hoạt động để kiếm ăn, để trả nợ, ngày ngày đếm số tiền còn lại trong túi, anh buồn và lo lắm.

Đôi khi, anh nghĩ đến các bạn hữu, hồi còn có tiền, họ thường gạ anh cho họ đi ăn, đi hát. Bây giờ anh trông mong gì được ở họ? Anh tiều tụy. Chắc đâu họ phàn nàn hộ anh lấy một lời. Họ còn lờ anh, tránh anh như tránh một thằng hủi. Anh lạ gì thói đời. Có ai dại mà nhận thằng nghèo là bạn để nó bám như đỉa, mang tai vạ vào thân? Anh căm giận cái nghèo làm anh sống trơ trọi.

Anh nghĩ tới những nhân tình nhân ngãi, những người đã có con với anh. Ma-ri thì như con ngựa bất kham, lúc nào cũng lồng lên, không muốn ăn cương. Vợ cả anh thì như con trâu nhẫn nại, hiền lành, nhưng cục lên thì húc người ta đến lòi ruột. Còn Múi thì quả là con lửng ở trên rừng, mắt thong manh, không nhìn thấy đường đi, nên đâm quàng vào bụi rậm. Không biết rồi Múi đẻ con trai hay con gái? Không biết cả ba người hiện nay thế nào? Chắc chắn là họ không buồn nản, không lo lắng vì tuyệt sinh kế như anh bây giờ.

Anh nghĩ đến người có thể là nguồn hy vọng cho anh, là cô Lễ. Anh không biết xem mạch bệnh cô, nhưng biết xem mạch lòng cô. Anh nghiệm rằng, con gái càng kín đáo bao nhiêu, càng dễ lộ tâm tình bấy nhiêu. Cô Lễ sống bưng bít trong gia đình đạo đức kiểu ấy, tất là thật thà, không hiểu đời, không biết rằng ở đời còn có những người giả đạo đức, còn có những người có con mắt tinh nhìn phụ nữ. Và chính người thạo về khoa tâm lý phụ nữ là anh, đã đóng vai giả đạo đức để chinh phục cô. Một người con gái ít tiếp xúc với người lạ, thì hễ gặp một chàng trai đáng tin cậy, thì dễ như sắt gần nam châm, như rơm gần lửa. Mới đầu, gọi là phải lòng mặt. Phải lòng mặt thì thích gặp mặt. Gặp mặt rồi mê, mê lòng nhau. Phải lòng mặt hay phải lòng lòng chẳng qua chỉ là một.

Cô Lễ hay tìm ra bệnh để đến nhờ anh xem mạch, là cô đã phải lòng mạch anh. Trong thời gian này, anh đã dùng đạo đức giả để tấn công vào nhược điểm của cô. Cái kế hoạch ấy mầu nhiệm hơn cái kế hoạch thông thường của bọn công tử bột, đi chim gái, phải nát óc nghĩ bức thư, rồi rình ném vào người ta. Đối với một người dịu dàng như cô Lễ thì cách trắng trợn ấy dễ làm cô sợ. Vì nó mạnh quá, cô không quen, không chịu được. Có thể cô cự tuyệt. Cho nên anh chỉ tiến dần dần tí một, để đưa cô vào bẫy lúc nào cô không biết. Không biết thì không gỡ. Vả lại, nếu anh làm lộ liễu, Ma-ri biết, thì việc của anh hỏng. Vì vậy, đối với cô Lễ tình trong như đã, mặt ngoài còn e, anh càng làm như tình trong chưa đã. Một lần, trong khi nói chuyện, anh cố ý vô tình, để lỡ đặt lên bàn tay của cô. Một lát, cô mới giật ra. Lập tức, anh làm như hối hận, ngượng nghịu. Giả thử là một người thẳng thắn, thì từ đó cô không đến với anh nữa. Nhưng cô Lễ vẫn đến, mà mỗi khi vào buồng thăm bệnh, thấy anh ngồi một mình, thì cô có vẻ luống cuống, rõ là người kém tự nhiên. Nhưng lúc ấy thì con người ít nói lại hay hỏi và hay nói. Trong khi nói, cô trông đi nơi khác, nhưng lại bắt anh nhìn đôi má ửng đỏ của cô. Một người không có tình không thế. Đến lần cô mượn quyển Truyền thuốc bí truyền, thì anh hiểu là nỗi lòng của cô đã khiến cô mạnh dạn hơn. Và đến ngày tẩy chay, cô lui tới nhà anh để in cổ động, tuy lần nào cũng không đi một mình, nhưng anh thấy là cô nghiện anh rồi. Câu chuyện của anh bịa ra với người con gái Móng Cái mà cụ Điều kể với cụ Tú hẳn càng làm cô cảm phục anh là người có hậu, ăn ở có thủy có chung.

Nhưng bây giờ Phòng thuốc nhà giàu đóng cửa, anh không còn cớ gì, không còn dịp nào để vun đắp hy vọng với người con gái có của hồi môn khá lớn này.

Vậy thì làm thế nào để lấy được cô? Anh biết rằng nếu anh nhờ người đứng đắn đến hỏi, thì cô bằng lòng đấy. Nhưng khổ cho anh, là anh chưa được là người thất nghiệp, mà chỉ là thằng vô nghệ. Thì làm sao làm rể được cụ Tú không tán thành chủ nghĩa chán đời? Anh phải kiếm một việc cho ra con nhà học trò có đạo đức, xứng đáng với gia đình nho phong này.

§5. Một bậc thầy

Một hôm, vào khoảng mười giờ khuya, anh Thừa còn lang thang trên con đường Cổ Ngư. Anh chưa ăn cơm chiều, vì trong túi anh chỉ còn mỗi một tờ giấy bạc rách, mấy lần trước trả hàng cơm, mà người ta không nhận. Anh sực nghĩ đến những sòng bạc. Ở đây, dù là bạc rách, dù là bạc giả, cũng vẫn tiêu thụ được như thường. Đời này chẳng qua cũng chỉ là sòng bạc. Thế mà con người cũng rách, cũng giả, lại muốn làm ra bộ lành lặn, thật thà, chê đồ rách, đồ giả. Tờ giấy bạc này là của Ma-ri không biết đem ở đâu về, đổi cho anh lấy bạc lành. Bây giờ Ma-ri đã bỏ anh rồi, nhưng con người rách rưới, giả dối ấy còn để lại cho anh tai họa đến ngày nay.

Trăng rằm lên đã cao, mặt hồ Tây như tấm gương bạc. Vì có ánh sáng thiên nhiên, nên những cây đèn dầu hỏa ở đường không thắp. Một luồng gió bấc thổi mạnh, hơi lạnh lọt qua quần áo, làm anh rét buốt.

Bỗng anh nghe tiếng lạch cạch bánh xe sắt lăn trên gạch vụn. Anh tránh lên lề cỏ, và quay sang phía hồ Trúc Bạch để lánh mặt. Nhưng có tiếng gọi làm anh giật mình:

– Ai như bác Thừa ấy nhỉ, bác Thừa đấy à?

Anh nhìn xem ai. Người ngồi xe lại nói:

– A, bác Thừa! Ô chà chà! Tôi đi khắp các trường tư ở Hà Nội để tìm bác mà không gặp!

Anh Thừa đã nhận ra nhà văn Hoài Tân Tử cao cao và đen đen. Anh không hiểu có việc gì mà người này lại tìm anh, và tìm ở các trường tư? Hay định dò tung tích anh cho mấy người chủ nợ?

Nhưng tác giả Tình muôn thuở làm anh yên tâm ngay. Ông nhảy từ trên xe xuống đất, mừng rỡ, nắm chặt tay anh, rung thật lâu:

– Thế mà tình cờ tôi lại gặp bác ở đây!

Anh hỏi:

– Sao bác lại tìm tôi ở các trường tư?

– Tôi đoán vậy. Bọn trí thức chờ thời như chúng mình, khi chưa kiếm được công việc xứng đáng, thường hay đến buôn óc trong hai cái chợ tự do, là trường tư và tòa báo. Thì ra từ ngày đóng cửa Phòng thuốc, bác chưa đi dạy học?

Thấy giá trị của mình còn nguyên vẹn ở trong đầu óc nhà văn sĩ, anh Thừa vui sướng, bật lên tiếng cười, rồi đáp mập mờ:

– Trường hợp tôi lại khác.

Bỗng ông Hoài Tân Tử hắt hơi ba cái liền, lấy mù-soa chùi nước mắt, rồi nói:

– Tôi đương sốt. Muốn nói chuyện với bác nhiều. Vậy bác lên xe với tôi.

Anh Thừa hơi ngại. Vì bụng đói, anh chỉ muốn về nằm ngủ, đợi đến sáng mai, đem chiếc đồng hồ quả quýt đi bán, để lấy tiền ăn. Nhưng ông làng văn vừa nói, vừa kéo anh lên xe:

– Tôi mệt lắm. Gặp bác thì mừng, quên sốt được một lát.

Nói đoạn, ông vừa hắt hơi, vừa cầm cái cặp giấy bẹt bằng vải đặt ở đệm để ôm vào lòng, lấy chỗ cho anh Thừa ngồi. Anh Thừa hỏi:

– Ta đi đâu bây giờ?

– Đến nhà một người bạn tôi ở Yên Phụ. Vợ chồng anh này tốt lắm.

Anh Thừa lại ngại:

– Bác có cần tôi lắm không?

– Không cần mà tôi phải tìm bác?

Anh Thừa lên xe, lại nhắc câu mập mờ ban nãy:

– Trường hợp tôi khác.

Yên lặng một lát, ông Hoài Tân Tử vỗ vào đùi nói:

– À phải. Trước tôi cứ tưởng bác như người thường, đem học vấn để truyền bá ở trường tư cho bọn hậu sinh. Chứ tôi nghĩ đâu rằng tài học như bác, thì phải truyền nghề cho sinh viên Cao đẳng. Nhưng tôi xin nói thực, ở trường Cao đẳng, tây người ta dùng đốc-tờ làm giáo sư. Còn người mình, dù trình độ là bác sĩ, thì cũng phải có Pháp tịch mới đòi được hưởng ngang quyền lợi với họ.